Kỳ 52.
Hồ Chí Minh đứng trên quan điểm giai cấp để giải quyết vấn đề dân tộc nhưng vấn đề giai cấp được đặt trong vấn đề dân tộc. Giải phóng dân tộc là tiền đề, là điều kiện để giải phóng giai cấp, lợi ích giai cấp phải phục tùng lợi ích dân tộc. Tháng Tám năm 1945 khi thời cơ tổng khởi nghĩa vũ trang đang đến gần, Hồ Chí Minh phân tích: “Trong lúc này quyền lợi của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc tự giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”[1].
Để có sức mạnh chống chủ nghĩa đế quốc, Hồ Chí Minh không chỉ đoàn kết dân tộc mình mà còn tôn trọng độc lập của dân tộc khác. Cho nên, Hồ Chí Minh chủ trương không chỉ đấu tranh cho dân tộc mình mà còn đấu tranh cho dân tộc khác. Thắng lợi của mỗi dân tộc góp phần chung vào thắng lợi của cách mạng thế giới. Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân tộc là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Ph. Ăng ghen nói rằng những tư tưởng dân tộc chân chính là những tư tưởng quốc tế chân chính.
Bản chất xã hội quy định tính chất và nhiệm vụ của cách mạng. Tính chất xã hội Việt Nam là thuộc địa nửa phong kiến, có nghĩa là đất nước mất độc lập hoàn toàn nhưng còn duy trì tàn tích phong kiến. Vì thế theo Hồ Chí Minh, mâu thuẫn chủ yếu trong các nước thuộc địa là mâu thuẫn giữa dân tộc bị áp bức với chủ nghĩa đế quốc thực dân và tay sai của chúng. Đối tượng cần phải đánh đổ cuộc cánh mạng dân tộc nhân chủ nhân dân trước hết là lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và bọn tay sai phản động của chúng. Yêu cầu bức thiết của nhân dân thuộc địa là giành độc lập dân tộc. Nông dân ở các nước thuộc địa là giai cấp đông đảo nhất. Cho nên vấn đề nông dân thực chất là vấn đề dân tộc. Nông dân có khát vọng yêu cầu độc lập dân tộc, ruộng đất và quyền dân chủ. Nhưng chính bản thân nông dân cũng đặt vấn đề dân tộc lên hàng đầu, vì có giành độc lập dân tộc thì vấn đề ruộng đất và dân chủ mới thực hiện được. Các giai cấp khác cùng với nông dân cũng có khát vọng giải phóng dân tộc. Mâu thuẫn chủ yếu ở xã hội thuộc địa là mâu thuẫn dân tộc với đế quốc, từ đó quy định tính chất và nhiệm vụ của cách mạng thuộc địa là giải phóng dân tộc. Hồ Chí Minh cho rằng giải phóng dân tộc đã bao hàm một phần giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, trong kháng chiến chống Pháp 1946- 1954, chống Mỹ 1954-1975, Hồ Chí Minh đều nhấn mạnh tính chất hàng đầu của nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc. Và đó cũng là mục tiêu của cách mạng giải phóng dân tộc.
Cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản. Con đường cứu nước của phong kiến và nông dân cuối thế kỷ XIX đã thất bại. Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Suốt từ đó cho đến những năm nửa sau thế kỷ XIX, nhân dân miền Nam, tiêu biểu là Nguyễn Trung Trực, Trương Định… nổi dậy chống Pháp. Tiếp đến phong trào Cần Vương sôi nổi ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ tiêu biểu là khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, Đinh Công Tráng, Nguyễn Thiện Thuật, còn có phong trào nông dân Hoàng Hoa Thám. Nhưng tất cả cùng chung kết cục.
Lớn lên, khi đó Nguyễn Ái Quốc là người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã chứng kiến phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu và của Tiểu La Nguyễn Thành, cuộc vận động Duy Tân cải cách của cụ Phan Châu Trinh đều không có kết quả. Năm 1908, cụ Phan Châu Trinh bị Pháp bắt và đày ra Côn Đảo. Năm 1908 Chính phủ Nhật Bản theo đề nghị của Chính phủ Đông Dương đã trục xuất lưu học sinh Việt Nam. Phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu và của Tiểu La Nguyễn Thành thất bại.
Hồ Chí Minh khâm phục lòng yêu nước bất khuất của các bậc tiền bối văn thân sĩ phu, nhưng không tán thành con đường cứu nước của họ. Ngọn cờ của văn thân sĩ phu phong kiến, dù là bạo động, dù là ôn hoà cũng đều thất bại trước nhiệm vụ lịch sử.
