Một dự án âm nhạc đặc biệt của NSƯT Hương Giang và Nhà báo Vương Xuân Nguyên

Vừa qua, nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/1925 - 21/6/2025), PV truyền hình Thông tấn đã có cuộc trao đổi với Nhà báo Vương Xuân Nguyên và NSƯT Hương Giang về dự án “Sử dụng kỹ thuật thanh nhạc nhạc vào giảng dạy và thực hành biểu diễn các ca khúc cách mạng, ca khúc mang âm hưởng dân ca”. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi.
 PV truyền hình Thông tấn đã có cuộc trao đổi với Nhà báo Vương Xuân NguyênNSƯT Hương Giang 

PV: Xin kính chào quý vị khán giả của chương trình Đa Văn Hóa. Thưa quý vị, quý vị vừa được xem những hình ảnh của MV "Tình Sen". Đây là một sáng tác lời thơ của nhà báo Vương Xuân Nguyên, phần nhạc và phần trình bày của Nghệ sĩ Ưu tú Hương Giang. Vâng, thưa quý vị, cặp đôi nghệ sĩ - nhà báo, nhà giáo Vương Xuân Nguyên và Nghệ sĩ Ưu tú Hương Giang cũng đã và đang cùng thực hiện một dự án âm nhạc vô cùng thú vị. Họ cũng chính là những vị khách mời đặc biệt của chúng tôi trong chương trình ngày hôm nay. Xin trân trọng giới thiệu tới quý vị và các bạn sự hiện diện của hai vị khách mời. Đầu tiên, xin được giới thiệu nhà giáo, nghệ sĩ ưu tú Hương Giang và chắc chắn không thể thiếu sự đồng hành của nhà báo Vương Xuân Nguyên trong chương trình ngày hôm nay.

Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Vâng, xin chào Yên Khương, xin chào quý vị khán giả, rất vui trong những ngày báo chí này lại được giao lưu cùng với đồng nghiệp về một chủ đề hết sức thú vị.

PV: Vâng, chương trình của chúng ta được phát sóng vào đúng ngày 21 tháng 6. Quý vị khán giả vừa rồi đã được xem những hình ảnh và ca từ tuyệt vời của MV "Tình Sen". Đây chính là một sáng tác dựa trên lời thơ của anh Vương Xuân Nguyên và phần nhạc, phần trình bày của Nghệ sĩ Ưu tú Hương Giang. Đầu tiên, chúng tôi muốn nghe anh chị chia sẻ về MV này và ca khúc này.

Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Vâng, chúng ta đã biết, sen gắn liền với hồn dân tộc, trải dài khắp các vùng đất của chúng ta. Các loại sen đều có thể thích nghi và phát triển tốt, đặc biệt là Sen Tây Hồ, Sen Nghệ An gắn liền với hình ảnh Bác Hồ, rồi Sen Đồng Tháp gắn với hình ảnh cụ thân sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày nay, sen có một vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế và văn hóa, đặc biệt là du lịch. Năm nay cũng là lần đầu tiên chúng ta tổ chức Festival Sen ba miền. Vừa rồi, nhân ngày sinh nhật Bác, chúng ta đã tổ chức Festival Sen ở Đồng Tháp và Nghệ An vào ngày 12 tháng 7, cũng là ngày kỷ niệm 55 năm ngày giỗ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Chính vì những sự kiện như vậy và những yêu cầu mới trong việc phát triển cây sen gắn với giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, chúng tôi đã tìm những ý tưởng để viết về loài sen, một nét đẹp thanh tao, nói lên rất nhiều về những người con ưu tú của quê hương trong ca khúc này cũng như thông điệp bản chất khí phách của con người Việt Nam là con Lạc cháu Hồng luôn hướng tới khát vọng tươi đẹp của đất nước.

PV: Ca khúc này được phổ nhạc theo hình thức âm nhạc dân gian đương đại, pha lẫn những âm hưởng của ca trù. Thế thì, Nghệ sĩ Ưu tú Hương Giang, chị có thể chia sẻ khi đọc những lời thơ của anh Vương Xuân Nguyên, những cảm xúc ấy như thế nào để khiến chị quyết định sáng tác phần nhạc cho ca khúc này?

