Bão táp luôn luôn ào đến muốn vùi dập tôi. Từ cái tên của loài chim chúng tôi, con người đã tranh cãi om sòm rồi. Các nhà khoa học bảo rằng phải gọi chúng tôi là chim Di mới đúng. Người khác lại bảo phải gọi là chim Ri, như dân gian vẫn gọi mới hợp. Nhưng chúng tôi thích dân gian hơn, nên chỉ thích được gọi là chim Ri. Người ta còn đưa loài chúng tôi ra để ví von nữa chứ. Nào là “Chim Ri là dì Sáo Sậu”. Nào là “Khóc như Ri”… Chẳng hiểu loài người có hiểu nỗi khổ của chúng tôi, mà ví von “Khóc như Ri”. Chuyện khóc này đúng đấy, nhưng dài lắm, tôi sẽ kể sau. Thuộc loại “chim trời cá nước”, số phận mỏng manh nên loài chúng tôi chỉ thọ được khoảng vài chục năm. Nhưng quá nửa trong chúng tôi, thực tế chỉ sống được vài phần tuổi thọ, bởi nhiều tai họa.
Ấy là do ông Giời bắt thế. Nắng lửa. Mưa dầm. Giông bão… Mọi thứ đều có thể khiến chúng tôi chết yểu. Chưa kể còn bị các loài chim dữ chộp lấy ăn tươi nuốt sống, hoặc các loài rắn nuốt chửng khi chúng tôi còn trong trứng. Nhưng, đó là chuyện của Giời. Giời sinh ra chúng tôi. Giời cho sao, chúng tôi hàm ơn nấy. Còn bắt thế nào, cũng cam chịu. Chúng tôi không dám oán thán. Trong câu chuyện này, tôi chỉ dám kêu Giời để Giời cứu giúp chúng tôi khỏi họa do con người tạo ra. Cái họa phóng sinh! Không hiểu Phật có dạy người làm thủ tục Phóng sinh không? Phật dạy thế nào? Chúng tôi không biết.
Nhưng, cái thủ tục ấy khiến loài chim chúng tôi vô cùng khốn đốn. Cứ vào tháng 7 âm lịch hàng năm, là vào mùa phóng sinh, cũng tức là vào mùa săn bắt lũ chim chúng tôi. Người ta săn bắt chúng tôi bằng mọi cách, để bán cho những người có “từ tâm”, làm phóng sinh, có nghĩa là lại thả chúng tôi về trời! Thế gọi là phóng sinh ư? Loài chim chúng tôi không chỉ bị tiêu diệt trong mùa phóng sinh, mà hầu như quanh năm ngày tháng.
Cho nên, trước khi vào chuyện phóng sinh, tôi kể lại những điều tai nghe mắt thấy mà cái đầu nhỏ bé của tôi ghi lại được. Đáng sợ nhất là lối bắt chim theo kiểu tận diệt. Họ dăng lưới cao lồng lộng, quây kín cả một góc đồng. Rồi họ đánh động. Các đàn chim hoảng hốt bay lên, ào ào sa lưới. Có khi cả đàn chim sẻ mắc lưới, vẫy vùng tuyệt vọng, thảm thê vô cùng. Vào mùa thu hoạch, lũ chim Ri chúng tôi bay tới các cánh đồng lúa đã gặt để mót những hạt thóc rơi rụng. Có ngờ đâu, lưới đã giăng, người đã rình rập. Chỉ mấy tiếng đập mạnh từ bàn tay con người, chúng tôi hoảng sợ bay lên. Quá nửa đàn sa phải lưới, vẫy vùng. Tôi và mấy bạn nhanh nhẹn nhất đàn, lao vút lên trời rồi bay ngang, thoát chết. Người ta bảo, chim phải tên, thấy cành cây cong cũng sợ. Còn tôi, thoát lưới, bay đâu cũng thấy như bị bủa vây. Bay ngang một cánh đồng, thấy bóng người thấp thoáng, mặc dù đôi cánh đã mỏi rã rời, chúng tôi cũng không dám sà xuống nghỉ ngơi.
