Lập đoàn kiểm tra nguyên nhân cá chết hàng loạt trên sông Bàu Giang

Đoàn kiểm tra xác định cơ sở chế biến tinh bột mì đã xả thải trực tiếp ra môi trường, gây cá chết hàng loạt trên sông Bàu Giang, tỉnh Quảng Ngãi.

Sáng 9-5, UBND huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi cho biết vừa phối hợp với UBND xã Nghĩa Trung lập đoàn kiểm tra nguyên nhân cá chết hàng loạt trên sông Bàu Giang.

Lập đoàn kiểm tra nguyên nhân cá chết hàng loạt trên sông Bàu Giang - Ảnh 1.

Cơ sở chế biến tinh bột mì xả thải trực tiếp ra môi trường.

"Bước đầu, đoàn kiểm tra ghi nhận một cơ sở chế biến tinh bột mì ở thôn An Hà 1, xã Nghĩa Trung đã xả trực tiếp nước thải không qua xử lý ra môi trường. Nhiều khả năng, cơ sở này là thủ phạm gây tình trạng cá chết hàng loạt trên đoạn sông Bàu Giang" - ông Nguyễn Tuấn Kiệt, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung, nhận định.
Lập đoàn kiểm tra nguyên nhân cá chết hàng loạt trên sông Bàu Giang - Ảnh 2.

Cá chết hàng loạt trên sông Bàu Giang.

Mấy ngày qua, trên một đoạn sông Bàu Giang (chảy qua xã Nghĩa Trung và thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa) xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt, bốc mùi hôi thối, nước sông có màu nâu đục, nổi bọt, khiến người dân lo lắng.

Lập đoàn kiểm tra nguyên nhân cá chết hàng loạt trên sông Bàu Giang - Ảnh 3.

Tình trạng cá chết xuất hiện trên đoạn sông dài khoảng 500m.

 

Theo người dân xã Nghĩa Trung, tình trạng cá chết, bốc mùi xuất hiện khoảng 3-4 ngày qua. "Nguyên nhân chính là do cơ sở chế biến tinh bột mì xả thải trực tiếp, khiến cá chết rất nhiều. Tình trạng cá chết này lâu lâu lại xuất hiện một lần, khiến người dân chúng tôi rất lo lắng", ông Võ Đình Toản (ở xã Nghĩa Trung) cho biết.

Lập đoàn kiểm tra nguyên nhân cá chết hàng loạt trên sông Bàu Giang - Ảnh 4.

Nước thải từ cơ sở chế biến tinh bột mì chảy ra sông.

Năm 2010, nhiều hộ dân sống ở thôn An Hà 1 đã gửi đơn kiến nghị đến chính quyền địa phương về việc cơ sở chế biến tinh bột mì xả thải trực tiếp ra môi trường, có mùi hôi rất khó chịu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người xung quanh. Tuy nhiên, đến nay, cơ sở chế biến tinh bột mì vẫn hoạt động.