Mỹ nhân hào kiệt - Anh hùng (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 41

Mỹ nhân hào kiệt - Anh hùng (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 41

Kỳ 41.

19. Trong chiến tranh năm 43, Phật Nguyệt công chúa, quê Làng Yến, Thanh Ba, Phú Thọ, chức Thao Giang thượng Tả tướng Thủy quân, chỉ huy tác chiến trên sông Đuống. Sau khi quân ta thất trận ở Lãng Bạc, phải rút về Cấm Khê, thủy quân giặc từ Lục Đầu Giang theo sông Thiên Đức (sông Đuống) ra sông Hồng đuổi theo thủy quân ta. Tả tướng thủy quân Phật Nguyệt đã chặn đánh giết nhiều giặc. Sau khi hai Bà Trưng đã mất, Phật Nguyệt vẫn tung hoành trên thượng nguồn sông Thao khiến địch kinh hoàng. Phật Nguyệt đem quân bộ đánh quân Hán, song đó chỉ là cánh quân nghi binh, đại quân giặc do Lưu Long chỉ huy đã bao vây đại đồn của Phật Nguyệt. Đại Đồn bị tiêu diệt. Phật Nguỵêt hai tay hai kiếm mở vòng vây và lao thẳng người ngựa xuống sông Thao. Các xã Thanh Vân, Phượng Lĩnh, Thanh Ba, Phú Thọ đều có đền thờ bà.

20. Tướng giặc Hồ Điền đã bị Phùng Thị Chính, Trưởng nội thị tướng quân đánh lui năm 40, nay dò được tung tích đem quân vây bắt bà. Bà giao tàn binh cho thân tín rồi một ngựa chạy về quê hương là quận Giao Chỉ. Giặc đuổi ráo riết, Phùng Thị Chính nhảy xuống sông tuẫn tiết. Đền thờ  bà ở thôn Tuấn Xuyên, Vạn Thắng (ở Phú Đông), Ba Vì Hà Nội.

21. Mã Viện đem quân sang, Trưng Vương sai Ngọ Công cầm quân đánh chiến thắng mấy trận liền. Trưng Vương phong cho Nguyệt Nga vợ Ngọ Công tước công chúa. Chức của Ngọ Công là Tham Tán Quốc chính Thượng tướng quân, làm Thống lĩnh tiền quân kiêm Tri thủy bộ Ngọ Phong Hầu, cầm quân đánh giặc. Năm 43 khi đang đánh nhau trên núi với quân Hán thì Ngọ Công mất. Nguyệt Nga công chúa, chức thống lĩnh tả hữu nội vệ nữ tốt, phòng thủ Cấm Khê, thống lĩnh tiền quân kiên tri thủy bộ. Sau khi Cấm Khê mất, Nguyệt Nga công chúa chạy về sông Thạch Trụ ở huyện Đông Ngàn, xuống thuyền nhẹ chạy đến sông nhánh và tuẫn tiết. Có đền thờ hai ông bà ở Trung Hòa, xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên.

22. Nguyệt Nga: Nguyệt Nga công chúa, chức Tướng, phù tá Trưng Nhị. Sau chiến thắng ở lại triều đình tham gia chính sự. Quê quán bà ở trang Đường Hào, huyện Đường Hào, Hải Dương. Tại Dưỡng Mông nhân dân lập đền thờ, tôn là Loa Tổ, Tổ của nghề trông dâu nuôi tằm.

23. Lê Đậu Nương chỉ huy thủy quân cùng Tả Tướng Thủy quân Thao Giang Đinh Phật Nguyệt phòng thủ ở sông Thao. Trưng Vương rút quân về  Cấm Khê. Thủy bộ Mã Viện vây chặt Cấm Khê  7 tháng, quân ta hi sinh gần hết. Hàn Hãn cũng hy sinh. Hàn Già và Lê Đậu Nương rút về Văn Bút nhưng bị quân Mã Viện bao vây. Hai vị tuẫn tiết.