Trời lại nổi gió đùng đùng. Mây đen kéo đến ùn ùn. Rồi mưa xối xả. Những hạt mưa đan chéo quất vun vút vào đôi cánh nhỏ bé của chúng tôi. Thấy một vùng cây xanh ở phía đầu làng, chúng tôi bay vội tới. Thì ra, đó là một ngôi chùa, với rất nhiều cây cối xanh rì. Chúng tôi lượn một vòng, rồi sà xuống cây nhãn gần đầu ngôi chùa. Chấp chới, tôi vướng phải sợi dây điện, rơi xuống đất. Không thể nào bay lên, tôi bất lực nằm thở dốc. Bỗng thấy một bóng người đi tới. Tôi sợ hãi nghĩ rằng, mình đã đến lúc tận số. Người ấy mặc bộ quần áo nâu, đầu không tóc. Người ấy cúi xuống, nhè nhẹ cầm lấy tôi. Tôi chỉ biết nhắm mắt, mặc cho số phận xô đẩy. Người ấy đi vào bếp, lấy khăn thấm thấm nước mưa trên cơ thể tôi, rồi đến ngồi bên bếp lửa, miệng Nam mô…
Tôi hiểu rằng, đó là một nhà sư. Được hơ ấm, bộ lông của tôi khô dần, người tôi khỏe lại. Nhà sư đem tôi trở lại phòng nghỉ, đặt tôi nằm lên một tấm khăn bông êm ấm. Tôi choàng tỉnh sau một giấc ngủ li bì. Trời đã sáng. Mưa đã tạnh. Gió đã lặng. Nhà sư lại nhẹ nhàng cầm lấy tấm thân nhỏ bé của tôi, đi về phía hàng cây. Ở đây, đàn Ri của tôi vẫn trú ngụ. Nhà sư khẽ tung tôi lên. Tôi thấy mình khỏe vô cùng, bay vụt lên, nhập vào đàn. Lúc này, tôi hiểu thế nào là phóng sinh theo kiểu nhà Phật rồi. Người ta bảo “Đất lành chim đậu”, tìm được ngôi chùa bình yên, chúng tôi ở hẳn lại đó, làm tổ trên những cây cau cao vút. Ngày qua ngày, tôi đã có được hai đứa con nhỏ xinh. Thức ăn quanh chùa không hiếm, cuộc sống của chúng tôi thật là dễ chịu. Nhưng rồi, tai họa ập đến. Đầu tiên là việc chồng tôi mất mạng. Như thường lệ, sáng hôm ấy chúng tôi chia nhau bay ra mấy cánh đồng sát chùa để kiếm ăn. Chồng tôi vừa sà xuống một bụi cỏ để bắt con cào cào nhỏ thì bỗng nhiên không thể bay lên được. Thôi chết rồi, chồng tôi sa bẫy, loại bẫy dính bằng nhựa cây! Vùng vẫy thế nào cũng không thoát.
Tôi chỉ còn biết bay quanh, kêu lên những tiếng kêu thảm thương, uất nghẹn. Có mấy thanh niên hùng hục lao tới. Tôi đành bay đi. Các con tôi còn chờ tôi ở tổ… Về tới tổ, nhả hai hạt thóc cho con ăn, tôi run run nhớ rằng, bây giờ là tháng 7, tháng phóng sinh. Chính vì vậy, ngôi chùa bình yên không còn bình yên nữa. Lũ người săn chim Ri để bán cho những người “từ tâm” làm phóng sinh đã lần mò tới đây rồi. Họ không giăng lưới, mà đặt các bẫy dính khắp nơi quanh chùa. Có mấy kẻ rình rập định vào chùa hốt chim tại ổ, bị nhà sư xua đuổi, nhưng vẫn lởn vởn quanh chùa. Tôi lo lắm. Hai đứa con của tôi đang tập bay, sa vào tay chúng thì khốn. Sợ dính bẫy nhựa cây ở cánh đồng gần chùa, tôi bay về hướng đông kiếm mồi. Bay một hồi, tôi thấy dưới tầm mắt mình là một cái hồ rộng mênh mông. Bên bờ hồ, rất đông người.
Tới gần, mới biết họ đang thực hành phóng sinh. Ô tô. Xe đẩy. Gồng gánh. Đủ loại phương tiện chở các loài vật phóng sinh tới - chim, ốc, cá. Ốc có từng sọt, từng thúng. Người ta khiêng ra bờ hồ, đổ xuống hoặc dùng tay bốc, vứt xuống hồ. Với ốc, chỉ nhìn thấy vỏ cứng, nhẵn bóng cho nên không phân biệt đâu là con sống, đâu là con chết, không thấy sự biểu hiện nào của nỗi thống khổ. Tuy nhiên, nhìn xa hơn một tý, có thể thấy vô vàn vỏ ốc nổi lều bều, minh chứng cho cái họa loài ốc gặp phải. Về cá, có nhiều loại, nhiều nhất là cá chép vàng. Được thả trong thùng, thúng hoặc trong các túi ni lông, con cá nào cũng lờ đà lờ đờ, dở sống dở chết. Nhiều con đã chết trước khi được phóng sinh. Nhiều con được thả xuống nước, vừa ngáp ngáp mấy cái, vật vờ quẫy đuôi, đã bị một thằng bé đầu trọc cầm vợt vợt lên, bỏ vào giỏ. Nhưng, thảm thê nhất là loài chim chúng tôi. Những người bán chim nhốt đủ loại chim vào các lồng tre, liên tiếp bắt ra từng cặp để bán cho những người phóng sinh. Vùng vẫy, quẫy lộn trong lồng đến tung lông, rướm máu vẫn không thoát. May mắn thì có những con chim còn khỏe, khi được tung lên, là lấy đà lao vút đi, thoát chết - thế là được phóng sinh.
