Nhiều tác phẩm Sinh vật cảnh độc đáo tại Festival sản phẩm Nông nghiệp và làng nghề Hà Nội

15/12/2022 16:50

“Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ hai năm 2022” đã được khai mạc vào tối 14/12 với sự tham gia của các lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành Thành phố cùng hàng nghìn đại biểu có mặt tại Festival…

Sự kiện được tổ chức với mục đích nhằm giới thiệu những thành tựu đạt được trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn của thành phố Hà Nội. Đặc biệt, tại sự kiện trưng bày khoảng 1000 tác phẩm sinh vật cảnh tiêu biểu của 15 tỉnh, thành phố phía Bắc.

sv4-1671072341-1671097088.png
 
svc-1671097087.jpg
svc-10-1671097233.jpg
Các đại biểu thăm quan khu trưng bày Sinh Vật Cảnh trước giờ khai mạc

Từ xưa con người đã đưa cây cối từ thiên nhiên vào trong chậu để tạo tác những dáng thế như ý muốn, để thưởng ngoạn, dần trở nên một thú chơi tao nhã. Chơi cây cảnh làm cho đời sống tinh thần thêm phong phú, trở thành một nếp văn hóa lâu đời của dân tộc Việt. Nhưng hiện nay, Sinh vật cảnh không chỉ là thú chơi tao nhã, thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa của người dân, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương. Từ một phôi gốc hoặc những cây sưu tầm được từ người dân, nghệ nhân "mát tay" sẽ uốn nắn, cắt tỉa, tạo dáng để nâng tầm giá trị cây lên gấp nhiều lần. Do đó, với nhiều cây độc, lạ thì giá trị từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí có cây lên đến tiền tỷ. Những người yêu cây cảnh, ngoài đam mê thì cũng cần "sống" được với nghề, cũng có người xem đây là công việc chính.

svc4-1671097089.jpg
svc3-1671097088.jpg
svc-5-1671097087.jpg
Hơn 1000 tác phẩm sinh vật cảnh tiêu biểu của 15 tỉnh, thành phố phía Bắc

Với quy mô khoảng 15.000m2, Festival sẽ gồm: Khu trưng bày sinh vật cảnh; Khu tiểu cảnh bonsai, Hà Nội 4 mùa hoa, các modul nghệ thuật; Khu trương bày giới thiệu những sản phẩm OCOP, sản phẩm sản xuất theo chuỗi của Hà Nội; Khu trình diễn nghệ thuật ẩm thực Việt; nông nghiệp công nghệ cao, trưng bày sản phẩm nông nghiệp của các quận, huyện, thị xã và ngành Nông nghiệp Hà Nội; Khu trưng bày, giới thiệu các điểm du lịch cộng đồng, mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn Hà Nội; Khu gian hàng tiêu chuẩn trưng bày sản phẩm nông nghiệp của các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp, hợp tác xã và Khu sân khấu cho khai mạc, bế mạc, trình diễn tay nghề, hội thi. Triển lãm quy tụ hàng ngàn tác phẩm thuộc các bộ môn: Cây cảnh nghệ thuật, Hoa lan, Đá Cảnh, Chim cảnh của Thủ đô và một số tỉnh lân cận.

Trong thời gian diễn ra Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ hai năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội còn tổ chức Hội nghị sơ kết đề án phát triển năng lực phân tích và chứng nhận sản phẩm nông nghiệp; hội thảo đánh giá kết quả phối hợp đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng nông, lâm, thủy sản với các tỉnh, thành phố; ký kết hợp tác tiêu thụ nông sản; hội thảo về giải pháp phát triển ngành kinh tế sinh vật cảnh; hội thi sinh vật cảnh và hoạt động trình diễn tay nghề, trình diễn ẩm thực của các nghệ nhân. Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ hai năm 2022 diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 14/12 đến ngày 18/12.

 