24. Tháng 8 năm 42 Mã Viện đem quân vào Lạng Sơn. Trưng Vương giao cho Đăng Châu công chúa Phương Dung, chức Trấn Nam Đại tướng quân cùng chồng là Đào Kỳ lên chặn giặc ở Nam Quan, Khâu Ôn, Chi Lăng. Quân giặc bị đánh bật về bên kia biên giới. Chiến tranh năm 43, Phương Dung, Đào Kỳ tác chiến ở Bắc sông Đuống, hỗ trợ cho bộ binh hai bà lui về được Cấm Khê. Sau Cấm Khê, Mã Viện, Lưu Long đem quân đánh Đào Kỳ. Chúng khiêu chiến rồi rút chạy, Đào Kỳ, Phương Dung đuổi theo và lọt vào vòng vây của chúng. Đào Kỳ, Phương Dung  hi sinh gần Cổ Loa, hôm đó là 16-11 năm 43. Đền thờ Phương Dung và Đào Kỳ ở Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Còn có đền thờ ở làng Ngọc Đông và làng Lê Xá

25. Sau trận Lãng Bạc, Đông Triều công chúa Lê Chân, Trấn Đông Đại tướng quân lui về hoạt động ở Hải Phòng, Kiến An Hải Dương, xây căn cứ ở Lạt Sơn, xã Thanh Sơn, Kinh Môn, Hải Dương, chặn đánh thủy quân Hán. Lưu Long, Mã Viện tập trung đánh phá căn cứ Lạt Sơn. Trong trận huyết chiến ngày (25-10-43), Lê Chân hy sinh. Đền thờ ở An Biên, Hải Phòng.

26. Năm 43, ba chị em bà Dưỡng chiến đấu ở Lãng Bạc, quân ta thua, rút về Cấm Khê. Trong một trận ác chiến, ông Bạc tử trận. Bà Dưỡng và ông Bỉnh rút về Hương Canh, mai táng cho ông Bạc và huyết chiến với giặc tại Hương Canh. Bà Dưỡng trọng thương. Hai người chạy đến Xuôi Ngành thì hai chị em đều tuẫn tiết. Đền thờ hai người ở  làng Phượng, xã Hương Canh, Vĩnh Phúc.

27. Tháng 8 năm 42), Mã viện đem quân vào Lạng Sơn. Bà Trưng phái Thánh Thiên Công Chúa, Bình Ngô đại tướng quân và Vĩnh Gia công chúa lên Lạng Sơn. Hai tướng đánh quân Mã Viện thua chạy về bên kia biên giới. Sau trận Cấm Khê, Vĩnh Gia đem quân lập phòng tuyến ở Giang Tân, Huyện Bạch Hạc. Nhưng Phòng tuyến Bạch Hạc tan vỡ, Vĩnh Gia rút về Nại Tử Châu. Vĩnh Gia đến trang Mạnh Trâu (Mạnh Trư) giáp Nại Tử Châu và mất ngày 10-11 năm 43. Đền thờ Tạ Vĩnh Gia ở quê hương, lảng Nại Tử châu, xã Chu Phan, huyện Mê Linh, một đền thờ nữa ở làng Yên Châu, xã Trung Châu, Đan Phượng, Hà Nội.

28. Canh Dần năm 42, Mã Viện, Lưu Long đem 100.000 đánh vào Lạng Sơn, Đoàn Chí chỉ huy thủy quân đánh vào miền Quảng Ninh, bị đánh phải lui về Mã Giang, Trung Quốc. Mã Viện dâng biểu tâu với Hán Quang Vũ: Nam Bang có nữ tướng Thánh Thiên, dụng binh như thần, trí dũng thiên phương không sao phục được. Tại mặt trận Cấm Khê, Thánh Thiên Công chúa, chức Bình Ngô Đại tướng quân, một ngày chém 100 tướng giặc. Nhưng quân ta chỉ còn hơn 200 người. Thánh Thiên rút về thành Ngọc Lâm. Quân Hán bao vây, Thánh Thiên cùng binh sĩ giao chiến với quân Hán, chém 10 tướng, nhưng sức kiệt, Thánh Thiên chạy đến sông Nhật Đức và nhảy xuống sông tuẫn tiết. Thánh Thiên, quê Yên Dũng, Bắc Giang, được phong Thánh Thiên công chúa, chức Bình Ngô Đại tướng quân. Bà được  thờ  ở đình Ngọc Lâm, Yên Dũng, Bắc Giang, còn có đền thờ ở hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Trung Quốc.

