Những vấn đề lịch sử Việt Nam - Kỳ 45

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Những vấn đề lịch sử Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022.

Kỳ 45.

 22-6-1955 Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi thăm Liên Xô và Trung Quốc. Ngày 7-7-1955 Người cùng Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai ký Tuyên bố chung Việt Nam -Trung Quốc. Ngày 12-7-1955 Hồ Chí Minh và đoàn đại biểu Chính phủ ta đến Mátscơva. Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô K. E. Vôrôsilốp, thăm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô N. A. Bunganin. Người thăm Quảng trường Đỏ, đặt vòng hoa tại lăng Lênin, thăm điện Kremly. 19-7-1955 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tuyên bố chung Việt Nam-Liên Xô.

 Ngày 6-7-1957, Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn Đại biểu Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa lên đường đi thăm các nước anh em. Tháng 10 năm 1957, Người đi Liên Xô dự lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga. Ngày 7-11 tại Quảng trường Đỏ (Mátscơva), Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị trong đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô dự cuộc duyệt binh do Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tổ chức kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười. Người cùng đoàn Việt Nam dự mít tinh đoàn kết quốc tế do nhân dân Mátscơva tổ chức. Hồ Chí Minh được bầu vào Chủ tịch đoàn danh dự của cuộc mít tinh. Ngày 16-11-1957 Hồ Chí Minh dự Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và Công nhân các nước Xã hội chủ nghĩa tại Mátscơva.

 Năm 1957, Hồ Chí Minh về thăm quê hương Nghệ An sau gần 50 năm xa cách. Người rất xúc động mừng mừng tủi tủi, niềm vui của Bác lan truyền cả sang cả những người dân ra đón. Hồ Chí Minh thăm già hỏi trẻ rất ân cần. Bác căn dặn chính quyền địa phương phải lo cho dân no ấm và được học hành, được chữa bệnh.

 4-2-1958, Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn Đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa thăm chính thức nước Cộng hòa Ấn Độ và Liên bang Miến Điện theo lời mời của Chính phủ hai nước. Người nhận bằng Tiến sĩ luật học danh dự do Trường Đại học Răng gun trao tặng.

 20-1-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam đi dự Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô. Ngày 2-3-1959 Hồ Chí Minh đi thăm Inđônêxia, Người nói chuyện với sinh viên và cán bộ giảng dạy trường Đại học Patsgiagiahan (Băng Đung). Tại đây, Người nhận bằng Tiến sĩ danh dự luật học do Hiệu trưởng nhà trường trao tặng. Người nhận Huân chương “Người du kích" do Tổng thống A. Xu các nô trao tặng tại dinh Tổng thống. Ngày 1-10 -1959, Hồ Chí Minh dự Quốc khánh Trung Quốc. Nhân đó người gặp gỡ lại những bạn Trung Quốc đã từng công tác với Người tại Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm, Quý Dương, Trùng Khánh. Tháng 12-1959 Hồ Chí Minh gửi thư chúc tết dương lịch đến gia đình ông bà luật sư H. Lôdơbi, người đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh thoát khỏi nhà tù Víchtoria năm 1933. Khi đó ông Lôdơbi là Chủ tịch Hội luật gia Hồng Kông.

 2-11-1959 Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn Đại biểu Đảng và Chính phủ ta đi Liên Xô dự lễ kỷ niệm 43 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Cùng ngày Người đến Bắc Kinh, dự hội đàm với Chủ tịch Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ và nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc, dự Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và Công nhân Quốc tế tại Mátxcơva.

 8-12-1961 Hồ Chí Minh về thăm quê hương lần thứ hai. Nhân dân hai làng Kim Liên và Hoàng Trù vô cùng phấn khởi đến chào đón Bác. Người nói chuyện với nhân dân quê nhà trên sân một trường học. Người biểu dương thành tích và căn dặn đồng bào quê hương ra sức xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.

 10-10-1961, Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn Đại biểu Đảng Lao động Việt Nam đi dự Đại hội lần thứ 22 Đảng Cộng sản Liên Xô. Tháng 5-1962, Người thăm Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây Trung Quốc.

