Ông Già Bến Ngự (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 27

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Ông Già Bến Ngự” là Tập X trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.    

Kỳ 27.

-Được, Bộ ngoại giao Pháp sẽ làm.

-Đa tạ ngài Bộ trưởng, chào ngài.

Một tuần sau, toàn quyền Đông Dương nhận điện thoại:

-A lô, tôi Bộ Trưởng ngoại giao đây, báo cho ngài một tin mừng là Chính phủ Nhật Bản đã đồng ý với chúng ta, sẽ trục xuất lưu học sinh của tổ chức cách mạng Việt Nam ra khỏi nước Nhật nhưng có điều kiện.

-Điều kiện gì thưa ngài.

-Ngài phải mở cửa Đông Dương cho thương thuyền và tư bản Nhật vào buôn bán, đồng thời bồi thường cho họ một khoản tiền. Chính Phủ Pháp đã chấp nhận.

-Xin cảm ơn ngài.

Tháng 9 năm 1908, khi các lưu học sinh trường Chấn Võ đang làm lễ tốt nghiệp thì hàng trăm cảnh sát đăng đằng súng ống trong tay, quân phục xanh cỏ úa. Hai cảnh sát hộ tống một viên Thiếu tá mặt mũi dữ tợn bước lên bục nói bằng tiếng Nhật:

-Tât cả lưu học sinh Việt Nam nghe lệnh: Nay vì quyền lợi nước Nhật, vì quan hệ hữu nghị với chính phủ Pháp và chính phủ Đông Dương thuộc Pháp, nay Chính phủ Nhật Bản ra lệnh tất cả lưu học sinh Việt Nam phải rời khỏi Nhật Bản trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được lệnh trục xuất này. Khi rút đi, tất cả tài liệu sách vở giấy tờ đều phải để lại, không được mang ra khỏi biên giới.

          Tô Ki ô ngày 15 tháng 9 năm 1908.

       Giám đốc cảnh sát T.P. Tô Ki ô đã ký.

Lưu học sinh thì sửng sốt cho quyết định đột ngột của Chính  phủ Nhật, nhưng Phan Bội Châu, Cường Để đã dự báo trước được tình hình. Vấn đề là bây giờ lưu học sinh không có một đồng nào để về Việt Nam hay sang nước gần nhất là Trung Quốc. Phan Bội Châu đành phải nhắm mắt biên thư vay tiền của một bác sĩ người Nhật là Asaba Sakitaro, theo Bộ đối ngoại của Phan Bội Châu thì ông ta phóng khoáng, trọng nghĩa khinh tài. Quả nhiên ngài ta ủng hộ tới 1.700 yên.  Có tiền đi đường, lưu học sinh rời khỏi nước Nhật, số ít về Việt Nam, một số sang Trung Quốc sau này gia nhập Quân đội của Trung Hoa cộng hòa dân quốc sau cách mạng Tân Hợi 1911. Chỉ còn lại 50 lưu học sinh kiên quyết không đi mà chờ Phan Bội Châu đi đâu thì họ đi theo. Tháng 2 năm 1909, Phan Bội Châu và Cường Để cũng bị trục xuất khỏi Nhật Bản. Trước khi rời Nhật Bản, Phan Bội Châu đến thăm bác sĩ Asaba Sakitaro để tạ ơn. Sau này khoảng năm 1917, Khi có dịp qua Nhật Bản, Phan Bội Châu lại đến thăm Asaba Sakitaro một lần nữa nhưng bác sĩ đã từ trần, Phan Bội Châu xin phép gia đình và Trưởng thôn dựng một tấm bia tưởng niệm vị ân nhân. Văn bia có đoạn viết: “Hảo hớn xưa nay nghĩa đầy trong ngoài. Ông giúp như trời, tôi nhận như bể, chí tôi chưa thành, ông không chờ tôi. Lòng này đau thương đến ức vạn năm. Tất cả người của hội Việt Nam Quang Phục xin ghi nhớ”.

         Sau chuyến thăm Asaba Sakitaro năm 1909, Phan Bội Châu cùng Cường Để và 50 hội viên Đông du đi sang Bạn Thầm, miền núi rừng Xiêm La chờ đợi thời cơ phục quốc. Đến đây phong trào Đông Du hoàn toàn thất bại.

