Mỹ nhân hào kiệt - Anh hùng (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 42

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Mỹ nhân  hào kiệt - Anh hùng” là Tập XII trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ 42.

47. Hàn Quỳnh Nương: Mẹ của Lê Đậu Nương, Lê Minh Nương, quê quán trang Linh Xá, Huyện Vĩnh Ninh, Phủ Thiệu Thiên, Cửu Chân, khởi nghĩa chống Hán ở Văn Bút, Sơn Nam. Hàn Quỳnh Nương được phong Quân sư, Hàn Sanh được phong Nguyên soái, Hàn Hãn Tiên Phong Tiền quân Hãn Địch tướng quân, Hàn Già được phong Tư Thiên Giám quan binh đào điển lai (phụ trách binh lương), Lê Minh Nương được phong Hộ Giá tòng Chinh tướng quân, Lê Đậu Nương được phong Sát đốc thủy tào tướng quân, cùng Tả tướng thủy quân Phật Nguyệt chỉ huy thủy quân. Cả 6 người tham gia trận Luy Lâu. Năm 43, 4 người hy sinh ở Cấm Khê. Còn Hàn Già và Lê Đậu Nương rút về Văn Bút và hy sinh. Nhân Dân Văn Bút lập đền thờ 6 vị: Hàn Sanh, Hàn Hãn, Hàn Gìa, Lê Đậu Nương, Lê Minh Nương.

48. Xà Nương: Xà Nương công chúa, Quê quán Đồng Nhân, tham gia thủy quân đánh trận Luy Lâu, nhân dân thờ bà ở đền Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

49. Nàng Nước: Quê quán xã Kiêu Kỵ, huỵện Gia Lâm, Hà Nội, chức Trung Dũng Đại tướng quân, Đền Hoàng xá, Kiêu Kỵ, Gia Lâm thờ bà.

50. Quỳnh Nương, Quế Nương: Nghi Hòa công chúa, quê quán châu Đại Man, Chiêm Hóa, Tuyên Quang, chức Hổ Đại tướng quân, Thống lĩnh đạo quân Nhật Nam, có miếu thờ hai bà ở miếu Quân và miếu Cây Sấu, Chiêm Hóa,Tuyên Quang.

51. Đinh Tĩnh Nương, Đinh Bạch Nương hai chị em: Quê quán Hoa Lư, Ninh Bình, hy sinh năm 40, đền thờ ở quê nhà.

52. Trần Quốc: Nàng Quốc: Gia Hưng công chúa, quê quán Gia Lâm, Hà Nội, chức Trung Dũng Đại tướng quân, Đô Đốc Trưởng thủy quân, trấn Bắc Nam Hải. Ở Hoàng Xá, Kiêu Kỵ (Việt Nam) và dọc bờ biển Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam Trung Quốc có đền thờ bà. Bà được dân gian phong là Giao Long tiên nữ giáng trần.

53. Nái Sơn: An Bình công chúa, quê quán Lập Thạch, Vĩnh Phúc, chức Nội Thị tướng quân (Cận vệ bảo vệ Hai Bà Trưng), Có nhiều đền thờ ở Nái Sơn

54. Vũ Thị Thục: Trinh Thục công chúa, quê quán Phù Ninh, Phú Thọ, Bát Nạn Đại tướng kiêm Uy viễn Đại tướng. Bà được thờ ở đền Phượng Lâu, Phù Ninh, Phú Thọ, Đức Bác, Lập Thạch, Vĩnh Phúc,Tiên La Thái Binh, Bảo Khê, Kim Động, Hưng Yên.

55. Vương Thị Tiên: Ngọc Quang công chúa. Bà được thờ ở đền Sẩy, xã Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình

56. Đô Thiên: Quê quán Lĩnh Nam, chức Động Đình Công, Trung Nghĩa Đại tướng quân, thống lĩnh đạo quân Hán Trung, Tổng Trấn Trường Sa (Hồ Nam). Bà được thờ ở nhiều đền thờ ở Quảng Đông, Quảng Tây Trung Quốc.

57. Nhật Trực, Hải Thềm có đền thờ ở làng Chu Phan, xã Trung Châu, Đan Phượng, Hà Nội.

58. Hướng Thiện: Quê quán Long Biên, khởi nghĩa,  năm 40 về tụ nghĩa ở Mê Linh, sau chiến thắng được phong Điện tiền Đô Chỉ huy sứ. Cuối năm 43 về Phúc Lộc (Sơn Tây) kháng chiến chống quân Hán và hy sinh ở Đích Khu. Nhân dân Đích Khu lập đền thờ Hướng Thiện.

59. Trần Thị Nguyệt là tì tướng. Cuối năm 43 hy sinh. Hiện có đền thờ ở trang Mỹ Lộc, Thôn Mỹ Bổng, xã Việt Hùng, Vũ Thư, Thái Bình.

60. Chàng Vịt Cả, Chàng Vịt Hai, Chàng Vịt Út, có đền thờ ở làng Chu Phan, xã Trung Châu, Đan Phượng, Hà Nội.

61. Diệu Tiên Thần Nữ: Quê ở Bắc Ninh, vùng sông Tiêu Tương có 9 anh hùng theo Bà Trưng, 6 tướng nam ba tướng nữ. Con của Diệu Tiên Thần Nữ (tướng) là Quảng Khánh Đại Vương thờ ở thôn Xuân Thụ, nay là khu phố Xuân Thụ, Phường Đông Ngàn, Từ Sơn, Bắc Ninh. Thôn Cẩm Giang, thuộc khu phố Cẩm Giang, phường Đồng Nguyên có đền thờ Pháp Hải Đại Vương, con nuôi bà Diệu Tiên. Thôn Hồi Quan, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, thờ Tam Quang Đại Vương. Lũng Sơn, thị trấn Lim Thờ Liễu Giáp (nữ tướng) Đại Vương.

