Ông Già Bến Ngự (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 33

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Ông Già Bến Ngự” là Tập X trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.    

Kỳ 33.

Hai gian còn lại hai bên kê hai chiếc giường thụt vào sát tường bên trong. Trên bàn bừa bộn những sách, cũng bừa bộn những bản thảo mà Phan Bội Châu đang viết. Trên giá ngoài sách còn có hàng chồng báo các loại. Đặng Đình Điền chợt trông thấy một bìa cuốn sách dầy lộ ra là cuốn "Chu dịch”. Góc vách giáp sân bên tả có một lối ra vào, chắc là lối đi xuống bếp. Đặng Đình Điền quan sát ba gian nhà đầy sách sách báo. Phan Bội Châu rót nước ra hai chén và nói:

-Mời Đặng tiên sinh uống nước. Lão phu vừa mới pha còn nóng.

-Đa tạ, đa tạ Phan tiên sinh.

  Trong khi Đặng Đình Điền uống nước thì Phan Bội Châu gọi:

-Học trò đâu.

  Một cậu thiếu niên khoảng 15-16 tuổi từ dưới bếp chạy lên khoanh tay:

-Dạ, thầy gọi con.

-Chào khách đi, đây là Đặng tiên sinh từ Hà Nội vào.

  Người thiếu niên khoanh tay cúi đầu:

-Dạ, học trò chào Đặng tiên sinh.

Đặng Đình Điền đáp lễ:

-Xin chào, đa tạ, đa tạ.

  Phan Bội Châu nói:

-Hôm nay nhà ta có khách quý, con nấu ba suất cơm, nấu cho ngon vào, mua thêm chai rượu nữa.

-Dạ, con vâng lời thầy.

Sau bữa cơm trưa, chủ khách nghỉ ngơi, khoảng 13 giờ Phan Bội Châu và Đặng Đình Điền vừa uống trà vừa đàm đạo. Cây lá trong vườn quanh nhà khua xào xạc, gió se lạnh từ sông An Cựu, từ sông Hương lùa vào Bến Ngự hoang vắng cô liêu. Đặng Đình Điền hỏi:

-Từ khi Phan Tiên sinh về đây, nhân sĩ, Trí thức, đồng bào tới thăm có đông không ạ?

Phan Bội Châu đáp:

-Đông, nhất là tết Tết Nguyên Đán 1926, ăn sáng xong thì  nam nữ học sinh hết đoàn này đến đoàn khác đến chúc tết mỗi lúc một đông. Trong nhà không đủ chỗ phải đứng ngoài sân ngoài vườn. Bà Đạm Phương, mẹ anh Hải Triều, Hội trưởng Hội nữ công Huế, ông Võ Liêm Sơn, giáo sư Trường Quốc học Huế đọc bài văn khảng khái chúc tụng. Đồng bào mỗi lúc một đến đông. tôi đọc bài thơ chúc tết cho mọi người nghe, kêu gọi đồng bào đoàn kết, đấu tranh cho tự do, độc lập. Phải nói xuân 1926 là xuân vui nhất của tôi.

-Các đồng chí thời kỳ Đông Du, Việt Nam Quang Phục hội, Việt Nam Quốc Dân Đảng nay có hay tới thăm không ạ.

Phan Bội Châu nhớ lại:

 Cụ Huỳnh Thúc Kháng từ Quảng Nam ra để sắp xếp công việc dân biểu ở Huế, cụ Ngô Đức kế từ Hà Nội vào cũng đến. Bạn bè còn có cụ Mai Lão Bạng, một tín đồ Thiên Chúa Giáo vào thăm. Phan Bội Châu mời  ba cụ đi đò  ăn cơm và nói chuyện trên sông Hương. Bốn chúng tôi đều thích văn học dân gian, nhất là câu:

Tích thù ta hãy còn lâu

Trồng tre làm gậy gặp đâu đánh què.

Đặng Đình Điền hỏi tiếp:

-Phan Tiên sinh có nhiều báo thật, Cụ thích nhất báo gì ạ?

