Kỳ 44.
Sáng 18-9-1946, tại Tu lông, J. Xanh tơ ni chào từ biệt Hồ Chí Minh. Trên tàu Hồ Chí Minh cùng về với một số trí thức Việt kiều như Bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư Phạm Quang Lễ. Kết thúc chuyến thăm Pháp của Người kéo dài 4 tháng. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên chiến hạm. Trên chiến hạm Hồ Chí Minh làm việc không ngừng. Người gửi thư cho Chính phủ Việt Nam, cho các nhân vật chính trị và quân sự của nước Pháp; Thư cho ngài Misơli, Bộ trưởng phụ trách quân lực Pari, gửi tướng Gioăng, Tổng tham mưu trưởng Pari, gửi Đô đốc Muydơlia, gửi cụ Huỳnh Thúc Kháng và Chính phủ Việt Nam. 28-9-1946, Hồ Chí Minh hành trình tới cảng Gibuti, Đông Bắc châu Phi, nơi tiếp giáp giữa Hồng Hải và Ấn Độ Dương. Người gửi thư cho Thủ tướng Ấn Độ Păng đi Nê ru, gửi thư cho Đại diện Chính phủ Ấn Độ tại Côlômbia, gửi thư cho Cao Uỷ Pháp tại Sài Gòn, gửi thư cho Mahatma Găng Đi, viết lời giới thiệu cho cuốn “Binh pháp Tôn Tử” với nhan đề: “Phương pháp đánh giữ và tiến thoái” đăng trên báo Cứu quốc. 18-10-1946, Hồ Chí Minh về tới vịnh Cam Ranh. Trên hạm tàu Suffren Đô đốc Đác giăngliơ và tướng Mooclie đón chào Người. Nhiều nhà báo được mời dự. 20-10-1946, Hồ Chí Minh về tới Hải Phòng. Tiếng đại bác chào mừng nổ vang trời, còi nhà hát thành phố cất lên. Đoàn Đại biểu Quốc hội, Chính phủ cùng nhân dân và đại biểu Đảng bộ cảng Hải Phòng lên tận boong tàu đón Người. 17 giờ 10 phút, Người đặt chân lên đất cảng. Quân nhạc cử hành quốc ca hai nước Việt-Pháp. Hồ Chí Minh duyệt hàng quân Danh dự Vệ quốc đoàn và đơn vị Danh dự của sư đoàn thủy quân lục chiến Pháp có quân kỳ quân nhạc đúng nghi thức đón tiếp Nguyên thủ quốc gia.
Duyệt binh xong, Hồ Chí Minh tới loa phóng thanh cảm ơn các đại biểu và đồng bào ra đón. Người nhận bó hoa tươi từ Đại biểu Uỷ ban hành chính thành phố Hải Phòng rồi tặng lại Đại tá Lami, đại diện phía Pháp. Hồ Chí Minh về trụ sở Uỷ ban hành chính thành phố Hải phòng đang tạm đóng trong trường nữ học Minh Khai, quận Lê Chân. Tối dự tiệc chiêu đãi của Uỷ ban hành chính thành phố Hải Phòng. Cùng dự có Hạm trưởng chiến hạm Đuymông Đuýecvin và một số người Pháp. Tới khuya, nhân dân vẫn nô nức kéo đến chào mừng Chủ tịch. Ngày 21 -10-1946, Người vẫn đón tiếp nhân dân Hải Phòng, Kiến An đến mừng. Người nói chuyện với nhân dân Hải Phòng, Kiến An. 10 giờ Hồ Chí Minh đi xe lửa về Hà Nội. 15giờ 15 phút Hồ Chí Minh về tới Hà Nội kết thúc cuộc hành trình từ Pháp về Việt Nam.
17. Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1946-1954.
Trước sự khiêu khích của quân Pháp, sự vi phạm Hiệp định sơ bộ và Tạm ước 14-9-1946, của Chính phủ Pháp, Hồ Chí Minh kiên trì giải thích lập trường trước sau như một của Việt Nam là hòa bình hữu nghị với nước Pháp nhưng trên cơ sở độc lập toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, mong muốn một nền hòa bình nhưng sẵn sàng hi sinh để bảo vệ nền độc lập tự do.
