Kỳ 47.
4. Quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thời kỳ trước năm 1911: Hình thành chủ nghĩa yêu nước và quyết tâm tìm đường cứu nước. Hồ Chí Minh sớm có lòng yêu nước, thương nhân dân sống khổ cực dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân phong kiến.
Hồ Chí Minh cũng sớm nhận thấy không thể cứu nước theo con đường của các bậc tiền bối như khởi nghĩa vũ trang của phong trào Cần Vương, thậm chí con đường Đông Du của cụ Phan Bội Châu, con đường cải cách ôn hoà của cụ Phan Châu Trinh mà đương thời tuổi thanh thiếu niên Hồ Chí Minh đang chứng kiến. Con đường vũ trang bạo động đã thất bại, còn con đường của hai cụ Phan khi đó Hồ Chí Minh cảm nhận thấy khó thành công.
Hình thành ý tưởng sang Pháp và châu Âu tìm con đường cứu nước mới, tự trở thành người lao động, người công nhân tự lao động kiếm sống trong cuộc hành trình đầy gian khổ, hiểm nguy.
Thời kỳ từ 1911 đến 1920: Tìm thấy con đường cứu nước, từ người yêu nước chân chính trở thành người cộng sản. Xuất dương tìm đường cứu nước năm 1911, Hồ Chí Minh trên con đường hành trình của mình đã qua nhiều nuớc châu Á, châu Âu, châu Phi và sau đó dừng chân mấy năm ở Pháp. Tại Pháp, thời gian từ 1917 đến 1923, với cái tên là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh đã có những hoạt động nổi tiếng. Năm 1918, Hồ Chí Minh gia nhập Đảng Xã hội, một trong những Đảng của giai cấp công nhân Pháp. Năm 1919, tại Véc xây, các nước chiến thắng trong Đại chiến thế giới thứ nhất (1914-1918) đã họp để chia nhau thị trường thuộc địa. Hồ Chí Minh đã gửi “Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam” gồm 8 điểm đòi quyền tự do cho dân tộc Việt Nam. 1920, Hồ Chí Minh đọc “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”, tìm thấy con đường cứu nước trong tư tưởng thiên tài của Lênin: Giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản. Cũng trong thời gian này, Hồ Chí Minh tham gia và là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ người yêu nước chân chính, Hồ Chí Minh trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Thời kỳ này Hồ Chí Minh nhận thấy nhân dân các nước châu Á, châu Phi trong hệ thống thuộc địa đều có chung một kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc. Vì thế Hồ Chí Minh hình thành tư tưởng đoàn kết các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung. Người đã thành lập “Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa” để thực hiện tư tường này. Năm 1922, Hồ Chí Minh xuất bản tờ báo “Người cùng khổ” (Le Paria) làm công cụ tố cáo chủ nghĩa thưc dân ở thuộc địa và tuyên truyền cho cách mạng thuộc địa.
Hồ Chí Minh đã nhận thấy công nhân và nhân lao động ở các nước tư bản cũng bị bóc lột, nhân dân lao động ở chính quốc và nhân dân các nước thuộc địa cùng có chung một kẻ thù là chủ nghĩa tư bản. Vì thế nhân dân lao động ở các nước tư bản là bạn đồng minh với nhân dân thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc.
Cách mạng vô sản chính quốc và cách mạng giải phóng dân tộc là hai cuộc cách mạng của thời đại cùng tấn công vào chủ nghĩa đế quốc, là hai cánh của cách mạng thế giới.
Hồ Chí Minh với những tư tưởng trên đã đặt cách mạng Việt Nam vào phạm trù cách mạng thế giới: Phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cách mạng vô sản và phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Bước ngoặt lớn nhất và công lao đầu tiên của Hồ Chí Minh là tìm được con đường cứu nước đúng đắn.
Thời kỳ 1921 đến 1930: Thời kỳ phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh và hình thành về cơ bản đường lối chiến lược, sách lược cách mạng giải phóng dân tộc: Cuối năm 1923 đầu 1924, Hồ Chí Minh từ Pháp sang Liên Xô, quê hương của Lênin, quê hương của Cách mạng Tháng Mười. Tại đây Hồ Chí Minh (khi đó là Nguyễn Ái Quốc) có điều kiện tiếp xúc và nghiên cứu sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lênin, tiếp xúc với nhiều nhà cách mạng trên thế giới, với nhiều tổ chức cách mạng, với Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III ); dự nhiều cuộc hội thảo bàn về cách mạng thế giới. Tất cả những khách quan thuận lợi đó tạo điều kiện cho Hồ Chí Minh phát triển, hình thành cơ bản về tư tưởng, đường lối chiến lược, sách lược cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa.
