Ông Già Bến Ngự (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 29

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Ông Già Bến Ngự” là Tập X trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.    

Kỳ 29.

Quân đội là Quang Phục Quân. Phan Bội Châu và Hoàng Trọng Mậu đã biên soạn sách “Quang Phục quân phương lược” dầy 100 trang để nói về chiến lược, chiến thuật của Quang Phục quân.

Việt Nam Quang Phục hội lấy cờ màu đỏ, góc trên màu sẫm với 5 ngôi sao màu trắng xếp thành hình chữ X làm Hội kỳ, Quốc kỳ là cờ màu vàng với 5 ngôi sao đỏ, Quân kỳ của Quang Phục Quân là cờ đỏ có 5 ngôi sao trắng.

Để tài trợ công cuộc của Việt Nam Quang phục hội, Hội cho lập thêm Chấn Hoa Hưng hội ở Quảng Đông để gây kinh-tài cho hội.

Để gây tiếng vang trong dân chúng ở Việt Nam, gây áp lực với chính quyền Đông Dương, Việt Nam Quang Phục hội cử người về nước ném tạc đạn. Trưa 19-4-1913, Phạm Văn Tráng và Phạm Đô Quy ném tạc đạn giết chết tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn. Hai tháng sau, chiều 20 tháng 6 năm 1913 Nguyễn Khắc Cần và Nguyễn Văn Túy ném tạc đạn vào khách sạn Ha Nôi Hotel ở phố Tràng Tiền giết chết hai Thiếu tá người Pháp là Chapuis và  Montg Rut và làm một số khác bị thương.

Tháng 5-1913 Pháp đàn áp mạnh mẽ, lập Hội Đồng Đề hình truy tố 99 người, tử hình 7 người, lưu đày khổ sai 1 người. 7 người bị chém là Phạm Văn Tráng, Nguyễn Văn Túy, Phạm Hoàng Quế, Phạm Hoàng Triết. 5 người bị tử hình vắng mặt: Cường Để, Phan Bội Châu, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Quỳnh Chi, Nguyễn Bá Trạc.

Pháp gây áp lực với Trung Hoa để ngừng yểm trợ cho Việt Nam Quang Phục hội nên hội mất căn cứ ở biên giới Việt -Trung.

Năm 1913 Việt Nam Quang Phục hội cử hội viên Đỗ Quang Cơ (Đỗ Chân Thiết) đem sách “Hà Thành Liệt sĩ”do Phan Bội Châu viết về nước để phân phân phát cho binh lính bản xứ. Sách nói về vụ đầu độc lính Pháp ở thành Hà Nội năm 1908 do Nghĩa quân Yên Thế tiến hành. Đến Hà Khẩu bị phát giác, 50 Quang Phục quân bị pháp chém đầu. Trước đó Đỗ Quang Cơ đã lập được Chi Hội Việt Nam Quang Phục hội ở Việt Nam và đang có kế hoạch đánh úp thành Hà Nội.

Cuối năm 1914 Phan Bội Châu bị chính quyền Trung Quốc bắt giam, tới năm 1917 mới được thả. Trong thời gian đó thay mặt Phan Bội Châu lãnh đạo Hội là Nguyễn Thượng Hiền. Tháng 3-1915, Quang Phục quân chủ trương đánh úp đồn Móng Cái, Lạng Sơn, Hà Khẩu. Quang Phục quân chia làm 3 đường do Nguyễn Mạnh Hiếu, Nguyễn Thượng Hiền  và Hoàng Trọng Mậu chỉ huy. Chỉ có tấn công đồn Tà Lùng, Cao Bằng nhưng thất bại. Ngày 28-9-1915, tù nhân Lao Bảo chủ yếu là các hội viên Việt Nam Quang Phục hội, Duy Tân hội do Hồ Bá Kiện và Lưu Thanh chỉ huy đã nổi dậy, 200 tù nhân giết lính canh, phá gông cùm, tước vũ khí rút chạy và tan rã. Năm 1918, Trần Cao Vân, Thái Phiên mưu khởi nghĩa ở Huế và Quảng Nam, sau khi liên lạc với vua Duy Tân định đưa vua chạy ra chiến khu dựng cờ khởi nghĩa chống Pháp nhưng việc bại lộ, vua Duy Tân bị đày sang Reunion. Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phạm Hồng Cương bị Pháp xử tử. Lương Ngọc Quyến, Ủy viên của Việt Nam Quang Phục hội về nước năm 1914, bị Pháp bắt và bị giam ở Thái Nguyên. Ông đã vận động được một cai đội Trịnh Văn Cấn (Đội Cấn), binh lính khố xanh người Việt nổi dậy chống sĩ quan Pháp rồi truyền hịch kêu gọi hưởng ứng. Nhưng khởi nghĩa chỉ tồn tại được 5 ngày thì bị dẹp tan. Lương Ngọc Quyến và Trịnh Văn Cấn tự sát để khỏi sa vào tay giặc. Tháng 6 năm 1924, Toàn quyền Đông Dương Martrad Merlin có chuyến thăm đến Quảng Châu. Phạm Hồng Thái, một thành viên của Tâm Tâm xã (một nhánh các hội viên trẻ, hoạt động độc lập) đã giả dạng nhà báo đột nhập vào khách sạn Victoria, ném tạc đạn vào bàn tiệc của Merlin, 5 người Pháp bị chết nhưng Merlin thoát chết. Bị cảnh sát truy đuổi gắt gao, Phạm Hồng Thái nhảy xuống sông Châu Giang và hy sinh.