Từ bài học kinh nghiệm thất bại của các bậc tiền bối, Nguyễn Ái Quốc quyết tâm sang châu Âu, sang Pháp tìm con đường cứu nước mới. Trong khoảng 10 năm từ 1911 đến 1920, Hồ Chí Minh đã nghiên cứu khảo sát ba cuộc cách mạng lớn trên thế giới: Cách mạng tư sản Anh (1640-1689), Cách mạng tư sản Mỹ (1773-1783), Cách mạng tư sản Pháp (1789-1794), tiếp xúc với bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” năm 1791 của cách mạng Pháp, với bản “Tuyên ngôn độc lập cuả Mỹ năm 1776, Hồ Chí Minh đi đến kết luận ngay cả cách mạng Pháp, Mỹ đã thiết lập nền cộng hoà, dân chủ nhưng trong nước thì bóc lột công nông, bên ngoài thì áp bức thuộc địa. [2].
Cách mạng Tháng Mười Nga bùng nổ và thắng lợi làm chấn động thế giới. Hồ Chí Minh đã tìm thấy ở chủ nghĩa Lênin, ở Cách mạng Tháng Mười con đường cứu nước: Giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản. Hồ Chí Minh viết: “Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc cách mạng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa Cộng sản và của cách mạng thế giới”[3]. “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[4].
Thắng lợi của cách mạng Việt Nam đã chứng minh con đường Hồ Chí Minh lựa chọn là đúng đắn.
Cách mạng muốn triệt để phải có Đảng lãnh đạo: Cách mạng giải phóng dân tộc là một công việc to lớn. Cho nên muốn làm được cách mạng trước hết phải làm cho dân giác ngộ, phải giảng giải lý luận cho dân và chủ nghĩa cho dân hiểu”[5]. Cách mạng phải hiểu phong trào thế giới, phải bày sách lược cho dân. Vậy sức mạnh phải tập trung, muốn tập trung phải có Đảng cách mạng”[6]. Như vậy theo Hồ Chí Minh, cách mạng cần có Đảng để bên trong thì vận động tổ chức giác ngộ quần chúng, bên ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản các nước. Đảng như người cầm lái, lái có vững thì thuyền mới chạy. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Chỉ có sự lãnh đạo của Đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi, cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công.
Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo duy nhất cách mạng Việt Nam. Trong những năm 20 của thế kỷ XX, ở Việt Nam đã diễn ra hai xu hướng cách mạng: Xu hướng tư sản và xu hướng vô sản. Sự thất bại của giai cấp tư sản trong nhiệm vụ giải phóng dân tộc đã chấm dứt hi vọng ngoi lên giành quyền lãnh đạo cách mạng của giai cấp này, quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam chuyển sang tay giai cấp vô sản. Vô sản độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản. Hồ Chí Minh viết rằng Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và là Đảng của dân tộc Việt Nam. Hồ Chí Minh đã bổ sung vào chủ nghĩa Mác-Lênin một luận điểm mới về Đảng; Đảng của giai cấp và Đảng của dân tộc. Hồ Chí Minh đã định hướng cho Đảng gắn bó với giai cấp công nhân, gắn bó với nhân dân lao động và cả dân tộc, một trong những nhân tố tạo nên sức mạnh của Đảng, bảo đảm địa vị lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Đảng của giai cấp, Đảng của dân tộc sẽ quy tụ đoàn kết được sức mạnh giai cấp và sức mạnh dân tộc bảo đảm cho cách mạng thắng lợi.
Cách mạng giải phóng dân tộc lực lượng cách mạng phải bao gồm toàn bộ dân tộc. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Cách mạng phải tiến hành bằng bạo lực. Tiếp thu những nguyên lý đó của chủ nghĩa Mác-Lênin, từ năm 1924 Hồ Chí Minh đã nghĩ tới một cuộc khởi nghĩa vũ trang để giải phóng dân tộc. “Để có thắng lợi một cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Đông Dương phải có tính chất một cuộc khởi nghĩa quần chúng chứ không phải một cuộc nổi loạn. Cuộc khởi nghĩa phải được chuẩn bị trong quần chúng”[7]. “Cách mạng là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”[8].
Trong Cách mạng Tháng Tám, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Hồ Chí Minh đã hiểu rõ và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc để chiến thắng. “Dân là gốc”, “Có dân là có tất cả”, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Hồ Chí Minh viết: “Đối với tôi câu trả lời đã rõ ràng: Trở về nước đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, huấn luyện họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự chủ độc lập”[9]. Hồ Chí Minh hiểu rõ trong khởi nghĩa vũ trang, sức mạnh của quần chúng nhân dân là vĩ đại, là then chốt bảo đảm thắng lợi. Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại nổi. “Chúng ta tin chắc vào tinh thần và lực lượng của quần chúng của dân tộc”[10]. Lực lượng cách mạng giải phóng dân tộc: Trong một xã hội thuộc địa bị ngoại bang thống trị, không chỉ công nhân, nông dân mà cả tư sản dân tộc, tiểu tư sản, một bộ phận địa chủ nhỏ và vừa đều là những người Việt Nam mất nước. Họ đều tham gia vào phong trào giải phóng dân tộc. Hồ Chí Minh viết: “Dân tộc cách mạng thì chưa phân giai cấp, nghĩa là sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền”[11]. Trong cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, Hồ Chí Minh xác định lực lượng cách mạng bao gồm toàn thể dân tộc. Trong đó công nhân, nông dân có vai trò động lực cách mạng vì công nông đông đảo nhất, trong xã hội thuộc địa họ bị bóc lột nặng nề nhất. Họ là gốc cách mạng”[12]. Trong khi coi công-nông là chủ lực quân cách mạng, Hồ Chí Minh vẫn coi tiểu tư sản, tư sản dân tộc và một bộ phận giai cấp địa chủ yêu nước là bạn đồng minh của cách mạng. “Học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư bản áp bức nhưng không cực khổ bằng công nông, ba hạng ấy chí là bầu bạn cách mạng của công-nông thôi”[13].
