Ông Già Bến Ngự (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 32

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Ông Già Bến Ngự” là Tập X trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.   

Kỳ 32.

Phan Bội Châu với chất giọng Nghệ An đã hùng hồn tự bào chữa bằng những lời đanh thép:

-Yêu nước, tiêu diệt kẻ thù xâm lược, thống trị áp bức, đàn áp bóc lột dân tộc mình thì ai bảo là có tội, tiêu diệt những kẻ tay sai bán nước cho bọn xâm lược ai bảo là có tội? Các ông về hỏi nhân dân Pháp xem, yêu nước Pháp, tiêu diệt kẻ thù của nước Pháp có tội không? Các ngài trả lời đi. Chính các ngài mới là nhứng kẻ tội phạm. Trong quá trình xâm lược và thống trị Việt Nam, các ngài đã giết bao nhiêu vạn người Việt Nam như vụ đàn áp cuộc chống sưu thuế ở Trung Kỳ năm 1908 mới đây, các ngài đã giết bao nhiêu người, bắt bao nhiêu người vô tội vào giết hại trong các nhà tù, các ngài có biết không. Những kẻ xâm lược là những kẻ tội phạm đại hình sự.

-Tôi là người Nam nên tôi yêu nước Việt Nam, tôi muốn đánh thức dân tộc Việt Nam. Nếu trong tay tôi có mấy vạn hải quân, mấy vạn lục quân, binh tinh, lương túc, súng đủ đạn nhiều thì có lẽ tôi hạ chiến thư đường đường chính chính đánh nhau với chính phủ thuộc địa xâm lược của các ông.

Cả  không gian phiên tòa vang lên như sấm khi nghe Phan Bội Châu nói:

-Hay lắm, nói hay lắm, yêu nước không có tội.

Tòa đại hình đuối lý khi bản thân  tòa là đại diện cho tội ác, cho phi nghĩa chống lại dân tộc Việt Nam. Nhưng những kẻ phi nghĩa mà đuối lý thì bao giờ cũng làm càn vì trong tay nắm bạo lực. Tòa bất chấp dư luận vẫn tuyên án:

-Tòa kết án tử hình tội nhân Phan Bội Châu.

Cả không gian im lặng chùng xuống căm phẫn cho sự chà đạp công lý của tòa. Trong đám đông vang lên một giọng nói đanh thép công phẫn:

-Hỡi quan tòa, tôi xin chết thay cho cụ Phan.

Cả không gian rùng rùng chuyển động nhìn người vừa nói. Đó là cụ Nguyễn Khắc Doanh, từ  Nam Định cơm đùm cơm nắm lên dự phiên tòa. Lời của cụ Nguyễn Khắc Doanh như lời hiệu triệu cả nước xuống đường giành sự sống cho người đã hiến cả cuộc đời cứu nước. Cuộc đấu tranh bảo vệ Phan Bội Châu đã thành một cuộc đấu tranh rộng lớn trong toàn quốc. Dân các đô thị đua nhau mua tờ “Thực Nghiêp dân báo”của Nguyễn Hữu Thu. Tờ báo này đã đăng 29 bài về tiểu sử, sự nghiệp hoạt động cách mạng của nhà chí sĩ Phan Bội Châu. “Thực Nghiệp dân báo” còn tường thuật chân thật, cụ thể về phiên tòa Đề hình xét xử Phan Bội Châu, đăng nhiều bài bình luận về vai trò của ông đối với đất nước. Các bài đó ngay lập tức tập hợp xuất bản thành hai tập sách mỏng là: “Tập án Phan Bội Châu và những tin tức và dư luận về Phan Bội Châu”. Hai tập sách trở thành ấn phẩm bán chạy nhất khi đó. Tập sách đó phải xuất bản lần 3 tới 5.000 bản truyền đi khắp đất nước tấm lòng yêu nước, sự kháng khái của Phan Bội Châu đã thổi bùng lên phong trào chống Pháp đòi tự do dân chủ khắp Việt Nam. Đồng bào đã thấy ở Phan Bội Châu vì yêu nước thương dân mà quên đi mọi sự ở đời, hơn 20 năm lưu lạc quê người, xa lìa nhà cửa, chỉ một niềm mưu ích cho nước, mưu giải phóng cho dân. Ông yêu nước thì nước phải yêu ông, ông thương dân thì dân phải thương ông, nghĩa đời phải vậy.