 29. Sau thất bại ở Lãng Bạc, Bà Trưng rút về Cấm Khê. Trần Nang và Hùng Thiên Bảo chặn địch ở sông Thiên Đức cho đại quân rút lui. Sau Cấm Khê, Hùng Thiên Bảo hi sinh tại quê nhà. Trần Nang- Hoàng Công chúa, quê quán ở Thái Lai, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, Giao Chỉ, chức vụ, Trưởng Lĩnh Trung quân, Vu Kỵ đại tướng quân. Yên Lãng, Vĩnh Phúc có đền thờ bà. Chồng là Hùng Thiên Bảo  hy sinh tại Thái Lai. Có đền thờ bà ở làng Thái Lai, xã Tiến Thắng, Mê Linh, Hà Nội. Làng Phú Mỹ, xã Tự Lập, Mê Linh cũng có đền thờ hai ông bà.

30. Sau chiến thắng năm 40, Thiện Nhân, Thiện Khánh quê ở Cử Tuyển, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, được phong tả hữu nhập nội công chúa, chức Đại tướng, được Trưng Vương phái về trấn giữ Hải Đông. Hai nàng tới làng Huề Trì ( Yên Phụ, huyện Kinh Môn, Hải Dương) xây dựng căn cứ. Mùa xuân năm 43  Thiện Nhân, Thiện Khánh chặn đánh địch ở sông Bạch Đằng. Sau đó hai Nữ tướng lui quân về cùng chiến đấu ở Lãng Bạc. Quân ta thua lui về Cấm Khê. Sau Cấm Khê, Thiện Nhân, Thiện Khánh rút quân về Huề Trì tiếp tục chiến đấu được vài tháng. Giặc Hán tấn công vào Huề Trì, hai nữ tướng hi sinh ở cánh đồng Mực, Huề Trì. Đền thờ hai bà ở đền Huề Trì.

31. Sau trận Cấm Khê, Thục Côn công chúa mở đường máu lui về Vị Hoàng. Quân Hán theo dòng sông Hồng đuổi theo. Quân ta chiến đấu anh dũng nhưng nghĩa quân hy sinh hết. Thục Côn nhảy xuống sông tự vẫn. Đền thờ ở quê hương, thôn Tráng Kiện, xã Lộc Vượng, ngoại thành Nam Định

32. Nàng Tía, năm 43 tấn công giặc Hán ở cửa Thần Phù và mất. Nàng Tía quê quán Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội, chiêu quân đánh quân Hán, cuối năm 33 mai phục đánh binh thuyền Mã Viện ở cửa Thần Phù (Yên Mô, Ninh Bình) và hy sinh. Bà được thờ ở đền Vĩnh Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội

33. Ngài Học, quê quán Bắc Ninh, chồng của Nga Nương và Hồng Nương. Ngài Học được phong Đại Nguyên Soái, không nhận, về quê du ngoạn, Nga Nương là Quạt Ngà Cửa Ngòi Công Chúa, Hồng Nương là Hồng Vân công chúa, mất ở quê. Ba người có đền thờ ở Bắc Ninh.

 34. Hồng Nương An Bình Công chúa, Đạm Nương Quất Lưu công chúa, Thanh Nương Bình Xuyên công chúa, quê quán, xã Tuân La, huyện Thiện Tài, Giao Chỉ, tham gia khởi nghĩa. Sau chiến thắng tham gia việc triều chính. Cuối năm 43 chạy về quê hương và mất trên núi Tam Phong (Ba Chon). Có đền thờ ở thôn Thanh Uy, núi Tam Phong và thôn Tập Ninh, Trung Hòa, Mạnh Trung, Phù Long, Tri Lễ, xã Gia Vân và xã Vân Long huyện Gia Viễn, Ninh Bình và chân núi Mão Sơn, còn có đền thờ ở đình Quất Lưu, Vĩnh Phúc. 

