Phát huy giá trị kinh tế và văn hoá phi vật thể sen Tây Hồ

Trong khuôn khổ Lễ hội Sen Hà Nội 2024 sẽ diễn ra "Hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam" vào chiều ngày 12/7/2024. Nhân dịp này, UBND quận Tây Hồ chia sẻ một số thông tin về phát triển sen trên địa bàn quận Tây Hồ. Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam xin giới thiệu một số thông tin liên quan.

Trong văn hóa người Việt, hoa sen mang hình tượng cao quý, thuộc bộ tứ quý “lan, sen, cúc, mai”. Hoa Sen đã trở thành Quốc hoa của Việt Nam bởi sự thân thuộc, gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc ta từ hàng ngàn năm nay. Hoa Sen hội đủ cả sắc và hương, sen biểu trưng cho sự thanh khiết, bình dị mà thanh cao của người quân tử “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Hoa sen Tây Hồ không chỉ hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp vô thường, mà còn bởi sen đã đi vào thi ca nhạc họa thật nhẹ nhàng nhưng chứa đầy cảm xúc.

Quận Tây Hồ nằm ở phía Bắc thủ đô Hà Nội, nơi được thiên nhiên ưu đãi, nổi bật không chỉ với Hồ Tây - lá phổi xanh của Thành phố, mà còn có Sen Bách Diệp, một giống Sen có 100 cánh, bông to, hương thơm đặc trưng rất khác biệt so với các loài sen khác. Người dân trồng Sen Tây Hồ coi đây là một đặc ân được trời đất ban tặng và đặc biệt các hồ sen lại được hiện diện bên cạnh Hồ Tây thơ mộng, đó cũng chính là niềm tự hào của người dân Tây Hồ.

sentayho-1720751142.jpeg

Hoa sen mang hình tượng cao quý và là niềm tự hào của người dân Tây Hồ

Đặc sản trà sen Tây Hồ là một trong những sản phẩm mang tính biểu tượng của thủ đô Hà Nội. Với hương thơm dịu nhẹ, vị thanh mát, trà sen Tây Hồ đã trở thành món quà đặc biệt được nhiều người yêu thích và lựa chọn cho gia đình, bạn bè.

Cây hoa sen không chỉ được khai thác sản phẩm từ hoa để cắm, trang trí mà hạt sen tươi, củ sen, hạt sen khô được sử dụng làm nguyên liệu để nấu ăn hay chế biến thành các sản phẩm ăn liền rất ngon và tốt cho sức khỏe; trà tâm sen, trà ướp hoa sen, trà lá sen... là những đặc sản gắn liền với thói quen thưởng thức trà của người dân Việt Nam. Bên cạnh đó các nghệ nhân làng nghề còn sử dụng cây hoa sen làm nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lá sen như túi lá sen, nón lá sen... được du khách nước ngoài rất yêu thích khi tới du lịch nước ta. Rất nhiều sản phẩm từ sen đã được công nhận là mặt hàng OCOP tiêu biểu.

Tuy nhiên, thời gian qua, do nhiều lý do, diện tích trồng sen đã bị mai một. Để giữ gìn, khôi phục và phát triển diện tích trồng sen, giữ nét văn hóa của người Hà Nội, văn hóa của người Việt. Quận Tây Hồ đã và đang triển khai thực hiện Đề án khôi phục trồng Sen Bách Diệp tại 18 hồ trên địa bàn được Thành phố phê duyệt nhằm khôi phục và bảo tồn giống sen Bách Diệp nổi tiếng - phát huy giá trị kinh tế và văn hóa Sen Tây Hồ. Song song với đó, Quận tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu về tiềm năng, lợi thế, vai trò của việc trồng Sen, qua đó góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế, du lịch - văn hóa làng nghề trên địa bàn quận.

Lễ hội Sen Hà Nội được tổ chức tại Không gian Văn hóa sáng tạo Tây Hồ hứa hẹn mang đến cho nhân dân Thủ đô và du khách trong, ngoài nước những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc của vùng đất Tây Hồ. Lễ hội nhằm giới thiệu những giá trị độc đáo của nghề “ướp trà sen” cũng như những nét đặc trưng riêng có của văn hóa sen trong đời sống người Việt; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tăng cường liên kết, sản xuất và tiêu thụ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm các sản phẩm sen Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước, góp phần phát triển kinh tế, du lịch địa phương.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội quảng bá và kích cầu du lịch, khơi dậy tiềm năng phát triển các sản phẩm OCOP của các địa phương; thu hút du khách đến tham quan Hà Nội, Tây Hồ, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng quận Tây Hồ thành “Trung tâm dịch vụ - du lịch - văn hóa của Thủ đô”, trong đó Sen Tây Hồ là một điểm nhấn, là một thương hiệu của quận Tây Hồ nói riêng và thủ đô Hà Nội nói chung. 

(Tài liệu Hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam)