Mỹ nhân hào kiệt - Anh hùng (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 14

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Mỹ nhân  hào kiệt - Anh hùng” là Tập XII trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.   

Kỳ 14.

-Nam mô a di đà phật, tội nghiệp, tội nghiệp, ta giúp được gì cho muội.

-Muội định xuống tóc làm đệ tử của Phật để thoát khỏi thế gian đầy đau thương tai họa, mong ni cô giúp đỡ.

-Việc này không khó, ta giúp được. Mời tiểu thư vào chùa.

-Đa tạ ni cô.

Quách A xuống tóc và ni cô đặt cho nàng pháp danh là Khâu Ni.

Từ đó ngày ngày Quách A tụng kinh gõ mõ. Tuy nhiên không làm vơi đi sự nhớ thương cha mẹ và sự căm thù thằng Tô Định ngày tháng chỉ thêm sôi sục trong lòng.

Một hôm Khâu Ni có việc đi vào rừng, từ xa nàng đã nghe tiếng gầm gào của hổ. Nàng định quay mình chạy, chợt trông thấy trên bãi đất hoang bằng phẳng, một con hổ cái đang lăn lộn kêu gào dãy dụa. Khâu Ni nhìn thì ra con hổ cái đến giờ sinh con, nó kêu la dãy dụa hết mức mà hổ con không chịu ra. Khâu Ni thương con hổ mẹ quá, không cứu nó thì chết cả mẹ và con. Khâu Ni hái thuốc sinh đẻ đưa vào mồm hổ mẹ. Khâu Ni vỗ cho nó nằm im và xoay người về phía sau, cho tay lôi từng con hổ con trong bụng hổ mẹ ra, tất cả được bốn hổ con. Hổ mẹ mệt phờ kiệt sức nằm thở. Khâu Ni bế hổ con lên bụng hổ mẹ. Đàn hổ con hau háu ngậm vú mẹ mút chùn chụt. Nàng đi lấy nước cho hổ mẹ uống, lấy lá thuốc rừng cho hổ mẹ ăn thêm. Canh giờ sau hổ mẹ ngồi dậy. Nó gục đầu xuống đất rồi ngẩng lên ra vẻ vái lạy Khâu Ni cảm ơn cứu mạng.

Một hôm Khâu Ni nói với ni cô Khâu Sa:

-Muội biết tỉ có võ nghệ. Tỉ hãy dạy muội vài miếng để phòng thân. Trên đời này nhiều sự cố nguy hiểm bất ngờ hay xẩy ra.

-Sự cố gì nguy hiểm?

-Dạ, như gặp bọn giặc Hán của Tô Định lùng bắt.

Khâu Sa nói:

-Muội nói cũng phải. Từ nay cứ tối nào rỗi tỉ dạy cho muội.

-Đa tạ tỉ.

Từ đó đêm khuya nào Khâu Sa cũng dạy đánh kiếm cho Khâu Ni. Một năm sau, Khâu Sa nói:

-Võ nghệ của muội đã bằng sư phụ rồi.

-Đa tạ, đa tạ sư phụ.

Một hôm trời mưa lớn, Khâu Sa nói với Khâu Ni:

-Muội ra múa kiếm dưới trời mưa mà không bị ướt, sư phụ sẽ thưởng cho.

Khâu Ni đáp:

-Thật đó nha, đa tạ sư phụ.

Rồi Khâu Ni rút gươm bước ra ngoài sân, cây kiếm trong tay bao phủ che kín toàn thân, chỉ còn thấy vòng ánh sáng bao phủ mà không thấy kiếm, không thấy Khâu Ni. Canh giờ sau, Khâu Sa gọi:

-Đủ rồi, vào nhà đi.

Khâu Ni ngừng múa chạy vào nhà, quả nhiên người nàng vẫn khô ráo, không một giọt mưa nào lọt vào mình. Khâu Ni hỏi:

-Múa vậy được không sư phụ?

-Tốt lắm.

-Vậy sư phụ thưởng cho học trò đi.

-Trò muốn thưởng gì?

-Dạ, trò muốn mở lớp dạy võ nghệ cho thanh thiếu niên trong vùng để họ tham gia các cuộc khởi nghĩa đánh giặc Tô Định.

Khâu Sa nói:

-Đúng là võ chân chính phải ra giúp cho công cuộc diệt giặc cứu nước. Ta đồng ý.

Từ đó thầy trò chọn một khu đất bằng phẳng gần chùa, chiêu mộ thanh thiếu niên các làng quê tới học võ nghệ, học bắn cung nỏ. Ban đầu chỉ có trăm người, sau tăng lên một nghìn, tiếng đồn đại càng làm cho học trò xa gần các nơi kéo về đông đúc.

Khâu Ni cho mở lò rèn cung tên, gươm giáo. Học trò còn tổ chức đi cày ruộng khai hoang lấy lương thực, sau đó lập ra làng rồi sau nữa lập Trang Viên, lấy tên là trang viên Khâu Sa. một hôm Khâu Ni nói với Khâu Sa:

-Lực lượng trang viên ngoài ông già phụ nữ trẻ em, riêng thanh niên và đàn ông cầm được vũ khí đã hơn 3.000, sư phụ cho học trò dựng cờ khởi nghĩa, lấy danh chính ngôn thuận để trả thù nhà nợ nước, để bảo vệ trang viên, để kêu gọi thêm nghĩa binh.

Khâu Sa nói:

-Thì ra từng bước một học trò sẽ đi đến nguyện vọng phất cờ cứu nước.

