Kỳ 48.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1946-1954 là thắng lợi của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, thắng lợi của tư tưởng kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh nhưng tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.
Thời kỳ từ 1954 đến 1969: Trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, tư tưởng Hồ Chí Minh là cùng đồng thời tiến hành hai cuộc cách mạng, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Hai cuộc cách mạng ở hai miền có mối quan hệ khăng khít với nhau. Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc có vai trò quyết định đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng Việt Nam. Miền Bắc là hậu phương lớn của cách mạng miền Nam. Cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam giữ vị trí trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thực hiện hoà bình thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân chủ nhân dân trong cả nước.
Để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Hồ Chí Minh hình thành và phát triển tư tưởng về con đường chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, tư tưởng xây dựng Nhà nước do dân, của dân và vì dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng Đảng với tư cách là Đảng cầm quyền.
Tư tưởng Hồ Chí Minh có những giá trị gì đối với phát triển dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc? Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của nhân dân Việt Nam vì tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của dân tộc, của thời đại, là tinh hoa văn hóa của Việt Nam và của nhân loại. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin để vạch ra chiến lược, sách lược cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa, trong đó có cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng về cách mạng xã hội chủ nghĩa, cẩm nang để cải tạo xã hội, thúc đẩy lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới thời kỳ hiện đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh sáng tạo là ở chỗ cho rằng giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng lao động, giải phóng con người. Tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam chỉ đường cho cách mạng Việt Nam; tư tưởng là lý luận xuất sắc về giải phóng dân tộc thuộc địa, chỉ rõ vai trò quyết định của các dân tộc trong sự nghiệp tự giải phóng mình. Tư tưởng đã định ra phương hướng cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tất nhiên phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng Hồ Chí Minh khi đi vào đời sống nhân dân sẽ biến thành sức mạnh cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới.
Tư tưởng Hồ Chí Minh phản ánh khát vọng của thời đại. Các Mác viết: “Mỗi thời đại xã hội đều cần có những con người vĩ đại của nó, và nếu nó không tìm ra những người như thế nó sẽ sản sinh ra họ”. [1]
Hồ Chí Minh là nhân vật lịch sử, sản phẩm của dân tộc Việt Nam, của giai cấp công nhân, sản phẩm của thời đại. Nhân vật lịch sử xuất hiện đều phải có tiền đề, nhu cầu bức thiết của lịch sử dân tộc để vĩ nhân ra đời như là một tất yếu. Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh ra đời là do nhu cầu bức thiết của xã hội Việt Nam khi đó là giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do. Các Mác và P. Ăng ghen đáp ứng nhu cầu tư tưởng lý luận chống chủ nghĩa tư bản thời kỳ tự do cạnh tranh. Lênin đáp ứng nhu cầu tư tưởng lý luận chống chủ nghĩa tư bản khi chuyển thành chủ nghĩa đế quốc. Hồ Chí Minh đáp ứng nhu cầu tư tưởng và lý luận đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa.
Tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ ra chiến lược, sách lược, phương pháp cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thuộc địa. Các dân tộc thuộc địa cần phải đoàn kết, liên minh với nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc. Hồ Chí Minh đã đặt cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa vào phạm trù cách mạng vô sản: Xác định giai cấp lãnh đạo, phương pháp cách mạng và hướng phát triển của phong trào giải phóng dân tộc[2]. Tư tưởng Hồ Chí Minh cổ vũ cho cuộc đấu tranh của các dân tộc vì sự nghiệp giải phóng.
Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đã cổ vũ các dân tộc thuộc địa châu Á, châu Phi đứng dậy đấu tranh giải phóng khỏi ách áp bức bóc lột của đế quốc phong kiến, đấu tranh cho độc lập tự do. Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ đường cho các dân tộc đi tới thực hiện ước mơ cao đẹp của con người.
5. Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về Nhà nước và hệ thống chính trị.
