Mỗi ngày một lời Bác Hồ dạy: 18/6

“Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại buổi làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương, ngày 18 tháng 6 năm 1968, để bàn về cách thực hiện điều mà Bác đã đề nghị với Ban Bí thư Trung ương Đảng làm và xuất bản loại sách “Người tốt, việc tốt”. Đây là thời điểm mà công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta ở miền Nam thu được nhiều thắng lợi quan trọng, nhưng cũng đặt ra những khó khăn thách thức mới.

hoc-tap-va-lam-theo-bac-1718682423.jpg
Bác đã đề nghị với Ban Bí thư Trung ương Đảng làm và xuất bản loại sách “Người tốt, việc tốt”

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao truyền thống hào hùng của dân tộc, thành tích vẻ vang của Đảng và mỗi con người trong sự nghiệp kiến quốc và đấu tranh giải phóng dân tộc; mà còn nhắc nhở các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan của Nhà nước, Chính phủ phải triệt để đấu tranh khắc phục tư tưởng sống thỏa mãn trong hào quang, chiến thắng của ngày hôm qua, phải luôn tiến về phía trước, đấu tranh loại trừ ra khỏi hàng ngũ của Đảng, bộ máy nhà nước những người “sa vào chủ nghĩa cá nhân” không còn đủ tư cách, tha hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân. Thực hiện lời dạy của Bác, toàn Đảng toàn dân, toàn quân ta đã đem hết tài năng và sức lực cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là thành tựu hơn 30 năm đổi mới, lời dạy của Bác năm xưa vẫn vẹn nguyên giá trị, là tư tưởng chỉ đạo, bài học thực tiễn sâu sắc để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam đã trưởng thành về mọi mặt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, thực sự là lực lượng chính trị, lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong hai cuộc kháng chiến trước đây. Tư tưởng của Bác tiếp tục là ánh sáng soi đường xây dựng quân đội ta vững mạnh toàn diện, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở nền tảng, bảo đảm cho quân đội luôn tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng; không mơ hồ, mất cảnh giác trước âm mưu thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch. Đồng thời, mỗi cán bộ, chiến sĩ kiên quyết đấu tranh trên mặt trận lý luận tư tưởng, loại trừ chủ nghĩa cá nhân; khơi dậy tinh thần thi đua sáng tạo, phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.

Ngày 18/6/1919, văn kiện “Yêu sách của nhân dân An Nam” ký tên Nguyễn Ái Quốc thay mặt Nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, đã được gửi tới Hòa hội Vécxây (Versailles), nơi các nước thắng trận họp để phân chia trật tự thế giới sau Đại chiến lần thứ Nhất. Văn kiện này cũng được gửi tới một số đoàn đại biểu tham dự và được đăng tải trên nhiều tờ báo ở Pháp.

Nội dung yêu sách gồm 8 điểm:

1) Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;

2) Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những bảo đảm về mặt pháp luật như người Âu châu.

3) Tự do báo chí và tự do ngôn luận.

4) Tự do lập hội và tự do hội họp.

5) Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương.

6) Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ.

7) Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật.

8) Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ”. Cùng ngày, một bức thư cũng ký tên Nguyễn Ái Quốc đã gửi tới Tổng thống Mỹ “kèm theo đây là bản ghi các yêu sách của nhân dân An Nam. Chúng tôi mong Ngài ủng hộ trước những người có thẩm quyền...

Nguyễn Ái Quốc lúc đầu là tên chung của Nhóm người Việt Nam yêu nước, sau đó, Nguyễn Tất Thành đứng ra chịu trách nhiệm trước chính quyền thực dân về văn bản này và kể từ đó cái tên Nguyễn Ái Quốc trở nên nổi tiếng gắn với một thời kỳ hoạt động sôi nổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhận xét về văn kiện này, Bộ Nội vụ Pháp khẳng định: “Qua cuộc điều tra, có thể rút ra kết luận rằng hiện nay linh hồn của phong trào đó chính là Nguyễn Ái Quốc”.

Ngày 18/6/1922, vở kịch “Con Rồng tre” (Le Dragon de Bambou) của Nguyễn Ái Quốc được “Câu lạc bộ Ngoại ô”(Club de Faubourg) công diễn tại Pari. Vở kịch dựng hình tượng con rồng tre để vạch trần bản chất bù nhìn của Nam triều và được trình diễn 6 ngày trước khi “Hoàng đế An Nam” Khải Định đặt chân tới Pari. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ngoại ô Lêông Pônđê (Léo Poldes) nhận xét: “Tôi đã đọc bản thảo. Thật là hay, thật là đẹp, lời văn vừa chải chuốt vừa gọn gàng, với những cái châm biếm dí dỏm của Aristophane”.

Ngày 18/6/1946, nhân kỷ niệm Ngày Kháng chiến, trong thời gian lưu lại Biarritz, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn Việt Nam sang dự Hội nghị Phôngtennơblu (Fontainebleau) đã đến đặt vòng hoa tại Đài chiến sỹ trận vong ở địa phương.

Ngày 18/6/1965, trả lời phỏng vấn của báo Pravda (Sự Thật) của Liên Xô, Bác nêu rõ: “Cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước hiện nay động viên đến mức cao nhất truyền thống đoàn kết chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thắng lợi vẻ vang”.