                                            *       *

                                               *

  Trong một tối cuối năm Tân Hợi, mọi người ngồi uống trà sau bữa cơm tối, Phan Bội Châu giở tờ giấy nói:

-Tôi vừa nhận được thư của Hội viên Duy Tân hội là Lương Ngọc Quyến, hiện đang phục vụ trong quân đội Trung Hoa cộng hòa dân quốc từ Trung Quốc gửi sang báo tin Trung Quốc có biến lớn. Nhà Mãn Thanh, một dân tộc thiểu số ở Đông bắc Trung Quốc, nhờ Lý Tự Thành đánh đổ nhà Minh và nhờ Ngô Tam Quế, tướng giữ Vạn Lý Trường Thành của Nhà Minh mở cửa Sơn Ải Quan, nhà Thanh đã vào được Trung Nguyên và thiết lập chế độ thống trị từ 1644 đến nay, nay đã bị Tôn Trung Sơn đánh đổ trong cuộc cách mạng dân chủ tư sản năm 1911. Tôn Trung Sơn đã thành lập Trung Hoa Cộng Hòa dân quốc. Trung Quốc đã chuyển từ chế độ Quân chủ sang chế độ cộng hòa.

Mọi người nghe nói đều vui mừng:

-Tốt quá rồi.

Phan Bội Châu nói tiếp:

-Các nhà lãnh đạo cách mạng Tân Hợi là bạn cũ của tôi, họ muốn chúng ta trở lại Trung Quốc.

Cường Để nói:

-Trước hết ngài Phan Bội Châu đi trước xem tình hình thế nào rồi chúng tôi sang sau.

Mọi người đồng tình:

-Phải đấy, ngài Chủ tịch cứ đi trước xem sao.

Sáng hôm sau, mọi người ở Bạn Thầm chuẩn bị tiền bạc, vài chén rượu tiễn đưa Phan Bội Châu. Cường Để và Đặng Tử Kính đi Trung Quốc. Trước đêm rời Bạn Thầm, Phan Bội Châu nói:

-Đầu tiên ta phải đến Quảng Đông, tại đây ta phải vào tá túc nhà Lưu Vĩnh Phúc mà hoạt động thôi.

Đặng Tử Kính hỏi:

-Ngài có biết nhiều về Lưu Vĩnh Phúc không, kể chúng tôi nghe với.

Phan Bội Châu nói:

-Lưu Vĩnh Phúc tự là Uyên Đình, sinh năm 1837[1] (-1917) người Khâm Châu, Quảng Tây Trung Quốc, cha mẹ nhà nghèo, không có nghề nghiệp nhà cửa. Năm 1853 cha mẹ mất, không có đến quan tài mà chôn cất. Năm 21 tuổi Lưu Vĩnh Phúc là thuộc hạ của Ngô Lăng Vân (bản doanh ở Nam Ninh), dư đảng của nghĩa quân Thái Bình Thiên Quốc của Hồng Tú Toàn từng chống lại nhà Thanh. Lưu Vĩnh Phúc sau lại là thuộc hạ của Ngô Côn, con trai của Ngô Lăng Vân. Năm 1865 để tránh quân đội nhà Thanh truy đuổi, Lưu Vĩnh Phúc dẫn đồng đảng vào Việt Nam, dùng lá cờ màu đen nên gọi là quân Cờ Đen. Lưu Vĩnh Phúc đến Sơn Tây, lực lượng có 500 người, đánh nhau với thủ lĩnh người Mông, thủ lĩnh này chống lại nhà Nguyễn nên triều đình Việt Nam phong Lưu Vĩnh Phúc làm cửu phẩm bách hộ. Năm 1868 Lưu Vĩnh Phúc chiếm Lào Cai, tự thu thuế và cướp bóc khắp nơi.

Cháu Ngô Lăng Vân (Ngô Vương) là Hoàng Sùng Anh là quân Cờ Vàng tràn vào Hà Giang. Năm 1869 Quân Cờ Đen mai phục tiêu diệt được quân Cờ Vàng ở Lào Cai. Do chiến thắng quân Cờ Vàng kẻ thù của nhà Thanh nên Lưu Vĩnh Phúc được nhà Thanh bảo trợ, Lưu Vĩnh Phúc lại theo nhà Thanh.

