Ông Già Bến Ngự (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 4

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Ông Già Bến Ngự” là Tập X trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 4.

II.

Trong một đêm vào tháng 1 năm 1902, bóng tối lan tràn phủ khắp nơi. Trong gian giữa nhà Phan Bội Châu ngồi với hai đồng chí của mình dưới ánh sáng của hai ngọn đèn dầu lạc đặt trên bàn cháy leo lét. Phan Bội Châu bê ly trà nóng uống và nói:

-Các đệ uống nước đi.

-Đa tạ huynh, kính mời.

  Bốn người uống nước nhâm nhi. Ngoài trời những cơn gió mùa đông lạnh lẽo thổi  lá cây reo xào xạc. Cả bốn người đều im lặng suy nghĩ. Phan Bội Châu phá tan sự im lặng:

-Năm 1901 chúng ta đã vạch ra kế hoạch liên kết với các dư đảng Cần Vương đã tan rã, chiêu mộ lực lượng trai tráng vào rừng núi khởi nghĩa như phong trào Cần Vương trước đây. Vua Hàm Nghi đã bị giặc bắt năm 1888 thì ta tìm một người yêu nước trong hoàng gia lập làm vua để làm ngọn cờ tập hợp những người Trung nghĩa. Thứ hai khi cần thiết chúng ta có thể xuất ngoại để cầu viện quân đội nước ngoài giúp ta đánh Pháp.

  Một người nói:

-Hiện nay phong trào Cần Vương bị tiêu diệt hết, tôi thấy duy nhất chỉ có phong trào nông dân do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo là tồn tại cho đến ngày nay, đánh nhiều trận khiến cho quân Pháp và Lê Hoan thất điên bát đảo. Không hiểu nguyên nhân gì mà họ cầm cự kiên cường đến vậy. Tiếng tăm chấn động Đông Dương và Pháp. Pháp đã phải hai lần hòa hoãn với Yên Thế.

 Phan Bội Châu nói:

-Đệ nói đúng, hiện nay cả nước chỉ còn mỗi phong trào Yên Thế tồn tại ngạo nghễ trong vòng vây của quận thù là do tài lãnh đạo tổ chức của Hoàng Hoa Thám. Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác nữa. Nhưng Nguyên nhân gì thì phải lên tận Yên Thế mới biết được. Có lẽ tôi phải lên Yên Thế một chuyến để tìm hiểu tình hình vàn rút kinh nghiệm trước khi bắt tay vào việc lớn.

  Cả hai người cùng nói:

-Phải đấy, huynh nên đi Yên Thế một chuyến. Nhưng ai dẫn đường cho huynh.

-Không lo, tôi có một trò trẻ tên là Nguyễn Khắc Nhu quê ở Bắc Giang, gần Yên Thế. Tôi lên đó nhờ cậu ta dẫn đường. Vả lại sẽ thuận lợi vì nay là thời gian Pháp đang hòa hoãn với Yên Thế.

-Vậy tốt rồi. Chúc huynh thượng lộ bình an, thu được nhiều kết quả.

-Đa tạ, đa tạ. Xin cáo biệt, hẹn ngày gặp lại. 

     Trong đồn Phồn Xương, một sáng tháng 5 năm 1903, Đề Thám sau khi ăn sáng xong đang ngồi uống trà với Đề đốc Phu nhân Đặng Thị Nhu, với Cả Trọng, cả Dinh và quân sư Hoàng Điển Ân trong căn phòng duy nhất được xây gạch, lợp ngói khang trang dùng để tiếp khách. Phòng đặt những bàn lớn màu gụ khảm trai, đặt những ghế tràng kỹ cũng màu gụ hoa văn họa tiết. Đề Thám uống xong một cốc trà Bản Ven rồi nói:

-Theo thám mã của ta ở quán rượu nam sông Thương báo về, trưa nay Phồn Xương của ta có khách quý tới thăm.

Phu nhân Đặng Thị Nhu hỏi:

-Ai vậy tướng công?

-Là Giải nguyên Phan Bội Châu, hiệu là Phan Sào Nam.

Phu nhân hỏi tiếp:

-Phan Bội Châu là người thế nào? Tướng công nói qua về ngài ấy đi.

