Theo các cụ cao niên trong Làng So kể lại, thì quan niệm từ xa xưa, mỗi người sinh ra đều mong muốn đạt được ngũ phúc trong đời là Phúc - Lộc - Thọ - Khang – Ninh, trong đó, Thọ được xem là điều quan trọng và khó nắm bắt nhất.
Vì vậy, ở Làng So những ai đạt được chữ Thọ, được mọi người kính trọng và điều này đồng nghĩa với sự may mắn và hạnh phúc đối với gia đình. Gia đình nào có người cao tuổi được mừng thọ được coi là hồng phúc trong nhà, và việc chúc thọ ông bà, cha mẹ không chỉ mang lại niềm vui hạnh phúc mà còn là lời bày tỏ lòng biết ơn và tự hào của con cháu.
Cụ Vương Xuân Ngọc ở thôn 5, xã Cộng Hoà (huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) năm nay 85 tuổi, là một trong các cụ được xã, thôn và gia đình mừng thọ trang trọng. Cụ Ngọc cho biết, theo truyền thống người Việt, việc phụng dưỡng cha mẹ già đã từng có việc mừng sinh nhật và ăn mừng thọ với nhiều thủ tục khác nhau. Tuy nhiên, khả năng tổ chức lễ mừng thọ thường tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi gia đình và không có quy định bắt buộc. Trước kia, người trưởng thành 40 tuổi đã được coi là quý trọng trong làng, trong dòng họ, và khi đạt tuổi 50, họ được tổ chức lễ lên lão.
"Hiện nay, theo Luật Người cao tuổi, từ năm 2010, các cấp chính quyền địa phương phối hợp với Hội Người cao tuổi tổ chức lễ mừng thọ cho người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên vào các ngày đặc biệt như Ngày Người cao tuổi Việt Nam, Ngày Quốc tế Người cao tuổi, Ngày Sinh nhật, và đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, đầu Xuân. Lễ mừng thọ không chỉ là dịp để con cháu quan tâm và thể hiện lòng biết ơn đối với những người đi trước mà còn là cơ hội để thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây"...", cụ Vương Xuân Ngọc cho biết thêm.
Còn theo chia sẻ của bố chồng tôi là cụ Vương Xuân Trung thì truyền thống tổ chức lễ mừng thọ cho người cao tuổi thường diễn ra vào đầu Xuân năm mới tại các đình làng, nhà văn hóa theo nghi thức và phong tục tập quán của từng địa phương. Sau lễ mừng thọ chung, ông bà, bố mẹ được tổ chức lễ mừng thọ tại gia đình với sự tham gia của người thân, bạn bè, làng xóm. Trong buổi lễ tại gia đình, ông bà, bố mẹ thường được mặc trang phục trang trọng và nhận những món quà ý nghĩa từ con cháu, cũng như tham gia vào các hoạt động chào đón, chụp ảnh và thưởng thức tiệc mừng.
Ở Làng So, chính quyền và Hội Người Cao tuổi địa phương duy trì truyền thống mừng thọ đầu xuân từ ông cha xưa. Dịp mừng thọ người cao tuổi trong gia đình không chỉ là lời chúc tốt đẹp mà còn là cơ hội để gia đình sum họp, tạo ra những kỷ niệm đẹp và gắn kết tình cảm giữa các thế hệ. Trong không khí tươi vui của ngày Xuân, mọi người quây quần bên nhau, chia sẻ niềm vui và hạnh phúc, tạo nên một không gian ấm áp và đong đầy yêu thương.
Theo Nhà báo Vương Xuân Nguyên, một người con của Làng So cho biết: Mặc dù cách trung tâm Hà Nội không quá xa, nhưng Làng So, một làng Việt Cổ còn gìn giữ được nhiều nét đẹp tinh hoa văn hoá tương đối thuần Việt. Nhất là các phong tục tập quán gắn với Tết cổ truyền. Từ chuẩn bị những loại bánh đặc trưng, chuẩn bị mâm cúng gia tiên đến những sinh hoạt tín ngưỡng gắn với không gian đình, chùa, quán, miếu...Đây chính là lý do, Đình Làng So nhiều năm qua được lựa chọn là không gian diễn ra Tết Việt nhắm giới thiệu tới bạn bè quốc tế về nét đẹp cổ truyền giàu bản sắc văn hoá của người Việt.
Chia sẻ về nét đẹp mừng thọ đầu Xuân tại Làng So, Nhà báo Vương Xuân Nguyên cho biết, lễ mừng thọ ngày Xuân tại Làng So cũng tương đồng với các làng quê khác trên khắp các miền quê Việt Nam. Đây không chỉ là một nghi lễ truyền thống mà còn là biểu tượng của sự kính trọng, tôn vinh và yêu thương đối với người cao tuổi trong xã hội. Đây là dịp quan trọng để con cháu thể hiện lòng biết ơn, sự quan tâm và lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ - những người đã dành cả cuộc đời để nuôi dưỡng và yêu thương gia đình.
"Tôi đồng tình với nhiều nhà nghiên cứu và cho rằng việc tổ chức lễ mừng thọ cũng là dịp để xã hội nhớ lại và trân trọng những giá trị truyền thống về tình cảm gia đình và lòng biết ơn đối với người cao tuổi. Thông qua lễ mừng thọ, thế hệ trẻ được giáo dục về ý nghĩa của việc "Kính già, trọng lão", đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của người cao tuổi đối với xã hội và gia đình...
Tổ chức lễ mừng thọ không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà còn là biểu hiện của sự quan tâm và tôn trọng từ xã hội đối với người cao tuổi. Đây là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam, góp phần làm giàu thêm bức tranh văn hóa tinh thần của dân tộc...", Nhà báo Vương Xuân Nguyên chia sẻ.