KỲ 43.
Ngày 11-6-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Cairô đi Angiêri, đến Bixcra (Biskra, Angiêri). Cùng ngày, Người đến Biarit. Người đi dạo trên bãi biển, tiếp nhiều Việt kiều và thân sĩ đến thăm. Người từ chối không trả lời phỏng vấn của Hãng thông tấn Pháp AFP vì Chính phủ Pháp chưa được thành lập. Từ ngày 13-6 đến 22-6-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn dừng chân ở Biarit Tây Ban Nha. Người đi thăm bãi biển, vùng ngoại ô, thăm phong cảnh miền núi Pirênê và tại thị trấn Xanh-Giăngđơluyz (Saint-jean dekuz), dự ngày hội của dân làng Xarơ (Sare), dự tiệc rượu cùng quan chức địa phương trong vùng, chụp ảnh với các em thiếu nhi, trả lời phỏng vấn của Hãng AFP. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng J. Xanh tơ ni (Đại diện Cộng hoà Pháp tại Đông Dương) đặt vòng hoa trước Đài kỷ niệm chiến sĩ trận vong tại Biarit, đi thăm miền Bắc Biarit, thăm làng chài Hanđay (Handaye gần Biarit), cùng anh em trong đoàn đi thuyền và câu cá.
Ngày 22-6-1946, 12 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời khách sạn Pale (Tây Ban nha) đi về Pháp, quan chức địa phương tổ chức lễ tiễn Người trọng thể. 13 giờ máy bay cất cánh ở sân bay Pacmơ Biarit, 16 giờ 10 phút, máy bay hạ cánh xuống sân bay Lơ Buốc giơ (Le Bourget). Nhà ga sân bay được trải thảm nhung đỏ, treo cờ Việt Nam và cờ Pháp. Ra đón Người và phái đoàn có Bộ trưởng Bộ hải ngoại nước Pháp Mariuyt Mutê (Marius Moutet), Bộ trưởng lễ tân Đại diện Chính phủ Pháp J. Đuymen (Jacques Dumaine), các tướng lĩnh đại diện các quân binh chủng, đại biểu các Đảng, đoàn thể, trên 1.000 Việt kiều và nhân dân Pa ri. Sau lễ chào cờ, Người cùng Đại diện Chính phủ Pháp đi duyệt Đội danh dự.
Đoàn xe đưa Hồ Chí Minh về nghỉ ở khách sạn Rôayan Mông xô (Royal Mônceau) nằm trên đại lộ Ôsơ, gần phủ Tổng thống Pháp. Dẫn đường đi và hộ vệ có nhiều xe ô tô, mô tô của Cục công an Pari và Bộ Nội vụ. Hai bên đường từ trường bay về khách sạn cách mấy chục thước lại có một cảnh binh đứng canh, cấm xe cộ và người qua lại. Dân chúng đứng hai bên đường xem rất đông, nhiều lúc họ vỗ tay hoan hô. Tại khách sạn cũng có lính danh dự đứng canh và chào. Trước khách sạn có treo một lá cờ đỏ sao vàng rất lớn.
Ngày 23-6-1946, 6 giờ 30 phút, Hồ Chí Minh đi dạo trong khu rừng Bôlônhơ (Buologne), 12 giờ, tiếp tướng Gioăng (Juin) Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp đến chào, chiều tiếp phái đoàn trí thức Việt kiều. Tối tại khách Roayan Mông xô Người đón 50 thiếu niên Việt Nam cùng cha mẹ các cháu ở Pari đến chào. Người tiếp 100 kiều bào Nam Bộ ở Pháp tới chào và nghe Người thông báo về tình hình đất nước. Hồ Chí Minh tiếp đại biểu trí thức Nam Bộ tại Pháp, tiếp ông Bộ trưởng Mariúyt Mutê và J. Xanh tơni, tiếp phóng viên Medoa (Maisoi), tiếp Đại tá Tuytăng giơ (Tutenges) đến thăm, tiếp ông Trần Đức Thảo, nhà triết học, tiếp Đô đốc Đác giăngliơ, tiếp luật sư Giôê Noman (Joe nordman), tiếp 100 đại biểu chiến binh, công binh Việt kiều, tiếp 84 đại biểu báo Pháp và báo nước ngoài, tiếp các lãnh tụ Đảng Cộng hòa Bình dân Pháp, tiếp các Liên đoàn Ái hữu người Việt Nam tại Pháp ở Liông (lyon), Pari, Booc đô, Taluzơ, tiếp và mời cơm các yếu nhân Đảng xã hội Pháp, tiếp phái đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp, tiếp đoàn đại biểu phụ nữ Quốc tế đến thăm, gặp một số nhà tư bản đại diện các xí nghiệp công thương mại của Pháp tại Đông Dương, tiếp các nhà văn, nhà thơ Pháp.