NSƯT Hương Giang: Thật ra thì trước đó, Giang và Xuân Nguyên rất hay nói chuyện về sen. Nguyên cũng bảo rằng năm nay Hương Giang sẽ cố gắng sáng tác một bài gì đó, nhưng Giang chưa biết chọn chủ đề như thế nào. Trong cảm giác vừa yêu sen, vừa thấy sen là một loài hoa rất thanh tao, trong sáng, tinh khiết, và nghị lực. Giang đã yêu sen từ trước, nhà của Giang gần như 95% là tranh về sen. Khi Vương Xuân Nguyên viết lời cho sen, Giang nghĩ sen ở giữa Hà Nội thì Giang sẽ chọn phong cách dân gian ca trù để mang âm hưởng đó, rất phù hợp với Hà Nội. Giang cứ tưởng tượng một bông sen khi được nhú trồi lên thì rất khó khăn vượt qua giai đoạn khó khăn, thử thách, Giang nghĩ sen là một loài hoa nghị lực để Giang chọn sáng tác. 

PV: Tôi còn nhận thấy hai phiên bản MV "Tình Sen" mà anh chị đã thực hiện rất xúc động. MV này sẽ được lan tỏa trong Festival Sen Hà Nội diễn ra vào tháng 7 tới đây. Chúng tôi cũng được biết rằng ca khúc "Tình Sen" và một số MV khác của anh chị là phần tiếp theo trong dự án "Sử dụng kỹ thuật thanh nhạc vào giảng dạy và thực hành biểu diễn các ca khúc cách mạng, ca khúc mang âm hưởng dân ca". Điều gì đã khiến anh chị quyết định thực hiện dự án như vậy, thưa anh Nguyên?

Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Vâng, chúng tôi có may mắn được 17 năm đồng hành cùng đồng chí Đỗ Phượng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Trong quá trình này, chúng tôi đi khắp các vùng miền, nhà báo Đỗ Phượng khuyến khích mọi người dùng âm nhạc để nói về sản phẩm của các địa phương. Trong giai đoạn thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", chúng tôi muốn dùng các ca khúc để giới thiệu vẻ đẹp các vùng miền, làng nghề, và tăng giá trị thông qua âm nhạc dẫn đến gia tăng giá trị. Tuy nhiên, những ca khúc đi cùng năm tháng bị lãng quên trong trào lưu âm nhạc mới. Chính vì vậy, chúng tôi quyết định hợp tác với Nghệ sĩ Hương Giang để làm mới các ca khúc. Việc này đòi hỏi phải dùng đến chuyên môn thanh nhạc của Nghệ sĩ Hương Giang đi vào những câu chuyện đời thường làm sống lại những nội dung về làng quê những tính chất văn hóa trong các ca khúc. Chúng tôi muốn kể những câu chuyện của làng quê, quê hương đất nước qua các ca khúc mới mẻ.

pv2-1719229132.jpg

Nhà báo Vương Xuân Nguyên và NSƯT Hương Giang 

PV: Vâng, chúng tôi hiểu rằng phần linh hồn âm nhạc trong dự án này dựa vào sáng tạo của Nghệ sĩ Hương Giang. Trong quá trình thực hiện dự án, chị nhận thấy việc đưa kỹ thuật thanh nhạc vào làm mới các ca khúc cách mạng và dân gian mang lại những giá trị mới như thế nào?

NSƯT Hương Giang: Trước khi giảng dạy ở Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Giang đã có nhiều năm biểu diễn, đi khắp các vùng trên cả nước. 6 năm công tác ở miền Tây Đồng Bằng Sông Cửu Long, sau đó lại công tác ở Nhà hát Ca Múa nhạc Quân Đội, Giang đến tất cả các vùng miền thì mỗi vùng miền có văn hóa và âm nhạc riêng rất hay. Tuy nhiên, trong sự giao thoa ồ ạt âm nhạc mới, những ca khúc dân gian không còn được đón nhận nhiều. Giang cảm thấy tiếc và có trách nhiệm đưa các ca khúc đó đến với mọi người. Giang mong muốn những ca khúc đi cùng năm tháng và dân ca phải được sống lại, mà sống phải thật hay. 

PV: Hành trình dự án này đã đang đi tới đâu, đã làm được những điều gì? Ở phần tiếp theo của chương trình, chúng tôi mời nhà báo Vương Xuân Nguyên, mời nghệ sĩ ưu tú Hương Giang cùng quý vị khán giả chúng ta sẽ tiếp tục đến với một phóng sự mà chúng tôi đã thực hiện.