Trong chiến lược phát triển, nhiều tỉnh, thành phố đã xác định phát triển sinh vật cảnh như một tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Tại nhiều địa phương, sự phát triển của sinh vật cảnh đã tham gia, đóng góp hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững, thay đổi bộ mặt nông thôn, tôn tạo cảnh quan đô thị, bảo vệ môi trường sinh thái... Nhiều địa phương đã sớm quy hoạch, hình thành vùng chuyên canh, làng nghề sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh: Thủ đô Hà Nội quy hoạch vùng sản xuất, kinh doanh hoa ảnh, cây cảnh trên 5.300ha, gắn với các làng nghề truyền thống: Đào cảnh, Quất cảnh, Hoa cảnh Tứ Liên, Nhật Tân, Quảng Bá (Tây Hồ), Hoa cảnh Tây Tựu (Bắc Từ Liêm), Cây cảnh, Hoa cảnh Vân Tảo, Hồng Vân (Thường Tín), Hoa cảnh Phù Đổng (Gia Lâm). Tỉnh Bắc Ninh phát triển làng nghề cây cảnh Phú lâm (Gia Bình). Thành phố Hải Phòng phát triển làng nghề Hồng Thái, Đặng Cương, Đồng Thái (An Dương). Hưng Yên có làng nghề cây cảnh, hoa cảnh nổi tiếng tại các xã Phụng Công, Thắng Lợi, Xuân Quang (Văn Giang). Thái Bình có làng nghề sinh vật cảnh và du lịch Bách Thuận (Vũ Thư).  Nam Định quy hoạch phát triển các làng nghề hoa cảnh, cây cảnh Xuân Dục, Xuân Ninh (Xuân Trường), Đồng Lạc, Nam Mỹ (Ý Yên), Tây Cát, Hải Đồng, Hải Sơn (Hải hậu), và nơi có Đền thờ Tổ nghề Cây cảnh tại xã Điền Xá (Nam Trực). Ninh Bình phát triển nghề cây cảnh, đào cảnh, tiểu cảnh ở huyện Tam Điệp. Phú Thọ có làng nghề Cá chép đỏ Thủy Trầm, Tuy lộc (Cẩm Khê). Thanh Hóa có các làng nghề sinh vật cảnh Hợp Lý, Vinh Thành (Triệu Sơn). Quảng Ngãi có làng nghề cây cảnh Xuân Vinh, Hành Đức (Nghĩa Hành). Bình Định có các làng nghề trồng Mai cảnh Nhơn An, Phước Hòa (An Nhơn). Long An có làng nghề Mai cảnh Tân Tây (Thạnh Hóa). Bến tre có tới 31 làng nghề trồng hoa, cây cảnh, sản xuất cây giống tại các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc. Trà Vinh có làng nghề hoa cảnh Long Đức. Cần Thơ có làng nghề hoa cảnh Long Tuyền (Bình Thủy), Trường Thắng (Thới Lai). Đồng Tháp có làng nghề hoa cảnh, cây cảnh Sa Đéc nổi tiếng, với thu nhập bình quân trên 400 triệu đồng/ ha...

Những năm gần đây, nhờ có các chính sách phù hợp, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và sinh vật cảnh đã và đang có bước phát triển mạnh mẽ, hiệu quả, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Với tốc độ tăng trưởng nhiều năm từ 2,8% đến 3%/năm, nông nghiệp, nông thôn được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đánh giá: “Có bước chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng và hiệu quả, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế; kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng... góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân”. Sinh vật cảnh đã khẳng định vị thế, đang có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Ngành kinh tế sinh vật cảnh đang hình thành với những sản phẩm đặc hữu, sinh thái, có giá trị cao về nghệ thuật và kinh tế. Trong thời gian tới, phát triển kinh tế sinh vật cảnh cần bám sát chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.

Theo số liệu điều tra, hiện cả nước hiện có gần 50 nghìn ha sản xuất hoa cảnh, cây cảnh, doanh thu bình quân từ 350 triệu đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm; giá trị sản lượng ước tính đạt trên 15.000 tỷ đồng/năm, trong đó giá trị xuất khẩu đạt khoảng 80 triệu USD/năm. Nghề sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh giải quyết công ăn việc làm thường xuyên, giữ chân lao động nông thôn cho hàng chục vạn hộ gia đình. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh đóng góp không nhỏ cho sự tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp. Sản phẩm hoa cảnh, cây cảnh không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, đã xuất khẩu, mang về nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước.

Tiềm năng phát triển sinh vật cảnh của nước ta rất lớn. Nguồn tài nguyên khí hậu, thổ nhưỡng đa dạng, phù hợp với phát triển nhiều loại hoa cảnh, cây cảnh. Nguồn nhân lực dồi dào, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, bề dày lịch sử nhiều làng nghề truyền thống, những nghệ nhân tài ba, hàng triệu người lao động gắn bó nghề nông nghiệp. Nguồn gen hoa cảnh, cây cảnh phong phú, trong đó có nhiều nguồn gen quý, có giá trị cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Nhu cầu sử dụng sản phẩm hoa cảnh, cây cảnh tăng bình quân 15%/năm... Những điều đó khẳng định xu hướng, tiềm năng phát triển sinh vật cảnh của nước ta là rất lớn và sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Một số hình ảnh tại sự kiện:

svc1-1671097087.jpg
svc2-1671097087.jpg
svc-9-1671097087.jpg
svc-6-1671097087.jpg
svc-8-1671097087.jpg
242323dd419d99c3c08c7-1671112015.jpg
fe01f8ff9abf42e11bae10-1671112015.jpg
fe67a69fc4df1c8145ce8-1671112015.jpg
6c3d61c30383dbdd82929-1671112015.jpg
i-1671110792.jpg
dd06d5f8b7b86fe636a96-1671112015.jpg
sinh-vat-canh-1671111995.jpg
sinh-vat-canh1-1671111995.jpg

--

TRANG THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP VỚI TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG HÀ NỘI

Chu Thao