Lợi ích của rau mùng tơi
Theo Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), rau mồng tơi chứa nhiều dưỡng chất quan trọng như natri, lipid, kali, chất xơ, carbohydrate, protein, canxi, sắt và nhiều loại vitamin như A, B6, B12, C, D. Chỉ cần một bát nhỏ rau mồng tơi nấu chín mỗi ngày đã cung cấp đủ lượng vitamin A và sắt cho nhu cầu của cơ thể.
Rau mồng tơi còn thúc đẩy tiêu hóa nhờ bổ sung chất nhầy và chất xơ hòa tan, giúp giảm tình trạng táo bón. Với tính hàn, vị chua, không độc, rau mồng tơi hỗ trợ lợi tiểu, giải độc, làm đẹp da, trị rôm sảy, mụn nhọt và hỗ trợ điều trị thiếu máu, say nắng. Nước cốt từ rau mồng tơi có thể làm lành vết bỏng, và khi hầm với chân giò, nó rất tốt cho người bị đau nhức xương khớp.
Bệnh viện Quận 11 (TP.HCM) cho biết, vitamin C trong lá mồng tơi cao gấp 3 lần rau cải, vitamin A cao gấp 1,5 lần rau cải xoăn (cải kale). Một số nhà nghiên cứu cũng đã báo cáo hoạt tính kháng ung thư, chống oxy hóa và chống viêm của rau mồng tơi do có chất beta sitosterol.
Rau mồng tơi chứa axit folic, một loại vitamin B quan trọng giúp ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh bẩm sinh như tật nứt đốt sống. Sắt trong rau mồng tơi rất có lợi cho phụ nữ mang thai, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và phòng chống ung thư. Chất nhầy pectin có khả năng hấp thụ cholesterol xấu, giúp giảm cân hiệu quả.
Ai nên hạn chế ăn?
Loại rau này giàu chất dinh dưỡng nhưng chứa lượng axit oxalic và purin cao. Vì vậy, nếu ăn quá nhiều có thể khiến hàm lượng canxi oxalate trong nước tiểu tích tụ trong cơ thể dễ gây sỏi thận. Hàm lượng axit uric cao tăng nguy cơ bệnh gút. Do đó, người bị sỏi thận, gút nên hạn chế ăn mồng tơi.
Ngoài ra, rau mồng tơi có tính mát, thanh nhiệt, chống táo bón nên người đang bị tiêu chảy, đại tiện lỏng không nên ăn. Món ăn từ rau mồng tơi sau khi chế biến bạn nên ăn hết trong ngày, mỗi lần ăn nên hâm nóng lại. Bạn cần tránh để qua đêm, rau mồng tơi có thể biến chất dẫn tới ngộ độc.