Người Hà Nội trong "Trái tim người lính Thủ đô"

Hàng năm, vào mùa thu tháng Mười, tôi lại bồi hồi xúc động khi nghe bài hát Người Hà Nội vang lên trên sóng phát thanh, truyền hình và trên sân khấu của Thủ đô. Phải là ngày này, phải là mùa thu khi những chiếc lá vàng rơi trên đường phố Tràng Thi, phố Phan Đình Phùng... tôi mới cảm nhận hết vẻ đẹp thật sâu lắng và khí thế hào hùng qua bài hát "Người Hà Nội" của Nhạc sĩ, Nhà thơ Nguyễn Đình Thi.

Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây

Đây lắng hồn núi sông ngàn năm

Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu...

dt1dvh1-1728350952.jpg

Tác giả bài viết.

 

Đã biết bao lần, tôi từng thả bộ trên đường phố Hà Nội mà nghĩ đến ông. Sinh thời, Nhà thơ Nguyễn Đình Thi chưa bao giờ xưng danh là Nhạc sĩ. Ông chỉ nhận mình là người viết nhạc "tay ngang". Hà Nội và Nguyễn Đình Thi đã hòa làm một, bởi ông là Người Hà Nội gốc. Một người hào hoa, thanh lịch riêng có của người Hà Nội.

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An

Cũng xin nói thêm rằng, Tràng An chính là kinh đô của 20 Vương triều phong kiến, là đất kinh kỳ nhiều đời. Vì vậy, Tràng An là nơi tụ hội, kết tinh của những nét đẹp văn hóa, trở thành bản sắc truyền thống của Tràng An, của nét đẹp kinh kỳ. Cụm từ người Tràng An trong câu ca có nghĩa là kinh đô, kinh kỳ của người Thăng Long với lối sống rất tao nhã thanh cao, văn minh, lịch sự. Lối sống đó đã thành bản sắc, dù có đi đâu cũng không thể thay đổi. Nguyễn Đình Thi đã hội tụ tất cả vẻ đẹp ấy.

dt2dvh2-1728350899.jpg

Ảnh do tác giả sưu tầm trên Internet.

 

Những giai điệu và ca từ "Người Hà Nội" mỗi khi vang lên đã làm xốn xang lòng người. Những tên phố, những cửa ô, những tên làng, những con đường... mỗi khi cất lên lời ca ấy là thấy thiết tha trìu mến.

Hà Nội đẹp sao! Ôi nước Hồ Gươm xanh thắm lòng

Bóng Tháp Rùa thân mật êm ấm lòng

Hồng Hà tràn đầy, Hồng Hà cuốn ngàn nguồn sống tràn đầy dâng.

Hà Nội đẹp sao. Những cửa đầu ô

Tíu tít gánh gồng đây Ô Chợ Dừa, kia Ô Cầu Dền làn áo xanh nâu Hà Nội tươi thắm...

Và khi "Hà Nội vùng đứng lên", "Hà Nội cháy", "Hà Nội ầm ầm rung", thì đó là một Hà Nội hào hùng và quật khởi, một ý chí kiên trung bất khuất của Người Hà Nội.

Ngày này, 70 năm về trước lá cờ đỏ sao vàng lại được chính thức kéo lên tại Cột cờ Hà Nội. Khi tiếng còi Nhà hát thành phố nổi lên, các đơn vị quân đội tham gia tiếp quản Thủ đô và hàng trăm nghìn người dân Hà Nội đã trang nghiêm dự lễ chào lá cờ thiêng liêng của Tổ Quốc. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay, Người Hà Nội tưng bừng hân hoan trong niềm vui giải phóng.

Rất nhiều nghệ sĩ hát bài này và họ đã thành công. Nhưng có lẽ tôi thực sự ấn tượng và xúc động khi được nghe tiếng đàn guitar của người nghệ sĩ khiếm thị Văn Vượng. Ông chỉ được nghe và cảm nhận những thanh âm xào xạc khi gió thu về, những tiếng còi xe, những tiếng mưa rơi rì rầm trong đêm khuya rất Hà Nội. Ông không còn được nhìn những sắc màu lung linh của Hà Nội. Vậy mà tiếng đàn ông lay động trái tim biết bao người.

Tôi đi trên đường Thanh niên, nghe Hồ Tây dạt dào sóng vỗ, đền Quán Thánh trầm mặc trong đêm thu mà như thấy tiếng đàn guitar Văn Vượng vọng về thật thiết tha đến nao lòng:

"Sống vui phố hè. Bồi hồi chàng trai, những đôi mắt nào.

Quanh co chen quanh rộn ràng Đồng Xuân, xanh tươi bát ngát Tây Hồ. Hàng Đào ríu rít Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai.

Ôi tha thiết lòng ta biết bao nhiêu! Mỗi tấc đất Hà Nội đượm thắm máu hồng tươi..."

Chuyện kể rằng, Nhà thơ, Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi khi xem Nghệ sĩ Văn Vượng biểu diễn tại Nhà hát Lớn, ông đã lên sân khấu tặng hoa, ôm Văn Vượng hồi lâu, rồi cầm tay người nghệ sĩ khiếm thị đưa lên mắt mình để biết rằng ông đã khóc sau khi nghe Người Hà Nội.

Tôi không phải là người Hà Nội gốc. Tôi là công dân của Thủ đô. Là người lính mang trong mình "Trái tim Người lính Thủ đô". Tôi yêu Người Hà Nội và đã sống hết mình, yêu hết mình, làm thơ hết mình vì Hà Nội. Từ đáy lòng, trong buổi lễ ra mắt CLB Trái tim Người lính Thủ đô, tôi nói, để có được cuộc sống trong hòa bình và hạnh phúc hôm nay, đất nước ta đã phải trải qua những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm oanh liệt, Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến đã chứng kiến bao trận đánh ác liệt, biết bao người con đã xả thân vì Tổ quốc, nguyện hy sinh thân mình để bảo vệ quê hương. Chúng tôi tự thấy mình có trách nhiệm phải tri ân đồng đội, kết nối nghĩa tình, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội.

Thời gian dần trôi đi, nhưng tôi tin mùa thu Hà Nội sẽ còn đọng lại mãi một Hà Nội linh thiêng hào hoa, một vẻ đẹp vĩnh cửu trong "trái tim Người lính Thủ đô" và với biết bao người.

Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây.

Đây lắng hồn núi sông ngàn năm.

Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu...

T.T.G

Trái tim người lính