Phấn đấu đến hết năm 2025 có 25.000 hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp

Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan sáng 8/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nông nghiệp sinh thái bền vững, hiệu quả cao gắn với xây dựng nông thôn mới.
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc nội dung chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan sáng 8/6. Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong những năm qua, với sự nỗ lực vượt bậc của ngành nông nghiệp, cộng đồng hiệp hội doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân cả nước, ngành nông nghiệp phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, làm trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất do tác động của đại dịch COVID-19. Sản xuất kinh doanh nông nghiệp đang triển theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, bám sát nhu cầu của thị trường, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tỷ lệ nông sản qua chế biến tăng rõ rệt, bình quân khoảng 30% một năm.

Thị trường tiêu thụ được mở rộng cả trong và ngoài nước, xuất khẩu nông sản tăng nhanh cả về sản lượng, giá trị và tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao. Việt Nam đứng thứ 15 thế giới, thứ hai khu vực Đông Nam Á về xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, nông nghiệp nước ta vẫn còn tình trạng manh mún, nhỏ lẻ và tự phát, phát triển còn thiếu bền vững; năng suất cây trồng, vật nuôi khá cao nhưng năng suất lao động thấp, thu nhập và đời sống của người dân chưa cao, có lúc có nơi còn rất khó khăn, đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để hiện thực hóa chủ trương tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn trước Quốc hội, nhưng với kinh nghiệm thực tiễn phong phú và nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng đã cho thấy nắm rõ tình hình, thực trạng, vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, nhìn chung đã trả lời đầy đủ, bao quát các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra và bảo đảm bảo đảm quy định về thời gian, đồng thời gợi mở nhiều định hướng lớn và đề xuất một số giải pháp cụ thể cho lĩnh vực này trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, các đồng chí Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, giải trình thêm những ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm.

4 nhóm giải pháp phát triển ngành nông nghiệp

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, qua báo cáo của Bộ trưởng gửi đến các đại biểu Quốc hội và diễn biến của phiên chất vấn đã làm rõ thêm thực trạng, tình hình hiện nay và những phương hướng, giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nông nghiệp sinh thái bền vững, hiệu quả cao gắn với xây dựng nông thôn mới, lấy người nông dân là chủ thể và trung tâm xây dựng chương trình hành động với các chiến lược, kế hoạch, đề án, giải pháp cụ thể để triển khai có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa 13 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; cũng như các Kết luận, Nghị quyết công tác giám sát chuyên đề của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, gắn an ninh lương tự với an ninh nguồn nước, bảo vệ và làm giàu đất đai, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất kinh doanh nông nghiệp, chế biến, bảo quản nông sản, đáp ứng nhu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu sớm đưa Việt Nam thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu của ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Thứ hai, xây dựng và quyết liệt triển khai chương trình hành động thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa 13 về phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã. Tham mưu cho Chính phủ tổng kết và đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2013. Thường xuyên quan tâm đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là các hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp. Chú trọng phát triển quy mô hợp tác xã và tăng nhanh tỷ trọng hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. Phấn đấu đến hết năm 2025 có 25.000 hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp. Khuyến khích hình thành các tổ hợp tác trang trại liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ, coi đây là một trong những bước đột phá để phát triển sản xuất quy mô lớn, thay thế sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Tổ chức sản xuất, liên kết thị trường theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, giữa nông dân với nông dân; giữa nông nghiệp với doanh nghiệp. Củng cố tổ chức lại hệ thống phân phối nông sản, tăng cường ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử. Nâng cao năng lực dự báo, xác định nhu cầu thị trường, thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất hàng hóa theo nhóm trục sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh và nhóm sản phẩm OCOP. Đến năm 2025 phấn đấu có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Xây dựng và triển khai đề án chuyển dần từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Thực hiện các giải pháp đột phá để gia tăng giá trị kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh xây dựng các trung tâm logistic nông sản, hệ thống kho lạnh, gắn với vùng xuất khẩu nông sản, gắn với vùng nguyên liệu, nâng cao năng lực chế biến, bảo quản nông sản. Xây dựng và triển khai các đề án đẩy mạnh xuất khẩu nông sản ra thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản…

Thứ ba, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương đánh giá bối cảnh tình hình trong nước và thế giới, nhu cầu trong nước, điều tiết xuất nhập khẩu, vật tư nông nghiệp đầu vào, tăng cường kiểm minh bạch về giá, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi. Khắc phục tình trạng thiếu giống, thiếu chủ động về giống, vật tư nông nghiệp; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ sinh học, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tăng cường sử dụng sản phẩm nông nghiệp trong nước, phụ phẩm chế biến để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, phân bón hữu cơ giảm phụ thuộc một phần nguồn nhập khẩu.

Thứ tư, triển khai nhanh chóng, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tác xã, hộ kinh doanh phục hồi sau đại dịch COVID-19. Rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Bố trí, cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách đã được quyết định. Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa mạnh mẽ thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Cắt giảm loại hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành, rút ngắn thời gian kiểm tra, tăng cường quản lý rủi ro, không để xảy ra nhũng nhiễu doanh nghiệp trong các khâu cấp phép kiểm dịch thực vật và động vật. Phấn đấu cắt giảm đơn giản ít nhất 20% quy định, 20% chi phí tuân thủ. Xây dựng nhanh chóng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp, khuyến khích số háa, tích hợp các quy trình sản xuất, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận công nghệ số và sản xuất, thương mại nông sản cho nông dân. Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thúc đẩy nghiên cứu, làm chủ và phát triển ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích đầu tư ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Hoàn thiện chính sách xây dựng và triển khai các đề án thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ươm tạo và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp./.