35. Nguyễn Huyền, sinh ở làng Bích Uyển, thuộc phủ Kinh Môn, Hải Dương, hy sinh cuối năm 43.

36. Đào Chiêu Hiến, Đào Tam Lang, Đào Đô Thống: Ba anh em họ Đào hy sinh trong trận đánh ở ngã ba Trường Giang năm 40.

37. Đỗ Thị Dung: quê quán thôn Vậy, xã Cộng Hòa, huyện Thiên Bản, tỉnh Nam Định. Bố là ông Đốc Hinh bị Tô Định giết chết. Đỗ Thị Dung cùng em là Đỗ Xuân Quang khởi nghĩa chống Hán. Khi Trưng Vương khởi nghĩa Đỗ Thị Dung cùng Đỗ Xuân Quang và em kết nghĩa là Chu Liên về Mê Linh tụ nghĩa. Sau thắng lợi, cả ba người đều được phong tướng. Đỗ Xuân Quang làm quan tại triều đình. Đỗ Thị Dung về trấn thủ Hiển Khánh (Vụ Bản), Chu Liên trấn thủ Đại An (Quốc Oai, Sơn Tây). Tham gia trận Lãng Bạc. Đỗ Xuân Quang hy sinh. Đỗ Thị Dung chạy về Hiển Khánh và tự sát khi quân Hán tấn công. Đỗ Thị Dung Đỗ Xuân Quang có đền thờ ở thôn Vậy, xã Cộng Hòa, Thiên Bản, Nam Định

38. Chu Liên (xem Đỗ Thị Dung). Sau chiến thắng năm 40, Chu Liên được phong tướng trấn thủ Quốc Oai nhưng mắt trước năm 42.

39. Lê Thị Lan: Nhu Mẫn công chúa, Quê quán Đường Lâm, Sơn Tây, chức Trấn Tây tướng quân, Phó thống lĩnh đạo binh Hán Trung, có miếu thờ ở Hạ Hòa, Vĩnh Phúc.

40. Quý Lan: An Bình công chúa, quê quán Lĩnh Động, Chí Linh, Hải Dương, chức Nội Thị tướng quân. Liễu Sơn, Lập Thạch, Vĩnh phúc có đền thờ bà.

41. Ả Lã - em là Rồng Nhị. (Ả Rồng -Chồng là Triệu Công Tằng), quê quán thôn Mỹ Lộc, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, Thái Bình. Khởi nghĩa chống Hán, về với Trưng vương, Triệu Công Tằng được phong Đại tướng, Ả Rồng là Bảo Chân Công chúa Long nương phu nhân.

42. Quách Lãng: Thờ ở đình Đông Ba, xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

43. Trần Thiếu Lan: Có miếu thờ ở cửa Thẩm Giang chảy vào hồ Động Đình (thuộc Hồ Nam Trung Quốc)

44. Cả Lợi, em là Hai Lợi, cuối năm 43 lập căn cứ chống Hán ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, hy sinh ngày 8-11-43.

45. Nàng Nội: Nhập Nội Bạch Hạc Thủy công chúa, quê quán Bạch Hạc, Phú Thọ, cháu gọi Thi Sách là chú, giữ nhiều trọng trách trong triều đình Mê Linh, nay có đền thờ bà ở Minh Nông và Minh Phương, thành phố Việt Trì.

46. Đàm Ngọc Nga (Nàng Trăng), Nguyệt Điện công chúa, quê quán Thanh Thủy, Thanh Sơn, Phú Thọ, chức Tiền đạo tả tướng quân, Phó thống lĩnh đạo quân Nam Hải, có đền thờ ở Vĩnh Phúc và Phú Thọ như đền Tây Cốc, Đoan Hùng, Phú Thọ, đền Khúc Giang, Quảng Đông Trung Quốc.

(Còn nữa)

CVL