2-7-1946, Chính phủ Pháp chính thức đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh. 11 giờ 50 phút, Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Mariúyt Mutê cùng các quan chức cao cấp trong Chính phủ Pháp đến khách sạn Roayan Môngxô đón Hồ Chí Minh đi gặp Thủ tướng Gioócgiơ Biđôn (George Bidault) tại dinh Thủ tướng, 14 phố Xanh Đôminic (Sait Dômnique). Lễ đón ở khách sạn diễn ra rất long trọng, có lính bồng gươm trần đứng hai bên làm hàng rào danh dự. Từ khách sạn đến dinh Thủ tướng, xe của Người đi giữa đội mô tô bảo vệ, dẫn đầu là xe của Cảnh sát trưởng Pari. Hai bên hè đường nhiều quần chúng đứng đông vẫy chào.
Đến dinh Thủ tướng, quốc ca hai nước cất lên hùng tráng. Sau khi duyệt binh, Chủ tịch Hồ Chí Minh theo sự hướng dẫn của Bộ trưởng Mutê vào phòng khách gặp Thủ tướng Biđôn. Thủ tướng Biđôn xuống tận chân cầu thang đón tiếp. Hai vị Nguyên thủ chúc tụng, chào mừng lẫn nhau rồi vào phòng khách gặp gỡ riêng. Cuộc tiếp xúc diễn ra chừng 10 phút, sau đó hai người từ biệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra về. Nghi lễ vẫn như lúc đón cho tới khách sạn.
13 giờ 30 phút Xanhtơni tới khách sạn đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự tiệc chiêu đãi do Thủ tướng Pháp mời, nghi lễ vẫn trang trọng như buổi sáng. Sau bữa tiệc, Thủ tướng Biđôn tiễn Người ra tận cửa dinh Thủ tướng và chụp với Người một bức ảnh chung. 15 giờ 50 phút Người tiếp Thủ tướng Pháp Bi đôn ở khách sạn R. Mông xơ. Hai bên nói chuyện chừng 10 phút. Sau khi Thủ tướng ra về, một số quan chức Pháp còn ở lại uống trà và đàm đạo. Những ngày sau đó, Hồ Chí Minh cùng tướng Giăngtilom (Gentihomme), tướng Rơve (Revrs) tới đặt vòng hoa trước mộ chiến sĩ vô danh tại Khải hoàn môn và ký tên vào Sổ vàng của khu lưu niệm. Cùng ngày, Người đi đặt vòng hoa trước mộ binh sĩ Đông Dương chết trong chiến tranh thế giới thứ nhất tại nghĩa trang Nôgiăng xuya Mác nơ (Nogent sur Marane) ở ngoại ô Pari. Đón Người tại đây có Bộ trưởng Bộ nước Pháp hải ngoại Mariúyt Mutê. Vòng hoa của Người mang dòng chữ “Hồ Chí Minh ai điếu các chiến sĩ Việt Nam”. Người cùng Xanh tơ ni dự tiệc chiêu đãi của Bộ trưởng Bộ nước Pháp hải ngoại Mariuyts Mutê tổ chức tại khách sạn Grisông (Grichon), cùng dự còn có Bộ trưởng Varen (Varenne), cựu Toàn quyền Đông Dương. Sau bữa tiệc, Người cùng Xanh tơ ni tham quan cung điện Véc xây. Tối cùng ngày Người dự dạ hội do Chính phủ Pháp tổ chức tại rạp Ôpêra, nhà hát lớn nhất, nổi tiếng của Pari và nước Pháp.
Hồ Chí Minh tiếp nữ phóng viên báo Les Etoiles, sau đó cùng ông Xanhtơni viếng mồ liệt sĩ bị phát xít Đức bắn trên đồi Valêriêng (Valerien), thăm Bảo tàng quân đội pháp. Lão tướng Rốt (Rotz), Giám đốc bảo tàng cùng đội quân danh dự đón chào, hướng dẫn Người thăm mộ danh tướng-Hoàng đế Pháp Napôlêông I (Napôlêông Bônapactơ). Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng ông Xanh tơ ni dự tiệc chiêu đãi do Đô đốc Đác giăng liơ mời tại khách sạn Ritz. Cùng dự có những nhân vật từng là quan chức cao cấp ở Đông Dương như A. Varen và A. Xarô. Người dự cuộc đón tiếp chính thức của Hội đồng thành phố Pari tổ chức. Đáp lại lời chào mừng của ông Thị trưởng Pari Vécnhon, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm ơn nhân dân Pari và ông Thị trưởng đã dành cho Người sự đón tiếp trọng thể và thân mật. Trước khi ra về Người viết lưu niệm vào Sổ Vàng thành phố.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn nghị sĩ An giêri đến chào và tỏ tình đoàn kết với Việt Nam. Người tiếp ông bà thân sinh ra Thiếu tá Mỹ Điuây bị chết tại Đông Dương. Người dự cơm trưa do ông bà Rôxenphen (Rosenfeld) mời. Ông là nhà báo nổi tiếng, vợ là luật sư, cả hai người đều nhiệt tình ủng hộ Việt Nam đòi độc lập. Cùng dự có cựu Thủ tướng Lêông Blum (Leon Blum) và nghị sĩ Quốc hội Pháp Luyxi (Lussy). Người tiếp các đại biểu Tổng Liên đoàn lao động Pháp và Tổng thư ký Liên đoàn lao động thế giới.
