Ngày 15/7, đoàn công tác của Viện Pasteur TP.HCM phối hợp cùng Sở Y tế TP.HCM và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã tiến hành giám sát thực địa tại huyện Củ Chi (cũ), một trong những "điểm nóng" về bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, trong vòng hai tháng gần đây, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận trung bình từ 20–30 ca sốt xuất huyết nội trú, chiếm đến 20% tổng số bệnh nhân điều trị nội viện. Ngoài ra, mỗi ngày có thêm từ 5–10 trường hợp ngoại trú được chẩn đoán sốt xuất huyết, trong đó 70% phải nhập viện theo dõi. Tính từ đầu năm 2025 đến nay, bệnh viện đã ghi nhận 1.538 ca sốt xuất huyết, trong đó có 49 ca nặng. Xét nghiệm chẩn đoán được thực hiện hơn 4.000 mẫu, với tỷ lệ dương tính lên đến 27%.
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, bệnh viện đã chủ động triển khai tập huấn nhân lực, cập nhật hướng dẫn điều trị, xử lý các ca bệnh nặng theo quy trình báo động đỏ, thành lập tổ chuyên gia hỗ trợ, đồng thời đảm bảo công tác thu dung, hội chẩn và chuyển viện kịp thời.
Tuy nhiên, tại tuyến cộng đồng, công tác truyền thông và kiểm soát nguồn lây còn gặp nhiều khó khăn. Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Củ Chi cho biết: “Địa phương đã triển khai truyền thông, ra quân diệt lăng quăng tại các điểm nguy cơ, tuy nhiên hiệu quả chưa như kỳ vọng. Khu công nghiệp và khu nhà trọ công nhân là nơi ghi nhận số ca cao nhất, nhưng lại khó tiếp cận vì công nhân vắng mặt cả ngày”.
Số liệu từ HCDC cho thấy, TP.HCM đã ghi nhận 11.014 ca sốt xuất huyết tính đến giữa tháng 7, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, số ca mắc mới tăng mạnh trong 4 tuần gần đây – trùng với cao điểm mùa mưa. Thành phố cũng đã ghi nhận 6 ca tử vong, trong đó có các trường hợp tại Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ). Huyện Củ Chi hiện đứng thứ hai toàn thành phố về tổng số ca mắc và tốc độ gia tăng.
Trước nguy cơ dịch bùng phát, Sở Y tế TP.HCM đã phát động “tháng cao điểm phòng chống sốt xuất huyết” trên toàn địa bàn, với sự tham gia đồng bộ từ hệ thống bệnh viện đến từng khu phố. Trong thời gian cao điểm, cơ quan chức năng đã xử phạt 5 trưởng điểm nguy cơ để phát sinh lăng quăng, đồng thời tăng cường truyền thông trực tiếp tại khu công nghiệp, nhà trọ vào buổi tối và cuối tuần – thời điểm người lao động có mặt đông nhất.
Ngoài sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng cũng ghi nhận 11.667 ca trong nửa đầu năm – tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù có dấu hiệu giảm nhẹ từ tháng 6, nhưng dự báo sẽ tăng trở lại vào tháng 8–9 theo chu kỳ hằng năm. Trong khi đó, dịch COVID-19 đã hạ nhiệt, sau đợt gia tăng nhẹ do biến thể mới NB.8.1 xuất hiện vào đầu quý II. Hiện tại, thành phố ghi nhận trung bình chỉ 1 ca mắc mới mỗi tuần.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, các địa phương cần xử lý triệt để các “ca bệnh chỉ điểm” – những ca nhập viện đầu tiên trong một ổ dịch tiềm năng. Đồng thời, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rà soát, xử lý triệt để các điểm nguy cơ và đẩy mạnh truyền thông để nâng cao ý thức cộng đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS.BS.CKII Nguyễn Vũ Trung – Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM đánh giá, Củ Chi là địa bàn có đặc điểm kinh tế – xã hội đa dạng, yêu cầu phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Dù công tác chuyên môn đã được triển khai tích cực, nhưng hiệu quả chưa cao, nguyên nhân một phần đến từ nhận thức cộng đồng chưa đầy đủ.
“Không thể xem nhẹ sốt xuất huyết. Không có lăng quăng thì sẽ không có sốt xuất huyết – đó là chân lý dịch tễ học. Nhưng điều quan trọng nhất là phải làm sao để người dân hiểu rõ, tin tưởng và hành động dựa trên điều đó”, ông Trung nhấn mạnh.