Phạn Bội Châu thích thú:

-Thích nhất là báo “Tiếng Dân" của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Chính tôi góp cho cụ Huỳnh Thúc Kháng tên tờ báo của cụ là “Tiếng Dân” tên hay, dễ hiểu và đẹp. “Tiếng Dân” được quần chúng hoan nghênh đặc biệt, người ta chờ đón nhưng bài luận thuyết ích quốc lợi dân, khác với những món nhồi sọ của các báo chí phản động. Xã hội thuộc địa Việt Nam khi đó cực kỳ thối nát, đồi trụy, hủ bại bộ máy chính quyền từ trên xuống dưới. Trước tình hình đó, “Tiếng Dân”ra sức khua chiêng gõ mõ để thức tỉnh đồng bào. Khi thì khuyên, khi thì kêu gọi, khi thì gào thét. “Tiếng Dân" luôn giữ vai trò giáo dục nhân dân.

-Tờ báo được tôi thích nữa là tờ “Chuông Rè” (Cloche Felee) của luật sư Phan Văn Trường, xuất bản tại Sài Gòn. Ở Việt Nam thời đó chỉ có tờ báo này công nhiên chống chế độ thực dân Pháp, đả kích mạnh mẽ những chủ trương chính sách vô nhân đạo của bọn thống trị. Tờ báo này đã mở cuộc lạc quyên, kêu gọi đồng bào Nam Bộ kẻ ít người nhiều giúp đỡ tôi lúc tuổi già. Số tiền thu được trên 2.000 đồng Đông Dương. Khi mới được thả về Huế, tôi ở nhà Dương Bá Trạc. Tôi dùng một phần tiền đó mua một miếng đất trên dốc Bến Ngự và làm cái nhà tranh để ổn định ăn ở, ngôi nhà mà anh đang thấy đấy.

  Phan Bội Châu nói tiếp:

-Tôi được hầu hết các báo chí trong nước biếu, đủ các loại, đủ màu sắc chính trị. Báo tiếng Việt, tôi  chọn những bài quan trọng đọc, còn  báo tiếng Pháp chỉ chọn những bài liên quan đến thời tôi mà thôi. Báo “Humanite (Nhân Đạo) của Đảng Cộng sản Pháp cũng gửi biếu. Tờ báo luôn tỏ thái độ bênh vực các dân tộc thuộc địa và có bài ủng hộ tôi.

-Tờ Tạp chí “Nam Phong”của Phạm Quỳnh đăng một bài đề nghị Chính phủ Pháp trao trả quyền tự trị cho dân Việt Nam, trừ ngoại giao và quốc phòng. Tôi rất tức giận bài báo này, trao trả quyền tự trị mà có hai cái quạn trọng nhất  Pháp giữ thì còn gì?

Đặng Đình Điền hỏi :

-Phan tiên sinh có hay được gặp hai phu nhân và các em ở Nghệ An không?

- Tôi cưới nhau từ năm 1888, sau 20 năm bà Huyên mới được gặp lại tôi 30 phút năm 1925 tại Thành phố Vinh, khi Pháp đưa tôi qua Nghệ An vào Huế. Rồi lại xa cách, 3 năm nay chưa gặp lần nào. Có lẽ sắp tới bà thứ 2 là Nguyễn Thị Em sẽ vào đây thăm tôi.

  Sau bữa cơm tối, hai người lại ngồi uống trà. Phan Bội Châu hỏi:

-Đặng tiên sinh nói người của Nguyễn Thái Học vào đây. Tiên sinh có biết nhiều về Nguyễn Thái Học không, kể lão phu nghe nào. Danh tiếng vị lãnh tụ trẻ tuổi này tôi nghe mấy năm nay nhưng chưa biết nhiều.

  Đặng Đình Điền uống xong chén nước và nói:

-Dạ, thưa Phan tiên sinh, anh Nguyễn Thái Học sinh năm 1902 tại làng Thổ Tang, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Phúc Yên (nay là Vĩnh Phúc). Cha là cụ Nguyễn Văn Hách, mẹ là cụ Nguyễn Thị Quỳnh. Gia đình sống bằng nghề nông, nghề dệt vải và buôn bán vải. Năm 10 tuổi Nguyễn Thái Học đi học chữ Hán, năm 11 tuổi đi học chương trình tiểu học Pháp-Việt tại thị xã Vĩnh Yên. Năm 19 tuổi anh Nguyễn Thái Học thi đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, nhận học bổng của Chính phủ bảo hộ Pháp. Sau khi tốt nghiệp trường này, anh thi vào trường Cao đẳng Thương mại thuộc Đại học Đông Dương học từ năm 1925 đến năm 1927.

