Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, truy xuất nguồn gốc góp phần tạo nền tảng cho việc sản xuất và lưu thông hàng hoá trong nền kinh tế số, giúp doanh nghiệp, HTX đáp ứng quy định của quốc tế và quốc gia nhập khẩu. Đặc biệt, đối với nhiều thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, truy xuất nguồn gốc đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với hàng hoá nhập khẩu.
Quy định nghiêm ngặt
Ở góc độ sản xuất, nhiều HTX đã nắm được điều này và thực hiện khá tốt để bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc theo nguyên tắc từ trang trại đến bàn ăn như HTX Chúc Sơn, HTX rau Cuối Quý (Hà Nội), HTX dịch vụ nông nghiệp công nghệ số Bình Phước… Tuy nhiên, vẫn còn không ít HTX chưa hiểu rõ vai trò hoặc gặp khó khăn trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn, trên địa bàn tỉnh có khoảng 500 HTX, trong đó 60% là HTX nông nghiệp nhưng tỷ lệ HTX thực hiện truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ, tem điện tử thông minh còn rất thấp, chưa đến 20 HTX áp dụng.
Ông Nguyễn Văn Võ, Giám đốc HTX quế, thạch Tân Hòa (Lạng Sơn), cho biết ngay trong việc ghi nhật ký, mã số vùng trồng hiện nay vẫn còn rất khó khăn vì thành viên HTX phần lớn là nông dân nên vẫn xảy ra tình trạng sao chép của nhau. Trong khi quy trình sản xuất đảm bảo yêu cầu trong xuất khẩu có nhiều quy định nghiêm ngặt buộc thành viên phải thực hiện nghiêm túc.
Chẳng hạn đối với HTX sản xuất theo quy trình hữu cơ phục vụ xuất khẩu sang Mỹ, EU thì khâu đánh giá cân bằng khối lượng trong một năm, HTX có diện tích cụ thể là bao nhiêu, sản lượng khoảng gần 100 tấn, thì ban đánh giá của HTX phải kiểm tra từng hộ thành viên, xem mỗi hộ thu hoạch với năng suất bao nhiêu, có cho ra đúng tổng sản lượng của HTX hay không. Nếu HTX dùng để chế biến thì hết bao nhiêu sản lượng, và đã tiêu thụ hết bao nhiêu, trong kho còn bao nhiêu, có đúng sau khi chia ra không?
Ngay cả lượng hàng mà doanh nghiệp thu mua, HTX xuất bán qua đối tác nào, bao nhiêu trong tổng 100 tấn đó thì HTX cũng phải ghi rõ và tính toán cả phần hao hụt (chẳng hạn 100kg nông sản tươi chỉ cho ra 30kg khô…). HTX cũng phải ước tính với diện tích đã có, năng suất và sản lượng năm tới là bao nhiêu?
Đặc biệt, số lượng thành viên, thành viên ra, vào, bị dừng hoạt động, bị đuổi ra khỏi nhóm sản xuất của HTX cũng đều phải ghi rõ, và thông báo lập tức cho đơn vị chứng nhận, vì đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa hữu cơ.
Theo các chuyên gia, chỉ riêng trong khâu làm việc với đơn vị thầu phụ, HTX cũng phải có những quy định chặt chẽ. Nghĩa là trong khi thực hiện một dự án, HTX có thể thuê đơn vị đánh giá từ bên ngoài, thuê đơn vị vận chuyển hoặc thậm chí theo Luật HTX 2023, HTX có thể thuê người bảo đảm chất lượng về hỗ trợ các chức danh còn thiếu trong bộ máy lãnh đạo… Để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, HTX phải kiểm soát được các đơn vị này thông những hợp đồng, những cam kết cụ thể.
Chẳng hạn đối với đơn vị vận chuyển nông sản từ vùng nguyên liệu đến xưởng tập kết, bắt buộc xe vận chuyển phải được làm sạch, không được cùng lúc vận chuyển sản phẩm thông thường ngoài sản phẩm hữu cơ để tránh sự trùng lẫn. Xe vận chuyển không được dùng để chở các hóa chất cấm và xe cũng không được làm sạch bằng các hóa chất không có trong danh mục đối với quy trình sản xuất hữu cơ… Những việc này phải được thông qua các hợp đồng với nhà thầu phụ.