Tư tưởng Mác-Lênin về Nhà nước: Lịch sử loài người đã trải qua khoảng 3 triệu năm, trong đó chia làm 5 thời kỳ theo sự phân kỳ của các nhà sử học Mácxít, tương ứng với 5 thời kỳ có 5 hình thái kinh tế xã hội: Thời kỳ tiền sử, tương ứng là xã hội cộng sản nguyên thuỷ, thời kỳ cổ đại tương ứng là xã hội chiếm hữu nô lệ, thời kỳ trung đại tương ứng là xã hội phong kiến, thời kỳ cận đại tương ứng là xã hội tư bản và và thời kỳ hiện đại tương ứng là xã hội tư bản và xã hội Cộng sản chủ nghĩa. Thời kỳ tiền sử chiếm hầu hết thời gian của lịch sử xã hội loài người. Thời kỳ có giai cấp và nhà nước chỉ khoảng 5.000 năm. Nhà nước cổ xưa nhất xuất hiện ở các nước phương Đông sớm nhất cũng chỉ khoảng 3.000 năm trước công nguyên.
Như vậy theo quan điểm của chủ nghĩa Mác_Lênin, Nhà nước là một phạm trù lịch sử, tức là trong 5 hình thái kinh tế của xã hội loài người, xã hội nguyên thủy không có Nhà nước, không có pháp luật vì trong xã hội đó không có tiền đề cho Nhà nước ra đời, cũng không cần thiết (nhu cầu) phải có Nhà nước. Trong xã hội này không có chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, do đó không có giai cấp (mà Nhà nước là công cụ của một giai cấp). Những người đứng đầu thị tộc, tù trưởng đứng đầu bộ lạc, thủ lĩnh đứng đầu liên minh bộ lạc được các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác gọi đó là “quyền lực xã hội”. Họ phục vụ cho mọi thành viên trong xã hội của cộng đồng mà không phục vụ cho một giai cấp nào. Vả lại trong xã hội nguyên thủy lực lượng sản xuất thấp kém, sản phẩm xã hội chỉ đủ cho người sản xuất, không có dư thừa để nuôi sống một bộ máy ăn bám trên kiến trúc thượng tầng Nhà nước. Như vậy, trong xã hội nguyên thủy không có tiền đề kinh tế, xã hội và nhu cầu cho Nhà nước ra đời. Bất cứ một hiện tượng, một sự kiện trong lịch sử muốn ra đời phải có tiền đề và phải có nhu cầu bức thiết.
Cuối thời kỳ thị tộc phụ quyền cách ngày nay khoảng 5.000 năm, công cụ lao động phát triển, ngoài công cụ đá mới còn xuất hiện công cụ lao động đồ đồng, đồ sắt. Từ những công cụ mới xuất hiện những ngành nghề mới như chăn nuôi, trồng trọt, thủ công nghiệp, đánh cá…tất cả tạo nên sự phát triển của sản xuất, năng suất lao động cao biểu hiện trước hết ở xã hội đã có sản phẩm dư thừa. Sản xuất phát triển đã tác động đến sự phân hoá xã hội. Trước kia do lao động thấp kém, con người phải nương tựa vào nhau tạo nên những kiểu gia đình nhiều vợ nhiều chồng. Nay năng suất lao động cao chỉ cần gia đình hai người vẫn có thể lao động dư thừa. Xuất hiện gia đình một vợ một chồng. Sự xuất hiện gia đình vợ một chồng dẫn đến xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Các gia đình một vợ một chồng chiếm đoạt ruộng đất công làm của riêng. Nhưng sự chiếm đoạt đó là không đồng đều nhau. Một số “quan chức” của xã hội như tộc trưởng, tù tưởng bộ lạc, thủ lĩnh quân sự, thủ lĩnh Liên minh bộ lạc do có quyền lực mà lấy được nhiều đất đai trở thành giai cấp giàu có. Giai cấp