Những vấn đề lịch sử Việt Nam - Kỳ 50

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Những vấn đề lịch sử Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022.

Kỳ 50.

Đảng lãnh đạo Nhà nước là người của Đảng được nhân dân bầu vào đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, đảng viên giữ những chức vụ chủ chốt trong bộ máy lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đảng lãnh đạo Nhà nước còn thể hiện ở tổ chức Đảng các cấp từ Trung ương đến địa phương trực tiếp lãnh đạo Chính quyền các cấp. Đảng lãnh đạo còn thể hiện ở những cương lĩnh, đường lối chủ trương của Đảng được biến thành pháp luật để thực thi quyền lực Nhà nước. Cho nên Hồ Chí Minh yêu cầu phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Đảng phải thực sự trong sạch. Đảng có trong sạch thì Nhà nước mới trong sạch, mới thực hiện được liêm, chính, cần, kiệm.

 Hồ Chí Minh cũng nói Nhà nước của ta là nhà nước toàn dân, Người muốn nói đến Nhà nước ta là đại diện cho ý chí của toàn dân, là nói đến cơ sở xã hội của Nhà nước là đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân trên cơ sở công nông liên minh do giai cấp công nhân lãnh đạo để thực hiện những mục tiêu cách mạng phục vụ cho lợi ích của dân tộc, của toàn dân. Khi nói Nhà nước của dân không mâu thuẫn với bản chất vô sản của nhà nước mà chính do bản chất công nhân nên mới là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Của dân, do dân, vì dân suy đến cùng cũng là một trong những bản chất của Nhà nước ta. Nhưng theo Hồ Chí Minh, tính nhân dân của Nhà nước và bản chất Nhà nước là hai vấn đề khác nhau. Tính dân chủ nhân dân của Nhà nước là nói đến khối đại đoàn kết toàn dân, là nhân dân lao động làm chủ Nhà nước. Còn về bản chất giai cấp của Nhà nước là nói đến vô sản lãnh đạo Nhà nước để thực hiện mục đích chính trị của giai cấp mình.

 Bản chất công nhân còn thể hiện trong cơ cấu quyền lực nhà nước. Theo mô hình Công xã Pa ri năm 1871 và mô hình Nhà nước Xô Viết, Nhà nước vô sản khác Nhà nước tư sản ở chỗ Nhà nước tư sản phân chia quyền lực, tam quyền phân lập, Nhà nước vô sản không phân chia quyền lực. Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất nắm toàn bộ ba quyền: Quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp. Không phân quyền nhưng Nhà nước ta là Nhà nước phân nhiệm, Quốc hội nắm quyền lập pháp, còn phân nhiệm cho Chính phủ nắm quyền hành pháp, Toà án nhân dân tối cao nắm quyền tư pháp. Chính phủ và cơ quan tư pháp, công tố chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Quốc hội giám sát Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Hồ Chí Minh cho rằng trong quản lý và tổ chức của Nhà nước phải thực hiện sự thống nhất quyền lực nhưng phải có sự phân công, phân cấp rõ ràng. Hồ Chí Minh chủ trương không theo học thuyết tam quyền phân lập, quyền lực của nhân dân phải thống nhất. Sự phân nhiệm giữa Quốc hội, Chính phủ, Toà án chính là để thống nhất quyền lực của nhân dân.