6-7-1946, Hội nghị Pháp, Việt khai mạc tại Phông ten nơbơlô. Hồ Chí Minh là thượng khách của nước Pháp, Người là Nguyên thủ Quốc gia, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên từ tháng 7-1946 cho đến khi về nước, Người tiếp xúc, gửi thư từ, trả lời phỏng vấn các báo, các hãng thông tấn nhằm làm cho nhân dân Pháp và thế giới hiểu rõ nhân dân và cách mạng Việt Nam:
Người tiếp các Đại biểu Công giáo Việt Nam, đi xem phim, mời cơm tướng Xalăng, dự hội pháo hoa của nhân dân Véc xây tổ chức đón chào Người. Người đi thăm vườn Lúc xăm bua, thăm phái đoàn đàm phán Việt Nam ở khách sạn Xanh tơ an nơ, tiếp các chính khách Pháp, tiếp các tướng lĩnh quân sự Pháp, tiếp các nhà doanh nghiệp, tiếp Nghị sĩ Quốc hội Pháp, tiếp các nhà báo phóng viên Pháp và Mỹ. Người tiếp Công đoàn Nhà giáo Pháp, tiếp Hội hữu nghị Pháp-Việt, gặp các Đại biểu Chính phủ Pháp, gặp Thủ tướng Pháp, gặp trí thức Việt kiều. Người nêu nguyên tắc của Việt Nam về các vấn đề chính trị: Việt Nam vẫn là bạn với nước Pháp và với nhân dân Pháp. Việt Nam vẫn có thể ở trong Khối Liên hiệp Pháp. Người Pháp vẫn có nhiều quyền lợi kinh tế và văn hoá ở Đông Dương. Nhưng về nguyên tắc Việt Nam phải là nước độc lập, có chủ quyền và toàn vẹn, thống nhất lãnh thổ. Người tiếp đoàn kiều bào đến thăm. Người dự lễ Quốc khánh lần thứ 157 của Pháp (14-7), thăm nhà thờ Xacrê, dạo trong vườn Bulônhơ, thăm quê hương những nhà văn Pháp, dự mít tinh do kiều bào ta tổ chức, xem triển lãm của người Mỹ ở Cung Điện Lớn. Hồ Chí Minh mở tiệc chiêu đãi Chánh Phó công an Cục trưởng, Chánh Phó cảnh sát trưởng cảm ơn họ bảo vệ Người từ khi đến pháp. Người thăm vùng Noocmăngđi, ăn cơm khách do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp Môrit Tôrê mời, tới thăm gia đình nhà bác học Mari Quy ri, tiếp đoàn phụ nữ các giới tới thăm. Người gửi điện về chỉ đạo Chính phủ Việt Nam. Người tiếp đoàn đại biểu Ban tập báo Le canard Enchaine, tiếp đoàn Đại biểu thanh niên tham dự Đại hội Thanh niên thế giới, tiếp nhà văn Liên Xô Ilia Êrenbua, tham dự ngày quân giới Pháp theo lời mời của Bộ trưởng hàng không Pháp Tilông, tiếp một số chị em Việt kiều tới thăm. Người đi xem phim, tiếp Giáo sư Pônmuýt, xem nhà trưng bày người bằng sáp, thăm Bộ trưởng Piecốt, thăm Chủ tịch Quốc hội Pháp V. Ôiriôn, thăm Phó Chủ tịch Quốc hội Pháp J. Đuyclô, thăm ông bà Brắccơ, đảng viên Đảng Xã hội Pháp. 26-7-1946 Hồ Chí Minh đi thăm Phông tennơbơlô, quan chức và đại biểu hai phái đoàn đàm phán Việt, Pháp ra đón Người, thăm nơi ở của hai phái đoàn. Người đi thăm lính thợ Việt Nam ở Tôccơvilơ. 29-7-1946, Hồ Chí Minh nhận lời mời của Chính phủ Pháp, dự khai mạc Hội Nghị hoà bình của 21 nước Đồng minh họp tại điện Lúcxembua (Trụ sở của Thượng Viện Pháp). Người đi dạo trong rừng Môngmôrăngxi, tiếp và trả lời phỏng vấn báo Trung Hoa, tiếp tướng Pháp Sa Lơcléc, tiếp các ông Phạm Văn Đồng, Dương Bạch Mai trong phái đoàn Việt Nam đàm phán tại Pháp. Người thăm Đại sứ và Ngoại trưởng Trung Hoa Dân Quốc, thăm nhóm văn hoá Mácxit Pháp, thăm bảo tàng Ghimê, thăm Tổng thư ký Đảng Cộng hoà Bình dân Môrixơ Suman, thăm trụ sở Đảng Cộng sản Pháp, thăm trại trẻ tại làng Noadi Lơ grăng (Nôisy Legrrand). Hồ Chí Minh gửi điện về nước chỉ thị Chính phủ sửa đổi chương trình kỷ niệm ngày 19-8. 