Phong trào đòi ân xá Phan Bội Châu là phong trào công khai, bắt đầu từ Hà Nội sau đó lan khắp nước từ thành thị đến nông thôn, thành một phong trào quy mô cả nước với đông đủ mọi lớp người, mọi lứa tuổi tham gia.

Tòa án đại hình Pháp trước tình hình đó giảm án tử hình xuống khổ sai chung thân nhưng phong trào vẫn tiếp tục. Ngày 12 tháng 12 năm 1925, Varen đến Việt Nam nhậm chức Toàn quyền Đông Dương thay M.Monteguillo. Alexdra Varen đến Hà Nội, hàng đoàn người đã đón đưa những lá đơn đòi trả tự do cho Phan Bội Châu. Hội Phục Việt, một tổ chức chính trị gồm trí thức sinh viên như Phạm Thiều, Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai viết truyền đơn bằng tiếng Việt và tiếng Pháp rải trên đường phố Hà Nội, gửi sang Pháp và gửi hội Quốc Liên. Trong những tờ truyền đơn đó đã viết: “Kia coi dân Ấn Độ, họ không chịu để cho Cam Địa (Găng đi) bị đày đọa, Vậy mà cụ Phan Bội Châu đối với chúng ta còn có ơn đức hơn Cam Địa đối với nhân dân Ấn Độ. Các con cháu rồng tiên của chúng ta quyết không chịu ngồi nhìn cho chúng làm tội cụ Phan Bội Châu”.

Suốt trong một tháng cả nước rầm rộ xuống đường. Toàn quyền Varen vừa đến nhậm chức đã chứng kiến sự phẫn nộ của nhân dân Việt Nam về vụ Phan Bội Châu. Varen gọi cho Chính phủ Pháp:

-A lô tôi toàn quyền Đông Dương đây. Cho tôi gặp Thủ tướng Pháp Aristie Briand.

-A lô tôi nghe đây.

-Thưa Thủ tướng, ở Việt Nam Tòa đại hình Hà Nội xử Phan Bội Châu nhà hoạt động chính trị tử hình rồi giảm xuống khổ sai chung thân. Cả nước Việt Nam phản đối và có nguy cơ dẫn đến bạo động toàn Đông Dương. Xin ý kiến chỉ đạo của ngài Thủ tướng.

Thủ tướng Pháp nói:

-Tình hình nước Pháp và châu Âu đang rất căng thẳng, bọn phát xít đã nắm chính quyền ở Ý, đe dọa nước Pháp. Ở Pháp bọn phát xít cũng đã xuất hiện, không nên để cho thuộc địa bùng nổ. Tốt nhất giảm xuống còn quản thúc, giam lỏng ông ta ở một nơi nào đó và giám sát cho chặt chẽ vào để ông ta không hoạt động nữa là được.

-Rồi cách rất hay, thưa Thủ tướng.

Ngày 25 tháng 12 năm 1925, Toàn quyền Đông Dương Veren ký sắc lệnh tha Phan Bội Châu nhưng với điều kiện là ông được quyền chọn một nơi trên đất Trung Kỳ (trừ Nghệ An) để sinh sống trong sự giám sát của Chính phủ Đông Dương.

Cuộc đấu tranh của nhân dân đã thắng lợi. Phan Bội Châu chọn Huế làm nơi sinh sống và hoạt động cuối đời vì Huế là trung tâm của xứ Trung Kỳ. Tờ ‘Thực Nghiệp dân báo” ngày 30-12-1925 đã viết: “Tin ông Phan Bội Châu được ân xá làm khắp các quốc dân nhà quê kẻ chợ không ai là không vui mừng. Có người mới được tin đã reo lên, vỗ tay ầm ĩ, lại có kẻ đọc báo xong sướng quá rủn cả người, nói không ra tiếng"”. Từ đó 1925 Phan Bội Châu chính thức thành Ông già Bến Ngự.

                                                *     *

                                                   *

        Tại dốc Bến Ngự có ba gian nhà gianh là nơi Phan Bội Châu ăn ở, sáng tác, dạy học trò, tiếp đón bạn hữu xa gần tới thăm. Dốc Bến Ngự nằm bên bờ tả của sông An Cựu. Thẳng dòng sông An Cựu thì ra được sông Hương. Để đỡ cô liêu, Phan Bội Châu đã mua một con đò và có khi thuê người, có khi tự mình chèo chống, Phan Bội Châu thả hồn theo sông nước sông An Cựu, sông Hương mênh mông tươi đẹp. Phan Bội Châu hòa mình với thiên nhiên để cho lòng bớt diệu vợi, dồn tâm trí vào trước tác.