Hình thành và phát triển tư tưởng cách mạng thuộc địa là một bộ phận của cách mạng vô sản chính quốc, đặt cuộc cách mạng này trong phạm trù cách mạng vô sản, đi theo con đường cách mạng vô sản; giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng lao động, giải phóng giai cấp vô sản. Chủ nghĩa đế quốc là kẻ thù chung của nhân dân lao động chính quốc cũng như của nhân dân thuộc địa cho nên cách mạng thuộc địa là một bộ phận của cách mạng thế giới, có mối quan hệ khăng khít với cách mạng chính quốc nhưng không phụ thuộc vào cách mạng chính quốc. Cách mạng giải phóng dân tộc có thể thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc. Tư tưởng này là tư tưởng dự báo thiên tài đã được lịch sử phong trào giải phóng dân tộc từ những năm 40 và những năm 60 của thế kỷ XX chứng minh hoàn toàn chính xác.
Giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản theo tư tưởng Hồ Chí Minh có nghĩa là cách mạng giải phóng dân tộc phải do giai cấp vô sản lãnh đạo, thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Cách mạng muốn thắng lợi phải sử dụng phương pháp bạo lực. Bạo lực cách mạng là bạo lực của quần chúng. Cho nên Đảng cách mạng phải ra sức giáo dục quần chúng để họ giác ngộ, phải xây dựng được khối công nông liên minh vững chắc làm động lực của cách mạng; làm nòng cốt cho Mặt trận đoàn kết rộng rãi các giai tầng khác trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung của dân tộc.
Hình thành tư tưởng liên minh đoàn kết các dân tộc châu Á chống chủ nghĩa đế quốc
Hình thành tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh: Giải phóng dân tộc bằng khởi nghĩa vũ trang toàn dân.
Hình thành tư tưởng xây dựng Đảng kiểu mới, Đảng Cộng sản ở một nước thuộc địa. Đảng kiểu mới ở một nước thuộc địa muốn ra đời phải kết hợp ba nhân tố: Chủ nghĩa Mác-Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Nhận rõ tầm quan trọng của Đảng kiểu mới đối với thắng lợi của cách mạng Việt Nam nên Hồ Chí Minh đã ra sức chuẩn bị những nhân tố về tư tưởng chính trị, về tổ chức, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam và vào phong trào công nhân Việt Nam để thúc đẩy sự phát triển của phong trào cách mạng, tạo những tiền đề chín muồi cho Đảng ra đời vào năm 1930. Đảng ra đời là bước ngoặt to lớn của phong trào công nhân Việt Nam, của lịch sử Việt Nam. Những tư tưởng về Đảng kiểu mới của Hồ Chí Minh đã biến thành hiện thực. Đó là một thắng lợi to lớn, là công lao lớn của Chủ tịch Hồ chí Minh trong giai đoạn này.
Thời kỳ thứ 4 từ 1930 đến 1945: Hồ Chí Minh hoàn thiện chiến lược, sách lược cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam. Những tư tưởng này được thể hiện trong “Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt”, “Điều lệ tóm tắt” là cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Các văn kiện đã trình bày tư tưởng cách mạng dân tộc dân chủ một cách khoa học: Định ra tính chất của xã hội Việt Nam là thuộc địa nửa phong kiến, tồn tại hai mâu thuẫn cơ bản, mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc Pháp, thứ hai là mâu thuẫn giữa nhân dân mà chủ yếu là nông dân với địa chủ phong kiến. Để giải quyết hai mâu thuẫn cơ bản trên Việt Nam phải tiến hành hai cuộc cách mạng, cách mạng giải phóng dân tộc chống đế quốc và cách mạng dân chủ chống phong kiến mang lại ruộng đất cho nông dân và quyền dân chủ cho nhân dân, đó là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến quan hệ khăng khít với nhau nhưng chống đế quốc là nhiệm vụ hàng đầu vì ở một nước thuộc địa, giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết nhất. Có giải phóng được dân tộc thì mới giải quyết được nhiệm vụ giai cấp. Có đặt nhiệm vụ dân tộc lên hàng đầu thì mới tập hợp được sức mạnh dân tộc để chiến thắng quân thù. Nhiệm vụ dân chủ được tiến hành từng bước nhằm tăng cường sức mạnh cho chủ lực quân cách mạng là nông dân và công nhân.
Bảo đảm khối đoàn kết dân tộc để hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ. Về lực lượng cách mạng ngoài công, nông thì còn bao gồm cả tư sản dân tộc, tiểu tư sản, địa chủ thân hào yêu nước. Tất cả tập hợp trong Mặt trận dân tộc thống nhất. Từ trước năm 1935, tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa bất đồng với khuynh hướng tả khuynh của Quốc tế Cộng sản. Năm 1935, trước nguy cơ chủ nghĩa phát xít nắm chính quyền và phát động chiến tranh thế giới mới, Đại hội VII Quốc tế Cộng sản chỉ đạo các Đảng Cộng sản ở các nước lập Mặt trận dân tộc thống nhất, tập hợp mọi lực lượng chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh thế giới. Chủ trương của Quốc tế Cộng sản đã chứng minh tư tưởng Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn. Năm 1941 tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng dân tộc dân chủ được Hội nghị VIII Trung ương Đảng thừa nhận, đánh dấu sự chuyển hướng chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa đến thắng lợi của cách mạng Tháng Tám 1945.
