Ông Già Bến Ngự (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 30

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Ông Già Bến Ngự” là Tập X trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023

Kỳ 30.

Ngày 11-11-1924, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về Trung Quốc, ở báo Công luận, Trụ sở của Trưởng phái bộ cố vấn chính trị M.M. Bôrôđin, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng Sang Liên Xô, bên cạnh Trung ương Quốc dân Đảng Tôn Trung Sơn. Văn phòng của ông Nguyễn đặt ở tầng 1 với danh nghĩa Phóng viên hãng ROSTA và phiên dịch riêng của Bô rô đin mang tên Lý Thụy, còn nội bộ và Đại diện Quốc tế Cộng Sản gọi là đồng chí Vương.

        Bô rô đin cho Nguyễn Ái Quốc biết có một ông già Việt Nam vẫn đến Trường quân chính Hoàng Phố nhờ chuyên gia Liên Xô giúp đỡ nhận người của ông vào học. Một hôm, người gác cổng “Hàng Châu Quân sự báo”, nơi cụ Phan đang làm việc, lễ phép đưa cho cụ tấm danh thiếp, nói có người xin gặp cụ, cụ lau kính xem kỹ ba ngữ Hán ,Nga, Anh: Đoàn cố vấn Liên Bang Xô Viết, Cục thông tin ROSTA. Lý Thụy. Hai người gặp nhau, chỉ một lát sau, Phan Bội Châu nhận ra được người con trai  của Nguyễn Sinh Sắc là bạn đồng hương, đồng huyện với Phan Bội Châu. Hai bác cháu gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Lý Thụy cung kính:

       -Dạ thưa bác, ngày đó bác Đặng Thái Thân ghé qua Huế định dìu dắt cháu theo chân bác, nhưng phần vì gia cảnh chưa cho phép. Sau này cháu nẩy sinh ý định đi sang Pháp vì cháu nghĩ muốn đánh bại kẻ thù phải hiểu được kẻ thù, nên năm 1911 cháu đi tàu sang châu Âu, châu Mỹ rồi sang pháp năm 1917.

Phan Bội Châu nói:

-Anh đừng gọi tôi là bác, tôi kém thầy anh đến 5-6 tuổi, thôi gọi là chú cho thân mật.

-Dạ.

-Anh ở Pari có gặp Phan Chu Trinh không?

-Dạ, mãi tới năm 1919 cháu mới trở lại Pari, mới có điều kiện hầu chuyện bác Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường. Nhưng từ năm 1923 cháu lại sang Liên Xô. Hai bác Trinh và Trường chắc vẫn đang ở Pháp.

-Anh có diễm phúc được gặp ngài Nguyễn Ái Quốc tiên sinh không? Ông ấy là người đã viết “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” gửi hòa nghị Véc Xây. Cháu có được gặp không?

-Dạ thưa chú, đó chỉ là tên chung của các nhà yêu nước thôi.

-Nhưng ít nhất ngài ấy cũng là người dự thảo. Ai vậy?

-Ý kiến chung là của bác Phan Chu Trinh, bác Phan Văn Trường và cháu. Cháu viết ý chính còn bác Trinh thì dịch ra Hán văn, bác Trường dịch ra Pháp văn ạ.

Đôi mắt Phan Bội Châu sáng lên sung sướng. Trời đất, thì ra Nguyễn Ái Quốc đây rồi. Mấy năm nay dò hỏi chỉ mong gặp để có người dẫn dắt, cùng lo toan việc lớn. Bậc tiền bối vô cùng ngưỡng mộ, tự hào kính phục:

-Vậy là cháu là Nguyễn Ái Quốc. Tuyệt vời quá, “Hậu sinh khả úy”. Cháu đến Trung Quốc bằng cách nào?

-Thưa chú, cháu đi tàu hỏa từ Mạc Tư Khoa, Thủ đô Liên Xô đến Hải Sâm Uy (Voladivostok), đi tàu thủy về Quảng Châu. Cháu cũng vừa đến đây được vài ngày, tức là ngày 11-11 năm 1924. Hiện cháu làm phiên dịch cho ông Bao La Đình (Bô rô đin), cố vấn đoàn của Liên Xô bên cạnh Tổng thống Tôn Dật Tiên. Cháu còn là phóng viên của Hãng ROSTA của Cục thông tin Liên Xô lấy tên là Lý Thụy. Để giữ bí mật trong tổ chức, cháu lấy tên là Vương, ông Vương, đồng chí Vương.

Phan Bội Châu nói:

-Tốt quá rồi. Con đường cứu nước của chú và của bác Phan Chu Trinh đã thất bại hết rồi. Còn con đường đi của cháu có gì mới không để bác đi theo, con đường đó liệu có thắng lợi không? Có giải phóng được dân tộc không?