Ngày 31-10-1946, được sự uỷ quyền của Quốc hội, Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp và trả lời chất vấn của Quốc Hội khoá I, gửi thư cho Chính phủ Pháp phản đối việc Pháp vi phạm Hiệp định sơ bộ và Tạm ước 14-9. Người dự lễ khai mạc Hội nghị văn hóa lần thứ nhất toàn quốc tại Hà Nội. Đầu tháng 12-1946 Hồ Chí Minh cử ông Nguyễn Lương Bằng lênViệt Bắc chuẩn bị mọi mặt cho việc di chuyển cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước khi cần thiết.
Trước sự quyết tâm xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp, 18-12-1946, tại làng Vạn Phúc, Hà Đông Hồ Chí Minh chủ tọa Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng, quyết định tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước.
Ngày 19-12-1946 Bộ chỉ huy quân đội Pháp gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta, yêu cầu ta đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị kháng chiến, tước vũ khí của tự vệ Hà Nội, giao cho Pháp quyền kiểm soát Hà Nội. Hồ Chí Minh viết thư cho J. Xanh tơ ni, Uỷ viên Cộng hoà Pháp tại Đông Dương. Tại gác hai ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Dương, làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Lời kêu gọi có đoạn:
“Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!
Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chiụ làm nô lệ.
Và Hồ Chí Minh khẳng định thắng lợi nhất định thuộc về dân tộc ta.
20-12-1946, 6 giờ 45 phút tối Hồ Chí Minh rời làng Vạn Phúc về chiến khu Việt Bắc do đồng chí Nguyễn Lương Bằng đưa đường. Xe qua Thanh Oai, Kim Bài, ngã tư Vác, lên đê Xuyên Dương, từ đó Hồ Chí Minh lên chiến khu lãnh đạo cuộc trường kỳ kháng chiến. Thủ đô kháng chiến không phải xa lạ, đó lại là đất Tuyên Quang và Thái Nguyên, dưới chân đèo De, núi Hồng. Phạm vi của căn cứ địa bao gồm các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang và huyện Định Hoá Thái Nguyên. Các xã thuộc huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Tuyên Quang và 6 xã thuộc huyện Định Hoá Thái Nguyên được chọn xây dựng xã trọng điểm của căn cứ địa: Bình Trung, Bảo Cường, An Lạc, Phương Trì, Thanh Định, Bình Thành. Trong đó xã Bình Trung, huyện Định Hoá là xã có phong trào khá nhất.
Ở chiến khu Việt Bắc, Hồ Chí Minh tiếp tục định ra đường lối kháng chiến, đó là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính nhưng tranh thủ sự giúp đỡ và ủng hộ của nhân dân thế giới. Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng định ra đường lối chiến lược và kịp thời định ra những chính sách, biện pháp cho cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.
Hồ Chí Minh chuẩn bị cho Đại hội lần II của Đảng năm 1951. Những ý kiến của Người trình bày trong Báo cáo chính trị mang ý nghĩa chiến lược đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc cũng như tại các Hội nghị Ban chấp hành Trung ương, Hồ Chí Minh cùng với Thường vụ Trung ương Đảng hoạch định và hoàn thiện đường lối kháng chiến, đường lối chiến tranh nhân dân.
Đưa Đảng ra hoạt động công khai, đổi tên là Đảng Lao động Việt Nam, tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cuộc kháng chiến.
Hồ Chí Minh đã tăng cường hoạt động củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất: Thống nhất Việt Minh và Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt.
Hồ Chí Minh tích cực xây dựng Liên minh chiến đấu Việt-Miên-Lào.
Với vị trí nguyên thủ Quốc gia người đứng đầu Nhà nước, Hồ Chí Minh thường xuyên chủ trì các phiên họp Hội đồng Chính phủ, ký nhiều sắc lệnh nhằm thực thi hiến pháp, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân đủ sức mạnh để huy động nhân tài vật lực cho cuộc kháng chiến.
Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng hậu phương vững mạnh về kinh tế chính trị, xã hội, văn hóa, ban hành Luật cải cách ruộng đất, tăng cường bồi dưỡng sức mạnh của nông dân, quân chủ lực cách mạng, thực hiện phương châm “Vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, thúc đẩy cuộc kháng chiến nhanh chóng đi đến thắng lợi.
