Một số chính sách và giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Thành phố Hà Nội

18/08/2022 15:38

Từ thành tựu trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, công nghệ cao (CNC) là công cụ quan trọng nhất để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa. Thành phố Hà Nội nhận thức rất rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Bài viết tổng hợp một số chính sách, thực trạng phát triển NNCNC ở Hà Nội hiện nay và rút ra một số giải pháp chính sách phát triển NNCNC cho thành phố.

1. Một số chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Nội

Kể từ khi Luật Công nghệ cao ra đời ngày 13 tháng 11 năm 2008, Việt Nam đã có nhiều chính sách, Chương trình Quốc gia phát triển nông nghiệp công nghệ cao có thể kể đến đó là: Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về về việc phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC thuộc Chương trình quốc gia phát triển CNC đến năm 2020; Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục CNC được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm CNC được khuyến khích phát triển; Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14 tháng 3 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc quy định tiêu chí nông nghiệp CNC và phụ lục danh mục CNC áp dụng;...

Ngoài ra, Hà Nội đã có một số chính sách phát triển NNCNC riêng có thể kể đến như:

 - Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND ngày 9/7/2012 của UBND thành phố về việc phê duyệt Quy hoạch Phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030.

Theo đó, quan điểm phát triển nông nghiệp thành phố phải hiện đại trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và phương thức sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, quá trình đô thị hóa và nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân.

Mục tiêu phát triển chung là tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng năng suất và chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa tập trung lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu; giảm dần diện tích sản xuất cây lương thực đi đôi với việc phát triển lúa chất lượng cao; tăng sản xuất rau an toàn, hoa cây cảnh, cây ăn quả,…; phát triển mạnh chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, tập trung ngoài khu dân cư theo hướng ổn định; phát triển thủy sản theo hướng tập trung thâm canh, tăng nhanh năng suất, phát triển bền vững.

Trên cơ sở mục tiêu và kết quả giai đoạn 2011-2020, giai đoạn 2021-2030 tiếp tục tăng nhanh diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng nhanh nông sản qua chế biến; công nghiệp hóa hoàn toàn chăn nuôi, gia cầm, lợn; đẩy mạnh công nghiệp hóa chăn nuôi bò, thủy sản và một số vật nuôi khác; phấn đấu không còn chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư.

- Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND ngày 04/12/2013 của HĐND thành phố về chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung thành phố Hà Nội giai đoạn 2014 - 2020; Chính sách khuyến khích phát triển làng thành phố Hà Nội, Chính sách hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Chính sách này áp dụng cho các hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản phẩm trong vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ khuyến khích chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, vật nuôi (Hỗ trợ về giống cây trồng, thủy sản: được hỗ trợ 50% chi phí mua giống lần đầu; hỗ trợ phòng chống dịch bệnh đối với cây trồng: hỗ trợ 50% chi phí bảo vệ thực vật trong năm đầu và 30% trong năm thứ hai bao gồm: thuốc, công lao động, thuê máy. Hỗ trợ 70% chi phí trong năm đầu và 50% trong năm thứ hai chi phí bảo vệ thực vật khi sử dụng các chế phẩm sinh học, có nguồn gốc sinh học để phòng, chống dịch bệnh trong sản xuất rau, quả, chè an toàn...

- Quyết định số 27/2017/QĐ-UBND ngày 7/8/2017 của UBND thành phố về việc ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND ngày 04/12/2013 của HĐND thànhphoos về chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020.

- Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND ngày 8/7/2015 của HĐND thành phố về việc ban hành một số chính sách thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2016 - 2020.

- Quyết định số 28/2017/QĐ-UBND ngày 7/8/2017 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND ngày 8/7/2015 của HĐND thành phố về một số chính sách thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2016 - 2020.

- Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 5/12/2018 HĐND thành phố về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội (thay thế Nghị quyết số 04/2012/NĐ-HĐND ngày 05/4/2012 và Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND ngày 8/7/2015), có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Nghị quyết đề cập đến vấn đề: Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, thủy sản, để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Hỗ trợ xây dựng hạ tầng tại các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Hỗ trợ đào tạo nghề về sản xuất NNCNC, nông nghiệp hữu cơ, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường phục vụ phát triển liên kết...

Như vậy, chính sách từ trung ương đến địa phương đều hỗ trợ phát triển NNCNC, thành phố Hà Nội đã có những chính sách ưu đãi dành riêng cho NNCNC. Tuy nhiên, chính sách hướng dẫn thực hiện lại ban hành chậm khiến cho cả doanh nghiệp và các cấp chính quyền lúng túng và chưa thể thực hiện được các ưu đãi dành cho các mô hình NNCNC. Đơn cử như HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND ngày 8/7/2015 về một số chính sách thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2016 - 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, nhưng đến ngày 7/8/2017, UBND thành phố mới ban hành Quyết định số 28/2017/QĐ-UBND hướng dẫn thực hiện. Bởi vậy, để chính sách thực sự có ý nghĩa đối với phát triển NNCNC, thành phố cần rà soát quy trình và ban hành kịp thời, nhanh chóng các văn bản hướng dẫn thi hành, không để chính sách đã có mà chưa thể thực hiện được.