  Đặng Đình Điền dừng lại uống nước và nói tiếp:

-Anh là người có tinh thần yêu nước từ thời thiếu niên do chứng kiến và nghe về những tấm gương chống Pháp của phong trào Cần Vương, phong trào nông dân Yên Thế của cụ Hoàng Hoa Thám, của Đội Cấn, của phong trào Đông du của Phan tiên sinh. Trong khi đi học, anh không khuất phục nền giáo dục của Pháp, giáo dục để biến dân ta thành nô lệ. Nguyễn Thái Học sớm có tư tưởng dùng vũ lực vũ trang để lật đổ nền bảo hộ của Pháp. Anh thường nói không có cách mạng hòa bình. Trong khi Pháp dùng võ lực thống trị nước ta thì phải dùng võ lực lật đổ chúng. Anh say mê con đường vũ trang bạo động vũ trang với tư tưởng “Sát thân thành nhân”, “Không thành công cũng thành nhân”.

  -Trong thời gian học ở Cao đẳng Thương mại, Nguyễn Thái Học tham gia thành lập nhóm “Nam Đồng Thư Xã”, tiếp xúc với một số sinh viên cùng chí hướng như Phó Đức Chính, lúc này là sinh viên trường Cao đẳng Công chánh, Hồ Văn Mịch, sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm. Cũng trong thời gian ở Cao đẳng Thương mại, Nguyễn Thái Học đã gửi thư cho Toàn quyền Đông Dương Va ren, kêu gọi chính quyền bảo hộ Pháp hãy tiến hành những cải cách tiến bộ ở Đông Dương như ông ta đã hứa khi mới sang nhận chức. Anh cũng gửi thư cho Quốc hội Pháp đòi cải cách kinh tế, chính trị, xã hội ở Việt Nam. Nhưng Toàn quyền Đông Dương và Quốc hội Pháp im lặng đã làm cho Nguyễn Thái Học và các cộng sự thất vọng và càng củng cố quyết tâm con đường duy nhất để giành độc lập dân tộc là con đường bạo động vũ trang. Vũ trang bạo động để đánh đổ thực dân Pháp, đánh đổ phong kiến tay sai, thiết lập chế độ cộng hòa dân chủ trên toàn cõi Đông Dương.

  -Tháng Mười năm 1927, Nguyễn Thái Học cùng một số đồng chí như Hồ Văn Mịch, Phó Đức Chính, Lê Văn Phúc, Hoàng Văn Tùng, Hoàng Phượng Trân (Nhượng Tống) thành lập chi bộ đầu tiên của Việt Nam Quốc Dân Đảng, lấy tên là chi bộ Nam Đồng Thư Xã do Nguyễn Thái Học làm Chi hội trưởng. Dự cuộc họp này có 10 người.

  -Chi bộ Nam Đồng Thư Xã tích cực vận động tuyên truyền thu hút đảng viên, cho nên trong một thời gian ngắn đã có 18 chi bộ ở 4 tỉnh Bắc và Trung Kỳ với 200 đảng viên. Trụ sở của Nam Đồng Thư Xã ở nhà số 6, đường 96 khu Nam Đồng[1] do Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm, Nhượng Tống phụ trách. Hoạt động của Nam Đồng Thư Xã giống như Đông Kinh Nghĩa Thục trước đó, xuất bản, trước tác, dịch thuật những sách cổ vũ lòng yêu nước như "Cách mạng Trung Hoa", "Lịch sử Tôn Dật Tiên”, “chủ nghĩa Tam dân”. Tới Nam Đồng Thư Xã còn có Phó Đức Chính, Lưu Văn Phùng. Họ thường bàn về chính trị trong và ngoài nước.

(Còn nữa)

CVL

-----------------

[1] . Nay là đường Trúc Bạch.