Nhớ về Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn

03/10/2022 14:13

Vừa qua, Nhà xuất bản Dân trí phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa xuất bản cuốn sách "Đào Thế Tuấn - Nhà Khoa học Nông nghiệp uyên bác". Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam xin giới thiệu bài viết “Nhớ về Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn” của tác giả Đại tá Phạm Bình Nhưỡng nguyên Trưởng Công an Huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội; Nguyên cán bộ Bộ môn Sinh lý Cây trồng, Viện KHNN Việt Nam trong cuốn sách quý nói trên

Tôi may mắn khi tốt nghiệp Trung cấp Nông lâm được về làm việc với GS.VS. Đào Thế Tuấn liên tục trong suốt mười ba năm  ở Bộ môn Sinh lý Thực vật, Học viện Nông lâm và sau là Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, quan hệ gần gũi thân thiết như anh em thời bình cũng như thời chiến. Trong bài viết này, tác giả xin phép được gọi bằng anh Tuấn thân mật như những năm tháng bên nhau.

“Thời ấu thơ khoa học” bên anh Đào Thế Tuấn

ss1-1664781104.png
Viện sĩ Đào Thế Tuấn

Tôi mười chín tuổi vừa tốt nghiệp Trung cấp Nông lâm. Anh Đào Thế Tuấn hai mươi chín tuổi mới nhận bằng Phó tiến sĩ ở Liên Xô về nước năm trước. Lúc này sinh viên Khóa một,  Học viện Nông lâm ở Hà Nội vừa khai giảng năm thứ tư.

Vào một cuối chiều mùa Thu năm 1959, bước vào căn phòng tranh tre nứa lá của  Học viện Nông lâm ở làng Quỳnh Đô, huyện Thanh Trì (nay là xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, thành phố Hà Nội), trước mặt tôi là một người tầm thước, trán cao, da dẻ hồng hào, ngồi ngả lưng trên chiếc ghế gỗ đơn sơ. Đó là Phó tiến sĩ Đào Thế Tuấn, Phó Trưởng Bộ môn Sinh lý Thực vật, mà tôi là người đầu tiên được cử làm trợ lý khoa học cho anh.

Câu đầu tiên anh hỏi: Cậu có năng khiếu gì không? Thưa không ạ, chỉ chuyên về khoa học tự nhiên thôi. Anh mỉm cười và bảo: Ở đây cũng chỉ cần có thế. Tôi cảm thấy gần gũi và vui vui.

Sáng hôm sau anh dẫn tôi ra ruộng Anh mặc bộ vải mềm màu xám trông như bác sĩ phẫu thuật nhưng không có mũ, còn ống quần thì túm bằng chun. Có lẽ đó là mốt của các nhà Nông học Liên Xô. Anh lội xuống giải thích cho tôi công thức thí nghiệm của từng ô và chỉ dẫn nội dung theo dõi tiếp sau. Từ đấy anh Tuấn không phải lo công việc đồng áng nữa.

Trong phòng thí nghiệm của bộ môn, anh hướng dẫn và giao cho tôi dùng kính hiển vi và micromet đo độ dầy của thành tế bào thân cây lúa trong thí nghiệm chống lốp đổ. Tôi mải miết làm hết công thức này đến công thức khác. Tôi rất hứng thú với công việc trước đây chỉ biết trên lý thuyết, mà đến đây mới được thực hành khoa học.

Lúc bấy giờ phòng thí nghiệm còn có nhân viên lưu dung thời Pháp tạm chiếm. Các dụng cụ thí nghiệm đều gọi bằng tiếng Pháp như pipet (ống hút), edruvet (ống đong), berse (cốc có mỏ), erlanmayer (bình tam giác) v.v. Ngay anh Tuấn khi hướng dẫn tôi cắt đôi mầm ngô để thí nghiệm với giberelin cũng gọi đoạn này là lêôptin, đoạn kia là côlêôptin. Tôi thấy ngợp quá, nên phải học hỏi thật nhanh để làm tốt công việc được giao.

