Những vấn đề lịch sử Việt Nam - Kỳ 51

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Những vấn đề lịch sử Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022.

Kỳ 51.

 Thuật ngữ hệ thống chính trị mới được dùng gần đây nhưng thực ra chủ nghĩa Mác-Lênin đã dùng những thuật ngữ khác để chỉ hệ thống chính trị hay nhưng bộ phận cấu thành hệ thống chính trị. Trong các tác phẩm của mình, Mác và Ăngghen thường dùng thuật ngữ “Hình thức chính trị”, “Thiết chế chính trị”. Lênin khi dùng khái niệm này thường gọi là “Hệ thống chuyên chính vô sản”. Trong hệ thống chính trị, theo các ông có ba nhân tố tạo nên: Đảng Cộng sản, Nhà nước và tổ chức Công đoàn, trong đó Nhà nuớc là nhân tố chủ yếu nhất, Nhà nước là đại diện của hệ thống chính trị. Phát triển chủ nghĩa Mác trong thời đại mới, thời đại chủ nghĩa tư bản tiến sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, thời đại trực tiếp dẫn tới cách mạng vô sản, Lênin cho rằng giai cấp vô sản và nhân dân lao động sau khi làm cách mạng vô sản, đập tan Nhà nước của giai cấp tư sản thì phải thiết lập hệ thống chuyên chính vô sản. Theo Lênin, chuyên chính vô sản bao gồm ba thành tố: Nhà nước Xô Viết, Công đoàn và Đảng Cộng sản. Trong hệ thống chuyên chính vô sản, Lênin cho rằng giai cấp vô sản thông qua đội tiên phong của mình là Đảng Cộng sản phải giữ vai trò lãnh đạo. Lênin viết: “Học thuyết đấu tranh giai cấp mà Mác vận dụng vào vấn đề Nhà nước và vấn đề cách mạng xã hội chủ nghĩa, tất nhiên phải đưa đến chỗ thừa nhận về chính trị của giai cấp vô sản, chuyên chính của giai cấp đó, tức là một chuyên chính không bị chia sẻ với ai hết, và trực tiếp dựa vào lực lượng vũ trang của quần chúng. Giai cấp tư sản chỉ có thể bị lật đổ khi nào giai cấp vô sản trở thành giai cấp thống trị đủ sức trấn áp sự phản kháng không thể tránh khỏi, sự tuyệt vọng của giai cấp tư sản và đủ sức tổ chức hết thảy quần chúng lao động bị bóc lột để xây dựng một chế độ kinh tế mới”[1]. Qua định nghĩa của Lênin về hệ thống chuyên chính vô sản, chúng ta thấy hệ thống chuyên chính này khác về bản chất so với hệ thống chuyên chính của các giai cấp bóc lột trước đó. Hệ thống chuyên chính của giai cấp bóc lột chỉ bảo vệ quyền lợi cho thiểu số giai cấp bóc lột, chống lại đa số nhân dân lao động bị bóc lột. Hệ thống chuyên chính vô sản bảo vệ quyền lợi cho đại đa số nhân dân, chuyên chính với thiểu số bị bóc lột. Lênin cũng vạch rõ chuyên chính vô sản phải dựa trên khối công nông liên minh để bảo đảm sự lãnh đạo của vô sản đối với hệ thống, lãnh đạo đối với Nhà nuớc. Về nhiệm vụ của chuyên chính vô sản Lê nin cho rằng không phải chủ yếu là bạo lực đàn áp đối với giai cấp bóc lột mà hệ thống là một công cụ để nhân dân lao động xây dựng một xã hội mới cao hơn xã hội tư bản. Chuyên chính “không phải chỉ là bạo lực đối với bọn bóc lột và cũng không phải chủ yếu là bạo lực. Cơ sở kinh tế của bạo lực cách mạng đó là cái bảo đảm sức sống và thắng lợi của nó chính là việc giai cấp vô sản đưa ra được và thực hiện được kiểu tổ chức lao động xã hội cao hơn so với chủ nghĩa tư bản. Đấy là thực chất của vấn đề. Đấy là nguồn sức mạnh, là điều bảo đảm cho thắng lợi hoàn toàn và tất nhiên của chủ nghĩa Cộng sản”[2]. Trong những thành tố của hệ thống chuyên chính vô sản, Lênin cho rằng Nhà nước là thành tố cơ bản nhất. Nhà nước Xô Viết là nơi tập trung quuyền lực của nhân dân, là công cụ đàn áp kẻ thù và xây dựng xã hội mới. Nhà nước còn là công cụ để quản lý xã hội, thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn bộ hệ thống chuyên chính và xã hội.

 Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào xây dựng hệ thống chính trị ở Việt Nam, chúng ta cũng quan niệm hệ thống chính trị bao gồm nhiều thành tố gồm Đảng Cộng sản, Nhà nước và Mặt trận đoàn kết dân tộc. Như vậy, ta khác quan niệm của Lênin ở thành tố thứ ba là Mặt trận chứ không phải Công đoàn. Công đoàn cũng chỉ là một thành phần của Mặt trận. Trong ba thành tố đó Đảng Cộng sản là thành tố vừa là người lãnh đạo toàn diện đối với hệ thống, Nhà nước đóng vai trò trung tâm của hệ thống chính trị.

