Tác phẩm bằng chì than của Nguyễn Thị Phượng
Giống như hàng triệu người dân Việt Nam, khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, cô gái Nguyễn Thị Phượng (29 tuổi), quê ở tỉnh Thái Bình, đang ngụ tại xã Phú Cần, H.Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã rất buồn và hụt hẫng. Cô đã quyết định vẽ hình Tổng Bí thư để bày tỏ lòng tiếc thương của mình với người.
Bức tranh được thực hiện bằng chì than. Phượng đã xem lại những hình ảnh của Tổng Bí thư thật kỹ, sau đó chọn một hình ảnh mà với cô là đẹp nhất rồi chú tâm chuyển tải cảm xúc của mình qua những nét vẽ. Sau 6 tiếng đồng hồ, bức tranh được hoàn thiện.
"Điều hạnh phúc nhất của tôi là có thể tri ân, tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng một bức tranh. Trong lúc vẽ, những gì đọc trên các báo về sự giản dị, thanh liêm của Tổng Bí thư cứ được tua đi tua lại. Để rồi tôi càng quý trọng, biết ơn Tổng Bí thư nhiều hơn sau những đóng góp to lớn cho nước nhà của ông," Phượng chia sẻ.
Cô cũng cho biết có một câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà cô rất ấn tượng, và coi đó là kim chỉ nam trong cuộc sống: "Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ. Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất."
Bức vẽ bằng phấn màu của thầy giáo Phan Văn Phúc
Có tình cảm đặc biệt và sự kính trọng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thầy giáo Phan Văn Phúc (66 tuổi, trú huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), giáo viên bộ môn mỹ thuật của Trường THCS Phan Huy Chú, huyện Thạch Hà đã vẽ tác phẩm chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng phấn nhiều màu sắc lên bảng chống lóa.
Theo thầy Phúc, bức hình vẽ của ông có bố cục hình ảnh chân dung Tổng Bí thư ở trên cùng, phía sau là bầu trời xanh mênh mông. Chân dung Tổng Bí thư được ông khắc họa với nét đạo mạo và nụ cười hiền hậu, phía dưới có những bông hoa cúc vạn thọ - loài hoa biểu tượng cho sự trường tồn, vĩnh cửu.
"Dù ở xa nhưng tôi muốn dùng bức tranh chân dung và loài hoa vạn thọ thay cho nén tâm nhang gửi đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng," thầy Phúc chia sẻ.
Tác phẩm điêu khắc ánh sáng của Nghệ Nhân Bùi Văn Tự
Nghệ nhân trẻ Bùi Văn Tự (sinh năm 1992, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) thể hiện sự kính trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua tác phẩm thuộc thể loại nghệ thuật điêu khắc ánh sáng.
Lấy cảm hứng từ chính sách "ngoại giao cây tre" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nghệ nhân Bùi Văn Tự đã tạo ra tác phẩm "Cây tre Việt Nam". Tác phẩm được làm từ gỗ trắc, một loại gỗ đặc thù vùng núi Việt Nam có độ bền cao, chống chịu được sự biến đổi của thời tiết. Khi ánh sáng đi qua tác phẩm "cây tre Việt Nam" lại tạo thành bức chân dung đầy cảm xúc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thông qua tác phẩm, anh Tự muốn thể hiện tinh thần và tấm lòng, tình cảm biết ơn và tri ân tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tác phẩm nghệ thuật sắp đặt ánh sáng của Huỳnh Minh Hưng
Huỳnh Minh Hưng (sinh năm 1999, tỉnh Vĩnh Long) cũng vừa hoàn thiện tác phẩm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng nghệ thuật sắp đặt ánh sáng. Khi ánh sáng chiếu qua những chi tiết trên tác phẩm, sẽ tạo thành bức chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tác phẩm này Hưng đã mất gần 20 tiếng để hoàn thiện.
Tác phẩm của Hưng được làm bằng chất liệu gồm giấy thùng carton, gỗ thông, tăm tre... Hưng mất khoảng 5 tháng để tìm hiểu trên Internet và thực hiện tác phẩm. "Khi biết đến những giờ phút cuối đời, Tổng Bí thư vẫn tận tụy làm việc, em càng thêm kính trọng và tiếc thương bác," Hưng chia sẻ.
Bức tranh kính của Viện Kinh Tế - Văn Hóa Và Nghệ Thuật
Các nghệ sĩ, nghệ nhân và chuyên gia của Viện Kinh tế - Văn hóa và Nghệ thuật đã hoàn thành bức tranh kính chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghép từ hàng ngàn tấm ảnh nhỏ của Tổng Bí thư qua các thời kỳ.
Theo đó, nhóm tác giả đã sưu tầm hàng ngàn bức ảnh chân dung của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các sự kiện, hoạt động qua các thời kỳ, trên các cương vị công tác khác nhau, thể hiện những sắc thái cảm xúc khác nhau. Bản thân mỗi tấm ảnh nhỏ gắn với một hoạt động cụ thể đã là một câu chuyện. Tuy nhiên, khi ghép hàng ngàn bức ảnh nhỏ đó tạo thành chân dung của Tổng Bí thư lại đem đến cho người xem những cảm xúc bất ngờ về sự hội tụ những khoảnh khắc về cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhà báo Vương Xuân Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế - Văn hóa và Nghệ thuật cho biết, tác phẩm được thực hiện trên chất liệu kính cường lực với kỹ thuật thấu quang, tạo độ trong suốt và độ bền gần như vĩnh cửu. "Thông qua việc thực hiện tác phẩm này, chúng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn vô hạn trước những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trí tuệ siêu việt; nhà văn hóa - tư tưởng, ngọn cờ lý luận của Đảng," nhà báo Vương Xuân Nguyên xúc động cho biết.
Những tác phẩm nghệ thuật này là biểu tượng cho lòng kính yêu và biết ơn của người dân Việt Nam đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.