Lúc đầu anh phải hướng dẫn cho tôi rất tỷ mỷ, từ cách đúc mẫu trong parafin cho đến cắt mẫu sao cho mỏng và đều, cách pha thuốc nhuộm mẫu... Về sau anh chỉ nói qua là tôi làm được. Phòng thí nghiệm vừa để nghiên cứu vừa phục vụ sinh viên thực tập nên rất bận rộn và chật chội, phải làm đêm hay cả ngày nghỉ cũng là thường mà tôi vẫn say mê.

Chẳng bao lâu anh đã tin tưởng giao cho tôi quản lý phòng thí nghiệm, được sắp đặt đâu ra đấy. Phòng thí nghiệm của tôi cùng với phòng phân tích nông hóa thổ nhưỡng là hai phòng thí nghiệm hiện đại nhất học viện. Ở đây tôi đã nhận thức được điều quan trọng: Nghiên cứu khoa học là khám phá và sáng tạo, bản thân nó có sức động viên rất lớn những người trong cuộc.

Tính chính xác trong nghiên cứu khoa học

Để xác định chiều cao cây lúa ở các công thức thí nghiêm khác nhau, anh Tuấn yêu cầu tôi đo từng dảnh rồi lấy trung bình cộng. Để có  khối lượng hạt thóc mỗi công thức phải đếm ba lần một nghìn hạt rồi cân lên lấy trung bình cộng.

Các phân tích hóa học như định lượng N-P-K và phân tich hóa sinh đều phải nhắc lại ba lần rồi lấy trung bình cộng.

Không thỏa mãn với những con số trung bình cộng như thế, anh còn hướng dẫn và giao cho tôi tính sai số để biết độ tin cậy của các số liệu khoa học. Đống số liệu hàng ngàn hàng vạn như thế, nhưng công cụ tính toán lúc đó chỉ có bàn tính thuốc bắc, thước logarit, hiện đại nhất là cái máy tính quay tay của Tiệp Khắc viện trợ. Cho nên phải “tính ngày tính đêm” mới hoàn thành được, làm cho tôi say mê với những con số.

ss2-1664781126.jpg
Cuốn sách quý về Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn

Để đánh giá mối tương quan giữa hai hiện tượng sinh học nào đó, như tương quan giữa diện tích lá và hiệu suất quang hợp chẳng hạn, anh hướng dẫn tôi thu thập thật nhiều số liệu rồi tính hệ số tương quan theo phương trình toán học khá phức tạp để tìm ra mức độ phụ thuộc lẫn nhau. Tính hệ số tương quan mà không có công cụ hỗ trợ thì cực kỳ tốn công mà vẫn dễ sai sót.

Có lẽ anh Tuấn là người đầu tiên ở Việt Nam áp dụng phép tính sai số và hệ số tương quan vào nghiên cứu khoa học nông nghiệp. Để trình bày một bảng số liệu anh cân nhắc rất kỹ, có khi thay đổi hàng chục lần mới ưng ý để đạt yêu cầu dễ hiểu và thuyết phục nhất.

Có lần đưa số liệu khảo nghiệm tính chịu rét của cây, anh hỏi cậu làm lúc nào, tôi bảo làm sáng nay ở phòng thí nghiêm. Tần ngần một chút anh bảo lẽ ra cậu phải làm vào lúc rét nhất và tốt hơn là làm ngay ngoài ruộng (rét nhất là khoảng ba giờ sáng).

Một lần khác anh bảo tôi cho mầm lúa vào các dung dịch dinh dưỡng khác nhau để xem khả năng hút chất khoáng. Tôi chọn những mầm đạt yêu cầu cho vào một đĩa đã pha chất dinh dưỡng. Anh thấy thế hốt hoảng bảo hỏng rồi, phải làm lại vì những mầm đó đều đã hút chất dinh dưỡng, kết quả thí nghiệm sẽ sai lạc. Thì ra tôi tưởng một khắc ban đầu chưa ảnh hưởng gì, nhưng không phải vậy.

