Mỹ nhân hào kiệt - Anh hùng (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 13   

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Mỹ nhân  hào kiệt - Anh hùng” là Tập XII trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024. 

Kỳ 13.

-Tướng quân Trần Thị Phương Châu.

Một nữ tướng xinh đẹp bước ra:

-Có mạt tướng.

-Tướng quân đem 10 chiến thuyền, 200 quân, giả làm thuyền đánh cá, mai phục bên bờ hữu của sông. Khi thuyền địch tới thì bắn tên lửa đốt cháy thuyền địch.

-Mạt tướng tuân lệnh.

- Tướng quân Lê Thị Trâm.

-Có mạt tướng.

-Tướng quân chỉ huy 30 chiến thuyền, mai phục bờ tả sông, khi thuyền địch bị quân bên bờ hữu bắn cháy thì lao ra giết giặc.

-Mạt tướng tuân lệnh.

-Ta sẽ đem 30 chiếc thuyền với 600 quân mai phục bên bờ hữu, phía bên dưới hai cánh quân của Phương Châu và Thị Trâm, tiêu diệt tàn quân địch còn sống sót tháo chạy.

-Tuân lệnh chủ tướng.

Chiều tối đoàn thuyền của quân Hán khoảng 100 chiếc chở lương thực cướp đoạt được đang tiến vào ngã ba Tam Giang. Đi theo hộ tống khoảng 20 chiến thuyền và 1.000 quân do tướng Lưu Ứng Khâm chỉ huy. Khi tiến vào Tam Giang thì trời đã gần tối, hoàng hôn tím rực cả trời tây. Lưu Ứng Khâm trên đài chỉ huy quan sát toàn bộ cảnh của Tam Giang. Ngã ba sông tương đối rộng, nước mênh mông đỏ rực ánh chiều. Hai bên bờ sông cây cối xóm làng uốn quanh đã chìm dần trong tối. Những đàn chim mải miết trên trời không biết bay vội về đâu. Khi vừa đi qua ngã ba Tam Giang quân Hán đi vào một đoạn sông hẹp. Hai bên bờ những con thuyền đánh cá ánh sáng đèn đóm lập lòe. Bất ngờ những con thuyền đó lướt như bay lại gần đoàn thuyền quân Hán và hàng nghìn phát tên châm lửa bay vào đoàn thuyền chở lương và thuyền chở quân. Những phát tên lửa trúng vào đoàn thuyền lương bốc cháy rất mạnh vì đầu những tên lửa đó tẩm dầu cực đẫm. Tất cả các thuyền lần lượt bốc cháy. Quân Hán chưa kịp trở tay thì các thuyền trở thành những bó đuốc. Lưu Ứng Khâm quát khản cả cổ:

-Múc nước dập lửa nhanh.

Đang khi quân Hán đối phó với hỏa hoạn thì hai bên tả hữu dòng sông hàng trăm chiến thuyền vun vút lao ra tiếp tục nã tên vào thuyền, hàng trăm tên lính lại gục xuống. Nghĩa binh áp lại nhảy lên thuyền chém giết với một khí thế căm hờn không sao cản nổi. Lê Ngọc Trinh nhảy lên thuyền Lưu Ứng Khâm. Lính tráng hộ vệ cho hắn đã chết hết. Lưu Ứng Khâm dùng gươm đánh với Lê Ngọc Trinh, chỉ 5 hiệp Lê Ngọc Trinh lừa miếng lia một gươm qua cổ, đầu Lưu Ứng Khâm rơi xuống sàn thuyền, thây đổ vật xuống phun đầy máu. Cảnh lửa cháy, cảnh gươm giáo chém nhau tóe lửa xen lẫn tiếng reo hò náo động cả đất trời Tam Giang. Sang canh ba, trong màn đêm, xác thuyền cháy, xác quân Hán dập dềnh kín đặc dòng sông Thao gần như tắc ngẽn. Sớm hôm sau tại căn cứ Đàm Luận, nghĩa binh tấp nập ăn mừng chiến thắng, thịt chất như núi, rượu chảy như nước. Binh sĩ chúc mừng nhau và uống. Các tướng lĩnh đến chúc mừng chủ tướng Lê Ngọc Trinh:

-Xin chúc mừng chủ tướng.