 Từ ngày 10-5-1965, Người bắt đầu viết tài liệu “Tuyệt đối bí mật” sau này được gọi là “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Hằng ngày cứ đúng 9 giờ sáng Hồ Chí Minh viết đến 10 giờ. Tài liệu “Tuyệt đối bí mật” viết xong lúc 16 giờ ngày 14-5-1965 nhưng Bác lại đánh máy ở dưới là Hà Nội ngày15-5-1965 trước chữ ký của Hồ Chí Minh. Bên cạnh phía bên trái là chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn. Hồ Chí Minh đưa cho đồng chí Vũ Kỳ cất giữ tài liệu “Tuyệt đối bí mật này”[1]. Sau ngày 10-5-1965 trên đường đi Trung Quốc, Hồ Chí Minh đến Hồ Nam thăm Chủ tịch Mao Trạch Đông và về Dương Châu, tỉnh Sơn Đông thăm quê hương Khổng Tử. Ngày 7-8-1969 Hồ Chí Minh mời cơm cụ Tôn Đức Thắng. Khi đó cụ Tôn đã 81 tuổi, cụ Hồ đã 79 tuổi. Đó là bữa cơm cuối cùng mà hai nhà cách mạng, hai người đồng chí ăn với nhau. Ngày 2-9-1969 Hồ Chí Minh lãnh tụ vĩ đại, anh hùng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hoá thế giới từ trần.

 Trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và tinh thần quốc tế vô sản Hồ Chí Minh còn là kiến trúc sư xây dựng tình hữu nghị đoàn kết và hợp tác giữa dân tộc Việt Nam và các dân tộc khác trên thế giới. Xây dựng mối quan hệ đa phương giữa nhà nước Việt Nam với các nhà nước trên thế giới trên cơ sở hòa bình, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi.

 Không thể đo được công lao của Hồ Chí Minh bằng những con số số học. Sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức của Người ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội hiện đại Việt Nam một cách lâu dài cả về tư tưởng lẫn tâm hồn tình cảm. Vậy là Hồ Chí Minh đã hoàn thành hầu hết các nhiệm vụ lịch sử đặt ra cho dân tộc, cho thời đại. Hồ Chí Minh là anh hùng vĩ đại của dân tộc.

 Không chỉ là nhà cách mạng, nhà chính trị, nhà quân sự, Hồ Chí Minh còn là nhà tư tưởng, nhà lý luận, lý luận và tư tưởng là để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Các Mác và Ph. Ăngghen là nhà tư tưởng lý luận thời kỳ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh, Lênin là nhà tư tưởng lý luận thời kỳ chủ nghĩa tư bản phát triển lên giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng lý luận cho phong trào giải phóng dân tộc thuộc địa, nhà lý luận tư tưởng của Phương Đông. Hồ Chí Minh là người áp dụng và phát triển học thuyết Mác-Lênin trong thời đại cách mạng giải phóng dân tộc. Tư tưởng của Người góp phần làm tan rã cả một hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, góp phần làm thay đổi bộ mặt thế giới hiện đại theo chiều hướng tiến bộ: Độc lập, tự do cho các quốc gia nghèo nàn kém phát triển ở châu Á, châu Phi.

  Hồ Chí Minh còn là nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, nhà giáo dục, nhà sử học, nhà ngoại giao, nhà luật học. Tất cả những lĩnh vực sáng tạo của Hồ Chí Minh lĩnh vực nào cũng xuất chúng, đạt tầm cao của trí tuệ văn hóa. Những tri thức đó là kết quả của việc kế thừa và phát triển văn hóa cổ, kim, Đông, Tây trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và văn hóa Việt Nam. Nếu như ở thế kỷ XV, tinh hoa văn hóa Việt Nam thấm đượm trong con người Nguyễn Trãi, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới thì ở thế kỷ XX, tinh hoa văn hóa dân tộc cũng chung đúc lại trong con người Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh vì thế không chỉ là anh hùng dân tộc, còn là Danh nhân văn hóa thế giới. Những di sản văn hóa Hồ Chí Minh để lại là tài sản vô giá không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà còn ảnh hưởng to lớn lâu dài đến văn hóa nhân loại. Di sản văn hóa đó không chỉ để phục vụ cho sự nghiệp giải phóng xã hội, giải phóng con người mà còn để giáo dục xây dựng con người với chủ nghĩa nhân văn xã hội chủ nghĩa.

(Còn nữa)

CVL

---------------------

[1]. Vũ Kỳ. Càng nhớ Bác Hồ. NXB Thanh niên. H. 1999. Tr. 129-154.