Phóng sự: Được triển khai từ tháng 6 năm 2023, dự án sử dụng kỹ thuật thanh nhạc vào giảng dạy và thực hành biểu diễn các ca khúc cách mạng, ca khúc mang âm hưởng dân ca do nhà báo Vương Xuân Nguyên và nghệ sĩ ưu tú Hương Giang thực hiện, mong muốn lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc, truyền cảm hứng sống tích cực cho thế hệ trẻ thông qua việc làm mới các ca khúc chính ca, ca khúc trữ tình cách mạng. Qua một năm thực hiện, dự án đã công bố được 3 bài báo khoa học, 15 phóng sự chuyên đề hòa âm phối khí và thu thanh làm mới được gần 100 ca khúc, phát hành 30 MV nghệ thuật gắn với những ngày lễ và sự kiện lớn của thủ đô cũng như đất nước, công diễn hai chương trình nghệ thuật. Trong đó, ca khúc "Khắc ghi tên người Bác Ba Lê Duẩn" do nghệ sĩ ưu tú Hương Giang thể hiện đã xuất sắc được Hội nhạc sĩ Việt Nam trao giải thưởng Âm nhạc Việt Nam 2023. Trước đó, ca khúc "Lời Bác dặn trước lúc đi xa" được khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đưa vào giới thiệu với du khách trong và ngoài nước đến tham quan nơi ở và làm việc của Người. Trong năm 2024, nghệ sĩ ưu tú Hương Giang và nhà báo Vương Xuân Nguyên tiếp tục triển khai dự án, trong đó tập trung thu thanh, làm mới các ca khúc cách mạng, ca khúc mang âm hưởng dân ca ngợi ca tình yêu quê hương đất nước. Nghệ sĩ ưu tú Hương Giang là thượng tá quân đội, giảng viên thanh nhạc trường Đại học Văn Hóa Nghệ Thuật Quân Đội, người gắn với nhiều giải thưởng tại các kỳ hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc cũng như toàn quân trong hành trình suốt 30 năm hoạt động nghệ thuật từ 1994 đến 2024. Còn nhà báo Vương Xuân Nguyên là Tổng thư ký Tòa soạn tạp chí khoa học phát triển nông thôn Việt Nam, trưởng ban chuyên đề tạp chí điện tử văn hóa và phát triển với 25 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí truyền thông. Anh được biết đến là một cây viết chính luận sâu sắc, một nhà hoạt động xã hội năng động gắn với nhiều dự án thiết thực. 

PV: Hành trình tạo ra được những kết quả như thế là một hành trình không hề đơn giản

Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Chúng tôi đã dồn hết năng lượng của mình để làm một ca khúc đầu tiên. Ca khúc đầu tiên đó là một ca khúc về Bác Hồ, với lời bài hát "Lời Bác dặn trước lúc đi xa", một ca khúc rất quen thuộc với mọi người. Tuy nhiên, chúng tôi có tham vọng thể hiện tinh thần và niềm tự hào của thế hệ trẻ ngày hôm nay khi nghe "Lời Bác dặn trước lúc đi xa", như một lời di chúc, như lời hứa hẹn với Bác rằng chúng ta sẽ giữ yên giấc ngủ cho Người. Chúng tôi muốn đem hơi thở của thời đại vào ca khúc này bằng cách làm mới và thể hiện qua giọng hát của Hương Giang, một người cùng quê với Bác. Đây là một lợi thế để thể hiện đúng cái chất dân ca trong bài, hội tụ cả dân ca ba miền.Vì vậy, chúng tôi tin rằng ca khúc này sẽ thể hiện rõ nhất tinh thần và đề tài của bài hát, tức là làm sao một ca khúc đã đi cùng thời gian, ăn sâu vào nhiều thế hệ và gắn liền với nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Chúng tôi đặt ra bài toán là làm sao để vượt qua tất cả những thành tựu đó và kế thừa được nó như thế nào. Thông qua ca khúc thành công này, chúng tôi tìm thấy lời giải để tiếp tục tiến tới những ca khúc khác, mang đến những gì mà đất nước mong muốn nghe và những câu chuyện về làng quê. Chúng tôi cũng phối hợp với một số cơ quan để tạo ra những điểm chạm nhất định. Ví dụ như phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong sự kiện về làng nghề, chúng tôi giới thiệu bài "Hà Nội Linh Thiêng Hào Hoa". Chúng tôi giới thiệu thông qua những hình ảnh, câu chuyện, cảm xúc và sự tương tác giữa nghệ sĩ với không gian tại Hoàng Thành Thăng Long trong một Festival để giới thiệu về tinh hoa, hào hoa và linh thiêng của Hà Nội. Hoặc tại Festival Lúa gạo quốc tế, chúng tôi giới thiệu bài "Đàn Sáo Hậu Giang", giới thiệu toàn bộ khách quốc tế và truyền hình trực tiếp tại 14 quốc gia. Chúng tôi tìm cách giới thiệu con đường lúa gạo của Việt Nam như thế nào, từ dầm mưa dãi nắng, từ những cánh đồng bát ngát, cho đến đời sống vui tươi của người dân.