17-8, Người gửi điện chúc mừng ngày độc lập của Inđônêxia. Ngày 21-8 gửi Công hàm cho Chính phủ Pháp nêu vấn đề hai bên Việt, Pháp cần phải trở lại bàn đàm phán ở Phông ten nơbơlo. Hồ Chí Minh thăm Bộ trưởng quốc phòng Pháp Ê. Misơlê, tiếp các Đại biểu yêu nước châu Phi thuộc Pháp, tiếp cụ Ph. Giuốcđanh và cô Gila thư ký Hội hữu nghị Việt-Pháp, tiếp bác sĩ Radớt ta, chiến sĩ kiên cường chống chủ nghĩa thực dân Pháp ở Mađagaxca, tiếp ông Pơtitugơnanh, nhà tư bản kiêm chủ đồn điền Đông Dương, thăm nhiều Bộ trưởng Pháp: Nội vụ, canh nông, Tư pháp, Giáo dục Pháp trong Chính phủ Pháp, gửi điện cho Nê ru chúc mừng Chính phủ lâm thời Ấn Độ. Hồ Chí Minh mời cơm ông M. Businê và Xerơn, thư ký Hội nghị 21 nước Đồng minh. 2-9-1946 dự lễ kỷ niệm Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hội Liên hiệp Việt kiều và Hội Hữu nghị Pháp-Việt tổ chức, tiếp ông Patmo đại biểu của phong trào yêu nứơc của các nước châu Phi nói tiếng Anh và đại biểu tổ chức Liên Phi. Hồ Chí Minh mở tiệc chiêu đãi hai phái đoàn đàm phán Pháp-Việt tại Hội nghị Phông tennơbơlô (6-9). Ngày 7-9-1946, Hồ Chí Minh trả lời Công hàm của Chính phủ Pháp, lời tuyên bố với nhân dân Mỹ. 13-9 Hồ Chí Minh quyên góp tiền cho Hội Pháp-Mỹ 3000 Frăng, thăm Đại sứ quán Trung Hoa tại Pari. Ngày 14-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ nước Pháp hải ngoại Mriuyt Mutê ký vào bản Tạm ước, 17 giờ 30 phút qua Đài phát thanh Pari, Hồ Chí Minh nói lời tạm biệt với dân Pháp trước khi lên đường về nước, cảm ơn Chính phủ và nhân dân Pháp. Người nói chuyến đi của Người đã làm cho nhân dân Pháp và nhân dân thế giới biết đến Việt Nam. Đây là một tiến bộ, một ý nghĩa rất lớn.
Hồ Chí Minh hành trình trở về nước (16-9-1946 đến 21-10-1946): 8 giờ 05 phút chuyến xe lửa đặc biệt chở Hồ Chí Minh rời Pari về Mácxây. Ra tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh có các ông Bộ trưởng trong Chính phủ Pháp, các nghị sĩ Quốc hội và rất đông quan chức, có cả người nước ngoài và gần 1.000 Việt kiều tại Pháp. 21 giờ, Hồ Chí Minh đến Véc xây. Đông đảo nam nữ kiều bào ta ra đón. Người xuống xe lửa nói chuyện với kiều bào. Người và phái đoàn nghỉ tại xe lửa.
17-9-1946, Người tiếp các quan chức địa phương, đặt vòng hoa tại mồ chiến sĩ vô danh. Thăm trại Môngtêlima và trại Magacki nơi tập trung 3.000 lính thợ Việt Nam. Người nói chuyện tình hình khó khăn của Việt Nam và sách lược của Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Pháp. 17-9-1946, Hồ Chí Minh đi cùng xe với Xanh tơ ni đi đến hải cảng Tu lông. Tại Tu lông Người dự tiệc với Phó Thủy sư Đô đốc Lambe, tướng Oocly, Quận trưởng và Quận phó quận Tu lông và ông Xanh tơni trên chiến hạm Đuymông Đuyêcvin. Tàu này sẽ đưa Người về nước.
(Còn nữa)
CVL