 Bản chất công nhân của Nhà nước ta còn được Hồ Chí Minh nêu ở nguyên tắc hoạt động của Nhà nước là tập trung dân chủ. Hồ Chí Minh chủ trương xây một Nhà nước Pháp quyền trên cơ sở phục vụ nhân dân. Trong khi đi tìm mô hình Nhà nước cách mạng nước ta thì Hồ Chí Minh đã thấy rõ tầm quan trọng của pháp luật đối với xã hội. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 Đảng ta nắm chính quyền. Hồ Chí Minh chú ý đến tính hợp hiến, hợp pháp của Chính quyền. Do đó sau cách mạng còn bao nhiêu công việc bộn bề nhưng Hồ Chí Minh đã cho bầu cử Quốc hội càng sớm càng tốt. Cuộc bầu cử Quốc hội thành công 1946 đã làm cho Nhà nước cách mạng trở thành Nhà nước hợp hiến, hợp pháp, Nhà nước do nhân dân bầu ra. Hồ Chí Minh sớm chú ý đến hoạt động lập pháp. Ngay năm 1946 Người đã lập ra Ủy ban soạn thảo hiến pháp và Hiến pháp 1946 đã ra đời, là Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân. Từ năm 1946 đến 1954, do điều kiện kháng chiến chống thực dân Pháp, Quốc hội khoá I không họp được, Hiến pháp 1946 ủy quyền cho Chủ tịch nước được quyền ra sắc lệnh. Trước khi ký ban hành các sắc lệnh, Hồ Chí Minh bao giờ cũng tham khảo ý kiến của Ủy ban thường trực Quốc hội để họ đóng góp sữa chữa. Đây là phong cách cẩn trọng, dân chủ và nâng cao tính chất pháp lý của các sắc lệnh. Trong xây dựng hệ thống pháp luật Hồ Chí Minh bao giờ cũng coi trọng tính nhân văn, quan niệm pháp luật là do con người làm ra và vì con người. Người bảo đảm tính hài hòa khi giải quyết mối quan hệ giữa con người với con người, mối quan hệ giữa công việc với công việc trên nền tảng pháp luật có lý, có tình. Tư tưởng nhân trị của Hồ Chí Minh là kết hợp với pháp trị, hiển nhiên là nội hàm nhân trị và pháp trị của Hồ Chí Minh khác với nội hàm nhân trị của Khổng Tử và của Hàn Phi Tử. Đối với Hồ Chí Minh, pháp luật là phải nghiêm minh, bình đẳng. Quan chức phạm tội mà tội danh như người dân thì phải xử đúng người, đúng tội. Trong thời lỳ kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh đã ký quyết định y án tử hình đối với Trần Dụ Châu, Cục trưởng cục quân nhu đã lấy của công sống tha hoá phè phỡn trên tiền của và xương máu của quân dân. Tóm lại, tư tưởng xây dựng Nhà nước pháp quyền của Hồ Chí Minh là Nhà nước định ra hiến pháp pháp luật, dùng quyền lực để thực thi pháp luật nghiêm minh và công bằng, Đảng và Nhà nước không được đứng trên pháp luật.

 Vấn đề cán bộ, công chức Nhà nước là một trong những vấn đề quan trọng bậc nhất khi xây dựng bộ máy Nhà nước. Cán bộ, công chức là xương sống của một chế độ. Các chủ trương và chính sách của Đảng và của Nhà nước có được thực hiện và thực hiện có tốt hay không là ở cán bộ. Cho nên Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề cán bộ. Hồ Chí Minh định ra tiêu chuẩn cán bộ, công chức Nhà nước. Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ phải có đức có tài. Đức là gốc. Đức ở đây là trung với nước, hiếu với dân. Đây là yêu cầu đầu tiên đối với người cán bộ. Tuy nhiên người cán bộ phải có tài về chuyên môn và giỏi nghiệp vụ, có như vậy mới hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong bộ máy Nhà nước vì sau khi thay đổi chính khách như là Chủ tịch nước, Thủ tướng, Bộ trưởng mà bộ máy Nhà nước vẫn hoạt động, không ngưng trệ, đó là nhờ đội ngũ chuyên viên, công chức giỏi. Chính khách ra đi, bộ máy còn lại. Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, công chức phải liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, phải biết việc, biết người, dám quyết, dám chịu trách nhiệm, thắng không kiêu, bại không nản.