Nhà báo Vương Xuân Nguyên:  Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với những hoạt động mang hơi thở của xã hội, những sự kiện lớn của đất nước, để có những tác phẩm không chỉ của riêng Xuân Nguyên và Hương Giang, mà là sản phẩm của tất cả mọi người tham gia, kể cả những người nghe cũng có những đóng góp. Chúng tôi làm những MV tốt hơn, ví dụ như trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi xa, đã có hàng trăm ca khúc viết về Đại tướng, nhưng chúng tôi quyết định chọn ca khúc "Tiếng Đàn" của nhạc sĩ An Thuyên để kể lại câu chuyện "Tiếng đàn" đã vang lên vào buổi chiều mùa thu năm 2013 và sau 10 năm, tiếng đàn ấy như thế nào? Chắc chắn sau 10 năm nữa chúng tôi sẽ làm lại tiếng đàn với tinh thần mới. Chúng tôi muốn chia sẻ mỗi tác phẩm nghệ thuật phải vị nhân sinh, gắn hơi thở cuộc sống và được chính những người trong cuộc tham gia. Những nỗ lực không chỉ là của chúng tôi, mà còn cả các cơ quan cùng đồng hành. Việc đồng hành của các cơ quan thông tấn báo chí có vị trí hết sức quan trọng. 

PV: Tôi thấy lợi thế của nhà báo đã giúp nhà báo Vương Xuân Nguyên có nhiều kết nối tuyệt vời. Dự án của chúng ta lấy kỹ thuật thanh nhạc để áp dụng vào biểu diễn ca khúc cho xã hội đương đại. Vậy cách chị đã làm với các ca khúc trong dự án này thời gian vừa qua được thực hiện như thế nào? 

NSƯT Hương Giang: Khi dạy, Giang thường phân tích cho học sinh rằng trước khi hát mình phải hiểu câu chuyện của ca khúc đó. Như ca khúc "Đất Nước" về tiếng đàn bầu, về người mẹ của đất nước, ai cũng hát rất hay và Giang thấy chưa ai hát không hay bài đó. Giang hát làm sao chưa có ai giọng Saparano chữ tình mà lại chọn bài Đất Nước để hát, vì bài đất nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn gần như viết cho giọng nam cao nhưng Giang chọn cách kể chuyện về người mẹ theo cách của mình, nhẹ nhàng tinh tế nhưng không kém phần hào sảng, có những điểm nhấn nhất định. Giang nghĩ thanh nhạc đạt đến đỉnh cao là hát một cách tinh tế. Giang luôn dành phần kỹ thuật hát tinh tế cho những ca khúc làm mới lại.

PV: Tôi rất thích chia sẻ của nghệ sĩ ưu tú Hương Giang. Với góc độ người nghe, chúng ta hiểu rằng kỹ thuật là căn bản, nhưng quan trọng hơn là cảm xúc. Nghe anh chị chia sẻ về dự án từ đầu tới giờ, tôi thấy ông bà ta có câu "Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn". Sự kết hợp của anh chị thật tuyệt vời, một nhà báo, một nghệ sĩ đầy tâm huyết với văn hóa, âm nhạc Việt Nam đã tạo ra những bước đầu tiên. Nhưng trong quá trình thực hiện dự án, có khi nào anh chị gặp khúc mắc hay mâu thuẫn không?

pv1-1719228925.jpg

PV Truyền hình Thông tấn trao đổi với Nhà báo Vương Xuân Nguyên và NSƯT Hương Giang

Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Tôi xin chia sẻ, vì làm báo có những yêu cầu cùng một ca khúc nhưng phải mang được thông điệp của sự kiện. Ví dụ khi làm chương trình cho nông thôn mới, chúng tôi muốn Hương Giang hát bài "Trồng cây lại nhớ tới Người", bài này được nhạc sĩ Đỗ Nhuận soạn lời theo làn điệu dân ca xứ Nghệ. Chính vậy chúng tôi yêu cầu Hương Giang viết bốn câu hò vào đầu toát lên tinh thần nông thôn mới chứ không phải viết cách đây 40 năm. Ở sự kiện khác về ngành Muối nông nghiệp, chúng tôi yêu cầu hát bài "Hạt muối quê hương". Một người nghệ sĩ khi đã rất trau chuốt tác phẩm nhưng trong một thời gian ngắn bắt nhịp phải phù hợp với chương trình. 