Đêm Thượng Hải năm 1924, Phan Bội Châu ngồi một mình trong phòng uống trà, lòng vô cùng buồn bã. Trên bước đường hoạt động cứu nước từ năm 1905 cho đến hôm nay đã gần 20 năm trời, Phan Bội Châu nhìn lại chỉ toàn những thất bại, những tin tức đau buồn liên tục đến với ông. Năm 1906, Tăng Bạt Hổ, người hội viên tài ba đưa ông làm quen với Nhật Bản trên đường từ Năm Kỳ ra Huế đã ốm nặng mà mất đột ngột khi mới 48 tuổi. Năm 1908, trong cuộc đàn áp chống sưu thuế nặng nề của nhân dân Trung Kỳ, Tiểu La Nguyễn Thành đã bị bắt. Tiểu La, một trong những người cùng ông thành lập Duy Tân Hội, lo liệu mở các hiệu công thương vận động quyên góp tiền bạc cho phong trào Đông Du, gửi tiền cho lưu học sinh suốt mấy năm trời. Năm 1911 ông nghe tin Tiểu La Nguyễn Thành đã chết trong nhà tù Côn Đảo. Tiểu La là con nhà quan lại, giàu sang phú quý nhưng không thèm hưởng mà suốt đời chỉ một lòng cứu dân, cứu nước. Cũng năm 1908, Phan Chu Trinh dù chủ trương ôn hòa duy tân cải cách vẫn bị bắt và bị đày đi Côn Đảo, sau đó Pháp lại đưa ông sang Pháp cho đến ngày nay. Toàn bộ phong trào Duy Tân do Phan Chu Trinh chủ trương phát động như mở trường học, các hiệu buôn, những tờ báo tiến bộ cũng bị Pháp đàn áp và thủ tiêu. Năm 1908 Đông Kinh nghĩa thục, một trường học chuyên giảng dạy văn thơ và lịch sử yêu nước cũng bị đóng cửa. Những người sáng lập Trường như Lương Văn Can và nhiều người trong phong trào Duy Tân bị bắt, bị tù đày. Cũng năm 1908, do sự cấu kết giữa Pháp và Nhật mà Nhật đã trục xuất các du học sinh, phong trào Đông du do Phan Bội Châu, Tiểu La Nguyễn Thành và nhiều đồng chí dày công xây dựng cuối cùng thất bại. Cũng năm 1908, vụ đầu độc binh lính Pháp ở thành Hà Nội do nghĩa quân Yên Thế tổ chức thất bại. Nhiều đầu bếp, nhiều người của Hoàng Hoa Thám hoạt động ở Hà Nội bị giết. Sau vụ này Pháp đẩy mạnh tấn công quyết tâm tiêu diệt Yên Thế. Sau những trận chiến đấu khốc liệt anh dũng, gây cho Pháp nhiều thiệt hại, năm 1913 đồn Phồn Xương thất thủ, bà Ba Cẩn (Đặng Thị Nhu), vợ ba Hoàng Hoa Thám, nữ tướng tài ba của Yên Thế bị bắt, trên đường đi đày bà nhảy xuống biển tuẫn tiết, còn Hoàng Hoa Thám mất tích mà chính Pháp cũng không tìm thấy tung tích. Một phong trào nông dân chống Pháp kiên cường suốt 30 năm trời kết thúc. Trong trí nhớ của Phan Bội Châu vẫn giữ nguyên những kỷ niệm tốt đẹp kính trọng, khâm phục Yên Thế, Hoàng Hoa Thám, bà Đặng Thị Nhu, bé Hoàng Thị Thế khi ông cùng Nguyễn Khắc Nhu lên thăm năm 1902. Nghe nói bé Thế sau này được đưa sang Pháp và trở thành một diễn viên điện ảnh tài ba nổi tiếng.