Một hôm anh đưa cho tôi và hướng dẫn cách dùng photometer đo cường độ ánh sáng trong các tầng lá lúa, nhưng không được lội vào vì sẽ làm thay đổi trạng thái tự nhiên của khóm lúa. Tôi phải chế ra công cụ hỗ trợ mới thực hiện được.

Khi anh giao cho tôi sang Bát Tràng đặt hai trăm chậu sứ trồng cây thí nghiệm, anh vẽ chi tiết rõ ràng, men mặt ngoài màu trắng, men mặt trong màu đen, đáy chậu có nhiều lỗ, lại có đế rời. Anh còn căn dặn khi nhận hàng phải kiểm tra kỹ, chỉ nhận những cái hợp chuẩn. Tôi thầm nghĩ: Là cái chậu trồng cây làm gì phải cầu kỳ đến thế. Cũng do lúc ấy tôi chưa biết đấy là mẫu tiêu chuẩn quốc tế dùng làm thí nghiệm trong chậu theo phương pháp Micheclich (mang tên nhà khoa học nghiên cứu ra mẫu chậu này). Ngày nay, chắc có chậu còn vương vãi đâu đó ở Viện Khoa học Nông nghiệp ở Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, và Học viện Nông nghiệp Việt Nam ở Gia lâm, Hà Nội

Từ những việc như vậy, tôi quen với tư duy chính xác trong nghiên cứu khoa học, không thể nông nổi nhận xét kết luận điều gì mà thiếu căn cứ.

Tự làm giàu kiến thức trong nghiên cứu khoa học

Từ khi về nước, không thấy anh Tuấn đi học thêm lớp nào nữa, nhưng kiến thức của anh ngày càng sâu rộng.

Riêng ngoại ngữ anh thông thạo hoặc đọc được tài liệu bằng nhiều thứ tiếng. Anh rất coi trọng các tư liệu khoa học. Sách báo khoa học trong tay anh khá phong phú, lại còn thường thấy các nhà khoa học nước ngoài sao chụp những trang sách anh cần gửi về Việt Nam cho anh (ở ta lúc ấy chưa biết photocoppy là gì). Một hôm anh tìm không thấy một cuốn sách, anh đã thừ người và dặn chúng tôi phải giữ sách cẩn thận, vì không có sách là không có phương tiện làm việc.

Đọc trong sách thấy ở đâu có gì mới phù hợp với ta, anh đều bảo tôi làm thử. Như là trộn phân hóa học với than bùn làm phân bón, hay ủ urê với rơm cho trâu bò ăn, thử tác dụng của các nguyên tố vi lượng, các chất kích thích sinh trưởng lên cây lúa v.v.

Khi cần phân tích các chỉ tiêu sinh lý, hóa sinh như hàm lượng chất khoáng, hoạt độ các loại men trong cây… anh đều đọc sách rồi hướng dẫn tôi làm, hoặc anh dịch ra giấy giao cho tôi thực hiện.

Anh cũng tận dụng triệt để kết quả nghiên cứu, để không lãng phí công của. Chỉ với mấy thí nghiệm nhỏ về hút chất khoáng của cây lúa mà cũng thấy xuất hiện trên Tạp chí Sinh vật Địa do Ủy ban Khoa học Nhà nước xuất bản, và cả trên Diễn đàn Khoa học Thế giới Bắc kinh năm 1964. Sau hơn mười năm nghiên cứu, anh xuất bản cuốn sách khoa học giá trị “Sinh lý của ruộng lúa năng suất cao” (NXB Khoa học kỹ Thuật, năm 1970), sách có 355 trang mà có tới 15 trang thống kê gần 300 tài liệu dẫn. Cùng với các thành tích khác trong hoạt động khoa học, anh Đào Thế Tuấn được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Từ đây tôi suy ra rằng: Tự trau dồi làm giàu kiến thức là thuộc tính của các nhà khoa học.

