Nhân ngày sinh của Nhà thơ Quang Dũng, góp thêm một giai điệu mới cho bài thơ "Tây Tiến"

Nhà thơ Quang Dũng (1921 – 1988), tên thật là Bùi Đình Diệm, sinh ngày 11/10 và mất ngày 13/10. Nghĩa là, nếu theo Dương lịch, thì ngày sinh và ngày giỗ của ông chỉ cách nhau có 2 ngày, và cùng vào tháng 10. Hôm nay, 11/10/2024, đúng ngày sinh nhật lần thứ 103 của người Thi sĩ tài hoa quê Xứ Đoài.
dt1bvh-1728610694.jfif
 

Quang Dũng vào bộ đội Việt Minh ngay sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, trở thành Phóng viên của báo “Chiến đấu”. Năm 1947, ông được điều đi học Trường bổ túc Quân sự Sơn Tây. Sau khoá học, ông làm Đại đội trưởng ở Tiểu đoàn 212, Trung đoàn 52 (còn được gọi là Trung đoàn Tây Tiến). Ông tham gia chiến dịch Tây Tiến đợt hai, mở đường qua đất Tây Bắc và được cử làm Phó đoàn Tuyên truyền Lào - Việt.

dt1dvh1-1728609360.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Cuối năm 1948, sau chiến dịch Tây Tiến, Quang Dũng là Trưởng Tiểu ban Tuyên huấn của Trung đoàn 52 Tây Tiến, rồi làm Trưởng đoàn Văn nghệ Liên khu III. Ông đã viết một số truyện ngắn, kịch bản sân khấu, vẽ tranh và sáng tác ca khúc. Đặc biệt, năm 1948 khi tham dự Đại hội toàn quân ở Liên khu III, tại làng Phù Lưu Chanh (Hà Đông) Quang Dũng làm bài thơ “Tây Tiến” lừng danh để đời.

Tháng 8 năm 1951, Quang Dũng xuất ngũ. Sau 1954, ông làm Biên tập viên tại báo Văn nghệ, rồi chuyển về làm việc tại Nhà xuất bản Văn học cho tới lúc nghỉ hưu. Ông mất trong khó khăn và lặng lẽ thời bao cấp tại Hà Nội.

Năm 2001, Nhà thơ Quang Dũng đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Năm 2019, gia đình ông phối hợp với NXB Kim Đồng phát hành cuốn sách hồi ký “Đoàn binh Tây Tiến”. Cuốn sách được Quang Dũng viết vào năm 1952, nhưng vì nhiều lý do đã không được xuất bản vào thời điểm đó. “Đoàn binh Tây Tiến” đã được Giải A giải thưởng sách quốc gia năm 2020...

Bài thơ “Tây Tiến” giống như một tượng đài hào hùng và bi tráng trong nền thi ca Cách mạng Việt Nam. Nó không chỉ là di sản của Đoàn binh Tây Tiến bất tử, mà của cả một thế hệ thanh niên Hà Nội nói riêng và thành thị nói chung. Đó là những người trai trẻ hào hoa, đã tình nguyện gia nhập đoàn quân vệ quốc, dấn thân vào cuộc trường chinh gian khổ cùng dân tộc, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ độc lập tự do, trong những năm đầu chính quyền Cách mạng.

“Tây Tiến” có một số phận khá đặc biệt. Ngay từ khi ra đời năm 1948, bài thơ đã gây tiếng vang rất lớn với nét hào hoa, mới lạ trong vần điệu và độc đáo trong từng câu chữ. Tuy nhiên, có ý kiến phê bình tác giả là “tiểu tư sản” và bị cấm lưu hành ở một số đơn vị. Nhưng đây cũng là bài thơ hiếm hoi, gần như duy nhất viết về bộ đội miền Bắc, mà lại được cả những người lính Cộng hòa miền Nam vô cùng yêu thích. Thậm chí có Nhà xuất bản tại Sài Gòn đã cho in và tái bản nhiều lần bài “Tây Tiến”. Kỳ lạ là người lính ở vùng miền nào của Việt Nam thời ấy cũng thấy bóng dáng của chính mình trong đó! Còn người hâm mộ tác giả “Tây Tiến” thì nhiều vô kể…

