Ông Già Bến Ngự (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 3

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Ông Già Bến Ngự” là Tập X trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 3.

 Phan Bội Châu ngồi im lặng nghe cha nói về những trang lịch sử đau thương của dân tộc mà buồn bã mà xót xa, phẫn uất. Qua một năm sau, năm 1885, vẫn trên cái bàn uống nước đó, hai cha con ngồi với nhau, ông Phổ vô cùng buồn bã nói với con:

-Con có nghe gì không, tháng 7 vừa rồi phái chủ chiến ở Triều đình do Tôn Thất Thuyết lãnh đạo đã tấn công đánh Pháp suốt đêm. Quân ta tấn công vào đốn Pháp ở Mang Cá, tấn công tòa Khâm Sứ Pháp. Quân Pháp bị đánh bất ngờ cố thủ, sáng hôm sau chúng phản công lại. Quân ta bắn suốt đêm hết đạn nên sáng hôm sau thì thất bại, kinh thành Huế thất thủ. Quân Pháp tràn vào kinh thành cướp phá, tàn sát, vơ vét cướp bóc của cải kho tàng, những di vật quý giá. Tôn Thất Thuyết phải đem vua Hàm Nghi và triều đình, hoàng gia chạy lên sơn phòng Quảng Trị. Nghe theo lời Tôn Thất thuyết, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương kêu gọi sĩ phu, văn thân cả nước đứng dậy đánh Pháp giúp vua cứu nước. Nhận được và hưởng ứng chiếu Cần Vương, văn thân sĩ phu từ Miền Trung đến Miền Bắc đã nổi dậy đánh Pháp, tạo nên một cuộc chiến giữa nhân dân ta và quân Pháp cực kỳ khốc liệt lâu dài. Ở Nam Trung bộ có khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng, Nguyễn Duy Hiệu, Tiểu La Nguyễn Thành... Ở ngay Hà Tĩnh, Nghệ An của ta có cuộc khởi nghĩa lớn của Đình Nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng, ở Thanh Hóa có khởi nghĩa của Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước, Trần Xuân Soạn. Lớn nhất là khởi nghĩa ở Ba Đình Nga Sơn do Đinh Công Tráng và Phạm Bành lãnh đạo, ngoài Bắc có khởi nghĩa lớn của Nguyễn Thiện Thuật ở vùng Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh. Ở vùng Kinh Bắc có cuộc khởi nghĩa do Thân Bá Phức, Lương Văn Nắm, Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Ngoài ra còn nhiều cuộc khởi nghĩa nhỏ khác ở nhiều địa phương.

  Phan Bội Châu phấn khởi nói:

-Hay quá, hay là cha cho con tham gia vào phong trào Cần Vương của Phan Đình Phùng đi cha.

  Cha thấy những phong trào đó không thể đánh thắng được quân Pháp vì vũ khí kém, lạc hậu, các phong trào địa  phương manh mún không tạo nên sức mạnh toàn dân tộc. Các phong trào đang đi vào thế bị động. Phong trào ở Nam Trung Kỳ đã bị tên đại Việt gian Nguyễn Thân đàn áp. Con còn trẻ, đường còn dài, phải học nhiều hiểu rộng, có thể phải tìm một con đường cứu nước mới.

-Con đường cứu nước mới như thế nào hở cha?

-Cha cũng chưa biết, con phải học cao lên và tìm lấy.

  Con đường cứu nước mới là gì? Phan Bội Châu còn lao lung suy nghĩ mà không tìm ra lời giải đáp. Một buổi sáng, ông Phổ ngồi vào bàn uống nước và gọi:

-Châu đâu.

-Dạ, thưa cha.

-Lại đây ta bảo.

Phan Bội Châu ngồi len lén vào ghế trang kỷ. Ông Phổ uống nước xong và cầm tờ giấy to bản cuộn tròn trên bàn mở ra, trên đó viết kín trang chữ Hán, cỡ to. Ông Phổ hỏi:

-Bài hịch “Bình Tây Thu Bắc” dán ở cây đã đầu làng do con viết à?

  Biết không thể chối cãi vì chữ của Phan Bội Châu rành rành. Phan Bội Châu thừa nhận:

-Vâng thưa cha.

-Ai bảo con viết?

-Dạ, không ai bảo, tự con viết ạ.

-Tại sao con viết?

-Dạ. Con căm thù giặc Pháp cướp nước nên muốn đánh đuổi chúng đi.

-Yêu nước là tốt nhưng con làm vậy khác nào bảo Pháp tao yêu nước đây, chúng mày đến mà bắt tao đi, như vậy tự mình tìm cái chết uổng phí. Phải học cao, có danh vọng mới tìm được con đường cứu nước mới. Học cao, danh vọng mới có danh vọng uy tín hiệu triệu đồng bào.

-Dạ, con xin vâng lời cha.

  Trong khi chờ đợi, gia cảnh nhà Phan Bội Châu ngày càng khó khăn, hai bố mẹ ngày càng già yếu ốm đau liên tục. Nhà lại chẳng có ai. Phan Bội Châu phải đi dạy học kiếm sống, thuốc thang cho bố mẹ. Trước đó, ông Thái Văn Giai, bạn học cùng ông Phan Văn Phổ có con gái là Thái Thị Huyên, hai ông đã có lời đính ước cho hai người từ nhỏ. Năm 1866, ông Phổ nói với Phan Bội Châu:

-Cha mẹ đã già, con là Nho sinh không thể làm những việc bếp núc, nội trợ nữ công được, cần có một bàn tay con dâu giúp đỡ. Cha mẹ cũng đã đính hôn cho con con gái ông Thái Văn Giai bạn học với bố. Năm nay con Huyên đã 23 tuổi. Đã đến lúc đón con dâu về nhà rồi. Ý con thế nào?

  Phan Bội châu đáp:

-Con xin vâng lời cha.

  Vậy là năm 1888, Phan Bội Châu cưới tiểu thư Thái Thị Huyên. Thái Thị Huyên sinh năm 1866, quê ở thôn Đức Nam, xã Diễn Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thái Thị Huyên là biểu tượng cho thế hệ phụ nữ theo truyền thống phong kiến Việt Nam, âm thầm chịu đựng gian khổ, gánh vác lo toan công việc gia đình để Phan Bội Châu có thể lo việc học hành thi cử đỗ đạt thành danh, sau nữa là thực hiện giấc mơ cứu nước.

  Chung sống với Phan Bội Châu 8 năm mà không có con, bà Huyên chủ động cưới vợ thứ hai cho chồng là bà Nguyễn Thị Em. Bà Em về được một năm thì năm 1901, sinh con trai là Phan Nghi Đệ, sau đó sinh một gái là Phan Thị Cương. Sau đó không ngờ bà Huyên cũng sinh một con trai đặt tên là Phan Nghi Huynh.

  Tiếp chuyện vui thì đến chuyện buồn, năm tiếp theo thân mẫu Phan Bội Châu là bà Nguyễn Thị Nhàn qua đời. Rồi lại đến chuyện vui, năm 1900 Phan Bội Châu thi Hương ở trường thi Nghệ An và đỗ  Giải Nguyên (đỗ đầu), tiếng tăm lừng lẫy chấn động giới Nho sĩ Nghệ An và cả nước.

  Năm 1901 ông Phan Văn Phổ qua đời. Lúc này Phan Bội Châu thấy rằng có thể giao hết việc nhà, nuôi con cái cho bà Huyên và bà Em, còn ông có thế dấn thân vào con đường hoạt động đánh Pháp, thỏa khát vọng từ thời niên thiếu.

(Còn nữa)

CVL