Nghệ nhân của đồng quê thân thuộc!

Không phải đại gia, cũng chẳng phải doanh nhân, ông Đào Nhất Hoa ở Hiệp Lực, Ninh Giang, Hải Dương, nghệ nhân Sinh vật cảnh Việt Nam được sinh ra từ một gia đình nông dân nghèo khó. Cuộc sống vất vả một nắng hai sương sớm hôm tần tảo với cây lúa củ khoai, khó khăn cứ chồng chất lên nhau choán hết cả tuổi thơ của ông. Nhưng với bản lĩnh và tính kiên trì, ông đã vượt qua tất cả những thứ thách đó. Để giờ đây, ai đến thăm những tác phẩm câu cảnh nghệ thuật và bộ sưu tầm những vật dụng nông cụ nhiều đời của ông đều phải trầm trồ khen ngợi và gọi ông là người Nghệ nhân của đồng quê thân thuộc.

Tình yêu thiên nhiên và sinh vật cảnh (SVC) đã trỗi dậy trong ông lúc nào không biết! Ông đã nhanh chóng chuyển đổi vừa sản xuất nông nghiệp vừa kết hợp với làm kinh tế SVC. Ban đầu chỉ là một vài cây bonsai nho nhỏ được mua bởi những đồng tiền công đi làm thuê hàng ngày.

Đến nay trong vườn ông đã có hàng trăm tác phẩm cây cảnh nghệ thuật lớn nhỏ có giá trị kinh tế cao kết hợp với những món đồ cổ, đồ xưa mà ông đã dày công sưu tầm trong bao năm qua. Đây chính là nơi các Nghệ nhân, Doanh nhân, chủ nhà vườn và những người yêu SVC trong khu vực cùng như các tỉnh bạn thường xuyên tới thăm quan và giao lưu.

q1-1673510228.jpg

Một cây sanh dáng cổ trong vườn luôn được chăm bón cắt tỉa và nâng niu từng ngày của người cha cũng từng đam mê nay đã ngoài 80 tuổi. Ông Hoa đã nảy sinh trong đầu một ý tưởng sẽ tạo ra một tiểu cảnh tượng trưng cho một chiếc cối xay lúa của người nông dân ngày xưa. Và ông đã quyết định thực hiện bởi lý do đây là một cây sanh nguyên bản chất chậu có dáng cổ rất tự nhiên.

Lúc cây còn nhỏ đã có một bộ rễ ôm chặt và bao bọc một hòn xỉ than có đường kính khoảng 30cm mà hiện nay hòn xỉ đó nằm bên trong không còn nhìn thấy nữa sau đó được đưa vào trồng trong một chiếc cối đá cổ.

Trải qua bao năm tháng dầm mưa dãi nắng, vì cuộc sống sinh tồn nên bộ rễ lại phải tiếp tục bò đi kiếm ăn để nuôi dưỡng cơ thể có đủ sức còn chống chọi với sự khắc nhiệt của thiên nhiên và chính bộ rễ này lại một lần nữa bao bọc ôm chặt chiếc cối đá cổ, một hiện vật từng là linh hồn không thể thiếu trong mỗi gia đình ở nông thôn đã được cây sanh này đang từng ngày, từng đêm ôm giữ giữa đất trời. Thay vào đó, nếu như cây sanh này lại ôm một hòn đá dù có nghệ thuật đến đâu thì cũng không có giá trị với tác phẩm.

q3-1673510240.jpg

Năm 2012 ông Hoa đã mang tác phẩm Cối xay lúa đi tham dự và trưng bày tại triển lãm Côn Sơn Kiếp Bạc, Hải Dương và đã được BTC trao giải tác phẩm cây cảnh nghệ thuật tiêu biểu của tỉnh Hải Dương. Đến năm 2016 tại Fetival SVC Thủ đô tổ chức tại Vincom Long Biên Hà Nội, tác phẩm độc đáo này của ông lại được đăng quang bởi chính sự thu hút chú ý và quan tâm của một lượng khách tối đa khi đã bước chân tới thăm quan triển lãm. Cũng tại đây, một Đài truyền hình Nhật Bản đã ghi hình về tính độc đáo gắn với chủ đề tư tưởng để giới thiệu với người dân của cường quốc Bosai, cũng là nơi đưa cỏ cây hoa lá thành đỉnh cao nghệ thuật sớm nhất trên thế giới!Thực sự đây là một tác phẩm mang đậm nét văn hóa lúa nước của người dân Việt và cũng chính là một tác phẩm thể hiên cho tiếng nói của người nông dân một nắng hai sương trong SVC.

Hay như tác phẩm sanh dáng làng cổ lão phong sương, sừng sừng tựa như cây đa đầu làng ở mỗi làng quê Việt Nam. Bộ rễ độc đáo ốm chọn lấy bệ đá được đặt giữa một bể nước trong veo. Mộc thách tương giao, lâu ngày rễ sanh bám hòa quện vào đá, đá hòa vào rễ cây nhiều đoạn khó phân biệt. Da cây trắng mốc nhăn nheo. Tỷ lệ tay cành hợp lý phân đều đi các hướng.

Đánh giá về giá trị kinh tế, nghệ thuật của những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật do nghệ nhân Đào Nhất Hoa tạo tác, nghệ nhân Đỗ Văn Hài, Hà Nội cho biết: “Đây là những tác phẩm sanh quê già, được nghệ nhân nỗ lực sáng tạo bền bỉ tạo tác theo năm tháng. Một vài tác phẩm tiêu biểu như tác phẩm sanh dáng làng, tác phẩm sanh cối xay là những tác phẩm tương đối hoàn thiện. Nếu chủ nhân chịu khó đầu tư làm lại bộ dăm tàn một cách công phu theo lối chơi cầu kỳ của người Hà Nội thì đây là những tác phẩm độc đáo, hấp dẫn có giá trị kinh tế nghệ thuật cao. Các nghệ nhân, các nhà sưu tầm ở thành phố do đất đai chật trội nên thường phải mua cây phôi, cây đã tạo tác dở dang để về làm thành tác phẩm hoàn thiện. Ở đây Nghệ nhân Đào Nhất Hoa có điểm mạnh là người làm từ đầu đến cuối nên tác phẩm có nhiều điểm mới lạ, thật cây, không màu mè chắp nối”.

q2-1673510234.jpg

Người nghệ nhân của đồng quê thân thuộc như ông Hoa dẫu bận trăm công nghìn việc sinh kế hàng ngày vẫn dành thời gian thích đáng để chăm sóc những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật mà ông trân trọng như những đứa con tinh thần. Ông cũng tích cực tham gia các hoạt động phong trào sinh vật cảnh địa phương, chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay cách làm hiệu quả đối với cán bộ, hội viên nơi vùng quê Ninh Giang yên ả. Tại Đại hội đại biểu Hội Sinh vật cảnh tỉnh Hải Dương ông Hoa đã được đại hội tín cử vào Ban Chấp hành. Nhiệm vụ mới, niềm vui mới, ông đang ấp ủ nhiều việc làm cùng những người yêu thiên nhiêu và nghệ thuật SVC tỉnh Hải Dương phấn đấu đưa SVC thành ngành kinh tế sinh thái, có đóng góp cụ thể và tích cực hơn nữa trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh.