Sau 30 năm Người trở về Tổ quốc vào đúng dịp Tết
Năm 1940, nắm được tin Pháp bị rơi vào tay phát xít Đức, tại Côn Minh (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập cuộc họp Ban Hải ngoại của Đảng.
Người phân tích: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ”1.
Ngày 28/1/1941 (mồng 2 Tết Tân Tỵ), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau 30 năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Người, Đảng ta đã chuẩn bị kỹ càng, chu đáo về lực lượng chính trị (Mặt trận Việt Minh), lực lượng vũ trang (Việt Nam Giải phóng quân), căn cứ địa cách mạng (Việt Bắc), hợp tác với phe Đồng minh chống phát xít, phát động cao trào kháng Nhật cứu nước, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam và sau đó cải tổ thành Chính phủ cách mạng lâm thời, nắm vững thời cơ kêu gọi toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền.... Kết quả là, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và nước ta giành được độc lập.
Tết này mới thật Tết dân ta
Tết Bính Tuất (1946) là Tết Độc lập đầu tiên của nước Việt Nam mới. Do đó, báo Quốc gia, một tờ báo tư nhân ở Hà Nội, do ông Lê Quang Thiều làm chủ bút cho rằng, số Tết âm lịch của báo phải có bài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc.
Chủ bút Lê Quang Thiều và phóng viên Lê Chương đã đến Bắc Bộ Phủ đề nghị Người viết cho một bài để đăng ở trang nhất. Người tiếp các nhà báo của báo Quốc gia rất thân mật và vui vẻ nhận lời đề nghị của tòa báo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sau đó đã gửi cho báo Quốc gia một bài thơ xuân của Người: “Tết này mới thật Tết dân ta/Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia/Độc lập đầy vơi ba cốc rượu/Tự do vàng đỏ một rừng hoa/Muôn nhà đón mừng Xuân Dân chủ/Cả nước hoan nghênh phúc Cộng hòa/Ta chúc nhau rồi, ta nhớ chúc/Những người chiến sĩ ở phương xa” (Tặng báo Quốc gia).
Người làm bài thơ này là để khẳng định nền độc lập, tự do của đất nước ta, dân tộc ta. Người cũng lấy thơ xuân để đoàn kết lòng dân, cổ vũ nhân dân tham gia bảo vệ nền độc lập, tự do.
Báo Quốc gia số Tết Bính Tuất (1946) được độc giả đón nhận nhiệt liệt. Tờ báo in đi in lại nhiều lần mà vẫn không đáp ứng đủ cho bạn đọc.
Điều đặc biệt là ông Lê Quang Thiều (chủ bút của báo) đã quyết định tặng tất cả số tiền phát hành số báo đó vào công quỹ của Nhà nước để phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc.
Tết Bính Tuất năm 1946 diễn ra khi đất nước mới giành được độc lập vài tháng trước. Nạn đói vẫn chưa được đẩy lùi, lại gặp họa quân Tưởng vào giải giáp quân Nhật tại miền Bắc và quân Pháp xâm lược ở miền Nam. Bởi thế, đời sống của nhân dân ta rất khó khăn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trên Báo Cứu quốc số 147 (ra ngày 21/1/1946) như sau: “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái. Trong lúc này toàn quốc đồng bào từ giàu đến nghèo, từ già đến trẻ, ai cũng sửa soạn ăn Tết mừng Xuân.
Tôi kêu gọi đồng bào và các đoàn thể làm thế nào để chia sẻ cuộc vui Xuân mừng Tết với: Những chiến sĩ oanh liệt ở trước mặt trận, những gia quyến các chiến sĩ, Những đồng bào nghèo nàn. Sao cho mọi người đều được hưởng các thú vui và Tết Xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập”.
Người gặp lại ân nhân sau gần 30 năm vào đúng dịp Tết
Luật sư Francis Henry Loseby là người đã bào chữa cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vụ án năm 1931 ở Hồng Kông và gia đình luật sư cũng đã giúp đỡ Người thoát khỏi sự truy lùng của bọn thực dân.