2. Thực trạng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội

Việc ứng dụng CNC đã được đẩy mạnh trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, cho năng suất vượt trội, giá trị cao, đảm bảo an toàn thực phẩm như: sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao; các trang trại trồng trọt sử dụng giống nuôi cấy mô, giống sạch bệnh, hệ thống tưới tiết kiệm, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới,…

Đến nay, Hà Nội chưa có khu, vùng NNCNC, mới chỉ bước đầu hình thành một số mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC làm tiền đề cho việc phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, như mô hình sản xuất rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh,... hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa về chăn nuôi bò sữa và sản xuất, chế biến các sản phẩm từ sữa tại Hà Nội.

Về tổ chức sản xuất, Hà Nội hiện có duy nhất 1 doanh nghiệp NNCNC được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, đó là Công ty TNHH XNK Kinoko Thanh Cao tại xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức, đây là mô hình sản xuất nấm theo công nghệ Nhật Bản với công suất hiện tại 1,5 tấn nấm/ngày, công suất tối đa đạt 3 tấn/ngày; giải quyết việc làm cho 25 lao động với mức lương từ 3,5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Về thị trường tiêu thụ, Công ty chỉ phân phối cho 2 đơn vị: Công ty Thực phẩm lý tưởng Việt Nam cho thị trường miền Bắc và 1 đơn vị ở thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến sẽ bán cho các nhà phân phối vào cửa hàng rau sạch, nhà hàng trung - cao cấp, một số siêu thị như Aeon, Vinmart.

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tính đến 2019, địa bàn thành phố có 133 mô hình ứng dụng NNCNC. Trong đó, các địa phương có nhiều mô hình, như: Mê Linh 18 mô hình, Gia Lâm 17 mô hình, Thường Tín 14 mô hình, Thanh Oai 10 mô hình, Sóc Sơn 9 mô hình, Đan Phượng 9 mô hình, Thanh Trì 7 mô hình,...  Trong số 133 mô hình, có 45 mô hình kinh tế hợp tác xã (chiếm 33,8% tổng số mô hình ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp), 45 mô hình kinh tế hộ gia đình (chiếm 33,8%) và 16 công ty (chiếm 12%). Trong đó, chỉ có 1 công ty là công ty TNHH XNK Kinoko Thanh Cao được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là doanh nghiệp NNCNC, còn lại các công ty khác là các công ty có ứng dụng CNC ở một số khâu vào sản xuất nông nghiệp nhưng chưa đủ điều kiện công nhận là doanh nghiệp NNCNC. Ngoài ra, một số mô hình sản xuất nhóm hộ có liên kết tiêu thụ sản phẩm rau an toàn theo chuỗi như mô hình sản xuất nhóm hộ có liên kết tiêu thụ sản phẩm rau an toàn theo chuỗi với HTX An Phát tại xã Yên Mỹ, Duyên Hà với 39 hộ trên diện tích hơn 2 ha, các hộ sản xuất theo kế hoạch của công ty, công ty thu mua theo giá đã thỏa thuận, HTX An Phát đã được cấp giấy xác nhận chuỗi thực phẩm an toàn,... 

mo_hinh_ung_dung

Nguồn: Kết quả phỏng vấn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (2019)

Về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong trồng trọt, có 2 mô hình sản xuất cây giống, 2 mô hình bảo quản nông sản, còn lại là 67 mô hình ứng dụng CNC vào sản xuất các loại rau, hoa và cây ăn quả (chiếm 50,4% tổng số các mô hình có ứng dụng CNC ở Hà Nội), trong đó chủ yếu là các mô hình sản xuất rau: 35 mô hình (26%), cây ăn quả: 15 mô hình (11,3%). Các mô hình này chủ yếu áp dụng các kỹ thuật canh tác vào sản xuất như ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới, màng phủ nông nghiệp, lưới tự động, thủy canh, các loại giống mới năng suất cao nhập khẩu từ nước ngoài; công nghệ sinh học, công nghệ tưới tiết kiệm, tưới phun sương,... Một số mô hình có đưa cơ giới hóa vào sản xuất như máy làm đất, máy gieo hạt, máy cấy.