Hồ Chí Minh là nhà quân sự thiên tài. Người không chỉ vạch đường lối đúng đắn cho cuộc kháng chiến, mà còn thường xuyên trực tiếp cùng Bộ Chính trị và Trung ương Đảng duyệt kế hoạch, chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn để thực hiện chiến lược tiêu diệt địch: Chiến dịch Việt Bắc, chiến dịch Trung Du, Hoà Bình, Biên Giới đến chiến dịch Tây Bắc và Điện Biên Phủ. Hồ Chí Minh không chỉ thăm hỏi động viên chiến sĩ trước và sau mỗi trận đánh mà còn trực tiếp tổng kết rút kinh nghiệm, nghiêm khắc chỉ ra những khuyết điểm phải tránh cho những trận đánh sau. Hồ Chí Minh là nhà chiến lược, linh hồn của cuộc kháng chiến.
Trong thời gian này Hồ Chí Minh đã tích cực hoạt động đối ngoại như gửi thư, điện, tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo, đại diện nhiều quốc gia, nhiều tổ chức trên thế giới, trả lời các nhà báo, các phóng viên, giới thiệu những thành tựu to lớn của công cuộc kháng chiến. Hoạt động đối ngoại lớn nhất của Hồ Chí Minh là sau chiến dịch Biên giới, ngày 21-11- 1950, Người đi thăm Trung Quốc, đến Bắc Kinh. Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai nồng nhiệt đón tiếp. Sau đó người cùng Chu Ân Lai đi Liên Xô. Khoảng giữa tháng 12-1950 Hồ Chí Minh đến Mátscơva và hội đàm với Stalin. Tại đây người còn gặp gỡ đại diện Đảng Cộng sản Pháp và nhiều tổ chức Quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ của thế giới với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Sau chuyến đi này của Chủ tịch Hồ chí Minh các nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Liên Xô và sau đó là các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa đã công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tăng cường uy tín của nước ta trên trường quốc tế, phá tan thế bao vây của chủ nghĩa đế quốc đối với Việt Nam.
Khoảng tháng 10-1951, Hồ Chí Minh dự đại hội lần thứ XIX Đảng Cộng sản Liên Xô ở Mátscơva. Từ ngày 3 đến ngày 5-7-1954 tại Liễu Châu, Quảng Tây Trung Quốc Hồ Chí Minh gặp và hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hoa Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương và những vấn đề liên quan đến cuộc đàm phán ở Hội nghị Giơ nevơ.
Hồ Chí Minh vẫn là nhà hoạt động báo chí, dịch thuật và viết sách. Giữa tháng 10-1951, Người dịch xong chương 7, quyển 2 cuốn Lịch sử nội chiến ở Liên Xô do các ông Stalin, Vôrôsilốp, Idanốp, Kirốp, Gorki biên soạn. Người dịch cuốn “Tỉnh uỷ bí mật” của A. P. Phêđốôp ( Liên Xô), trở thành sách gối đầu giường của nhiều cán bộ, chiến sĩ trong thời gian kháng chiến chống Pháp như nhận xét của Trường Chinh: Sách giúp ích cho cuộc kháng chiến. Hồ Chí Minh vẫn là nhà thơ, nhà chính luận, nhà ngoại giao kiệt xuất.
19. Hồ Chí Minh tại Hà Nội 1954-1969: Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nhưng miền Nam vẫn nằm dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, là thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Trước tình hình đó của đất nước, Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng và Bộ Chính trị xác định đường lối cách mạngViệt Nam, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Cách mạng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hoà bình thống nhất đất nước. Xây dựng và bảo vệ hậu phương lớn miền Bắc, chi viện cho tiền tuyến lớn ở miền Nam, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Hồ Chí Minh cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng vạch ra đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vạch ra đường lối chiến tranh nhân dân ở miền Nam, đánh bại từng chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ theo tư tưởng vĩ đại của Người: Đánh cho Mỹ cút đánh cho nguỵ nhào. Hồ Chí Minh góp phần chủ đạo trong việc xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước Cộng hòa dân chủ làm công cụ bảo vệ Tổ quốc, công cụ xây dựng xã hội mới.
(Còn nữa)
CVL