Những vấn đề lịch sử Việt Nam - Kỳ 42

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Những vấn đề lịch sử Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022.

Kỳ 42.

 Ngày 9-5-1945, Hồ Chí Minh rời Lam Sơn. Đi theo có một tiểu đội bảo vệ do Đặng Văn Cáp phụ trách, trưa đến xã Bình Dương, bản Thìn Tăng, tiếp tục hành trình đến Khuổi Lẩy, xã Thịnh Vượng, châu Nguyên Bình (nay là xã Bình Dương, huyện Hòa An). Hồ Chí Minh tiếp tục hành trình tới Ngân Sơn, qua bản Sách, Nà Y, xã Cốc Đán, qua bản Hoàng Phài, xã Thượng An, huyện Ngân Sơn. Ngày 12-5-1945 đoàn rời Hoàng Phài đến Khuổi Mản, đi đến chợ Rã, đến Pò Cốt, đến bản Chán, xã Đồng Phúc, huyện Chợ Rã là điểm cuối cùng trên đất Cao Bằng.

 Hồ Chí Minh tiếp tục cuộc hành trình trên đất Bắc Cạn: Từ bản Chán đến bản Cải, thuộc xã Phương Viên, huyện Chợ đồn. Đoàn rời bản Cải đi Châu Lỵ Chợ Đồn, rẽ vào rừng Khuổi Luông, qua đèo Khuổi Khuy tới xã Bằng Viễn, xuống Khuổi Tráng ra khe Nậm Cảng, tới bản Duồng, chiều tối tới bản Rủm Tó, xã Ngọc Bằng, nay là xã Bằng Lăng, huyện Chợ Đồn, Bắc Cạn. Ngày 17-5-1945 đoàn tới Nà Kiến, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn. Đồng chí Võ Nguyên Giáp lên đón Bác. Ngày 20 tháng 5 lên địa phận Tuyên Quang, dừng chân ở Pá Hốp, xã Lĩnh Phú, huyện Chiêm Hoá, sau đó đi qua bản Pài, bản Pình, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, nghỉ tại bản Coóc, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn. Ngày 21-5-1945 Hồ Chí Minh và đoàn cán bộ đến Hồng Thái, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, sau đó vượt sông Đáy đi Tân Trào. 16 giờ ngày hôm đó đến Tân Trào. Cuối tháng 5 Hồ Chí Minh chuyển từ nhà ông Nguyễn Tiến Sự tới Nà Lừa (thuộc thôn Tân Lập).

Từ Cao Bằng Hồ Chí Minh dời Tổng hành dinh về Tân Trào, Tuyên Quang để gần các đô thị như Thái Nguyên, Hà Nội và vùng xuôi, chỉ đạo kịp thời phong trào cách mạng toàn quốc, để rút sâu vào nội địa tránh sự đe dọa từ quân Nhật và ngay cả Quốc Dân Đảng Trung Quốc.

 Hồ Chí Minh chỉ thị khẩn trương mở trường đào tạo cán bộ. Người chỉ thị thành lập khu căn cứ lấy tên là Khu giải phóng bao gồm 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, thống nhất các lực lượng vũ trang lấy tên là Quân giải phóng. Tân Trào được chọn làm Thủ đô của Khu giải phóng. Cuối tháng 7 năm 1945, tại lán Nà Lừa Hồ Chí Minh ốm nặng, sốt. Đêm đó tỉnh lại Người nói với Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Hồ Chí Minh uống thuốc của một cụ lang già người Tày, thuốc là một thứ củ đào trong rừng về đem đốt cháy hòa vào trong cháo. Cơn sốt lui dần, Người gắng gượng dậy tiếp tục làm việc. Ngày 10-8-1945, Hồ Chí Minh cùng các đồng chí chuẩn bị Hội nghị Toàn quốc của Đảng. Ngày 13-8-1945 có tin Nhật đầu hàng Đồng Minh. 14-8-1945 Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, Hội nghị quyết định Tổng khởi nghĩa giành độc lập dân tộc, quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc lãnh đạo Tổng khởi nghĩa và thành lập Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam

