Kỳ 49.
Những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin về Nhà nước là một trong những nguồn gốc tư tưởng Nhà nước của Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước chiếm một vị trí quan trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Những năm đầu của thế kỷ XX, trong khi đi tìm đường cứu nước, một trong những nhận thức quan trọng của Hồ Chí Minh là thấy được tầm quan trọng của Nhà nước trong đấu tranh giai cấp và đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới. Cho nên, Người nghiên cứu sâu sắc vấn đề Nhà nước, từ những lý thuyết về Nhà nước cổ đại, Nhà nước phong kiến trung đại, Nhà nước tư sản thời kỳ cận hiện đại của phương Đông và phương Tây, Hồ Chí Minh đã tiếp cận những lý thuyết về Nhà nước của Khổng Tử, của Hàn Phi Tử, những nhà tư tưởng vĩ đại của thời kỳ cổ đại Trung Quốc, những lý thuyết về Nhà nước của Vôn te, Mông teskie, của Giăng zắc Rút xô, những lý thuyết gia vĩ đại của giai cấp tư sản Pháp thế kỷ XVIII. Hồ Chí Minh cũng đã xem xét những mô hình Nhà nước của giai cấp tư sản Âu-Mỹ được lập nên sau chiến thắng của những cuộc các mạng tư sản, lật đổ Nhà nước phong kiến. Sau cách mạng tư sản Pháp 1789-1794, giai cấp tư sản Pháp đã thiết lập nên thiết chế chính trị cộng hòa luỡng thể vào năm 1875. Nhà nước Pháp vừa mang tính chất cộng hòa Tổng thống, vừa mang tính chất cộng hòa đại nghị. Giai cấp tư sản Mỹ sau cách mạng 1773-1783 cũng cho ra đời Nhà nước Cộng hòa Tổng thống, trong đó Tổng thống là nguyên thủ quốc gia lại là người đứng đầu Chính phủ với quyền lực vô cùng to lớn. Với những Nhà nước tư sản, Hồ Chí Minh cho rằng đó là chính quyền của một số ít người dùng để áp bức, bóc lột đại đa số nhân dân lao động, nó không đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Lý do vì Nhà nước đó là sản phẩm của những cuộc cách mạng không triệt để, cuộc cách mạng chỉ thay thế giai cấp bóc lột này bằng giai cấp bóc lột khác. Hồ Chí Minh cũng kịch liệt phê phán Nhà nước của thực dân Pháp ở các thuộc địa, đặc biệt là Liên bang Đông Dương thuộc Pháp. Liên bang Đông Dương được thành lập năm 1887 theo sắc lệnh của Tổng thống Pháp, đứng đầu là Toàn quyền Đông Dương. Dưới Toàn quyền là những tên thực dân người Pháp đứng đầu 5 xứ, hai tên Khâm sứ đứng đầu hai xứ Lào và Campuchia, một tên thống sứ đứng đầu Bắc Kỳ, một tên Khâm sứ đứng đầu Trung Kỳ, một tên Thống đốc đứng đầu Nam Kỳ. Dưới cấp kỳ là cấp tỉnh đứng đầu là tên Công sứ người Pháp, bên cạnh tên tổng đốc phong kiến người Việt. Ở Nam kỳ đứng đầu tỉnh là tên tỉnh trưởng người Pháp. Ở Bắc và Trung Kỳ dưới tỉnh là các cấp phủ đứng đầu là quan tri phủ, huyện đứng đầu là tri huyện (châu ở miền núi đứng đầu là Tri châu), tổng đứng đầu là cai tổng, xã đừng đầu là lý trưởng, dưới xã là thôn đứng đầu là hương kiểm. Ở Nam Kỳ dưới tỉnh là Trung tâm, dưới trung tâm là tổng, xã và ấp. Tất cả bộ máy địa phương từ phủ đến thôn, từ trung tâm đến ấp đều do phong kiến người Việt làm tay sai đảm nhiệm. Cách thức tổ chức của Nhà nước Liên bang Đông Dương nhằm tập trung quyền lực vào tay người Pháp ở chỗ theo nguyên tắc ở các cấp quyền lực tập trung vào tay một người đứng đầu cấp, nguyên tắc thứ hai là cấp dưới phục tùng cấp trên. Tất cả các cơ quan trong bộ máy các cấp chỉ là cơ quan tư vấn, không có quyền quyết định. Khi phê phán bộ máy Nhà nước Đông Dương, Hồ Chí Minh cho rằng đó là một Nhà nước độc tài, pha trộn yếu tố thực dân, phong kiến nhưng phong kiến chỉ là tay sai, công chức ăn lương của người Pháp, kể cả vua quan triều đình Huế. Nhà nước thuộc địa Pháp ở Đông Dương đã cắt bỏ tất cả những yếu tố tiến bộ của một nhà nước dân chủ tư sản Pháp. Toàn quyền Đông Dương chỉ cai trị theo sắc lệnh mà không cai trị theo pháp luật. Cai trị theo sắc lệnh là không tuân theo luật, chỉ tuỳ theo ý muốn của tên độc tài. Vì thế năm 1919 khi đại diện những người Việt Nam yêu nước ở Pháp gửi bản yêu sách lên hội nghị Vécxây, một trong những điểm trong đó Hồ Chi Minh yêu cầu là Toàn quyền Đông Dương phải cai trị theo pháp luật.