Nguyễn Ái Quốc nói:

-Dạ thưa chú, cháu là kẻ hậu sinh, không dám mạo muội trước một bậc tiền bối, uyên thâm, từng trải như chú. Chỉ có điều vì lợi ích tối cao của đất nước, nếu chú cho phép cháu xin thành thật nói để chú tham khảo may ra có chút bổ ích.

-Thưa chú, ở nước thuộc địa nửa phong kiến như Việt Nam, tức là thực dân Pháp cấu kết chặt chẽ với phong kiến để đàn áp bóc lột nhân dân ta. Cho nên cách mạng nước ta là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, có nghĩa là có hai nhiệm vụ chính, thứ nhất phải đánh đổ Pháp để giành đọc lập dân tộc, thứ hai phải đánh đổ địa chủ phong kiến để đem lại ruộng đất dân chủ cho nông dân và cho toàn dân. Trong cuộc cách mạng chống Phong kiến mà không chống Pháp hoặc ngược lại chỉ chống Pháp mà không chống phong kiến thì cách mạng không bao giờ thành công. Như con đường của chú chỉ chống Pháp mà không chống phong kiến thì cách mạng không bao giờ thành công, như bác Phan Chu Trinh chỉ chống Phong kiến mà không chống Pháp thì cũng vậy. Cái thứ hai, muốn cách mạng thành công cơ bản nhất là phải do một đảng cách mạng kiểu mới lãnh đạo. Đảng này có tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật nghiêm minh, có đường lối kháng chiến và sách lược đúng đắn để lãnh đạo. Một trong những đường lối đúng đắn đó là Đảng phải tổ chức được, lôi cuốn được những lực lượng đông đảo nhất, hùng mạnh nhất của đất nước là giai cáp nông dân và công nhân để tổ chức được lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị, để tiến hành đấu tranh vũ trang để tự mình giải phóng cho mình. Đường lối của chú là vũ trang bạo động chống Pháp là đúng nhưng lại đi cầu viện nước ngoài là không đúng, còn đường lối của bác Phan Chu Trinh nhờ Pháp khai hóa cho mình thì thật là ảo tưởng. Trên kia cháu nói lực lượng cách mạng dựa vào công nông là chính nhưng Đảng phải lãnh đạo mở rộng khối đoàn kết dân tộc, công nông phải đoàn kết với tư sản, địa chủ phong kiến yêu nước, còn không yêu nước mà phản lại cách mạng thì kiên quyết tiêu diệt.

Phan Bội Châu gật gù:

-Hay lắm, chú đã thấy con đường đi sán lạn của dân tộc. Theo cháu, cách mạng Việt Nam bao giờ thành công theo con đường mới của cháu.

-Khi đã có lực lượng thì Đảng phải lãnh đạo quần chúng đưa lực lượng lên vũ đài đấu tranh từng bước một, giành quyền lợi cho công-nông từng bước một và khi có thời cơ thì phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền toàn quốc. Cho nên cách mạng muốn thắng lợi phải có thời cơ. Thời cơ là kết hợp khách quan bên ngoài với điều kiên bên trong. Chỉ khi nào Đảng đã có lực lượng chính trị và vũ trang trong nước hùng mạnh, bên ngoài thì nước Pháp thua trận một nước nào, hoặc nước Pháp cũng bùng nổ cách mạng vô sản thì đó là thời cơ. Khi đó ta phát động tổng khởi nghĩa chắc sẽ thắng lợi. Cháu cũng chưa biết khi nào thì thời cơ đến nên chưa biết khi nào nước ta được giải phóng nhưng chắc chắn là không lâu đâu, chỉ 10 năm, 15 năm nữa thôi. Chú cháu ta hãy ra sức chuẩn bị, cứ ngồi chờ thì không bao giờ có thời cơ đâu.

Phan Bội Châu nghe xong gật gù sung sướng:

-Hay lắm, vậy mà bao nhiêu năm tôi đọc Tân thư của phương Tây, của Trung Quốc mà không tìm ra. Nếu chú còn hoạt động, chú sẽ theo con đường của cháu, con đường của cách mạng tháng Mười. Yên tâm và sung sướng nhất là khi chú nằm xuống, con đường giải phóng dân tộc ta đã có người kế nghiệp và sẽ thắng lợi.

Nguyễn Ái Quốc nói:

-Cũng đã đến lúc cháu tạm chia tay chú. Nếu chú cháu còn ở đây, chú cháu ta sẽ còn gặp nhau để trao đổi.

Phan Bội Châu cầm tay Nguyễn Ái Quốc:

-Đa tạ cháu vì buổi gặp hôm nay. Hẹn gặp lại.

-Tạm biệt, chú bảo trọng.

-Tạm biệt, cháu bảo trọng.

(Còn nữa)

CVL