 Để tuyển chọn được những cán bộ công chức có tài, Hồ Chí Minh đòi hỏi thi tuyển cán bộ công chức Nhà nước theo chế độ chặt chẽ. Trong vấn đề này Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ đã ra sắc lệnh ngày 24-1-1946 quy định tiêu chuẩn chuyên môn của cán bộ tư pháp, các sắc lệnh số 188 năm 1948, sắc lệnh số 76 năm 1950. Theo các sắc lệnh trên thì cán bộ công chức phải thi các môn: Môn chính trị bao gồm các nội dung Đại cương Hiến pháp Việt Nam, các môn về tổ chức chính quyền của các nước Anh, Mỹ, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, Hung ga ri, Bun ga ri, Ru ma ni, những tri thức về địa vị Việt Nam ở Đông Nam Á và thế giới. Môn thứ hai là luật pháp bao gồm nội dung chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cách thức bầu cử các cơ quan quyền lực Nhà nước từ trung ương đến địa phương, tổ chức bộ máy nhà nước theo Hiến pháp 1946 như là Quốc hội, Chính phủ, tư pháp, kiểm sát, ngân hàng, chính sách thuế. Môn thứ ba là thi môn Địa lý Việt Nam, Địa lý thế giới như Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản. Môn thứ tư thi Lịch sử Cận đại Việt Nam, chủ yếu về Vương triều Nguyễn (1802-1945). Môn thứ năm thi ngoại ngữ Anh, Hoa, Pháp. Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một bộ máy Nhà nước hiện đại, dân chủ và có hiệu lực. Cấu trúc bộ máy bao gồm Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, Chính phủ cơ quan hành pháp cao nhất. Chính phủ phải hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có hiệu quả, nhân dân kiểm soát. Cơ quan tư pháp độc lập với cơ quan hành chính nhằm bảo đảm nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền, khi xét xử tòa án độc lập, chỉ tuân theo hiến pháp và pháp luật, không bị bất cứ cơ quan nào tác động chi phối. Chính phủ bổ nhiệm thẩm phán. Tòa án, theo Hồ Chí Minh là tòa dự thẩm nhân dân. Tòa phải xét xử công khai, bảo đảm quyền bào chữa của các bị cáo. Theo Hồ Chí Minh bộ máy Nhà nước không phải là cố định cho tất cả các thời kỳ lịch sử, cấu tạo các cơ quan phải do yêu cầu khách quan, phù hợp với từng thời kỳ, hoàn cảnh của từng giai đoạn, tránh xây dựng bộ máy Nhà nước một cách chủ quan, duy ý chí, tránh những bộ phận của Nhà nước đã lỗi thời, xơ cứng mà vẫn không cải cách, đổi mới, không điều chỉnh cho phù hợp. Phải liên tục và không ngừng cải cách bộ máy Nhà nước, bộ máy hành chính.                                                             Tóm lại tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước có 5 nội dung. Thứ nhất, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một Nhà nước của dân, do dân. Thứ hai là xây dựng một Nhà nước vì dân. Thứ ba, Nhà nước Việt Nam bản chất là Nhà nước vô sản nhưng mang tính chất dân chủ nhân dân. Thứ tư, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một Nhà nước pháp quyền trên cơ sở đó mà phục vụ nhân dân. Thứ năm, Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ công chức Nhà nước phải có đức và có tài. Đức là hàng đầu, trung với nước, hiếu với dân, tài là giỏi chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành những nhiệm vụ của Nhà nước. Để chọn được cán bộ có đức có tài, xương sống của chế độ, của bộ máy Nhà nước phải thi tuyển cán bộ giỏi về ngoại ngữ, về khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Về bộ máy Nhà nước, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một Nhà nước hiện đại, dân chủ và có hiệu lực, hoạt động theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, tập trung dân chủ và hoạt động vì lợi ích của nhân dân. Bộ máy Nhà nước theo Hồ Chí Minh rất biện chứng khoa học, phải phù hợp với từng giai đoạn của lich sử, phải điều chỉnh và không áp đặt chủ quan duy ý chí.

  Với tư tưởng khoa học, biện chứng và cách mạng đó, sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân ta xây dựng một Nhà nước kiểu mới, Cộng hòa Dân chủ nhân dân. Nhà nước ta đã trở thành một công cụ sắc bén trong cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc, công cụ xây dựng một xã hội mới của toàn dân ta.

 Về hệ thống chính trị: Hồ Chí Minh cho rằng Đảng, Nhà nước, mặt trận đoàn kết dân tộc là những thành tố của hệ thống chính trị. Cho nên Hồ Chí Minh đã thành lập, xây dựng phát triển những nhân tố trên để củng cố vững mạnh hệ thống chính trị, công cụ để đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi.