62. Phương Dung Công chúa được thờ ở Lũng Sơn, Thị trấn Lim, Từ Sơn, Bắc Ninh.

63. Nàng Trăng-Nguyệt điện công chúa có được thờ ở Đền Tây Cốc, huyện Đoan Hùng Phú Thọ.

Cho tới bây giờ có thể khẳng định những nữ tướng tham gia vào cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng lên tới con số hàng trăm, có thể gần 1.000. Số không ít hy sinh trong cuộc đồng khởi năm 40 trên khắp Lĩnh Nam, từ Hoành Sơn phía nam đến nam sông Trường Giang phía bắc. Hàng trăm nữ tướng đã hy sinh trong trận quyết chiến Lãng Bạc, hy sinh trong trận phá vòng vây ở Cấm Khê, hàng trăm nữ tướng đã hy sinh trong cuộc kháng chiến cuối năm 43, sau khi Cấm Khê thất thủ ở tất cả các quận Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Tháng 11 năm 43, Mã Viện mở đường Tạc Khẩu tiến vào Cửu Chân, tàn sát hàng trăm thủ lĩnh, hàng nghìn nghĩa quân, bắt 300 thủ lĩnh của Mê Linh và đày họ sang Linh Lăng-Hồ Nam-Trung Quốc[1].

Cho nên số lượng nêu cụ thể các tướng lĩnh tham gia và số lượng nhà thờ biết được là rất ít so với thực tế lịch sử do hoàn cảnh thời gian và nhiều lý do khác làm mai một. Chỉ biết rằng gần 1.000 tướng lĩnh đã tham gia cuộc khởi nghĩa của hai Trưng Nữ Vương, trong đó chỉ vài chục tướng lĩnh đàn ông, còn lại là nữ tướng. Các tướng lĩnh này đã khởi nghĩa và chiến đấu trước năm 40 hoặc chưa khởi nghĩa, nhưng nặng thù nhà nợ nước, năm 40 về tụ nghĩa dưới ngọn cờ của hai Trưng Nữ Vương và chiến đấu trên khắp các chiến trường, tham gia tất cả những trận đánh lớn nhỏ từ năm 40 đến năm 43. Sau khi Cấm Khê thất thủ, hàng trăm vị tướng lĩnh còn tiếp tục cùng nghĩa quân chiến đấu ở các địa phương cho đến cuối năm 43. Sau năm 43, nước ta lại bị phong kiến Trung Quốc thống trị gần 896 năm (43 đến năm 939). Dù bị nước ngoài thống trị trong hoàn cảnh thi hành chính sách đồng hóa văn hóa rất khắc nghiệt, nhân dân ta vẫn luôn nhớ, cảm phục, kính trọng và biết ơn các anh hùng hào kiệt trong khởi nghĩa Mê Linh, đặc biệt là các mỹ nhân hào kiệt anh hùng. Ngay từ thời đó, những miếu thờ, những đền thờ đã được nhân dân ta xây dựng để thờ những mỹ nhân anh hùng hào kiệt hương lửa muôn đời. Có những ngôi đền đã trãi qua thời gian hàng nghìn năm sống cùng nhân dân trong các làng mạc. Có những anh hùng được thờ ở nhiều địa phương, ở quê nhà, ở nơi hy sinh, ở nơi mà anh hùng đó lập chiến công hiển hách. Ví dụ Hai Bà Trưng có đền thờ ở xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, đền ở thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh, đền ở Đồng Nhân ở phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng - Hà Nội. Những đền này thuộc cấp di tích cấp quốc gia. Còn khắp Mê Linh có 25 di tích thờ Hai Bà ở 13 xã. Trên toàn quốc có đến 103 đền thờ hai Bà Trưng và các tướng lĩnh, tập trung ở các tỉnh: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Phú Thọ, Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên... Qua các lễ hội, qua hương lửa, từ đời này qua đời khác thường xuyên là sự giao lưu giữa những người đã hy sinh với người còn sống, trau dồi cho người còn sống lòng yêu nước, tinh thần bất khuất chống ngoại bang, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Những người còn sống cũng tôn vinh các anh hùng như những thần thánh của dân tộc, họ bất tử và sống mãi, trở thành sức mạnh cho dân tộc. Thời đại hai Bà Trưng là thời đại anh hùng của phụ nữ, mỹ nhân mà anh hùng hào kiệt. Truyền thống đó đã thành sức mạnh xuyên suốt 4.000 năm dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.

    Sự thất bại của triều đình Mê Linh năm 43 đã khép lại trang lịch sử huy hoàng, mở ra những trang lịch sử đen tối tiếp theo của người Lạc Việt và Âu Việt, nước Hùng Lạc lại bị nhà Đông Hán đô hộ. Sau khi nhà Đông Hán sụp đổ, Trung Quốc lâm vào cục diện Tam quốc (220-280) thì Hùng Lạc lại bị nhà Đông Ngô thống trị. Trong thời kỳ Tam quốc, dưới thời Đông Ngô, kế tục truyền thống bất khuất của hai Trưng Nữ Vương và hàng trăm mỹ nhân anh hùng hào kiệt, phụ nữ Hùng Lạc lại viết tiếp một trang lịch sử oanh liệt chống ngoại xâm. Đó là cuộc nổi dậy của bà Triệu Thị Trinh, tức Nhụy Kiều Tướng quân lừng lẫy anh hùng.

(Còn nữa)

CVL

 

[1] . Ủy Ban Khoa học Xã Hội Việt Nam. Lịch sử Việt Nam tập I-NXB Khoa học Xã hội Việt Nam. Hà Nội 1971, Tr. 84.