Đây là một vài khâu trong quá trình truy xuất nguồn gốc nếu như HTX sản xuất theo quy trình hữu cơ châu Âu, hữu cơ Mỹ cần làm. Dù là sản xuất theo quy trình nào, nhìn chung truy xuất nguồn gốc vốn là một hệ thống định danh sản phẩm, thu thập và lưu trữ thông tin về sản phẩm theo thời gian, địa điểm nhằm quản lý thông tin về chất lượng của sản phẩm.
Cụ thể như tiêu chuẩn GlobalGAP yêu cầu nông dân, HTX phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát từ khâu canh tác đến thu hoạch, chế biến, bởi GlobalGAP là quy trình tập trung vào yếu tố an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. GlobalGAP cũng là một trong nhưng tiêu chuẩn tối thiểu để các sản phẩm hàng hóa vào được các siêu thị ở EU, vì thế HTX, doanh nghiệp Việt phải đảm bảo đáp ứng các quy định về nguồn gốc, xuất xứ trong tiêu chuẩn này.
Nhà quản lý cần có năng lực
Theo Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), truy xuất nguồn gốc đòi hỏi tính chuẩn hóa cao. Tuy nhiên, nếu các đơn vị sản xuất làm được điều này sẽ chứng minh được với đối tác rằng HTX có đủ năng lực trong việc bảo đảm chất lượng, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngược lại, nếu HTX không làm được thì sẽ dẫn đến tình trạng hàng bị lỗi, trả về và các nước sẽ có những chế tài nghiêm khắc hơn.
Muốn xuất khẩu thuận lợi, việc đảm bảo các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc là điều các HTX cần làm và cần tuân thủ. Để làm được điều đó, theo các chuyên gia, đội ngũ lãnh đạo, kiểm soát viên của HTX phải có đủ năng lực, nếu không sẽ khó nhận ra sự không logic giữa các vấn đề liên quan trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh.
Chẳng hạn, một thành viên trong HTX không đảm bảo quy định bảo vệ diện tích hữu cơ bằng cách trồng thêm cây họ đậu để bảo vệ môi trường, gia tăng nguồn dinh dưỡng cho đất. Nếu lãnh đạo, kiểm soát viên nội bộ của HTX là người có năng lực thì sẽ biết trong trường hợp này nên cho thành viên thời gian để trồng bổ sung cây họ đậu hay phải dừng sản xuất hoặc không được thu mua nông sản trong khoảng thời gian nhất định…
Hay khi thuê nhà thầu phụ, lãnh đạo hoặc ban kiểm soát HTX phải có khả năng kiểm tra, đánh giá nhà thầu phụ để tránh những rủi ro về sau. Việc HTX thuê bên thu mua làm thầu phụ cũng không được các đơn vị chứng nhận đánh giá cao vì khó tạo ra sự minh mạch cho sản phẩm. Nguyên nhân là bên thu mua lúc nào cũng muốn có sản phẩm để mua hoặc khi nhiều hàng, họ lại không muốn thu mua nữa. Điều này ảnh hưởng đến những kết quả đánh giá, đầu ra của nông sản. Thay vào đó, việc thuê đơn vị thầu phụ nên nghiêng về những đội ngũ kỹ thuật, có sự am hiểu về quy trình sản xuất, xuất khẩu… sẽ được các đơn vị chứng nhận và nhà nhập khẩu đánh giá cao hơn.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện truy xuất nguồn gốc, tình trạng xung đột lợi ích trong HTX vẫn có thể xảy ra. Điều này có thể do những người lãnh đạo có thể nhân nhượng, cả nể cho những thành viên làm sai, làm chưa đúng quy trình, từ đó không tạo ra sự khách quan, công bằng giữa các thành viên, vừa ảnh hưởng đến tính minh bạch, quá trình truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.
“Nhiều khi lãnh đạo HTX chỉ muốn xây dựng thương hiệu, giúp thành viên bán được hàng, nhưng chính điều này sẽ dẫn đến xung đột lợi ích, ảnh hưởng đến tính toàn vẹn, minh bạch của sản phẩm”, ông Lê Quý Hòa Bình, Quản lý chứng nhận nông nghiệp - Công ty TNHH Control Union Việt Nam, chỉ rõ.