 Tư tưởng Nhà nước của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đồng quan điểm và những nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh. Đảng đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Cho rằng: “Lý luận và thực tiễn cho thấy không chỉ tồn tại Nhà nước pháp quyền tư bản chủ nghĩa mà còn có cả Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với đặc trưng riêng của nó trong mỗi quốc gia. Đảng Cộng sản Việt Nam coi việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của đổi mới hệ thống chính trị”[1]. Nhà nước hoạt động vì lợi ích của nhân dân nhưng công dân cũng phải làm tròn những nghĩa vụ đối với Nhà nước. Nhà nước Việt Nam phải bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh và kết quả những cam kết được ghi nhận trong các Hiệp ước và Hiệp định quốc tế. Nhà nước có hai chức năng, chức năng đối nội và chức năng đối ngoại. Quan hệ với các quốc gia trên thế giới là thể hiện chính sách đối ngoại, thể hiện ở các Hiệp định và Hiệp ước quốc tế, nó mang tính chất pháp lý được ghi nhận và cam kết giữa hai bên, có quyền lợi và nghĩa vụ phải thực hiện. Thực hiện nghiêm chỉnh và có hiệu quả là bảo đảm uy tín của nhà nước, cũng là sự tận dụng được các yếu tố bên ngoài, yếu tố thời đại để góp phần phát triển đất nước.

 Đảng ta cũng đã cụ thể hoá tư tưởng mang tính nguyên tắc là Đảng lãnh đạo Nhà nước. Đảng lãnh đạo Nhà nước thể hiện ở những nội dung cụ thể. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng những chủ trương, đường lối, chính sách. Những đường lối, chính sách đó phải được thể chế hóa thành pháp luật và thông qua bộ máy Nhà nước thực hiện để biến thành hiện thực trong đời sống. Đảng xây dựng bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ có đức, có tài để đáp ứng xây dựng một Nhà nước pháp quyền, hiện đại và hiệu quả. Đảng lãnh đạo công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát sự hoạt động của các cơ quan Nhà nước, các cán bộ, công chức, đảng viên hoạt động trong bộ máy Nhà nước. Tóm lại Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối Nhà nước và hệ thống chính trị.

 Đảng cùng thống nhất với tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng hệ thống chính trị. Hệ thống chính trị bao gồm ba yếu tố: Đảng, Nhà nước và mặt trận đoàn kết dân tộc. Trong xây dựng hệ thống chính trị thống nhất giữa tính giai cấp và tính dân tộc. Không có hệ thống chính trị nào nằm ngoài giai cấp. Ở Việt Nam, Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị nhưng Nhà nước và hệ thống chính trị phù hợp với nguyện vọng dân tộc vì nó giải quyết không chỉ nhiệm vụ giai cấp mà còn giải quyết những nhiệm vụ dân tộc. Vì thừa nhận tính dân tộc trong hệ thống chính trị cho nên phải thừa nhận trong hệ thống chính trị là sự liên minh đoàn kết giữa nhiều giai cấp, tầng lớp khác nhau trong xã hội.

 Phát triển chủ nghĩa duy vật lịch sử và tư tưởng Hồ chí Minh về mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, Đảng cho rằng có sự tương tác lẫn nhau giữa kinh tế và chính trị, nói rõ hơn là mối quan hệ giữa hạ tầng cơ sở và hệ thống chính trị. Hệ thống chính trị vững mạnh sẽ tác động đến sự phát triển kinh tế và ngược lại kinh tế phát triển sẽ củng cố vững mạnh hệ thống chính trị. Cho nên, hệ thống chính trị phải không ngừng được hoàn thiện đổi mới để phù hợp và không kìm hãm sự phát triển của kinh tế, ngược lại, phải thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, xử lý đúng đắn các mối quan hệ, các mâu thuẫn giữa các giai cấp và các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Phải coi cải cách hành chính, đổi mới hệ thống chính trị có tác dụng mở đường, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá. Đảng là một trong những thành tố của hệ thống chính trị nhưng lại là thành tố lãnh đạo hệ thống chính trị. Cho nên, phải xây dựng Đảng vững mạnh, trong sạch để xứng đáng là một Đảng cầm quyền, để được sự tin cậy của giai cấp và của dân tộc.

(Còn nữa)

CVL

-------------------

[1]. Hệ thống chính trị nước ta thời kỳ đổi mới. NXB Chính trị Quốc Gia. H. 2008. Tr. 63.