Theo hướng phát triển nền nông nghiệp đa giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Đức Trọng triển khai chiến lược gắn chuyển đổi cơ cấu cây trồng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, thông minh, bền vững về môi trường và tăng năng suất lao động.
Cu thể, để tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, gia tăng thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất, huyện Đức Trọng cơ cấu lại theo lợi thế của từng địa phương với từng nhóm sản phẩm chủ lực, sản phẩm truyền thống, làm cơ sở mở rộng quy mô sản xuất, tạo thành các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến và xuất khẩu. Trong đó hình thành vùng sản xuất rau nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Phú Hội, với diện tích hơn 200 ha. Mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện Đức Trọng giảm diện tích cây trồng hiệu quả thấp, vườn tạp để chuyển đổi sang cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Qua đó ổn định diện tích các cây trồng chủ lực như: rau 26.200 ha (sản lượng đạt 841.000 tấn/năm); hoa đạt 850 ha (sản lượng 1,5 triệu cành/năm); cà phê 14.500 ha; cây dâu tằm 1.820 ha, mắc ca 850 ha...
Đồng thời, chuyển đổi đất lúa một vụ kém hiệu quả, đất cà phê già cỗi, không thể tái canh; trồng xen cây ăn quả, cây dược liệu, cây đa mục đích vào vườn cà phê; ứng dụng tiến bộ khoa học vào canh tác, mở rộng diện tích sản xuất đạt chứng nhận an toàn VietGAP, GlobalGAP; thực hiện chuyển đổi số, xây dựng mã vùng trồng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Đặc biệt chuyển giao kỹ thuật canh tác nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhân rộng mô hình khuyến nông ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để đa dạng hóa các loại hình sinh kế cho nông dân...
“Đến năm 2030, toàn huyện Đức Trọng có trên 95% hệ thống giao thông nội đồng kiên cố hóa, cứng hóa; trên 90% kênh mương nội đồng kiên cố hóa; 100% diện tích canh tác chủ động nguồn nước tưới; 30% diện tích áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm; diện tích nông nghiệp đạt tiêu chí ứng dụng công nghệ cao trên 35%...”, ngành Nông nghiệp huyện Đức Trọng thông tin thêm.
Bên cạnh đó, huyện Đức Trọng sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước để tu sửa hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, ưu tiên củng cố, nâng cấp, phát triển hạ tầng nông thôn kết nối đồng bộ, đặc biệt là hệ thống lưới điện thuận tiện cho quá trình sản xuất. Ngoài ra tiếp tục phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và kiên cố hóa kênh mương...
Trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngành Nông nghiệp Đức Trọng ứng dụng quy trình canh tác tổng hợp theo hướng sinh thái, an toàn sinh học, hạn chế dịch bệnh; thay thế dần hóa chất bằng sản phẩm sinh học, có nguồn gốc hữu cơ. Đặc biệt nhân rộng và phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn để khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ, nguồn phụ phẩm, phế phẩm tái chế phục vụ lại cho sản xuất, giảm chi phí đầu tư, đáp ứng đa mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng cho người sản xuất và bảo vệ môi trường, sức khỏe người tiêu dùng. Tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chú trọng phát triển công nghệ sau thu hoạch; ưu tiên thu hút đầu tư nhà máy chế biến theo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật công nghệ hiện đại, tiêu thụ trên thị trường cao cấp...
Với những giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quy trình canh tác ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, ngành Nông nghiệp Đức Trọng hướng đến năm 2030 tăng tổng diện tích đất canh tác 38.000 ha, tương ứng 60.000 ha gieo trồng; giá trị sản xuất bình quân trên 370 triệu đồng/ha/năm. Toàn huyện Đức Trọng hơn 35% diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, diện tích nông nghiệp thông minh trên 500 ha; sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, bền vững trong nước và quốc tế 8.500 ha. Tỷ lệ nông sản qua sơ chế, chế biến trên 90%, trong đó tỷ lệ chế biến hơn 30%, tổn thất sau thu hoạch giảm dưới 8%.
Qua đó phấn đấu giai đoạn 2025-2030 của ngành Nông nghiệp huyện Đức Trọng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ 6-6,5%/năm; thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đạt gấp 2,5-3 lần năm 2020, trong đó thu nhập người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng 70% bình quân toàn huyện. Đồng thời, hình thành 10 chuỗi liên kết quy mô lớn đối với các mặt hàng chủ lực, tỷ lệ tiêu thụ nông sản trên 50%; mỗi xã có 3 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, toàn huyện có 70-80 sản phẩm OCOP, trong đó có 4-5 sản phẩm đạt 5 sao…