giàu có đầu tiên là giai cấp chủ nô trong xã hội nô lệ. Khi bàn về quyền lực Ph. Ăng ghen đã viết rằng quyền lực bản thân nó không sản sinh ra kinh tế nhưng quyền lực có thể giúp cướp đoạt về kinh tế và mọi thứ khác. Những người lao động không có quyền lực chỉ chiếm đoạt được một ít ruộng đất, trở thành nông dân nghèo, họ trở thành giai cấp đông đảo trong xã hội. Giai cấp giàu có đã dùng lực lượng vũ trang vào các cuộc chiến tranh xâm lược đất đai của các bộ lạc khác, cướp đoạt ruộng đất, tài sản và biến những bộ lạc bại trận thành nô lệ. Như vậy xã hội có giai cấp đầu tiên là xã hội chiếm hữu nô lệ. Trong xã hội đó có 3 giai cấp chính: Giai cấp chủ nô, giai cấp nông dân và giai cấp nô lệ. Trong xã hội đó chứa đựng mâu thuẫn giữa chủ nô với nông dân và nô lệ. Mâu thuẫn giai cấp dẫn tới xung đột giai cấp đe dọa địa vị và sự tồn tại của chủ nô. Chủ nô liền phát minh ra một công cụ gọi là Nhà nước. Nhờ công cụ này giai cấp chủ nô dù là thiểu số vẫn có thể thống trị, áp bức bóc lột được đại đa số nhân dân. Như vậy lịch sử ra đời của Nhà nước đã chứng minh rằng Nhà nước là công cụ của giai cấp này để thống trị áp bức bóc lột giai cấp khác. Nhà nước mang bản chất giai cấp, không có Nhà nước của mọi giai cấp, không có Nhà nước toàn dân. Nhưng ngoài bản chất giai cấp, Nhà nước còn mang tính chất xã hội. Giai cấp thống trị đã dùng Nhà nước làm công cụ quản lý xã hội, làm công cụ tổ chức nhân dân xây dựng phát triển kinh tế, văn hoá để phục vụ cho giai cấp thống trị nhưng khách quan cũng đã phục vụ cho toàn bộ xã hội. Nhà nước là mang bản chất giai cấp nhưng nếu một Nhà nước chỉ bo bo quyền lợi cho một giai cấp hay một dòng họ, một tầng lớp, một tập đoàn mà không đếm xỉa tới quyền lợi của các giai tầng khác trong xã hội thì Nhà nước đó sớm muộn cũng sẽ diệt vong. Lịch sử có quy luật và quy luật có cách thức thực hiện riêng của nó.
Nhà nước có hai đặc trưng, đặc trưng thứ nhất là cai trị dân cư theo khu vực hành chính, đặc trưng thứ hai là hình thành những cơ quan quyền lực công cộng, tức là thiết chế chính trị, còn gọi là bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Bộ máy Nhà nước có thể có những sự khác nhau về chi tiết nhưng nếu cắt dọc thì chỉ có ba bộ phận: Bộ phận hành chính từ trung ương đến địa phương, bộ phận thứ hai là tăng lữ và trí thức, bộ phận thứ ba là cơ quan sức mạnh bao gồm quân đội và đến thời kỳ hiện đại có thêm công an, cảnh sát. Nhà nước của mọi chế độ, từ cổ đại cho đến hiện đại dù nhiều hình thức khác nhau, chi tiết khác nhau nhưng tổng quát lại chỉ có ba bộ phận. Mỗi bộ có chức năng nhiệm vụ riêng biệt để thực hiện quyền lực nhà nước.
Cùng với sự ra đời của Nhà nước thì pháp luật cũng ra đời. Pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị được nâng lên thành quy phạm pháp luật, mượn bàn tay cưỡng chế của Nhà nước để buộc toàn dân phải tuân theo ý chí của giai cấp thống trị. Pháp luật giúp cho Nhà nước thực hiện quyền lực trên khắp lãnh thổ của mình.
