Nông sản Việt cơ hội mới tại thị trường Trung Quốc

TH
Lãnh đạo Chính phủ hai nước nhấn mạnh sẽ tiếp tục cụ thể hóa và đưa “Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc”, trở thành những kết quả cụ thể.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Lý Khắc Cường cam kết tạo thuận lợi cho việc thông quan, không để tái diễn tình trạng hàng nông sản của Việt Nam ùn ứ ở cửa khẩu.​​​​​​

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41. Ảnh: Dương Giang.

Tăng cường giao lưu tiếp xúc cấp cao và các cấp, tăng cường hợp tác hiệu quả, thực chất, cùng có lợi trên các lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước cũng là nội dung được hai nhà lãnh đạo thống nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thúc đẩy thương mại phát triển cân bằng, đặc biệt là duy trì giao thương thông suốt tại các cửa khẩu, tạo thuận lợi cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán đang đến.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam mong hai bên tăng cường kết nối đường sắt, nâng lượng hàng hóa Việt Nam quá cảnh bằng đường sắt Trung Quốc sang nước thứ ba; sớm phê duyệt việc mở cửa, nâng cấp một số cửa khẩu và các dự án kết nối giao thông ở khu vực biên giới.

Cùng với đó, hai nước sẽ hợp tác nâng cao chất lượng hợp tác đầu tư, tích cực tháo gỡ các khó khăn còn tồn đọng trong một số dự án hợp tác như Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc.

Hoi nghi cap cao ASEAN anh 1

Toàn cảnh cuộc gặp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41.

Thủ tướng cũng đề nghị hai bên tăng cường trao đổi kinh nghiệm điều tiết kinh tế vĩ mô, nâng tầm hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, đào tạo phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; ứng phó hiệu quả với các thách thức mới nổi như an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu…

Nhất trí với lãnh đạo Chính phủ Việt Nam về chủ trương hợp tác giữa hai nước, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định sẽ hợp tác để giải quyết vấn đề nhập siêu, thúc đẩy thương mại lành mạnh trên tinh thần hai bên cùng có lợi, mở cửa thị trường hơn nữa đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có nông sản.

Thủ tướng Trung Quốc cam kết bảo đảm tạo thuận lợi cho việc thông quan; đặc biệt sẽ không để tái diễn tình trạng hàng nông sản của Việt Nam bị ùn tắc, hư hỏng tại cửa khẩu.

Ông Lý Khắc Cường cũng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, phát huy ưu thế của mỗi bên để cùng mở rộng khai thác thị trường thế giới.

Đối với việc giải quyết các vướng mắc còn tồn đọng trong một số dự án hợp tác như Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh sẵn sàng hợp tác với Việt Nam, đề nghị hai bên thành lập Nhóm công tác để phối hợp tháo gỡ. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẵn sàng tạo điều kiện cho lưu học sinh Việt Nam trở lại Trung Quốc, nối lại thêm các chuyến bay thương mại giữa hai bên.

Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; nhất trí thúc đẩy mở rộng điểm đồng, xử lý thỏa đáng bất đồng trên cơ sở bình đẳng và hợp tác.

Đề nghị WEF tư vấn cho Việt Nam xây dựng nền kinh tế tự chủ

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

Thủ tướng đề nghị WEF tăng cường tư vấn cho Việt Nam về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, chính sách ổn định kinh tế vĩ mô trong môi trường quốc tế nhiều biến động; đẩy mạnh kết nối Việt Nam với các tập đoàn, quỹ đầu tư toàn cầu là thành viên WEF.

Hoi nghi cap cao ASEAN anh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Ảnh: Dương Giang.

Bên cạnh đó, Thủ tướng kỳ vọng WEF hỗ trợ đa dạng hóa thị trường cho hàng hoá Việt Nam, nâng cao vị thế trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Trên tinh thần là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Thủ tướng đề nghị WEF phối hợp tổ chức các hội nghị khu vực và toàn cầu tại Việt Nam trong thời gian tới.

Chủ tịch WEF Klaus Schwab đánh giá các diễn biến của kinh tế toàn cầu hiện nay không phải các vấn đề ngắn hạn mà phản ánh những chuyển đổi dài hạn, sâu sắc và mang tính hệ thống. Trong bối cảnh thế giới gặp nhiều khó khăn, Chủ tịch WEF ấn tượng về kết quả phục hồi kinh tế - xã hội và duy trì ổn định vĩ mô của Việt Nam.

Chủ tịch WEF nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ trong thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan đề xuất và triển khai các dự án hợp tác thực chất, phù hợp với quan tâm của Việt Nam và thế mạnh của WEF như Trung tâm liên kết Cách mạng công nghiệp 4.0, đào tạo kỹ năng số cho người dân, thúc đẩy chuyển đổi xanh…

Thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt sang các nước ASEAN

Chủ trương thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư là nội dung xuyên suốt được nhà lãnh đạo các nước ASEAN đề cập tại các cuộc gặp gỡ, trao đổi trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41.

Gặp Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-Ocha, Thủ tướng Phạm Minh Chính và người đồng cấp nhất trí cần nỗ lực thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư; tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Thái Lan đẩy nhanh việc cấp phép cho hoa quả Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Thái Lan, trước mắt là bưởi, na, vú sữa, chôm chôm, chanh leo; khuyến khích các tập đoàn bán lẻ của Thái Lan đưa hàng Việt Nam vào hệ thống siêu thị của mình.

Trong cuộc trao đổi với Chủ tịch Hạ viện Malaysia Azhar Azizan Harun,hai nhà lãnh đạo cũng thống nhất thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế - thương mại – đầu tư, bảo đảm chuỗi cung ứng. Thủ tướng mong muốn thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản, lương thực, thực phẩm của Việt Nam vào thị trường Malaysia.