Kỳ 53.
Cách mạng giải phóng dân tộc phải được tiến hành bằng bạo lực. Các Mác, Ph. Ăng ghen, Lênin đều nêu lên tính tất yếu của bạo lực cách mạng. Vì giai cấp thống trị cũ dù tha hóa đến đâu cũng không bao giờ tự nguyện rút lui khỏi vũ đài, cần phải dùng bạo lực để lật đổ chúng. Hơn nữa, kẻ thống trị thường dùng bạo lực phản cách mạng để đàn áp cách mạng. Cách mạng muốn thắng lợi cũng phải sử dụng bạo lực. Hồ Chí Minh đã nghiên cứu bạo lực trong cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa và người cũng chỉ ra bạo lực trong cuộc cách mạng này là tất yếu vì đế quốc thực dân đã sử dụng bạo lực để xâm lược và thống trị nhân dân thuộc địa. “Chế độ thực dân bản thân nó đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi”[1]. Vì thế con đường giải phóng của các dân tộc thuộc địa phải tiến hành bằng con đường bạo lực. Hồ Chí Minh vạch rõ: “Trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù của giai cấp và của dân tộc cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền”[2].
Chủ nghĩa Mác-Lê nin cho rằng sự nghiềp cách mạng là của quần chúng nhân dân. Nhân dân làm nên lịch sử. Xuất phát từ nguyên lý đó, Hồ Chí Minh cho rằng bạo lực cách mạng là bạo lực của quần chúng. Vận dụng tư tưởng này, trong cách mạng Tháng Tám năm 1945 Hồ Chí Minh xây dựng lực lượng cách mạng bao gồm hai lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, gồm hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang. Tuy nhiên tùy tình hình cụ thể so sánh lực lượng giữa ta và địch trong từng giai đoạn cụ thể mà sử dụng hình thức nay là chủ yếu hay hình thức kia là chủ yếu để đè bẹp bạo lực của kẻ thù, giành thắng lợi cho cách mạng.
Trong Cách mạng Tháng Tám lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị đóng vai trò chủ yếu trong đấu tranh thắng lợi giành Chính quyền. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược năm 1946-1954 lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang đóng vai trò chủ yếu trong tiêu diệt sinh lực địch. Trong kháng chiến chống Mỹ 1954-1975, giai đoạn từ 1954 đến 1960 đấu tranh chính trị là hình thức chủ yếu để phá tan chiến lược chiến tranh một phía và mọi thủ đoạn chính trị của kẻ thù. Giai đoạn từ 1960 đến 1975 sau khi cách mạng miền Nam chuyển thành chiến tranh cách mạng thì đấu tranh vũ trang trở thành hình thức chủ yếu, đánh bại từng chiến lược chiến tranh của Mỹ-ngụy, tiến tới đánh bại chúng hoàn toàn.
Hồ Chí Minh cho rằng đấu tranh chính trị càng mạnh, lực lượng chính trị càng mạnh càng làm cơ sở cho lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang phát triển.
Tư tưởng bạo lực gắn bó hữu cơ với tư tưởng hoà bình. Hồ Chí Minh thương yêu con người, quý trọng sinh mạng con người nên Người luôn giải quyết mọi cuộc xung đột bằng biện pháp hoà bình. Đối với Hồ Chí Minh tiến hành chiến tranh chỉ là giải pháp bắt buộc khi kẻ thù bắt buộc.
Khi đã bắt buộc phải tiến hành chiến tranh vì kẻ thù quyết tâm gây chiến tranh xâm lược nước ta thì Hồ Chí Minh kiên quyết dùng bạo lực cách mạng để bảo vệ cách mạng, bảo về độc lập tự do của Tổ quốc. Tuy nhiên Hồ Chí Minh luôn kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao để tạo cơ hội kết thúc chiến tranh thắng lợi.
Hình thái bạo lực: Bạo lực cách mạng ở đây là hình thái bạo lực của toàn dân: “Không có bạo lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể nào thắng lợi được”[3]. Toàn dân khởi nghĩa, toàn dân nổi dậy là nét đặc sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh khi ứng dụng vào cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trong kháng chiến chống Pháp, đấu tranh quân sự là chủ yếu nhưng vẫn kết hợp với đấu tranh chính trị. “Thắng lợi quân sự đem lại thắng lợi chính trị, thắng lợi chính trị làm cho thắng lợi quân sự to lớn hơn”[4].
Mở mặt trận ngoại giao phối hợp với mặt trận quân sự để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế. Hồ Chí Minh chủ trương vừa đánh vừa đàm, đánh là chủ yếu, đàm là hỗ trợ.