Hồ Chí Minh đặc biệt nghiên cứu sâu sắc học thuyết chủ nghĩa Mác-Lênin về Nhà nước. Trong học thuyết của mình, Các Mác và những nhà kinh điển chủ nghĩa Mác-Lênin đã nêu lên nguồn gốc, bản chất giai cấp, các đặc trưng và chức năng của Nhà nước nói chung. Các ông cũng nói về Nhà nước tư sản và Nhà nước vô sản, khuyên giai cấp vô sản phải đập tan Nhà nước tư sản và nắm lấy chính quyền. Đập tan Nhà nước tư sản nhưng thay vào đó bằng mô hình như thế nào của Nhà nước vô sản thì trước năm 1871 Các Mác chưa nêu lên được. Năm 1871 do hoàn cảnh chủ quan và khách quan của lịch sử Pháp khi đó, công nhân Pa ri đã nổi dậy làm cuộc cách mạng ngày 18-3-1871, lật đổ chính phủ tư sản Pháp, thiết lập Nhà nước của giai cấp vô sản, Hội đồng Công xã được thành lập, gọi là Công xã Pa ri. Hội đồng Công xã được nhân dân bầu ra nắm tất cả quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Công xã đã thi hành những chính sách mang lại quyền lợi cho công nhân và nhân dân lao động. Tổ chức bộ máy Nhà nước mới và những chính sách của nó, Công xã Pa ri đã chứng minh đó là Nhà nước của lao động. Mác coi đó là mô hình của Nhà nước vô sản. Sau năm 1871, Mác viết: Vô sản phải đập tan Nhà nước tư sản, thay vào đó là Nhà nước kiểu Công xã Pa ri.
Là người uyên bác về lịch sử thế giới, Hồ Chí Minh đã nghiên cứu Công xã Pa ri, Nhà nước đầu tiên của giai cấp vô sản. Hồ Chí Minh hiển nhiên còn nghiên cứu sâu sắc Nhà nước Xô Viết của Liên Xô ra đời sau Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga năm 1917. Từ Tháng Mười năm 1917 đến năm 1922 hình thức Nhà nước ở Nga là Liên bang Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết Nga, đến năm 1922, 4 nước cộng hòa sáp nhập với nhau thành lập Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết gọi tắt là Liên Xô. Bốn nước Cộng hòa đó là Nga, Ngoại Cáp ca zơ, Bêlarutxia, Ukơraina. Sau đó lần lượt các nước Trung Á và Ban Tích gia nhập Liên Xô. Tới năm 1939, Liên Xô có 15 nước Cộng hoà. Sau năm 1945, tức là sau khi kết thúc Đại chiến thế giới thứ hai (1939-1945), chủ nghĩa xã hội vượt khỏi phạm vi một nước và trở thành hệ thống kinh thế chính trị thế giới, đối lập với hệ thống tư bản chủ nghĩa. Các hình thức Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và một số nước châu Á, kể cả Cuba ở châu Mỹ là Cộng hòa dân chủ nhân dân. Như vậy, thiết chế chính trị của các nước xã hội chủ nghĩa cũng có hai hình thức Nhà nước: Nhà nước Cộng hoà Xô Viết và Nhà nước Cộng hoà dân chủ nhân dân. Cộng hoà Xô Viết và Cộng hoà dân chủ nhân dân cơ bản là giống nhau. Nhưng cộng hoà Xô Viết thì cơ sở Nhà nước chỉ dựa trên giai cấp công nhân và nông dân. Xô Viết có nghĩa là Hội đồng, Hội đồng đại biểu công nông. Cơ sở xã hội chỉ có hai giai cấp vì do cuộc đấu tranh giai cấp ở Nga rất khốc liệt, các giai cấp khác như tư sản, địa chủ đều chạy theo bọn phản cách mạng chống lại chính quyền Xô Viết, đều trở thành đối tượng của cách mạng. Ở các nước Đông Âu và châu Á trong đại chiến thế giới thứ hai đều bị chủ nghĩa phát xít chiếm đóng. Cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc này đòi hỏi phải đoàn kết rộng rãi mọi giai cấp, mọi tầng lớp có thể đoàn kết đựợc trong một mặt trận dân tộc thống