Sản xuất không tách rời công nghệ cao
Nông nghiệp là thế mạnh sản xuất chính của tỉnh Long An với ngành kinh tế chủ lực là lúa gạo. Tiềm năng phát triển của ngành này là rất lớn, cụ thể: Tổng diện tích lúa gieo cấy năm 2022 đến nay đạt 473.145 ha, đạt 97,9% kế hoạch, tăng 1,7% so với cùng kỳ. Diện tích thu hoạch 267.763,2 ha, năng suất (khô) bình quân đạt 6,26 tấn/ha, sản lượng 1,68 triệu tấn, đạt 60,9% kế hoạch, giảm 3,5% so với cùng kỳ; sản lượng lúa chất lượng cao đạt 1,072 triệu tấn, tăng 36.000 tấn so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao trong vùng đề án là 29.341,9 ha, đạt 48,9% kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, diện tích rau ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017-2020 là 1.829,3 ha đạt 103,2% kế hoạch năm 2022; lũy kế đến tháng 6/2022 là 1.829,3 ha đạt 91,5% giai đoạn 2021-2025. Diện tích thanh long vùng công nghệ cao là 4.019,2 ha, đạt 66,9% kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Diện tích chanh ứng dụng công nghệ cao là 140 ha, đạt 24% kế hoạch năm 2022; lũy kế đến nay, diện tích chanh ứng dụng công nghệ cao là 345.6 ha, đạt 11,5 % kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Diện tích tôm ứng dụng công nghệ cao là 10 ha, đạt 10% kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Xây dựng được 03 mô hình điểm chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao và tổ chức 02 lớp tập huấn kỹ thuật trong chăn nuôi bò thịt.
Thương mại điện tử nông sản
Đồng thời, tỉnh Long An cũng đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, qua đó đã cập thông tin 24 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, 31 sản phẩm OCOP tỉnh Long An, danh sách 867 cơ sở được cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm để đưa vào vận hành sàn giao dịch điện tử nông sản an toàn của tỉnh. Hướng dẫn tạo lập dữ liệu vùng trồng thanh long để đưa lên bản đồ số phục vụ cho tra cứu thông tin tại xã Dương Xuân Hội, Châu Thành, Long An và đưa vào vận hành hệ thống kết nối cung cầu nông sản an toàn tỉnh Long An.
Bên cạnh những kết quả đạt được từ chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã cho thấy những thành tựu ban đầu rất khả quan, nông nghiệp phát triển với tốc độ khá cao theo hướng sản xuất hàng hoá, năng suất, chất lượng và hiệu quả. Nhưng cạnh đó, sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: thời tiết biến đổi bất thường, nắng nóng đầu vụ, dịch hại trên đồng ruộng diễn biến phức tạp gây hại trên diện tích lúa gieo sạ sớm làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, giá cả vật tư đầu vào, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá xăng dầu tăng cao, công lao động khan hiếm, ô nhiễm môi trường,... Ngoài ra, do vẫn còn ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên giá cả nông sản đầu ra vẫn chưa ổn định.
Chủ động thích ứng biến đổi khí hậu
Để những thành tựu đạt được tương xứng với tiềm năng và nâng cao giá trị ngành nông nghiệp, tỉnh Long An tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và hạn mặn; chuyển dịch cơ cấu trong ngành phù hợp với tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản gắn với ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Tập trung chuyển giao nhanh ứng dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thực hành nông nghiệp tốt (GAP), đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hoá. Đồng thời, cần phải nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và sức khỏe con người trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Ngoài ra, phải tiếp cận và làm chủ một số công nghệ cao trong nông nghiệp của thế giới có thể ứng dụng vào điều kiện cụ thể của tỉnh Long An, để sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Mục tiêu, nhiệm vụ đến năm 2025 là thực hiện hiệu quả chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp với định hướng nâng cao chất lượng, mở rộng thêm các đối tượng, địa bàn tiềm năng khác. Trong đó, xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa là 60.000 ha, thanh long: 6.000 ha, cây chanh: 3.000 ha, duy trì 2.000 rau ứng dụng công nghệ cao, con tôm: 100ha ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng 01 điểm cung cấp giống bò chất lượng cao và 1 mô hình khép kín từ sản xuất - giết mổ, tiêu thụ và đến sản xuất phân bón hữu cơ.