Trong lịch sử xã hội loài người từ khi có giai cấp và Nhà nước đã xuất hiện nhiều kiểu Nhà nước và nhiều hình thức Nhà nước: Kiểu hình thức Nhà nước nô lệ với ba hình thức Nhà nước: Nhà nước quân chủ chuyên chế tập quyền của các nước phương Đông, Nhà nước Cộng hoà dân chủ của Aten, Nhà nước cộng hòa quý tộc chủ nô của Xpác (Hi Lạp ) và La Mã. Trong chế độ phong kiến, cả châu Âu và châu Á đều thiết chế quân chủ chuyên chế tập quyền. Riêng chỉ có châu Âu thời kỳ trung kỳ trung đại là thời kỳ cát cứ lâu dài, mỗi lãnh địa là một vương quốc. Đến thời kỳ hậu kỳ trung đại là thời kỳ suy tàn cho nên dù Anh, Pháp thống nhất được đất nước, thiết lập được quân chủ chuyên chế nhưng không đơn thuần là Nhà nước phong kiến nguyên vẹn mà phải chấp nhận những cơ quan của nhân dân trong bộ máy Nhà nước, như nước Anh có nền quân chủ nghị viện, nước Pháp có nền quân chủ đẳng cấp, các thành thị Tây Âu cũng có chính quyền tự trị thành thị, mầm mống của Nhà nước tư sản về sau này. Sau khi lãnh đạo nhân dân lật đổ chính quyền phong kiến, giai cấp tư sản Âu- Mỹ đã thiết lập nên nhiều hình thức Nhà nước: Quân chủ nghị viện, Cộng hòa đại nghị, Cộng hoà Tổng thống, Cộng hoà lưỡng thể và Quân chủ tư sản. Trong hệ thống xã hội chủ nghĩa từng tồn tại hai hình thức Nhà nước là Cộng hoà Xô Viết kiểu Liên Xô và Cộng hoà dân chủ nhân dân ở các nước Đông Âu, châu Á và Cu Ba ở châu Mỹ.
Nhà nước là một bộ phận quan trọng của kiến trúc thượng tầng sinh ra từ hạ tầng cơ sở nhưng nó tác động lớn đến hạ tầng cơ sở. Nhà nước mà tiến bộ thì nó thúc đẩy xã hội phát triển, ngược lại Nhà nước phản động thì nó kìm hãm sự phát triển của xã hội. Mỗi một chính sách của Nhà nước tác động tích cực hay tiêu cực đến hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu con người. Mỗi một quyết định của quan chức dù là trung ương hay địa phương đều tác động to lớn đến đời sống mọi mặt của nhân dân. Cho nên châm ngôn xưa đã nói: Vua không được nói chơi, quan chức không được ký đại. Cẩn trọng trong chính trị, trong quyết sách là một trong những đức tính cần thiết phải có, phải rèn luyện của người làm chính trị.
Vì tầm quan trọng đặc biệt của Nhà nước cho nên, trong cuộc đấu tranh giai cấp, mục tiêu của các giai cấp là muốn lật đổ giai cấp thống trị, giành giật lấy chính quyền Nhà nước. Trong cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản, Các Mác cũng khuyên giai cấp công nhân phải vươn lên trở thành dân tộc, trở thành đại diện cho dân tộc, tức là vô sản phải lật đổ chính quyền tư sản và nắm Chính quyền, làm công cụ xây dựng xã hội mới, đập tan sự phản kháng của giai cấp tư sản. Nhà nước là công cụ để vô sản quản lý xã hội và thực hiện những nhiệm vụ chính trị của mình. Chính vì tầm quan trọng của Nhà nước mà các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác-Lênin nhấn mạnh rằng vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền. Phương pháp để giành chính quyền và thiết lập Nhà nước chủ yếu bằng bạo lực, bằng chiến tranh. Trong lịch sử từ xưa đến nay hiếm có Nhà nước nào ra đời mà không nhờ bạo lực, chiến tranh. Các Mác viết: Bạo lực là bà đỡ cho một xã hội mới đang phôi thai và ra đời trong lòng xã hội cũ. Mác còn viết: Vũ khí phê phán không thể thay thế được sự phê phán bằng vũ khí. Chúng ta không thể ảo tưởng vào một nhà nước thối nát mà tự nó sụp đổ, một giai cấp, một tầng lớp đã thối nát mà tự chúng nhường chính quyền cho một giai cấp tiên tiến mới đang lên. Điều đó chỉ có trong huyền thoại.
(Còn nữa)
CVL
--------------------------
[1]. Các Mác, P. Ăng ghen, Toàn tập, NXB Chính trị Quốc Gia, H. 1993, t, 7, Tr. 88.
[2]. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Quốc Gia, H. 2009, Tr. 57.