Để tạo sức mạnh tổng hợp Hồ Chí Minh không chỉ thực hiện chiến tranh nhân dân mà còn thực hiện chiến tranh toàn diện, chiến tranh trên lĩnh vực kinh tế, văn hoá.
Tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế nhưng đề cao tự lực cánh sinh. Đó là quan điểm trước sau như một của Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh làm phong phú lý luận cách mạng giải phóng dân tộc. Các Mác, Ph. Ăng ghen và Lênin xác định con đường cách mạng vô sản. Hồ Chí Minh hoàn toàn sáng tạo con đường cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa. Con đường này chưa có ai khai phá, chưa có lý luận và thực tiễn. Cách mạng giải phóng dân tộc theo Hồ Chí Minh là kết hợp vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp với nhau. Giải quyết vấn đề dân tộc theo quan điểm giai cấp, giải quyết vấn đề giai cấp trong vấn đề dân tộc, kết hợp độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội.
Lý luận cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh là một hệ thống tư tưởng sáng tạo, độc đáo, làm phong phú kho tàng lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin về cách mạng thuộc địa như phương pháp khởi nghĩa toàn dân, chiến tranh nhân dân, khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng. Từ đó tư tưởng Hồ Chí Minh đóng góp vào kho tàng khoa học quân sự Việt Nam. Đưa cách mạng Việt Nam đi vào quỹ đạo cách mạng thế giới.
Tư tưởng về dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc soi đường cho cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, đặt nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc lên hàng đầu, xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, tiến hành cách mạng bạo lực; khi thời cơ đến thì kiên quyết phát động toàn dân tộc đứng dậy lật đổ chính quyền phát xít phong kiến, thành lập Nhà nước Cộng hoà dân chủ nhân dân, giành độc lập tự do cho dân tộc.
Thắng lợi của 30 năm chiến tranh và cách mạng chống Pháp (1946-1954) và chống Mỹ (1954-1975) là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh về cuộc chiến tranh nhân dân, chiến tranh toàn diện, trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh nhưng tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế; đánh địch trên mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, tạo nên sức mạnh tổng hợp, tiêu diệt sinh lực địch trong những trận quyết chiến lược, đè bẹp ý chí xâm lược của chúng, giai phóng và bảo vệ độc lập dân tộc.
7. Tư Tưởng Hồ Chí Minh về Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Chủ nghĩa Mác- Lênin chỉ ra rằng lịch sử loài người trải qua các hình thái kinh tế xã hội, hình thái kinh tế xã hội sau tiến bộ hơn phủ định hình thái kinh tế xã hội trước lỗi thời lạc hậu. Xã hội nô lệ phủ định xã hội nguyên thuỷ, xã hội phong kiến phủ định xã hội nô lệ; xã hội tư bản phủ định xã hội phong kiến và đến lượt mình chủ nghĩa tư bản bị chủ nghĩa xã hội thay thế. Đó là quy luật tất yếu không thể tránh khỏi.
Hồ Chí Minh cho rằng Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội là một tất yếu lịch sử sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ vì “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu được nhân loại đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc, tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”[5].
Cách mạng giải phóng dân tộc đem lại độc lập tự do, cách mạng xã hội chủ nghĩa đem lại hạnh phúc, giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp. Chủ nghĩa xã hội là quy luật phát triển của xã hội Việt Nam. Độc lập dân tộc là tiền đề của chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu làm cho độc lập vững chắc. Trong cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện điều đó. Quan điểm này phải được kiên trì nhất quán, dù con đường này là chông gai, khó khăn phức tạp.
Hồ Chí Minh tiếp thu chủ nghĩa Mác- Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học từ khát vọng giải phóng dân tộc. Hồ Chí Minh tìm thấy ở chủ nghĩa Mác- Lênin sự thống nhất biện chứng giữa cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp.
Hồ Chí Minh tiếp cận chủ nghĩa xã hội khoa học ở phương diện đạo đức, giá trị nhân đạo, nhân văn. Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người.
Hồ Chí Minh tiếp cận chủ nghĩa xã hội ở góc độ văn hóa, chính trị, kinh tế. Văn hóa, chính trị, kinh tế có mối quan hệ biện chứng. Xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam cũng là quá trình xây dựng một nền văn hóa mới kết hợp truyền thống với hiện đại, kết hợp tinh hoa văn hóa nhân loại với tinh hoa văn hóa dân tộc, một nền văn hóa mà nội dung là dân tộc, khoa học và đại chúng.
Bản chất và đặc trưng của chủ nghĩa xã hội: Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Cộng sản là một chế độ xã hội bao gồm các mặt phong phú, con người phát triển toàn diện, tự do, một thiết chế, thể chế xã hội đều nhằm tới mục tiêu giải phóng con người.
Hồ Chí Minh quan niệm chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là chính trị, kinh tế, văn hóa hoặc tách riêng rẽ từng mặt cũng cần thiết đặt nó vào trong tổng thể chung.