Năm 1873, quân Pháp do Đại úy Francis Garnier chỉ huy đánh chiếm thành Hà Nội. Ngày 19-11-1873, thành Hà Nội thất thủ, Nguyễn Tri Phương bị trọng thương nhịn ăn mà chết. Lưu Vĩnh Phúc bấy giờ thuộc chỉ huy của Phò mã nhà Nguyễn Hoàng Kế Viêm, tư lệnh cao nhất của quân Nguyễn ở Bắc Kỳ ra lệnh cho Lưu Vĩnh Phúc phục kích ở Cầu giấy. Khi F.Garnier đem quân đánh ra thì bị quân Cờ Đen phục kích giết chết. Sau thắng lợi này nhà Nguyễn phong cho Lưu Vĩnh Phúc chức Phó lãnh binh.

Ngày 24 tháng 4 năm 1882, quân Pháp do Henri Riviere chỉ huy đánh thành Hà Nội lần 2. Thành Hà Nội thất thủ, Tổng Đốc Hoàng Diệu thắt cổ tuẫn tiết. Ngày 19 tháng 5 Riviere đem quân đánh ra phủ Hoài Đức, quân Cờ Đen mai phục ở Cầu Giấy và giết được Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Kỳ. Sau trận Cầu Giấy, quân Cờ Đen tiếp tục đánh Pháp ở Sơn Tây, Hưng Hóa, Lạng Sơn, Tuyên Quang.

Năm 1884-1885 chiến tranh Pháp-Thanh ở Bắc Kỳ kết thúc, Lưu Vĩnh Phúc được vua Quang Tự gọi về Trung Quốc. Năm 1894 chiến tranh Thanh-Nhật bùng nổ, Lưu Vĩnh Phúc ra Đài Loan chống Nhật, thành lập nhà nước Đài Loan dân chủ, Lưu Vĩnh Phúc là Đại tướng, kiên trì chống Nhật ở Đài Bắc, Đài Nam, Đài Trung. Ngày 22-11 năm 1895 Lưu Vĩnh Phúc chạy về lục địa, Đài Loan bị quân Nhật chiếm.

Năm 1902, Lưu Vĩnh Phúc nhận chức Tứ Thạch Trấn, giữ chức Tổng Binh tại Quảng Đông, sau cách mạng Tân Hợi giữ chức Tổng Trưởng Dân Đoàn Quảng Đông. Nhờ mối quan hệ giữa Lưu Vĩnh Phúc và Việt Nam, nhà Lưu Vĩnh Phúc ở Quảng Đông trở thành nơi đi lại của các nhà hoạt động yêu nước Việt Nam. Tháng 3 năm 1883 Đô đốc Trần Xuân Soạn, sau đó là Tam Tuyên Tán Lý quân vụ Nguyễn Thiện Thuật, Phan Chu Trinh. Các năm 1905, 1907 trên đường sang Nhật và từ Nhật về, Phan Bội Châu đã vào gặp Lưu Vĩnh Phúc nhiều lần.

Mùa hè năm 1912, buổi sáng nắng chan hòa rải xuống vùng Quảng Đông Trung Quốc. Quảng Đông có nghĩa là vùng đất rộng rãi ở phía Đông. Tỉnh Quảng Đông vừa có biển vừa sâu vào là đồng bằng châu thổ của ba con sông Châu Giang, Đông Giang và Tây Giang. Càng vào sâu về phía tây và phía nam núi non trùng điệp, cao nhất là dãy Nam Lĩnh, cao tới 1.800m.

Biệt phủ, lâu đài, nhà cửa của nhà Lưu Vĩnh Phúc nằm ở vùng đồng bằng nhưng chung quanh có núi non bao bọc. Từng cây cổ thụ vươn tán lên trời xanh. Nắng loang lổ xuyên qua lá rải xuống mái ngói. Những đầu đao của biệt phủ mang hình đầu rồng vươn lên nom hoành tráng và thần bí.

Trong căn phòng khách sang trong, Lưu Vĩnh Phúc đang ngồi uống trà sau bữa ăn sáng, chợt có gia nhân vào báo:

-Dạ, bẩm chủ nhân, có ba vị khách Việt Nam tới đang chờ ngoài sân ạ.

-Cho vào ngay.

-Dạ.

(Còn nữa)

CVL

--------------------

[1] . Lưu Vĩnh Phúc 1837-1917.