 Hồ Chí Minh quyết định triệu tập Đại hội Quốc dân Tân Trào họp ngày 16 đến 17-8-1945. Tham dự Đại hội có 60 đại biểu Bắc, Trung, Nam và đại biểu kiều bào nước ngoài, đại biểu các Đảng phái chính trị, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo. Đại hội nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng và của Tổng bộ Việt Minh, bầu ra Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Uỷ Ban giải phóng dân tộc Việt Nam gồm 10 người: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Dương Đức Hiền… 17-8-1945, trước đình Tân Trào thay mặt Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam Hồ Chí Minh đọc lời tuyên thệ trong buổi lễ ra mắt Quốc dân: “Chúng tôi là những người được Quốc dân Đại biểu bầu vào Uỷ Ban giải phóng dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Dù phải hi sinh đến giọt máu cuối cùng quyết không lùi bước. Xin thề”.

 18-8-1945, Hồ Chí Minh viết Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa gửi Quốc dân.

19-8-1945,  Khởi nghĩa thành công ở Hà Nội, 23 tháng 8-1945, khởi nghĩa thành công ở Huế, 25-8-1945, khởi nghĩa thành công ở Sài Gòn. Cách mạng thành công trong cả nước.

 22-8-1945, Hồ Chí Minh rời Tân Trào về Hà Nội. Người đi theo đường Đèo Khế, Cù Vân (Đại Từ, Thái Nguyên). Người chưa khỏi bệnh, mệt nhiều, có lúc phải nằm cáng. 21 giờ Trần Đăng Ninh đưa xe lên đón Người về Thái Nguyên. 23-8-1945, Người đi qua Đa Phúc, tỉnh Phúc Yên, nay là Sóc Sơn Hà Nội, chiều qua đò sông Hồng ở bến Phú Xá, tối nghỉ ở làng Gạ (nay là làng Phú Gia, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, chiều từ làng Gạ, Người đi ô tô về Hà Nội, xe qua Nhật Tân, Yên Phụ, Hàng Đậu, Hàng Giấy, Hàng Đường, Hàng Ngang rồi dừng ở số nhà 35 phố Hàng Cân. Người ở số nhà 48 phố Hàng Ngang. Đó là ngày 25-8-1945.

 15. Hồ Chí Minh tại Hà Nội lãnh đạo xây dựng bảo vệ chính quyền non trẻ (25-8-1945 đến tháng 9-1946): 26-8- 1945, tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội, Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng. Người nhất trí với Thường vụ Trung ương về chủ trương đối nội và đối ngoại trong tình hình mới, sớm công bố danh sách Chính phủ lâm thời, Người đề nghị mở rộng hơn nữa thành phần Chính phủ lâm thời, chuẩn bị ra Tuyên ngôn Độc lập và tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ ra mắt nhân dân.

 27-8-1845, Hồ Chí Minh triệu tập cuộc họp Uỷ ban Giải phóng (Chính phủ lâm thời). Người đề nghị thi hành chính sách đoàn kết dân tộc rộng rãi, thành lập Chính phủ thống nhất quốc gia bao gồm đại biểu nhiều Đảng phái yêu nước và những nhân sĩ không Đảng phái có danh vọng. Người được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Chính phủ lâm thời bao gồm 15 Bộ trưởng.

 Tại số nhà 48 phố Hàng Ngang, Hồ Chí Minh viết “ Bản tuyên ngôn Độc lập”.14 giờ ngày 2-9-1945, trong cuộc mít tinh của hàng chục vạn nhân dân Thủ đô ở vườn hoa Ba Đình, trên diễn đàn cao và trang nghiêm Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tuyên ngôn khẳng định quyền hưởng tự do độc lập là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của nhân dân Việt Nam. “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

 Sau ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo củng cố xây dựng Nhà nước: Tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá I ngày 6-1-1946. Ngày 2-3-1946, Quốc hội khoá I đã họp. Quốc hội đã nhanh chóng thành lập Chính phủ Trung ương bao gồm 13 bộ và từ đó củng cố chính quyền cách mạng các cấp tỉnh, huyện, xã, thôn, bản.