Cách mạng giải phóng dân tộc có khả năng thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc. Cách mạng giải phóng dân tộc cần được tiến hành chủ động và sáng tạo. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa đế quốc đẩy mạnh xâm lược thuộc địa và đã thiết lập xong hệ thống thuộc địa bao gồm châu Á, châu Phi. Chủ nghĩa tư bản thiết lập bộ máy cai trị ở đây và ra sức bóc lột. Thuộc địa là nơi xuất khẩu hàng hoá, xuất khẩu tư bản, vơ vét nguyên liệu, bóc lột nhân công rẻ mạt. Thuộc địa còn là nơi cung cấp quân lính cho những cuộc chiến tranh phi nghĩa của chủ nghĩa đế quốc. “Tất cả sinh lực của chủ nghĩa tư bản đế quốc lấy ở xứ thuộc địa”[14].
Hồ Chí Minh cho rằng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, cách mạng thuộc địa có tầm quan trọng đặc biệt. Hồ Chí Minh cho rằng phải tạo nên một “Liên minh Phương Đông. Khối liên minh này là một trong những cái cánh của cách mạng vô sản”[15]
Hồ Chí Minh khẳng định công cuộc giải phóng dân tộc thuộc địa chỉ có thể thực hiện được bằng chính sự nổ lực tự giải phóng của nhân dân thuộc địa. Vận dụng công thức của Các Mác: Sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân là sự nghiệp của bản thân giai cấp công nhân, Hồ Chí Minh đi đến kết luận “Công cuộc giải phóng anh em ( thuộc địa ) chỉ có thể thực hiện được bằng sự nổ lực của bản thân anh em”[16]. Hồ Chí Minh đánh giá cao sức mạnh của một dân tộc trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Các dân tộc thuộc địa phải chủ động sáng tạo, tránh tư tưởng bị động, ngồi chờ sự giúp đỡ bên ngoài.
Vận dụng tư tưởng đó, trong cách mạng tháng Tám năm 1945, Hồ Chí Minh đã ra sức xây dựng lực lương chính trị và quân sự, khi thời cơ đến Ngươì đã kêu gọi: “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”[17].
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hồ Chí Minh kêu gọi: “Kháng chiến trường kỳ gian khổ đồng thời phải tự lực cánh sinh, dù sự giúp đỡ bên ngoài là quan trọng. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng được độc lập”[18].
Quan hệ giữa cách mạng thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc: Hồ Chí Minh cho rằng cách mạng vô sản ở chính quốc và cách mạng thuộc địa có quan hệ khăng khít với nhau vì cả hai cuộc cách mạng cùng chống một kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc. Mối quan hệ này không phải là mối quan hệ phụ thuộc. Hồ Chí Minh cho rằng cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa có khả năng nổ ra và thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc. Đây là sáng tạo lớn của Hồ Chí Minh, đóng góp vào kho tàng lý luận Mác-Lênin. Thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc từ những năm 40 cho đến những năm 60 thế kỷ XX đã chứng minh tư tưởng Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn.
(Còn nữa)
CVL
------------------------
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H. 2000, T7, Tr 113.
[2]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T2, Tr, 274. .
[3]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T2, Tr, 274
[4]. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 9, Tr, 314.
[5]. Hồ Chí Minh. Toàn tập. T2. Tr. 276.
[6]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 2. Tr267-268.
[7]. Hồ Chí Minh, Toàn tâp, T1. Tr, 468-469.
[8]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T2, Tr, 261-262.
[9]. Hồ Chí Minh, Toàn tâp, T,1, Tr. 192.
[10]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T1, Tr 192
[11]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T2, Tr.266
[12]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T2, Tr. 266.
[13]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T2, Tr.266.
[14]. Hồ Chí Minh, Toàn Tập, T1, Tr. 243.
[15]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T1. Tr. 274.
[16]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T2, Tr. 128.
[17]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T3, Tr. 55.
[18]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T6, Tr. 522.