  Một buổi sáng tháng mười năm 1928, có một người đàn ông khoảng gần 30 tuổi, đầu chít khăn đen, áo dài đen, quần trắng, đi giầy đen thuê đò sang dốc Bến Ngự. Sau khi trả tiền đò để lên bờ, người đó hỏi người lái đò:

-Phiền cụ, đây có phải là nhà của “Ông già Bến Ngự” Phan Bội Châu không ạ?

  Ông già lái đò đáp:

-Phải, đó là nhà của Phan Sào Nam tiên sinh. Nhưng cậu là…?

-Dạ, tôi muốn gặp Phan tiên sinh để mượn vài cuốn sách. Đa tạ cụ, đa tạ...

-Không dám, không dám.

  Người lái đò đẩy sào cho đò rời bến sau khi người khách đã lên bờ. Bạn bè thân hữu, học trò, sinh viên đến gặp Phan tiên sinh nhiều cho nên chuyện đó cũng không có gì là lạ. Con mắt cú vọ của mật thám Pháp vẫn bám sát cụ Phan nhưng không ngăn cản được khách khứa đến thăm ngày càng đông đúc. Khi không cần thiết, thực dân Pháp cũng cố làm ra vẻ tôn trọng “Nhân quyền”.

May quá, sớm nay trời se lạnh, sương mù trắng xóa cho nên Phan Bội Châu ở nhà, không đi dạo đò trên sông Hương. Thấy có khách bước vào cái sân nhỏ trước nhà, Phan Bội Châu bước ra. Đặng Đình Điền trông thấy một ông già hiên ngang với chòm râu quai nón, vừng trán cao, mặc bộ quần áo tàu. Đặng Đình Điền coi Phan Bội Châu  như một vĩ nhân. Phan Bội Châu tiếp đón rất niềm nở. Phan Bội Châu có gương mặt điềm đạm, dịu hiền, người thẳng, áo dài đen, mũ dạ, đôi mắt sáng, khuôn mặt cương nghị phong trần của phong sương đời cách mạng bôn ba 20 năm từ Nhật Bản đến Trung Hoa mà mới ba năm làm “Cư sĩ” cũng chưa thể xóa nhòa được. Phan Bội Châu còn đang ngạc nhiên vì khách không phải là người quen thì người thanh niên đã cúi mình hành lễ:

-Xin kính chào Phan Sào Nam tiên sinh. Tại hạ là Đặng Đình Điền, người của Đảng Việt Nam Quốc Dân Đảng, nói rõ hơn là người của Chủ tịch đảng Nguyễn Thái Học.

  Nghe đến Nguyễn Thái Học thì Phan Bội Châu không ngạc nhiên nữa. Tháng trước, bạn bè thân hữu đến đây đã nói tin về Nguyễn Thái Học, một sinh viên trẻ tuổi yêu nước đã đứng ra thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng để đánh đổ thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc bằng phươg pháp bạo động vũ trang. Nghĩ tới đó Phan Bội Châu mĩm cười:

-Xin chào, khách quý, khách quý, hân hạnh, xin mời ngài vào nhà.

  Đặng Đình Điền cúi mình đáp:

-Đa tạ, đa tạ Phan tiên sinh.

  Đặng Đình Điền bước vào ngôi nhà mái lợp gianh, rộng ba gian. Vách trát bằng bùn nhào với rơm trát vào phên tre, đòn tay kèo cột bằng tre. Gian giữa sát tường đặt bàn thờ có bài vị sơn son, có ba bát hương bằng sứ và ba lư hương đồng màu đã cũ. Trên cao hơn treo ảnh Tôn Trung Sơn, lãnh tụ Trung Quốc Cách mạng Đồng minh hội, sau này là Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Tôn Trung Sơn là người đã dùng vũ lực lật đổ chế độ phong kiến Mãn Thanh năm 1911, đưa Trung Quốc từ chế độ quân chủ sang chế độ Trung Hoa cộng hòa Dân quốc hiện nay. Trước bàn thờ kê chiếc bàn gỗ đơn sơ, hai bên kê hai chiếc ghế tràng kỷ màu gụ nhưng cũng đơn sơ.

(Còn nữa)

CVL