nhất. Kết thúc Đại chiến thế giới thứ hai, vô sản ở các nước này lên nắm chính quyền nhưng vẫn dựa trên một cơ sở xã hội rộng rãi, trên cơ sở liên minh công nông mà đoàn kết với tư sản dân tộc, tiểu tư sản, trí thức nhân sĩ của chế độ cũ…để thực hiện những nhiệm vụ còn lại của cách mạng dân tộc dân chủ và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Với Việt Nam, Hồ Chí Minh nghiên cứu kỹ mô hình Nhà nước Xô Viết và khẳng định Nhà nước Liên Xô là một hình thức của Nhà nước Vô sản. Nhưng khi áp dụng, Hồ Chí Minh không áp dụng nguyên mẫu Nhà nước Xô Viết vào Việt Nam mà áp dụng một cách sáng tạo, xây dựng ở Việt Nam Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử Việt Nam.
Như vậy quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước trải qua nhiều khảo sát nghiên cứu. Bước thứ nhất, Hồ Chí Minh cho rằng sau khi cách mạng thành công cần phải lập một chính quyền của đa số nhân dân khác với chính quyền trước cách mạng vô sản là chính quyền của thiểu số bóc lột. Hồ Chí Minh viết: “ Chúng ta đã hi sinh làm cách mạng thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm cách mạng rồi thì giao quyền cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người”[1]. Bước thứ hai, bước tiến trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước là lựa chọn kiểu Nhà nước. Trong “Chính cương vắn tắt” viết khi thành lập Đảng tháng 2 1930, Hồ Chí Minh nêu lên: Khi đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến thì phải lập Nhà nước công-nông. Qua cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ-Tĩnh, Hồ Chí Minh rút ra kinh nghiệm: Ở Việt Nam chính quyền chỉ dựa trên công nông thì chưa phù hợp. Ở Việt Nam phải xây dựng một Nhà nước dân chủ nhân dân.
Như vậy quá trình hình thành tư tưởng Nhà nước của Hồ Chí Minh là quá trình phát triển mở rộng và sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin, sáng tạo kinh nghiệm lịch sử nhà nước thế giới, đặc biệt là lịch sử kinh nghiệm của nhà nước vô sản. Tư tưởng về Nhà nước chiếm một vị trí quan trọng trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước: Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một nhà nước của dân, do dân. Trong Nhà nước đó tất cả mọi quyền bính là của nhân dân. Nhân dân có quyền đi bầu cử đại biểu của mình vào Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước và bầu người vào các cơ quan khác, nhân dân có quyền ứng cử vào các chức vụ của các cơ quan Nhà nước. Nhân dân có quyền giám sát, kiểm soát đại biểu Quốc hội và các quan chức Nhà nước, quyền được bãi miễn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nếu đại biểu đó không hoàn thành nhiệm vụ, tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Quyền lực nhà nước là của toàn dân nhưng không phải toàn thể nhân dân đều ra nắm chính quyền. Cho nên quyền lực của nhân dân được thông qua cán bộ, viên chức nhà nước mà nhân dân đã uỷ quyền bầu cử họ để họ thực thi quyền lực của nhân dân. Khi được bầu cử, cán bộ viên chức Nhà nước coi như thực hiện nghĩa vụ của nhân dân giao phó. Khi nói về vai trò nguyên thủ quốc gia của mình, Hồ Chí Minh coi như một nghĩa vụ đối với nhân dân, như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trước mặt trận.
Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một Nhà nước vì nhân dân, mục tiêu hoạt động của Nhà nước đó là nhằm đem lại quyền lợi chính đáng cho nhân dân. Hồ Chi Minh viết “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh”[2]. Một Nhà nước vì dân là một Nhà nước trong sạch, không tham nhũng, không được vơ vét của công, của nhân dân để vinh thân phì gia. Có một số người cho rằng tham nhũng là bệnh tật cố hữu của Nhà nước nhưng họ quên rằng tham nhũng chỉ có trong một Nhà nước của giai cấp bóc lột, còn trong nhà nước cách mạng thì không cho phép. Nếu trong nhà nước cách mạng mà cũng tham nhũng thì trái với bản chất cách mạng của Nhà nước, dẫn tới tha hóa biến chất và không còn là Nhà nước cách mạng nữa, không còn là Nhà nước của dân, vì dân, do dân nữa. Và như vậy đã từ bỏ mục tiêu cách mạng, phản bội cách mạng và phản bội nhân dân. Cho nên phải luôn luôn chống những hiện tượng tiêu cực trong bộ máy Nhà nước. Hồ Chí Minh đã phát hiện rất sớm những hiện tượng tiêu cực trong hoạt động của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 10 năm 1945 Hồ Chí Minh đã viết: “Chúng ta phải hiểu rằng các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân. Nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu nhân dân như trong thời kỳ dưới sự thống trị của Pháp, Nhật”[3]. Hồ Chí Minh còn vạch ra những lỗi lầm rất nặng của cán bộ Nhà nước như là trái phép (làm trái pháp luật) như là tư thù, tư oán mà bắt bớ, tịch thu làm cho dân oán thán. Như là cán bộ cậy thế, trong bộ máy Nhà nước mà ngang tàng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân, quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân. Như là cán bộ hủ hoá (tha hoá), ăn tiêu xa xỉ, tham nhũng, quên thanh liêm đạo đức, ông uỷ viên xe hơi, bà uỷ viên xe hơi, hao phí tiền của nhân dân chịu. Như là tư túng, kéo bè kéo cánh, bà con bạn hữu, không tài năng cũng đưa vào chức này chức nọ, người có tài đức không vừa lòng thì đẩy ra ngoài, quên rằng việc nước là việc công, không phải của riêng dòng họ nhà ai. Như là chia rẽ, bênh lớp này chống lớp khác, không biết làm cho mọi người nhân nhượng, hoà thuận với nhau. Như là kiêu ngạo, tưởng mình trong cơ quan Chính phủ là thần thánh, “quan cách mạng”, coi khinh nhân dân. Hồ Chí Minh yêu cầu các cấp chính quyền không sợ sai lầm nhưng khi biết sai lầm thì phải sửa chữa. Để thực hiện Nhà nước vì dân, Hồ Chí Minh nhắc nhở các cấp chính quyền phải làm cho dân có ăn, có mặc, có chỗ ở, được học hành. “Nếu nước độc lập mà dân không hưỏng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[4].
Về bản chất giai cấp của Nhà nước, Hồ Chí Minh cho rằng Nhà nước của ta mang bản chất giai cấp công nhân mà tư tưởng chính thống của nhà nước là chủ nghĩa Mác-Lênin, là Nhà nước dân chủ, do nhân dân làm chủ. Nhà nước ta mang bản chất giai cấp công nhân vì Nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo mà Đảng là những người tiên tiến nhất, đội tiên phong của giai cấp công nhân. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta là Đảng cầm quyền, tức là Đảng lãnh đạo chính quyền. Đảng lãnh đạo là một trong những nguyên tắc xây dựng Nhà nước của Hồ Chí Minh. Cho nên phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.
(Còn nữa)
CVL
----------------------
[1]. Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị Quốc Gia, H. 1995, T2. Tr. 270.
[2]. Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị Quốc Gia, H. 1995, T 4, tr. 56.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, T4. NXB Chính trị Quốc Gia, H. 1995, Tr. 56-57.
[4]. Sách đã dẫn, tập 4. Tr. 56.