Hồ Chí Minh quan niệm giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản. Cách đặt vấn đề giải phóng dân tộc như vậy là triệt để toàn diện.
Độc lập dân tộc là cấp độ đầu tiên, đó tức là giải phóng được chính trị. Còn giải phóng kinh tế xã hội phải là cách mạng vô sản. Cách mạng giải phóng dân tộc gắn bó với cách mạng vô sản. Cuộc cách mạng trước làm tiền đề cho cách mạng sau. Độc lập dân tộc là tiền đề đi lên chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc không phải là mục tiêu cuối cùng của giai cấp công nhân, mục tiêu cuối cùng của giai cấp công nhân là chủ nghĩa xã hội.
Cách tiếp cận của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội (định nghĩa về chủ nghĩa xã hội): Theo lý luận và thực tiễn chủ nghĩa xã hội là một thời kỳ quá độ trải qua cuộc đấu tranh giai cấp gay go, ở mỗi giai đoạn lịch sử có nội dung cụ thể. Chủ nghĩa xã hội là giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản.
Chủ nghĩa xã hội là một phong trào lịch sử mang tính chính trị, xã hội. Về lý tưởng chủ nghĩa xã hội là một lý tưởng tốt đẹp mà loài người cần vươn tới.
Hồ Chí Minh đồng nghĩa chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa Mác- Lênin: Chủ nghĩa xã hội là hệ tư tưởng của giai cấp công nhân. Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa xã hội là chế độ xã hội đối lập hoàn toàn với chủ nghĩa tư bản.
Hồ Chí Minh định nghĩa tổng quát xem chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản như là một chế độ xã hội hoàn chỉnh, bao gồm nhiều mặt khác nhau của đời sống xã hội, là con đường giải phóng nhân loại cần lao bị áp bức. Hồ Chí Minh cho rằng chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu được nhân loại, đem lại tự do, bình đẳng bác ái, đoàn kết, ấm no hạnh phúc, không phân biệt chủng tộc, việc làm cho mọi người.
Hồ Chí Minh định nghĩa chủ nghĩa xã hội bằng cách chỉ ra một mặt nào đó như kinh tế, chính trị, văn hóa. Góc độ kinh tế: Chủ nghĩa xã hội là ai làm nhiều thì ăn nhiều, ai làm ít thì ăn ít, ai không làm thì không ăn trừ người già cả, đau yếu và trẻ em. Ở góc độ kinh tế, Hồ Chí Minh nhấn mạnh chế độ sở hữu công cộng và phân phối, làm theo năng lực hưởng theo lao động. Định nghĩa chủ nghĩa xã hội ở góc độ chính trị: Chủ nghĩa xã hội là nền dân chủ đổi mới, là Nhà nước của dân do dân vì dân. Nhà nước dân chủ chỉ làm lợi cho nhân dân ngày càng đầy đủ vật chất, tiến bộ về tinh thần, xã hội không có người bóc lột người.
Hồ Chí Minh định nghĩa chủ nghĩa xã hội bằng cách xác định mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội là làm cho đời sống nhân dân ngày càng sung sướng, ăn no mặc ấm, được học hành, ốm đau có thuốc. Chủ nghĩa xã hội là no ấm, là đoàn kết, vui vẻ.
Loại định nghĩa khác, Hồ Chí Minh nói gián tiếp, không nhắc tới chủ nghĩa xã hội nhưng về bản chất đó là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Xác định động lực xây dựng chủ nghĩa xã hội là do quần chúng nhân dân. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có con người xã hội chủ nghĩa có tư tưởng và tác phong xã hội chủ nghĩa. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội cần phải có động lực. Theo Hồ Chí Minh, động lực đó bao gồm vật chất và tinh thần, nội sinh và ngoại sinh. Hồ Chí Minh nhấn mạnh động lực quyết định là con người, là nhân dân lao động công, nông, trí thức. Kết hợp sức mạnh cá nhân (cá thể) với sức mạnh cộng đồng (sức mạnh xã hội), với truyền thống dân tộc yêu nước, đoàn kết cộng đồng, sự sáng tạo của nhân dân.
Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý là yếu tố đưa chủ nghĩa xã hội đến thành công. Nhà nước pháp quyền hoạt động có hiệu quả, sự liêm khiết của đội ngũ cán bộ.
(Còn nữa)
CVL
----------------------
[1]. Hồ Chí Minh, Toàn tập.
[2]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T 12, Tr. 304.
[3]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T4, Tr 298.
[4]. Hồ Chí Minh với các lực lượng vũ trang nhân dân, NXB Quân đội nhân dân, H. 1975, Tr. 148.
[5] Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 1. Tr. 461.