Lê Ngọc Trinh chạm bát rượu to:

-Đa tạ xin chúc mừng các phó tướng.

Vài ngày sau Lê Ngọc Trinh đang ngồi trong hành dinh thì có lính vào báo:

-Dạ bẩm chủ tướng.

-Có việc gì nói ngay.

-Dạ có sứ giả của nữ chúa Trưng Trắc xin vào gặp.

-Cho vào ngay.

-Dạ.

Một nữ tướng xinh đẹp, oai phong, hông mang gươm mặc võ phục màu nâu bước vào khoanh tay cúi đầu:

-Xin kính chào chủ tướng, mạt tướng là Xà Nương, vâng lệnh của nữ chúa Trưng Trắc xin trao cho chủ tướng một bức thư.

Phó Tướng Lê Thị Trâm chuyển thư cho Lê Ngọc Trinh. Lê Ngọc Trinh mở thư đọc, thư viết: “Ta đang khởi sự ở Mê Linh để tiến đánh Tô Định trả thù nhà nợ nước. Ta đã nghe tài năng và chiến thắng oanh liệt của tướng quân trên sông Thao. Nay ta phong tướng quân làm Tả quân nội. Tướng quân hãy đem quân vê Mê Linh cùng hợp lực tấn công Luy Lâu, bắt Tô Định, trả thù cho tỉ Lê Ngọc Thanh và thân phụ, thân mẫu của tướng quân. Nay kính thư. Trưng Trắc”.

Đọc xong thư, Lê Ngọc Trinh gọi:

-Người đâu.

-Dạ.

-Đem cơm rượu lên đây ta cùng uống với tướng quân Xà Nương.

-Dạ.

Sau một tuần rượu, Lê Ngọc Trinh nói với Xà Nương:

-Ta đồng ý đem quân về hội quân dưới cờ của Trưng nữ chúa. Tướng quân hãy chờ ta hết ngày mai ta giải quyết hết công việc rồi cùng về Mê Linh.

Xà Nương đáp:

-Mạt tướng tuân lệnh.

Hôm sau, Lê Ngọc Trịnh cho gọi phó tướng Trần Thị Phương Châu lên và nói:

Ta để lại cho tướng quân 1.000 nghĩa binh coi giữ vùng Đàm Luận, Lũng Ngòi và toàn bộ Bạch Hạc, bao giờ tổng tấn công Luy Lâu, tướng quân phải đem quân phối hợp. Rõ chưa?

Mạt tướng tuân lệnh.

Chiều hôm đó Lê Ngọc Trinh ra Lũng Ngòi đốt hương cho cha, mẹ và nói lời tạm biệt:

-Nay con về Mê Linh tấn công Luy Lâu, chặt đầu thằng Tô Định để trả thù cho chị Ngọc Thanh, cho cha mẹ, cho biết bao gia đình Việt bị giết hại. Xin bố mẹ, xin chị Ngọc Thanh trên trời phù hộ cho con thành công và chiến thắng.

Hương lửa bập bùng trước gió trong một buổi chiều như linh hồn cha mẹ hiển linh mĩm cười.

Sớm hôm sau Lê Ngọc Trinh đem 2.000 quân cùng các phó tướng Lê Thị Trâm, Xà Nương tiến về Mê Linh. Trần Thị Phương Châu và 1.000 quân ở lại đứng lại nhìn chủ tướng và 2.000 đồng đội của mình xa dần trong gió bụi về hướng đông. Họ khao khát một ngày không xa, họ cũng được tiến về Mê Linh, cùng đại quân đánh vào Luy Lâu trả thù nhà đền nợ nước.