Hiện nay, sản xuất rau của Hà Nội có 127 ha nhà lưới (chiếm 0,75% diện tích sản xuất rau của thành phố), trong đó có 47 ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, 7 nhà sơ chế rau với tổng diện tích 750 m2. Trong canh tác hoa có khoảng 150,8 ha bước đầu ứng dụng CNC ở một số khâu. Tổng diện tích nhà màng, nhà lưới của các vùng hoa hiện nay là 68,3 ha, trong đó có 0,1 ha bước đầu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Cây ăn quả có 1.127 ha sản xuất cây ăn quả ứng dụng CNC (chiếm 9,4% tổng diện tích cây ăn quả toàn thành phố), trong đó 634 ha ứng dụng giống chất lượng cao, 372 ha chuối ứng dụng 2 tiêu chí sản xuất NNCNC (giống nuôi cấy mô và bao buồng),... Cây chè có 356 ha (chiếm 10,2%) diện tích sản xuất chè ứng dụng CNC, trong đó: 30 ha ứng dụng đồng bộ CNC, 186 ha sử dụng giống mới giá trị và chất lượng cao, 90 ha sử dụng phân bón sinh học, hữu cơ, thuốc thảo dược, 30 ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm,...

Về ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, hiện có 37 mô hình chăn nuôi (chiếm 27,8% tổng số các mô hình ứng dụng CNC) từng bước áp dụng tự động hóa trong chăn nuôi lợn, bò sữa, gà,..

Trong công tác giống, sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo đối với đàn bò (đạt 100% với đàn bò sữa và 80% đối với đàn bò thịt), 83% đối với đàn lợn, công tác thụ tinh nhân tạo gà đang bắt đầu thử nghiệm triển khai thực hiện ở 7 cơ sở. Hệ thống chuồng nuôi sử dụng hệ thống chuồng kín đạt 30% số trại chăn nuôi lợn và gà quy mô lớn. Đối với chăn nuôi bò sữa sử dụng hệ thống làm mát đạt 87%, bò thịt đạt trên 50%. Có 75% số trại bò sữa, 44% số trại chăn nuôi bò thịt, 44% số trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư đã sử dụng hầm Biogas, 65% số trại chăn nuôi bò sữa, 45% số trại chăn nuôi bò thịt, 85% số trại chăn nuôi lợn và 85% số trại chăn nuôi gà sử dụng chế phẩm xử lý môi trường trong chăn nuôi.

Về ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản, các mô hình đã ứng dụng làm giàu oxy bằng quạt nước trên diện tích 6.000 ha, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường nước trên 9.000 ha và sử dụng công nghệ Biofloc gần 17 ha với tổng số 9 mô hình đang triển khai (chiếm 6,8% tổng số các mô hình ứng dụng CNC ở Hà Nội).

Mô hình nuôi cá ứng dụng CNC, tạo các sông trong ao với hệ thống tạo dòng chảy và sục khí, nuôi các với mật độ cao như ở xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa; xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, năng suất tăng 6 - 8 lần so với nuôi thông thường, chất lượng cá thịt ngon hơn, giá cao hơn. Năng suất đạt 80 tấn/ha, giá trị 3,5 tỷ đồng/ha, lợi nhuận ước đạt 400 triệu đồng/ha.

Mô hình sông trong ao là mô hình ứng dụng công nghệ nuôi cá của Israel, với bể có thể tích 250 m3 có thể đạt năng suất 25 - 30 tấn/năm, lợi nhuận thu được từ 200 - 300 triệu đồng/bể. Là mô hình có nhiều ưu điểm như dễ dàng kiểm soát được môi trường, bệnh cho động vật thủy sản, kiểm soát chất lượng sản phẩm,...

Đến nay, tỷ lệ ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đạt khoảng 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố. Các mô hình ứng dụng CNC cho năng suất cao hơn phương thức sản xuất truyền thống từ 10 - 12% và hiệu quả kinh tế tăng từ 25 - 28%. Các mô hình sản xuất ứng dụng CNC ở Hà Nội đã xuất hiện ngày một nhiều chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ như mô hình rau an toàn ở HTX rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ; mô hình gà đồi, rau hữu cơ, hoa nhài ở Sóc Sơn; lúa chất lượng cao ở huyện Ứng Hòa; chè an toàn ở huyện Ba Vì,...

Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC ở Hà Nội mới chỉ được thực hiện chủ yếu ở từng khâu, chưa ứng dụng CNC đồng bộ, nên phát triển thiếu ổn định. Việc ứng dụng các quy trình canh tác tiên tiến như quy trình sản xuất và quản lý chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn VietGap, quy trình quản lý dịch bệnh trên cây trồng, công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học,... chưa đồng bộ. CNC chủ yếu mới thực hiện ở một vài khâu như tưới tiết kiệm theo công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới,... Còn khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến vẫn áp dụng công nghệ thủ công, công nghệ lạc hậu nên năng suất, chất lượng nông sản còn thấp.