Khâu Ni quỳ xuống:

-Đa tạ sư phụ đã giúp đỡ để có lực lượng như ngày nay, để thực hiện nguyện vọng của muội, cũng là nguyện vọng của sư phụ.

-Đứng dậy đi, yêu nước vì đại nghĩa thì dù sư sãi hay nông dân cũng đều phải làm. Ta ủng hộ học trò.

-Đa tạ sư phụ.

Hôm sau giữa sân giảng đường học võ, có hai cây tre nối nhau chôn xuống đất cao hơn 10 trượng, trên ngọn tung bay lá cờ vàng viết chữ Hùng-Lạc màu đen: “Trả thù nhà đền nợ nước”. Lá cờ vàng rực tung bay theo gió vui mừng. Hơn 3.000 võ sinh cũng vui mừng nhảy múa. Khâu Ni mặc võ phục màu nâu, mình mặc áo giáp đồng, hông mang gươm đứng trước 3.000 võ sinh nói dõng dạc:

-Hỡi các huynh đệ, các huynh đệ học võ để làm gì? Học võ để đánh giặc cứu nước. Các huynh đệ có muốn không?

Hàng nghìn tiếng hô như sấm vang động:

-Muốn, học võ để cứu nước.

-Ta tuyên bố các huynh đệ từ hôm nay là chiến binh. Ta là chủ tướng. Ta sẽ tấn công thẳng tới Luy Lâu bắt tên giặc Tô Định phải đền tội ác.

-Chúng ta nguyện đi theo chủ tướng.

Tiếp theo ba hồi trống đồng vang lên làm không gian thao trường rung lên đằng đằng khí thế.

Vài hôm sau khi Khâu Ni đang ngồi trong hành dinh bàn kế hoạch với các phó tướng Trương Thị Cả, Đề Cắng thì có lính do thám về báo:

-Dạ, bẩm chủ tướng, 2 vạn quân Hán do tướng Lưu Đại Hải  chỉ huy đang tiến về phía chúng ta.

Khâu Ni ra lệnh:

-Đánh trống ngũ liên, tập hợp nghĩa binh, chuẩn bị chiến đấu.

-Tuân lệnh chủ tướng.

Khắp doanh trại, trống đồng ngũ liên thúc liên hồi báo hiệu tập trung đánh giặc. Khâu Ni và ba phó tướng mặc quân phục màu nâu, áo giáp đồng, đội mũ đồng, mang gươm đứng trước 3.000 nghĩa binh đang dàn trận chờ giặc. Từ xa đã thấy cát bụi mù mịt, cờ đen rợp trời bay theo gió, 2 vạn kỵ binh và bộ binh giặc lao tới ào ào. Khi trông thấy những lá cờ vàng bay trên đầu khoảng 3.000 binh sĩ, trước hàng quân là ba nữ tướng dàn trận đứng chờ. Lưu Đại Hải cười lớn:

-Ha!Ha!Ha! một nhúm quân thế kia, lại do đàn bà con gái chỉ huy dám đương đầu với 2 vạn quân và tướng của thiên triều. Bay đâu, ra bắt chủ tướng giặc là Khâu Ni cho ta.

-Dạ.

Một tướng cưỡi ngựa đen cao lớn tay cầm giáo lao ra. Khâu Ni quát:

-Ai ra bắt thằng giặc này cho ta!

-Dạ.

Đề Cắng nói xong quất ngựa màu hồng, tay vung kiếm xông ra. Gươm chạm giáo tóe lửa. Hai bên giao đấu khoảng 10 hiệp, Đề Cắng lựa thế lia một gươm qua cổ tướng Hán Tập Tạo. Đầu Tập Tạo đẫm máu rơi xuống đất. Ngựa đen mất chủ kêu lên the thé kéo lê cái thân không đầu về phía quân Hán. Lúc này trống da bò của quân Hán, trống đồng của quân Việt thúc liên hồi vang khắp không gian vùng Bạch Hạc. Lưu Đại Hải thét:

-Ai ra bắt tên tặc trả thù cho Tập Tạo?

-Có ta.

Tướng Lục Tải quát to cưỡi ngựa trắng vung thương xông ra. Bỗng nhiên phía sau hàng quân Việt có tiếng hổ gầm vang nghe rợn người. Cả quân Hán và quân Việt chưa hiểu điều gì xẩy ra thì một con hổ mẹ và bốn con hổ con nhưng to lớn hơn mẹ lao ra và xông vào trận địa quân Hán. Mấy tướng Hán đứng đầu hàng quân bị hổ vồ và xé xác. Quân Hán kinh hoàng, thế trận tan vỡ. Khâu Ni đã hiểu ra sự việc, bốn mẹ con hổ được nàng cứu tính mạng, hôm nay xông ra trận giết giặc trả ơn. Khâu Ni không thể để cho giặc lấy lại tinh thần mà giết chết mẹ con hổ, liền trỏ gươm hô to:

-Xông lên giết.

3.000 nghĩa binh xông lên cùng ngũ hổ dũng mãnh giết giặc. Dù đông nhưng quân Hán quá khiếp sợ quay đầu tháo chạy, bị nghĩa quân băm nát 1 vạn. Canh giờ sau trận chiến kết thúc, xác giặc xếp như núi, máu chảy thành sông. Năm con hổ nhận ra Khâu Ni, chúng nằm xuống khấu đầu. Khâu Ni xoa đầu từng con và gọi:

-Trương Thị Cả.

-Dạ.

-Bổ con lợn thành 5 phần cho mẹ con hổ.

-Dạ.

(Còn nữa)

CVL