Với mong muốn gặp lại ân nhân của mình, Người đã mời gia đình luật sư Loseby thăm Việt Nam một tuần, từ ngày 26/1/1960 đến ngày 3/2/1960, đúng vào dịp diễn ra Tết Canh Tý.
Luật sư Loseby đã sang thăm Việt Nam cùng vợ và một cô con gái. Gia đình luật sư Loseby rất xúc động khi được chính vị Chủ tịch nước dù bận trăm công nghìn việc vẫn ra tận nơi đón.
Trong những ngày ở Hà Nội, gia đình luật sư Loseby đã đi thăm nhiều danh lam thắng cảnh của Thủ đô. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm gia đình luật sư Loseby khá thường xuyên và nói chuyện rất chân tình.
Trong buổi đến thăm và gặp gỡ cán bộ công nhân Nhà máy Cơ khí Trung quy mô ở Hà Nội, ngày 2/2/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu luật sư Loseby và khẳng định: “Bác xin giới thiệu với các cô chú, đây là luật sư Loseby, ân nhân của Bác”.
Gia đình luật sư Loseby rời Việt Nam sau một tuần ở thăm. Người đã tiễn cả gia đình luật sư ra tận sân bay Gia Lâm. Tình cảm của Người dành cho gia đình luật sư Loseby như những người thân trong gia đình.
Người kêu gọi ăn Tết vui vẻ, lành mạnh, tiết kiệm
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kêu gọi người dân đón Tết Nguyên đán theo hướng tiết kiệm. Đầu năm 1958, Người về tham gia chống hạn ở xã Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội.
Khi ấy còn 1 tháng 10 ngày nữa mới đến Tết Mậu Tuất (1958), tại buổi nói chuyện với nhân dân trong xã, Người góp ý: “Năm ngoái bà con ăn Tết mổ lợn, mổ bò... rồi thiếu trâu bò cày.
Đấy là chưa kể rước sách linh đình, đồng bóng bói toán thật là lãng phí, ảnh hưởng không tốt đến thuần phong mỹ tục. Năm nay, nhất định sửa. Tết năm nay phải là Tết vui vẻ, lành mạnh, tiết kiệm”.
Dịp gần đến Tết Canh Tý (1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài “Mừng Tết Nguyên đán như thế nào?” (ngày 18/1/1960). Trong đó Người nêu những việc đáng chê, đáng khen trong việc ăn Tết, nhắc nhở cán bộ phải làm gương, hướng dẫn nhân dân ăn Tết vui vẻ, tiết kiệm.
Người nhận định: “Suốt năm chúng ta thi đua lao động sản xuất, những ngày Nguyên đán, chúng ta vui chơi một ngày để chào Xuân. Việc đó cũng đúng thôi. Nên chúng ta mừng Xuân một cách vui vẻ lành mạnh.
Nếu có bao nhiêu tiền bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng Xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không Xuân”. Người đã kêu gọi: “Mừng Xuân, Xuân cả thế gian/Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân”.
Người tìm hiểu đời sống của nhân dân vào dịp Tết
Vào đêm Ba mươi Tết Giáp Thìn năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và chúc Tết cán bộ công nhân tại Khu tập thể Nhà máy cao su, Nhà máy xà phòng, Nhà máy thuốc lá; Khu tập thể cán bộ miền Nam tập kết ở phố Phan Đình Phùng và một số gia đình ở Hà Nội; gia đình công nhân Nhà máy nước Phan Huy Nhật; Trưởng ban bảo vệ khu phố Nguyễn Văn Tố; nhà khoa học Nguyễn Xiển; giáo sư, bác sỹ Trần Hữu Tước; Việt kiều Phan Văn Chúc.
Lúc sinh thời, cứ vào dịp đêm Ba mươi Tết, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đi thăm và chúc Tết nhân dân. Kinh nghiệm dân gian là “Giàu nghèo ba mươi Tết mới hay”. Bởi vậy, qua cảnh chuẩn bị đón Tết ở mỗi nhà, Người sẽ biết được đời sống của nhân dân một cách sâu sát hơn.
Theo Nguyễn Văn Toàn/thitruongtaichinhtiente.vn