Nhưng, có những con trông vẫn khỏe mạnh, mà không thể cất cánh bay lên, hóa ra đã bị vặt trụi lông một bên cánh. Chấp chới bay lên một đoạn, lại rơi bịch xuống đất, lọt vào tay những thằng bé tinh ranh đang chờ sẵn. Lại có không ít con sức yếu, bị chết trong lồng. Chọn phải con chết, người mua chim vứt đến bạch một cái xuống đất, thế là phóng sinh thành phóng tử! Nhìn cảnh phóng sinh, sợ quá, tôi quên cả kiếm mồi. Tôi giật đánh thót mình, nhớ đến hai đứa con đang ở trong tổ, không biết có dại dột mà tự tập bay, ra khỏi chùa không. Vội vàng lao về, tôi đậu ngay trên mép tổ, nhưng không thấy con đâu. Tôi bay quanh chùa một vòng. Tới vòng thứ hai, trở lại cửa chùa, tôi thấy hai đứa con bé bỏng của tôi đang ráng sức bay về phía gác chuông. Tôi vội kêu lên hết sức bằng âm thanh yếu ớt của loài Ri: “Tiíc ri… tiíc…” để gọi con lại. Ôi thôi, một luồng gió từ phía hồ thổi thốc tới. Hai con tôi chao nghiêng, sà xuống đám cỏ ngay phía ngoài cổng chùa! Một thằng bé tóc xù nhanh tay chộp được cả hai con! Tôi điên cuồng bay quanh, kêu rên thảm thiết. Thằng bé thản nhiên cầm hai con của tôi đi về phía hồ. Tôi liều mạng bay theo thằng bé, gọi con trong nỗi hoảng loạn cùng cực. Chưa tới hồ, vừa lên con đường lớn thì thằng bé dừng lại, bởi có một chiếc ô tô màu đen bóng đỗ bên đường và một người đàn ông mở cửa xe, vẫy nó: - Thằng kia, lại đây, tao mua chim! Thằng bé đi nhanh lại phía chiếc xe. Lúc này, ba người trong xe đã ra, đứng bên vệ đường - người đàn ông mặc bộ vét sang trọng, người đàn bà mặc váy đỏ, hoa hoét lòe loẹt, choàng khăn vàng lộng lẫy và một thằng bé béo tốt, cũng mặc vét như người lớn. Thằng bé nhìn chăm chăm vào tay thằng bán chim: - Con thích phóng sinh hai con chim này! Mẹ nó tiếp lời: - Gặp hai con chim tươi non thế này, phóng sinh là có phúc lắm, mua nhanh rồi đi phóng sinh, cầu cho bố mày lên chức, cho mẹ thắng dự án bất động sản ở Cầu Bùng, còn mày, sang năm du học Mỹ! - Đưa đây xem nào! Thằng bé áo vét cầm lấy đứa con bé bỏng của tôi, rồi dùng hai tay túm lấy hai đầu cánh, dang ra.
Bố nó hỏi thằng bán chim: - Bao nhiêu? - Năm chục hai con ạ! - Đắt thế, hai chục thôi! - Không được ạ. Năm chục, chim còn nguyên vẹn, vừa bắt được, rất khỏe, không bị vặt lông cánh, thế là rẻ ạ! - Ba chục có bán thì bán, không thì thôi. Trong cốp xe tao ối thứ để phóng sinh - ốc, cá, chim đủ cả. Thằng bán chim chần chừ một lúc, rồi đưa con chim cho ông mặc vét. - Đành vậy, để rẻ… Thằng bán chim chưa nói dứt câu thì giật bắn mình vì tiếng thét: “Chết tiệt! Chim mày bậy vào tay tao rồi!”. “Bẹt”, ông áo vét dang tay đập mạnh đứa con của tôi xuống đất. Nó bẹp dí, không một phản ứng. Cũng lúc ấy, thằng bé áo vét kêu lên: “Ôi, thôi rồi!”. Vì giật mình bởi tiếng thét và cú đập của bố nó, nó buông tay, khiến đứa con thứ hai của tôi vuột ra, bay đi. Đau đớn đến tan nát cõi lòng, tôi chùng chình, nửa muốn bay theo đứa con vừa thoát thân để bảo vệ nó, nửa lại muốn ở lại với đứa con bị đập bẹp dí dưới đất kia. Tôi thấy thằng bé đầu xù chìa tay ra và tiếng ông mặc vét quát: - Còn đòi tiền à? Cút! Thằng bé đầu xù sấn lại, bèn ăn một cái bạt tai như trời giáng. Ba người lên xe, nổ máy. Thằng bé đầu xù cũng bỏ đi. Còn lại đứa con bé bỏng của tôi nằm bất động trên đất…
Bay một vòng nhìn đứa con tội nghiệp của tôi lần cuối, rồi tôi bay tới nơi mà đứa con thứ hai của tôi vừa bay tới. Đó là gác chuông chùa. Hai mẹ con tôi chui vào hốc gạch ở trên nóc gác chuông. Con tôi run rẩy, kêu không thành tiếng. Tôi lo lắng vô cùng. Bọn bắt chim đang rình rập quanh đây. Ngôi chùa không thể làm nơi trú ngụ của chúng tôi nữa. Mà, mùa phóng sinh mới bắt đầu. Lánh nạn nơi đâu bây giờ?