NSƯT Hương Giang: Đến giai đoạn tuổi như Hương Giang, mọi người thường an phận, không mong muốn hát nhiều nữa, nhưng Vương Nguyên nhóm lại ngọn lửa đam mê. Giang thích hát, nhưng gặp Vương Nguyên, người đưa động lực và nhãn quan của nhà báo, chọn ca khúc phù hợp sự kiện, giai đoạn, ngày kỷ niệm. Giang tin tưởng chuyên môn của nhau, không có xung đột trong câu chuyện âm nhạc hay dự án. 

Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Trong quá trình thực hiện dự án đây cũng là một cơ hội thêm nữa để anh chị, bằng chính thế mạnh về nghề nghiệp của mình, chia sẻ với nhau nhiều hơn. May mắn từ lúc học đại học, tôi đã được gặp nhà báo Đỗ Phượng và suốt quá trình sau đó được đồng hành cùng nhà báo Đỗ Phượng, người luôn đi đầu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong tư duy báo chí. Ông có tư duy về hệ sinh thái báo chí từ sớm và đặt ra vấn đề về tính thông điệp và giá trị cốt lõi của mỗi bài báo, mỗi tin. Chính vì vậy, việc sử dụng âm nhạc trong hội nghị, trong bài báo hoặc bất cứ sự kiện nào thường được coi như một miếng trầu mở đầu. Trong quá trình hoạt động, những năm gắn bó với Thông tấn xã và sau này là Hội Sinh Vật Cảnh, với nhiều văn nghệ sĩ, trong đó có nhạc sĩ An Thuyên. Chúng tôi trao đổi rất nhiều dự án trên tinh thần nhà báo Đỗ Phượng và nghệ sĩ An Thuyên. Hôm nay ngày báo chí thì được cái bày tỏ cái lòng của mình rất là lớn đối với lại nhà báo Đỗ Phượng cũng như là nhạc sĩ An Thuyên. Hôm nay cũng xin phép là chúng tôi có thành lập một cái viện khoa học kinh tế và phát triển văn hóa đương đại chúng tôi cũng đang làm việc với một số cơ quan chức năng để mà xin làm hai giải thưởng một là giải thưởng âm nhạc An Thuyên và hai là giải thưởng báo chí Đỗ Phượng đi tìm tiếng nói chung trong đa dạng loại hình văn hóa.

PV: Các anh chị đã có một điểm tựa tinh thần tuyệt vời từ những người thầy của mình, từ những bậc tiền bối đi trước đã trao truyền lại nhiều ý tưởng hay và những giá trị cốt lõi cần đạt được trong hành trình làm nghề của mình. Câu chuyện báo chí kết hợp với âm nhạc, tạo nên một hệ sinh thái cho âm nhạc và cho những câu chuyện tiếp theo là điều rất tuyệt vời.

NSƯT Hương Giang: Chú An Thuyên là chú ruột của Hương Giang, nhưng cũng là người thầy của Giang, người đã định hướng cho Giang theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Như một sự duyên nợ, tất cả những giải thưởng của Hương Giang đều là từ các tác phẩm của chú. Mặc dù chú không chọn riêng cho Giang và cũng không thiếu tác phẩm, nhưng không hiểu sao Giang rất hợp với các tác phẩm của chú. Trong dự án âm nhạc, Giang và Xuân Nguyên cũng chọn nhiều ca khúc mà Giang đã được giải và muốn làm mới lại những ca khúc đó. Giang đặc biệt thích ca khúc "Có Một Dòng Suối Trong Lành" của nhạc sĩ An Thuyên. Đây là một ca khúc thính phòng trữ tình nhẹ nhàng nhưng có kỹ thuật rất cao, đòi hỏi người hát phải có học hành mới có thể xử lý được tác phẩm đó. Giang nghĩ đó cũng là trách nhiệm của mình, sẽ phải làm lại và lan tỏa những ca khúc của chú.

PV: Kết lại chương trình hôm nay, các anh chị có thể lựa chọn và gửi tới khán giả của chúng tôi một ca khúc được không ạ? 

NSƯT Hương Giang: Hương Giang rất thích ca khúc "Có Một Dòng Suối Trong Lành" của nhạc sĩ An Thuyên. Xin mời quý vị cùng lắng nghe.

PV: Vâng, cảm ơn nhà báo Vương Xuân Nguyên, cảm ơn nghệ sĩ Hương Giang rất nhiều. Ca khúc "Có Một Dòng Suối Trong Lành" của nhạc sĩ An Thuyên, trình bày bởi nghệ sĩ ưu tú Hương Giang, chính là lời chào và lời chúc may mắn của chúng tôi gửi tới quý vị trong chương trình ngày hôm nay.