Từ khi thành lập Việt Nam Quang Phục hội và năm 1922 cải tổ thành Việt Nam Quốc dân Đảng nhưng hoạt động cũng không thành công. Hàng trăm vụ việc thất bại, hàng trăm đồng chí trong Duy Tân hội, Trong Việt Nam Quang Phục hội bị bắt, bị xử tử, bị tù đày giết hại trong các nhà tù khét tiếng tàn bạo của Đông Dương như Côn Đảo, Hỏa Lò Hà Nội, Lao Bảo, Sơn La. Trong bóng đêm, trước mắt Phan Bội Châu như thấy hiện về những hình dáng anh hùng, khí phách hiên ngang của các Đảng viên Việt Nam Quang Phục hội trước Pháp trường xử bắn của Pháp như Nguyễn Khắc Cần, Nguyễn Văn Túy, Phạm Văn Tráng, Phạm Quý Đô, Phạm Hoàng Quế, Phạm Hoàng Triết, Đỗ Quang Cơ, Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phạm Hồng Cương. Phan Bội Châu cũng thấy hình ảnh lẫm liệt của Lương Ngọc Quyến, người học trò xuất sắc của Đông du đã kiên quyết tự sát không để sa vào tay giặc khi khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 thất bại.

Qua báo chí, Phan Bội châu theo dõi hoạt động của các nhà cách mạng Việt Nam bên Pháp. Nghe nói có một “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” gửi lên Hội nghị véc xây của 27 cường quốc chiến thắng. Đó là Hội nghị của các nước chiến thắng đứng đầu là Mỹ, Anh, Pháp trong cuộc đại chiến thế giới thứ nhất năm 1914-1918, đã đánh bại phe Liên minh đứng đầu là Đức- Áo- Hung. Hội nghị này họp để các nước chiến thắng buộc Đức-Áo-Hung ký hàng ước, nhường thuộc địa và bồi thường chiến phí cho các nước chiến thắng. Bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" ký tên Nguyễn Ái Quốc đã có tiếng vang lớn trên trường quốc tế. Lần đầu tiên thế giới biết đến Việt Nam, có một Đông Dương đang bị Pháp thống trị tàn bạo. Nguyễn Ái Quốc là ai, còn trẻ hay đã già, hiện nay còn ở Pháp hay đã đi nước nào?

Qua báo chí Phan Bội Châu cũng biết rằng có một nước Nga ở phía Bắc Trung Quốc đã bùng nổ một cách mạng gọi là Cách Mạng xã hội chủ nghĩa do Lê Nin, lãnh tụ của Đảng Cộng sản Bôn sê vích lãnh đạo, cách mạng này đã giải phóng cho giai cấp lao khổ là công nhân và nông dân, đem lại tự do dân chủ, quyền bình đẳng, quyền sống, quyền chính trị cho mọi người lao động, đem lại ruộng đất cho nông dân, đem lại nhà máy cho công nhân, quyền bình đẳng cho các dân tộc, nhà nước và chính quyền là của nhân dân, phục vụ cho nhân dân. Nhà nước này chống chủ nghĩa đế quốc, ủng hộ giúp đỡ mọi phong trào giải phóng dân tộc. Đây chính là cái mà lịch sử Việt Nam đang cần tìm.

Ở Trung Quốc thời gian này Phan Bội Châu cũng nghe tin có những tổ chức cách mạng Việt Nam do một lãnh tụ khoảng 30 tuổi thành lập và lãnh đạo. Tổ chức này sẽ đi theo con đường cách mạng mới, khác với con đường mà ông và Phan Chu Trinh đã đi. Phan Bội Châu khâm phục nhà cách mạng trẻ đó và mừng vì con đường của ông và của Phan Chu Trinh đã thất bại, nay may có một con đường cách mạng mới sẽ giải phòng được dân tộc. Phan Bội Châu dự tính sẽ về Quảng Châu và tìm gặp nhà cách mạng đó, có thể là “hậu sinh khả úy”, như thế thật là phúc lớn cho nhân dân Việt Nam.

(Còn nữa)

CVL