 Về thuật ngữ, Việt Nam cũng đã nhiều lần thay đổi tên gọi hệ thống chính trị trong mỗi thời kỳ lịch sử. Thời kỳ 1945-1960 ta gọi là hệ thống chuyên chính dân chủ nhân dân trong đó bao gồm ba thành tố: Đảng Cộng sản Đông Dương (sau 1951 là Đảng lao động Việt Nam) lãnh đạo toàn bộ hệ thống, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là công cụ để chúng ta tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai, hợp nhất mặt trận Việt Minh với Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt để đoàn kết rộng rãi toàn dân kháng chiến. Thời kỳ 1960-1989, hệ thống dân chủ nhân dân được gọi là hệ thống chuyên chính vô sản làm nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam chống Mỹ xâm lược. Đảng được gọi là Đảng Lao động Việt Nam cho đến trước 1976, Nhà nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ 1989 đến nay sau khi nước nhà được thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội ta gọi là hệ thống chính trị làm nhiệm vụ đổi mới định hướng chủ nghĩa xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vào những năm 20 của thế kỷ XXI. Vẫn là ba thành tố nhưng thời kỳ này, Đảng từ 1976 lấy lại tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước đổi là nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

6. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc thuộc địa.                       

Núp dưới chiêu bài “Khai hoá văn minh”, chủ nghĩa đế quốc tiến hành chiến tranh xâm lược thuộc địa và sau đó thống trị, áp bức, bóc lột, đồng hóa văn hóa tàn khốc đối với nhân dân các nước châu Á, châu Phi. Hồ Chí Minh trong những tác phẩm của mình đã vạch trần sự dã man tàn bạo đó của chủ nghĩa đế quốc đối với các dân tộc thuộc địa bằng những chứng cớ xác thực không thể chối cãi. Vì thế mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa thực dân là vô cùng gay gắt, không thể điều hoà. Cho nên thực chất về vấn đề thuộc địa là cuộc đấu tranh không khoan nhượng xóa bỏ ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc, thành lập các Nhà nước, các quốc gia độc lập.

 Các Mác và Ăng ghen bàn về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản thời kỳ chủ nghĩa tư bản cạnh tranh tự do, Lênin bàn về đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, Hồ Chí Minh bàn về chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc thuộc địa, lựa chọn con đường phát triển của dân tộc.

Mỗi một thời đại có một hạ tầng cơ sở và một thượng tầng kiến trúc tiêu biểu mà Các Mác gọi chung là các hình thái kinh tế xã hội. Mỗi hình thái kinh tế xã hội có sự tiến bộ trong giai đoạn đầu, về sau chúng tha hoá, suy vong. Chúng được thay thế bằng những hình thái kinh tế xã hội khác tiến bộ hơn. Trong lịch sử tiến hoá của nhân loại, xã hội cộng sản nguyên thủy được thay thế bằng xã hội chiếm hữu nô lệ, xã hội chiếm hữu nô lệ được thay thế bằng xã hội phong kiến. Đến lượt mình xã hội phong kiến bị xã hội tư bản chủ nghĩa thay thế. Chủ nghĩa tư bản đóng vai trò tiến bộ từ khi nó ra đời  (từ thế kỷ XV) cho đến thế kỷ XIX. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản tiến lên giai đoạn độc quyền, đế quốc chủ nghĩa, bước sang giai đoạn phản động. Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 kết thúc thời kỳ lịch sử cận đại, mở ra thời kỳ hiện đại của lịch sử thế giới mà nội dung là thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, trong đó diễn ra cuộc đấu tranh giai cấp giữa vô sản với tư sản xem ai thắng ai trên phạm vi toàn thế giới.

 Căn cứ vào nội dung tính chất thời đại, Hồ Chí Mịnh chỉ ra con đường phát triển của phong trào giải phóng dân tộc là đi lên chủ nghĩa hội sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ. Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội để giải phóng giai cấp, giai phóng lao động, giải phóng xã hội để xây dựng một xã hội không còn người áp bức bóc lột người, không còn dân tộc này áp bức bóc lột dân tộc khác. “Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế”[3]. Cách mạng dân tộc là “Chủ nghĩa dân tộc chân chính là một bộ phận của tinh thần quốc tế, khác hẳn với tinh thần vị kỷ của bọn phản động. ”[4].

Độc lập dân tộc, nội dung cơ bản của vấn đề dân tộc thuộc địa: Hồ Chí Minh nâng quyền của mỗi cá nhân con người thành quyền tự do của cả dân tộc,  “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[5].

 Đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh không ngừng nêu lên phải giành lại quyền độc lập, tự do cho tổ quốc. Đó là khát vọng lớn nhất của các dân tộc thuộc địa và của nhân dân Việt Nam. Năm 1941 khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”[6]. Trong kháng chiến chống Mỹ xâm lược, Hồ Chí Minh nêu cao một trong những chân lý lớn của thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”[7].

 Tháng 8 năm 1945, Hồng quân Liên Xô đánh bại phát xít Nhật, tạo thời cơ cho ta giành độc lập, Hồ Chí Minh nêu quyết tâm: “Dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”[8].

 Hồ Chí Minh đã khởi xướng và lãnh đạo thắng lợi một trong những phong trào giải phóng lớn nhất đầu thế kỷ XX- Cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Có thể nói, Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc.

 Chủ nghĩa dân tộc-động lực lịch sử Việt Nam: Trong hệ thống thuộc địa, chủ nghĩa đế quốc thực hiện chính sách cai trị, áp bức, bóc lột tàn bạo, do đó tất cả mọi tầng lớp nhân dân công, nông, trí thức, tư sản dân tộc, một bộ phận địa chủ yêu nước đều mâu thuẫn gay gắt với chủ nghĩa thực dân, tạo nên chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc. Hồ Chí Minh là một trong những người sớm phát hiện ra chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc ở các nước thuộc địa và sức mạnh của nó. “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”[9]. Người cho rằng sẽ không giải phóng được dân tộc nếu cách mạng không dựa trên động lực ấy. “Sẽ không làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại và duy nhất của đời sống xã hội”[10]. Hồ Chí Minh đánh giá cao sức mạnh dân tộc. Những người cộng sản phải nắm lấy sức mạnh ấy để làm cách mạng. Đó là một chính sách mà Hồ Chí Minh cho là mang tính hiện thực tuyệt vời. Chủ nghĩa dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa dân tộc chân chính. Chủ nghĩa dân tộc chân chính này sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế vô sản. Trong kiến nghị về Cương lĩnh hành động của Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh đề nghị “Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản”[11].

 Hồ Chí Minh quan niệm về mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp: Vấn đề dân tộc và giai cấp có mối quan hệ khăng khít với nhau. Hồ Chí Minh luôn luôn đứng trên quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin, quan điểm của giai cấp công nhân để giải quyết vấn đề dân tộc. Ở một nước thuộc địa cùng với những tàn tích phong kiến, xã hội đó tồn tại hai mâu thuẫn cơ bản, mâu thuẫn giữa dân tộc với đế quốc xâm lược, mâu thuẫn giữa nhân dân, chủ yếu là nông dân với phong kiến địa chủ, trong đó nổi bật và gay gắt hơn là mâu thuẫn dân tộc. Cho nên, vấn đề dân tộc là vấn đề nổi bật chủ yếu, giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, có giải phóng được dân tộc mới giải phóng được giai cấp. Giải phóng dân tộc tạo tiền đề cho giải phóng giai cấp, có giải quyết được quyền lợi dân tộc mới giải quyết được quyền lợi giai cấp.

Tuy nhiên ở một nước thuộc địa nửa phong kiến như Việt Nam, nhiệm vụ chống đế quốc gắn liền với nhiệm vụ chống phong kiến, cho nên vấn đề dân chủ và quyền lợi giai cấp vẫn phải tiến hành nhưng rải ra từng bước để phục vụ cho quyền lợi dân tộc, để đoàn kết các giai tầng trong mặt trận dân tộc thống nhất, mặt khác để cải thiện đời sống cho công-nông, chủ lực quân của cách mạng.

 Ở Việt Nam, cách mạng dân tộc dân chủ phải do giai cấp công nhân lãnh đạo thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản. Như vậy vấn đề dân tộc được giải quyết theo quan điểm của giai cấp công nhân, trong phạm trù của cách mạng vô sản. Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Năm 1960 Hồ Chí Minh nói: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Hồ Chí Minh đã gắn mục tiêu giải phóng dân tộc với mục tiêu giải phóng con người, giải phóng lao động, độc lập dân tộc gắn liền với no ấm, hạnh phúc. Hồ Chí Minh cho rằng nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”[12]. Vì thế sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ phải tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa để làm cho dân giàu, nước mạnh, mọi người được sung sướng, tự do. “Yêu tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội. Vì có tiến lên chủ nghĩa hội thì dân mình mới ngày được no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm”[13].

(Còn nữa)

CVL

---------------------------

[1]. V. I. Lênin Toàn tập, NXB Chính trị Quốc Gia, H. T33, Tr 32.

[2]. V. I. Lêni, Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc Gia, H. T. 39, Tr. 16.

[3]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T1, Tr. 466.

[4]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T1, Tr 172.

[5]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T3, Tr. 555

[6]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T3,  Tr. 198.

[7]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T12, Tr. 108.

[8]. Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, NXB Chính trị Quốc Gia, H, 1994. Tr. 196.

[9]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T1, Tr. 466.

[10]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T1, Tr 466.

[11]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T1, Tr. 467.

[12]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T, 4. tr. 56.

[13]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T, 9. Tr. 173.