Giai thoại làng văn kể rằng: sau khi đất nước đã thống nhất, một hôm Quang Dũng nhận được thư từ một người hâm mộ, cũng là một tỷ phú đất Sài Gòn. Ông này bày tỏ muốn mời Quang Dũng vào miền Nam chơi và xin đài thọ toàn bộ một chuyến đi này, chỉ với một ý cầu: Đề nghị Quảng Dũng viết tay lại bài thơ “Tây Tiến” để treo ở bàn làm việc. Lẽ ra, Quang Dũng sẽ vui vẻ nhận lời vào Sài Gòn để giao lưu và tri ân những người hâm mộ ấy. Nhưng mà, cuối lá thư trên, ông tỷ phú nọ dại dột tái bút: “Nếu được ông chiếu cố vào viết tặng cho bài thơ “Tây Tiến” thì thù lao chí ít cũng phải là một chiếc Honda. Ngoài ra, nếu ông có thể tặng thêm cho vài câu thơ khác thì số quà tặng còn giá trị hơn rất nhiều”. Đọc hết lá thư, nhà thơ Quang Dũng lắc đầu, cười chua chát: “Văn chương chữ nghĩa rẻ rúng đến thế ư!”. Ông đã kiên quyết từ chối chuyến đi Sài Gòn đó. Quang Dũng đã lựa chọn sống một cuộc đời giản dị, thanh bạch, tránh xa những giá trị vật chất mà ông coi là “tầm thường”.

Sinh thời, tác giả “Tây Tiến” là người cao lớn, dáng vẻ phong trần và “chuẩn men” bậc nhất làng thơ Việt hồi đó. Giữa năm 2002, tôi có viết một bài bút ký chân dung mang tựa đề “Một lá thư độc đáo của nhà thơ Quang Dũng gửi nữ sĩ Anh Thơ” và cho đăng trên tờ “An ninh Thế giới cuối tháng”. Bài viết với nhiều chi tiết thú vị, và tư liệu lần đầu công bố, đã gây xôn xao dư luận bạn đọc. Một người bạn đã mang số báo đó biếu thân nhân gia đình cố nhà thơ Quang Dũng. Cụ bà Bùi Thị Thạch, phu nhân của tác giả “Tây Tiến” đọc xong, thì mỉm cười và bảo: “Cậu nhà báo này cứ như là ma xó trong nhà tôi vậy. Cái gì cũng biết tường tận thế”. Tôi coi đó là một lời khen, dành cho người viết. Sau này, chị Bùi Phương Thảo, con gái của nhà thơ Quang Dũng đã liên hệ xin tôi bài viết trên, để đưa vào một tập sách do chị biên soạn về người cha của mình.

Ra đời cách đây đã gần 80 năm, “Tây Tiến” đã được nhiều nghệ sĩ tên tuổi phổ nhạc, hát và diễn ngâm, Đặc biệt, từ khi bài thơ được tuyển chọn vào sách Ngữ văn 12, thì có có thêm hàng trăm bài bình giảng nữa của các thầy cô giáo và học sinh yêu văn học. Nhiều bài trong số đó đã được đưa lên mạng xã hội.

Nhân kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của nhà thơ tài hoa Quang Dũng, “Soldier’s Heart”.M xin góp thêm một góc nhìn và nghe mới về “Tây Tiến”: Phiên bản Số 1 và Số 2 là phổ nhạc nguyên bản tác phẩm. Phiên bản Số 3 là thử nghiệm phỏng thơ.

Hà Nội, 11/10/2024

TTNL

TÂY TIẾN

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi,
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.

Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.

Doanh trại bừng lên hội đuốc, hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

Quang Dũng