Tóm lại, thành phố Hà Nội đã có những chính sách hỗ trợ phát triển NNCNC và đã đạt được những thành công bước đầu. Tuy nhiên, thành tựu đó chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế là thủ đô, trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị; là nơi hội tụ các điều kiện kinh tế - xã hội đầy đủ nhất để phát triển NNCNC; là nơi tập trung các viện nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế và nông nghiệp hàng đầu, số lượng doanh nghiệp, nhất là những tập đoàn lớn có tiềm lực đầu tư hay ngân hàng và các tổ chức quốc tế cũng tập trung khá đông,... Do đó, vẫn cần có một số chính sách đột phá hơn nữa để NNCNC ở thành phố Hà Nội tương xứng với tiềm năng vốn có.

3. Một số giải pháp phát triển NNCNC ở Hà Nội

Thứ nhất, nguồn vốn đối với NNCNC rất quan trọng. Bởi vậy, rất cần các chính sách từ trung ương đến địa phương tiếp tục sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất tiếp cận được nguồn vốn để làm NNCNC. Thành phố cần rà soát quy trình và ban hành kịp thời, nhanh chóng các văn bản hướng dẫn thi hành, không để chính sách đã có mà chưa thể thực hiện được.

Thứ hai, cần xây dựng cơ chế chính sách phù hợp trong việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vốn để ứng dụng CNC, nhất là các chính sách về đất đai, quy hoạch phát triển,…

Về quy hoạch phát triển, thành phố sớm hoàn thành quy hoạch sản xuất NNCNC, chú ý các tiểu vùng sinh thái phù hợp với từng cây trồng, vật nuôi, xây dựng các vùng NNCNC chuyên canh tập trung quy mô lớn, hiện đại ở các địa phương có thế mạnh đặc thù để đảm bảo tính ổn định lâu dài về đất đai. Đồng thời, quy hoạch cần thể hiện rõ nhu cầu của địa phương, xây dựng khung cơ chế, mức thuê, thời gian thuê đất phát triển NNCNC, giới thiệu thế mạnh của từng huyện để kêu gọi nhà đầu tư. Trên cơ sở quy hoạch sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất sạch và xây dựng được hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nói chung và NNCNC nói riêng.

Trong quá trình thỏa thuận thuê, mua đất của doanh nghiệp và hộ nông dân, chính quyền chỉ nên đóng vai trò xúc tác, trung gian hỗ trợ để nông dân yên tâm khi cho thuê hay góp vốn vào doanh nghiệp, có như vậy, doanh nghiệp mới đủ diện tích để đầu tư ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách khuyến kinh tế nông hộ trong nông nghiệp (thay vì chỉ khuyến khích doanh nghiệp) làm NNCNC. Để làm được điều đó, rất cần có cơ chế chính sách đặc thù, ưu đãi hơn nữa để khuyến khích nông dân sẵn sàng đầu tư làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đây chính là khâu then chốt.

Ngoài ra, để có thị trường tiêu thụ cho các mô hình NNCNC, thành phố cần hỗ trợ, khuyến khích các HTX, tổ hợp tác xây dựng các trang website quảng bá sản phẩm, tiếp cận thông tin phản hồi của người tiêu dùng, liên kết với trang thông tin điện tử của huyện… để tạo thế cạnh tranh. Người sản xuất cần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, kết hợp với tổ chức giới thiệu rộng rãi sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Đặc biệt là, cần có giải pháp thực hiện liên kết trong tiêu thụ nông sản chất lượng cao. Các cấp các ngành của thành phố, UBND các huyện, xã quan tâm giúp các HTX, tổ hợp tác, các hộ sản xuất xây dựng mối liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, các cửa hàng, siêu thị, trường học trên địa bàn huyện và mở rộng trên thành phố, các bếp ăn tập thể,… Quan trọng hơn, cần khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân, tổ hợp tác, HTX để tư vấn về quy trình, kỹ thuật, hỗ trợ để tạo ra những chuỗi sản phẩm có giá trị cao. Khi doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất NNCNC thì bài toán nguồn vốn vay của nông dân cũng được giải quyết, nông dân sẽ tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn thông qua sự bảo lãnh của doanh nghiệp liên kết. Như vậy, phát triển NNCNC đòi hỏi vốn rất lớn và đòi hỏi phải có liên kết hình thành chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị nông sản, trong đó trung tâm của chuỗi liên kết phải là doanh nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2017), Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp, Hà Nội.
  2. Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội (2018), Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 5/12/2018 HĐND thành phố về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội.
  3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội; Chu Phú Mỹ (2018), Đánh giá nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân Thủ đô nhiệm kỳ Đại hội XVI (2015 - 2020) và định hướng đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
  4. Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội (2012), Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND ngày 9/7/2012 của UBND thành phố Về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030.

TH