Truyền cảm hứng khoa học cho đàn em

Anh rất chú trọng tạo điều kiện và khích lệ người trẻ như tôi tiếp cận với các kiến thức khoa học mới. Các cuộc kỷ niệm những nhà khoa học danh tiếng trên thế giới như Mendeleev, Lomonosov, Newton, Xiôncôpsky , Einstein, Marie Curie... hay những buổi thuyết trình khoa học tổ chức tại Ủy ban Khoa học Nhà nước, 39 Trần Hưng Đạo, anh đều cho tôi đi theo. Ở đấy được nghe các nhà khoa học trong nước và nước ngoài thuyết trình, tôi hiểu sâu hơn về học thuyết của họ và thấy gần gũi hơn so với khi đọc sách. Khi đọc được chuyên đề nào mới, thấy hay anh lại tổ chức thuyết trình cho toàn bộ môn hoặc toàn viện để chia sẻ với mọi người.

Cán bộ giảng dạy mới về bộ môn, anh cho đọc tài liệu vài tháng trước khi soạn giáo án, anh xem góp ý rồi tổ chức giảng thử trước toàn bộ môn rồi mới được chính thức giảng cho sinh viên. Những tiết anh lên lớp đều cho tôi ngồi dự như sinh viên,  nhờ thế tôi cũng biết thêm nhiều điều.

Có lần anh còn cho tôi đi thay dự hội nghị ngoài ngành như lễ khánh thành khu gang thép Thái Nguyên, làm cho đầu óc tôi được mở mang.

Khi chiến tranh vào giai đoạn ác liệt, thiếu lương thực rất trầm kha,  anh Tuấn được  Bộ điều vào Khu 4 làm trưởng đoàn chỉ đạo sản xuất, mà anh vẫn sát sao hướng dẫn các cán bộ nghiên cứu sinh lý thực vật chúng tôi đang sơ tán ở Hưng Yên, Thái Bình, nên công tác nghiên cứu vẫn được tiến hành liên tục.

Mỗi khi tôi có cải tiến, sáng kiến gì anh đều khích lệ kịp thời. Như khi ở phòng thí nghiệm chưa có Flamephotometer (quang kế ngọn lửa) để phân tích định lượng kali, tôi mày mò đọc sách nước ngoài, áp dụng phương pháp chuẩn độ bằng thuốc tím được anh biểu dương trước toàn bộ môn. Khi làm ở Thái Bình, tham gia đề tài lúa xuân, tôi nghiên cứu đưa ra phương pháp đo diện tích lá lúa kiểu Việt Nam (đã đăng trên Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp số tháng 4/1966), cũng được viện trưởng tặng giấy khen, làm cho tôi càng hăng say với công việc lao động sáng tạo.

Nhờ sức truyền cảm hứng khoa học như thế, một số nhà khoa học trẻ được anh Tuấn dẫn dắt, sau này đã thành những nhà khoa học tầm cỡ trong giới khoa học nông nghiệp nước nhà đương thời, trong đó có con trai anh PGS.TS. Đào Thế Anh, hiện là Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

Tôi nghĩ anh Đào thế Tuấn là một nhà khoa học kiểu hàn lâm mà vẫn luôn đi sát với đời sống xã hội. Riêng tôi, nhờ anh truyền cảm hứng khoa học mà không ngừng say mê công việc và ra sức học tập. Tự cảm như sau:

Đêm đêm mải miết bên đèn sách
Đi sâu vào thế giới hữu cơ
Vũ trụ bao la và vi thể
Hiện dần lên dẫn dắt ước mơ
Vì hiện tại, tương lai Tổ quốc
Phải nâng cao kiến thức từng giờ
(Trích bài Tự cảm - Học viện Nông lâm, đêm 24/8/1963)

Qua đấy tôi suy ra rằng, những nhà khoa học lớn đều đóng vai trò sản sinh ra nhiều nhà khoa học kế tiếp. Để kết thúc bài viết này, tôi muốn thành kính gửi tới anh Tuấn lời kính trọng và thân thiết.

 

 

 

 

Đại tá Phạm Bình Nhưỡng
Bạn đang đọc bài viết "Nhớ về Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn" tại chuyên mục Diễn đàn. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309