*

*       *

Một ngày mùa xuân, ngã ba Tam Giang, Bạch Hạc cây lá khoe sắc tươi xanh. Dưới nắng xuân làng mạc uốn quanh hai bên bờ của Tam Giang như bức tranh thủy mạc đến tận chân trời. Ba con sông Đà, sông Thao, sông Lô hợp dòng tạo nên vùng đất gọi là con hạc trắng (Bạch Hạc) rồi xuôi theo dòng tạo thành sông Cái  chảy về xuôi. Trên sông những con thuyền xuôi ngược như đi về vô tận. Những con thuyền nhỏ của làng thuyền chài mải miết đánh cá kiếm ăn quanh năm vất vả.

Bên hữu ngạn Tam Giang có một khu rừng cây tươi xanh rủ bóng mát xuống một khu đất bằng phẳng cô quạnh, trong khu đất có hai ngôi mộ đất còn mới tinh, hai mộ có dựng hai tấm bia của hai ông bà họ Quách mới qua đời được ba ngày đã được dân làng giúp mai táng. Hôm nay là ngày thứ ba của cha mẹ, theo phong tục người Việt, Quách A, người con gái duy nhất của hai ông bà ra đốt vàng hương cho cha mẹ. Nàng đốt hương cắm vào mộ cho hai cha mẹ rồi quỳ xuống khấn vái. Trên đầu nàng mang chiếc khăn trắng, mặc áo trắng, nàng vừa gạt nước mắt vừa khấn vái, những giọt lệ trên đôi mắt phượng xinh đẹp tuôn xuống như mưa trên hai gò má màu hồng. Khuôn mặt của nàng quá buồn thảm nom càng xinh đẹp và càng bi thương hơn.

Đốt hương khấn vái cha mẹ xong, nàng đi về nhà, gần đến nơi thì Quách A nghe thấy bước chân chạy rầm rập, nàng trông thấy quân Tô Định đang xông vào nhà nàng lục soát, đập phá. Quách A vội trốn vào một lùm cây, ngồi xuống quan sát. Nàng đoán là quân Hán đang tìm bắt nàng đưa về Luy Lâu cho thằng Tô Định. Nàng nhớ lời mẹ dặn trước khi ra đi là không được để cho quân Hán bắt sẽ bị lăng nhục rồi bị giết chết. Quân giặc suốt canh giờ tìm kiếm không bắt được Quách A, chúng điên khùng châm lửa đốt nhà, căn nhà gianh ba gian, đồ đạc, bàn thờ bài vị của cha mẹ phút chốc chìm trong ngọn lửa và biến thành gio than. Quách A chỉ còn biết ôm mặt khóc mà căm thù uất hận.

Gần trưa quân giặc rút đi, Quách A không dám về nhà, nàng rời bụi cây và đi sâu vào rừng. Nàng biết cách đây không xa có một ngôi chùa, nàng có thể đến đó để nương nhờ. Đi chừng canh giờ, bên tai nàng đã vang vọng tiếng chuông, tiếng chuông ngân vang khúc nhạc sao lại xoa dịu được nỗi buồn của nàng, nàng quyết định xuống tóc làm đệ tử của Phật, rời xa chốn hồng trần đầy tội ác bi thương. Đến cửa chùa nàng gặp lại ni cô mà nàng quen biết từ xưa. Ni cô hỏi:

-Lâu lắm  mới gặp lại tiểu thư lên đây vãn cảnh chùa?

Quách A chắp tay đáp:

-Nam mô  a di đà Phật, bẩm ni cô cha mẹ muội đã bị quân Tô Định bức hại đã qua đời. Quân Hán đang lùng bắt muội về Luy Lâu. Kính mong ni cô cứu giúp.

(Còn nữa)

CVL