Hoàng Hoa Thám uống thêm chén trà rồi đáp:

-Phan Bội Châu là một danh sĩ, một nhà yêu nước nổi tiếng, hiện ngài đang tìm con đường cứu nước. Ngài sinh năm 1867 tại làng Đan Nhiễm, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm Canh Tý 1900, Phan Bội Châu đỗ đầu trong cuộc thi hương Nghệ An nên gọi là Giải nguyên. Phan Bội Châu có lòng yêu nước. Năm 17 tuổi đã viết bài hịch “Bình Tây thu Bắc” đem dán ở cây đa đầu làng để hưởng ứng phong trào chống Pháp. Năm 1885, khi chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi ban ra, Phan Bội Châu đã cùng bạn là Trần Văn Lương lập ra đội sĩ tử Cần Vương để hưởng ứng nhưng bị Pháp khủng bố. Sau khi đỗ Giải nguyên, Phan Bội Châu hình thành con đường cứu nước mới. Ở nước ta, sau khi mất nước, các nhà yêu nước vắt óc ra tìm đường con đường cứu nước. Ở nước ta, hiện nay có ba xu hướng cứu nước, một là khởi nghĩa vũ trang, dựa vào sức mình để giải phóng đất nước, thứ hai là con đường của Phan Bội Châu, ngài cũng bạo động cứu nước nhưng muốn dựa vào Nhật Bản, nhờ Nhật Bản giúp Việt Nam đánh Pháp. Ngài chuẩn bị thành lập Hội Duy Tân ở Quảng Nam vào năm sau, năm 1904, Minh chủ là Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, một người thuộc dòng tộc nhà Nguyễn. Nghe nói Phan Bội Châu đang vận động thanh niên yêu nước sang Nhật Bản học tập, phong trào này gọi là phong trào Đông Du. Có lẽ sau chuyến thăm Yên Thế, Phan Bội Châu sẽ xuất dương sang Nhật Bản, tìm con đường cứu nước.

Cả Trọng hỏi:

-Thế còn xu hướng thứ ba là gì? Ai là người khởi xướng thưa cha?

Đề Thám nhâm nhi chén trà rồi đáp:

Xu hướng thứ ba là xu hướng ôn hòa, còn gọi là xu hướng “Pháp-Việt đề huề” của nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh, biệt danh là Phan Tây Hồ. Ngài Phan Chu Trinh sinh năm 1872 ở làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ngài là người học giỏi. Năm Canh Tý 1900, Phan Chu Trinh đỗ cử nhân, năm 1901 đỗ Phó bảng. Ngài cũng đang khổ công tìm con đường cứu nước. Ngài cho rằng dân trí ta, dân khí ta thấp nên chưa thể nói đến tự mình độc lập, cho nên cần thuyết phục người Pháp phải ra sức nâng cao dân trí, nâng cao đời sống kinh tế cho người Việt Nam. Khi trình độ dân trí, dân khí đã cao thì mới nói đến chuyện giành độc lập và giữ được độc lập. Trình độ dân trí, dân khí thấp, cuộc sống nghèo khổ, có giành được độc lập cũng mất vào tay kẻ khác. Cho nên, ngài kịch liệt phản đối dùng biện pháp vũ lực vũ trang chống Pháp. Cùng mục đích chống Pháp giành độc lập tự do nhưng Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu đối lập quan điểm với nhau. Phan Chu Trinh nói với Phạn Bội Châu: Bất bạo động, bạo động tắc tử, bất vọng ngoại, vọng ngoại dã ngu. Tuy hai ngài dù còn trẻ tuổi nhưng các quan điểm có ảnh hưởng lớn đến lòng yêu nước hiện nay, bách tính cả nước đều mến mộ và chịu ảnh hưởng tư tưởng  hai ngài. Ở Hà Nội, do ảnh hưởng tư tưởng các ngài ấy mà ngài Lương Văn Can đã mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục chuyên giảng dạy sách vở thơ văn yêu nước của Phan Bội Châu và của những chí sĩ yêu nước khác. Ta đã sai người liên hệ với Lương Văn Can xem Yên Thế có thể giúp được gì cho Trường Đông Kinh Nghĩa Thục không, ví dụ như về tài chính nhưng chưa thấy hồi âm. Ngài Phan Chu Trinh cũng đang có ý tới thăm Yên Thế của ta đấy.

Đề đốc phu  nhân Đặng Thị Nhu nói:

-Trăm con đường chết mới tìm được một con đường sống. Ngài Phan Sào Nam thì sắp tới, thế còn ngài Phan Tây Hồ thì bao giờ tới?

Hoàng Hoa Thám đáp:

-Ngài Phan Chu Trinh hẹn sẽ thăm Yên Thế vào năm 1906.

Rồi gọi:

-Lính đâu.

-Dạ.

-Thu xếp một căn phòng đầy đủ tiện nghi cho ngài Phan Bội Châu nghỉ tạm mấy ngày.

-Dạ.

(Còn nữa)

CVL