 Ngày 9-11-1946, Quốc hội khoá I thông qua bản Hiến pháp đầu tiên, đạo luật cơ bản của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hiến pháp khẳng định quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân. Thiết chế chính trị và cấu trúc của Nhà nước được ghi trong Hiến pháp.

Hồ Chí Minh tham gia và chủ tọa hàng chục cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, ký hơn 200 sắc lệnh về tổ chức bộ máy Nhà nước, xây dựng Ủy ban hành chính các cấp, xây dựng lực lượng vũ trang, bộ phận sức mạnh của Nhà nước, bảo vệ Nhà nước và bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc.

 Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân và đưa ra nhiều biện pháp giải quyết nạn đói. Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân một tháng nhịn ăn ba bữa, bỏ gạo đó vào “Hũ gạo đồng tâm”, giúp đồng bào bị đói. Người kêu gọi đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chỉ thị Chính phủ buộc địa chủ phải giảm tô, tức cho nông dân, chia ruộng của Việt gian và thực dân Pháp cho nông dân, xoá bỏ những thứ thuế vô lý của chế độ cũ cho nhân dân, phát động “Tuần lễ vàng” để xây dựng nền tài chính đất nước đang trong tình trạng cạn kiệt.

 Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân diệt giặc dốt. Ngày 8-9-1945 Hồ Chí Minh ra sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ, kêu gọi toàn dân xoá nạn mù chữ.

 Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân xây dựng khối đoàn kết toàn dân, tranh thủ những lực lượng, những cá nhân có thể tranh thủ được, kể cả các nhân sĩ, trí thức trong chế độ cũ, kể cả cựu hoàng Bảo Đại và hoàng tộc. Người đề ra chính sách đoàn kết với các dân tộc thiểu số như chủ tọa Hội nghị các dân tộc thiểu số miền Bắc. Người chủ trương đoàn kết với các tôn giáo, viết thư thăm hỏi nhiều chức sắc tôn giáo, đi thăm nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình), thăm chùa Bà Đá (Hà Nội). Kết quả sự lãnh đạo và hoạt động của Hồ Chí Minh đã xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc, tạo nên sức mạnh giữ vững chính quyền cách mạng.

 Quân đội Pháp theo sau quân đội Anh đã nổ súng xâm lược miền Nam. Trên đất nước ta còn 6 vạn quân Nhật chờ quân Đồng Minh giải giáp. Hàng vạn quân Tưởng Giới Thạch kéo vào miền Bắc chủ yếu là ở Hà Nội với âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng, đưa bọn tay sai Việt Cách, Việt Quốc lên nắm chính quyền. Chưa bao giờ trên đất nước ta nhiều quân xâm lược đến như vậy. Chính quyền cách mạng đứng trước tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”.

 Giai đoạn từ tháng 9-1945 đến tháng 3-1946, Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân ta thực hiện sách lược triệt để lợi dụng mâu thuẫn kẻ thù, tránh một lúc đương đầu với nhiều kẻ thù, tập trung lực lượng đối phó với kẻ thù chủ yếu. Thực hiện kế sách đó ta đã hoà hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc và kiên quyết chống Pháp ở miền Nam. Kết quả ta đã phá tan được mọi thủ đoạn âm mưu của quân Tưởng và các Đảng tay sai, bảo vệ được chính quyền cách mạng. Giai đoạn từ tháng 3-1946 đến tháng 12 -1946, Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân ta hòa với Pháp để đuổi Tưởng về nước.

 Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh hoạt động ngoại giao với phương châm cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược. Ngày 6-3-1946, “Hiệp định sơ bộ” giữa Chính phủ Việt Nam và Đại diện Chính phủ Pháp được ký kết tại Hà Nội. Từ 31-5-1946 đến tháng 9-1946, Hồ Chí Minh chính thức đi thăm nước Pháp nhằm nêu cao ngọn cờ độc lập dân tộc và thiện chí hoà bình của Việt Nam trong nhân dân Pháp và nhân dân thế giới. Khi Hiệp định sơ bộ và Hội nghị Phôngtennơbơlô có nguy cơ đổ vỡ do sự phá hoại của các thế lực hiếu chiến ở Pháp và ở Đông Dương, Hồ Chí Minh đã ký với Pháp bản Tạm ước 14-9-1946, để cứu vãn nền hoà bình và tranh thủ thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến.

 Hồ Chí Minh vừa chỉ đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, vừa chỉ đạo cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chuẩn bị cuộc kháng chiến lâu dài trong toàn quốc: Người đã chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa Việt bắc, dịch và biên soạn những tác phẩm lý luận chiến tranh, xây dựng nền khoa học quân sự Việt Nam hiện đại, khoa học quân sự chiến tranh nhân dân.                         

16. Hồ Chí Minh trên đất Pháp (31-5-1946 đến 14-9-1946): 31-5-1946 Hồ Chí Minh lên đường sang Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp nhằm mở cuộc đàm phán chính thức Việt, Pháp tại Phôngtennơbơlô. Sáng sớm ngày lên đường Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ khẳng định, “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

6 giờ Hồ Chí Minh và phái đoàn đến sân bay Gia Lâm. Người cùng Phạm Văn Đồng, tướng Xa lăng, tướng Va luy duyệt Đội danh dự của Việt Nam và Pháp.

 7 giờ, hai chiếc máy bay Đacôta kiểu Mỹ chở đoàn đi, một chiếc chở Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Minh Giám, bác sĩ Nguyễn Văn Luyện và hai thư ký riêng của Người là Vũ Đình Huỳnh, Đỗ Đình Thiện. Tướng Xalăng, Đarây, Đại uý Cácchiê…Một chiếc chở phái bộ đi dự Hội nghị Phôngtennơbơlô. Cùng ngày phái đoàn tới Mianma (Rănggun). Từ Mianma Hồ Chí Minh đến Cancutta, Ấn Độ. Đại diện Toàn quyền Anh và lãnh sự Pháp ra đón đưa Người và phái đoàn về nghỉ ở khách sạn Phương Đông. Chiều Hồ Chí Minh tới đáp lễ Toàn quyền Anh, tiếp các phóng viên báo Anh, báo Ấn và các Việt kiều. Tối Người dự tiệc do Tổng lãnh sự Pháp ở Cancutta chiêu đãi. Ngày 6-3-1946, Hồ Chí Minh tới thăm Sanđecnago (Changdernagor) theo lời mời của tỉnh trưởng tỉnh này. Cùng ngày Người trả lời những phóng viên các tờ báo lớn về Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp. Chiều Người mở tiệc chiêu đãi lãnh sự và các vị quan chức Pháp ở Cancutta và Sanđécnago.

 Hồ Chí Minh rời Cancutta tới Agra (Agra), thăm nhà thờ Hồi giáo và những thắng cảnh nổi tiếng như lâu đài Đêlikết (Delthi cate) xây dựng từ thế kỷ XVII, đền Tajmahal. Người dự tiệc chiêu đãi của các quan chức địa phương. Từ Ấn Độ, Hồ Chí Minh rời Agra đến Carasi (nay thuộc Pakixtan). Tổng đốc người Anh ra sân bay đón và đưa Người về nghỉ tại phủ Tổng Đốc. Người  thăm khu trung tâm thành phố, tối dự tiệc chiêu đãi của Tổng đốc Carasi. Ngày 6-6-1946, Hồ Chí Minh đến Habanha (Habangna-Irăc), ăn cơm trưa rồi lại lên đường. Ngày 7-6-1946, đến Cai Rô, Thủ đô Ai Cập. Đại sứ quán Pháp ra sân bay đón và mời Người về nghỉ ở sứ quán. Sáng Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm viện khảo cổ Ai Cập, xem Kim Tự Tháp. Người dự tiệc do sứ quán Pháp mời.

(Còn nữa)

CVL