Thời kỳ từ 1941 đến1945: Đây là thời kỳ trực tiếp chuẩn bị tiến tới Cách mạng Tháng Tám. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng dân tộc dân chủ trở thành đường lối của Đảng. Đảng hoàn thiện việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đề cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Năm 1940 phát xít Nhật xâm lược Đông Nam Á, tham vọng thống trị Đông Dương, dân tộc như nằm trong nước sôi lửa bỏng, vận mệnh dân tộc nguy cơ không lúc nào bằng. Vấn đề giải phóng dân tộc càng được đề ra một cách bức thiết.
Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển tư tưởng đoàn kết dân tộc để giải phóng dân tộc. Người chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh là hình thức phù hợp để đoàn kết dân tộc.
Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển tư tưởng quân sự trong khởi nghĩa vũ trang để giành chính quyền. Sáng tạo tư tưởng bạo lực cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt nam, Hồ Chí Minh cho rằng bạo lực cách mạng quần chúng phải là hai lực lượng, lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, kết hợp hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang.
Tiến hành xây dựng căn cứa địa cách mạng để xây dựng lực lượng. Thực hiện khởi nghĩa từng phần và tiến lên tổng khởi nghĩa khi có thời cơ, giành thắng lợi từng bước tiến đến giành thắng lợi hoàn toàn.
Về vấn đề dân tộc của ba nước Đông Dương, Hồ Chí Minh khẳng định quyền tự quyết của các dân tộc, chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất riêng từng nước để phát huy sức mạnh nội tại của mỗi nước. Khi cách mạng thắng lợi mỗi nước thành lập Nhà nước độc lập riêng. Tuy nhiên ba nước vẫn đoàn kết để tạo sức mạnh chống kẻ thù chung.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin, là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam. Trong bản “Tuyên ngôn độc lập” đọc trước Quốc dân ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh đã phát triển tư tưởng độc lập tự do của mỗi con người trong “Tuyên ngôn độc lập” của Mỹ thành tự do độc lập của cả một dân tộc, độc lập tự do gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Thời kỳ 1945-1954: Từ 1945 đến 1946, cách mạng vừa thành công, chính quyền cách mạng non trẻ phải đương đầu với muôn vàn khó khăn mà nguy hiểm nhất là đe dọa của thù trong giặc ngoài. Trước tình hình đó Hồ Chí Minh đưa ra tư tưởng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” và vận dụng thực hiện thành công tư tưởng đó để bảo vệ củng cố chính quyền cách mạng trong thế nguy nan “nghìn cân treo sợi tóc”.
Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta (1946-1954), Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển tư tưởng cách mạng dân tộc dân chủ và cho rằng đây là thời kỳ tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ bằng hình thức đấu tranh vũ trang là chính. Về tư tưởng kháng chiến Hồ Chí Minh đưa ra tư tưởng chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân, kháng chiến toàn diện, trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh nhưng vẫn tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế. Hồ Chí Minh đã phát triển tư tưởng quân sự khởi nghĩa vũ trang thành nghệ thuật quân sự trong chiến tranh.
Tiếp tục phát triển tư tưởng đối ngoại để giải quyết mối quan hệ với các quốc gia khác, đặt nền tảng cho tình hữu nghị giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc khác trên thế giới.
Tiếp tục phát triển tư tưởng đại đoàn kết dân tộc để huy động sức mạnh toàn dân kháng chiến chống Pháp, thực hiện Mặt trận đoàn kết dân tộc rộng rãi hơn nữa là mặt trận Liên -Việt.
Trong thời kỳ này dù vẫn đề cao nhiệm vụ dân tộc nhưng Hồ Chí Minh từng bước thực hiện nhiệm vụ dân chủ để bồi dưỡng sức dân, tăng sức mạnh cho nông dân-chủ lực quân của kháng chiến. Chính phủ Hồ Chí Minh đã chủ trương tiến hành giảm tô giảm tức, từng bước cải cách ruộng đất để đem lại ruộng đất cho nông dân.
Hồ Chí Minh nêu lên tư tưởng độc lập thực sự, độc lập trong một nền hoà bình chân chính, độc lập trong tự do hạnh phúc cho nhân dân.
Hồ Chí Minh nêu tư tưởng xây dựng một nền văn hoá nhân văn, xây dựng đạo đức cách mạng. Người cũng phát triển tư tưởng xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân, xây dựng một nhà nước pháp quyền, hiện đại, dân chủ và có hiệu lực. Tư tưởng xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, chống tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xây dựng đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Trong hoàn cảnh phát triển của cuộc kháng chiến của ba nước Đông Dương, Hồ Chí Minh chủ trương thành lập ở mỗi nước một Đảng Cộng sản riêng để phù hợp, kịp thời lãnh đạo cách mạng ở mỗi nước. Đại Hội đại biểu toàn quốc làn thứ hai năm 1951 của Đảng Cộng sản Đông Dương đã thực hiện và cụ thể hoá tư tưởng này của Hồ Chí Minh. Cũng tại Đại hội này Đảng Cộng sản ở Việt Nam được gọi là Đảng Lao động Việt Nam.
(Còn nữa)
CVL