Người dẫn đường ở xứ núi
Nhìn thăm thẳm vào núi rừng Kbang (Gia Lai) trong chiều muộn, khi tiếng ching chiêng của lũ làng đang ngân lên khúc giao tấu đón khách giữa bập bùng lửa, người đàn ông Ba Na 40 tuổi Đinh A Ngưi, ở làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang trầm ngâm. Tiếng chiêng này, tiếng trống này, tiếng người đàn ông, người đàn bà đang hát dân ca này vốn đã sẵn trong máu A Ngưi, như muôn nghìn người Ba Na khác ở Tây Nguyên.
Nước da đen giòn rắn rỏi, giọng nói trầm và vang, A Ngưi hòa vào đội cồng chiêng của làng mình, cùng diễn tấu để phục vụ du khách trong chính homestay anh dày công xây dựng. Điền trang này của anh, nhưng thực ra cũng là của tất cả người làng. Nhiều năm trước, khi còn công tác tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Kbang, trong những lần dẫn tour cho khách du lịch ghé thăm Kbang, thấy nhu cầu của khách muốn được trải nghiệm và khám phá thêm về Tây Nguyên, A Ngưi chợt nhận ra phải làm gì đó để níu giữ du khách, đồng thời quảng bá được những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Ba Na. A Ngưi nhìn cách làm của nhiều người khác, nhìn cách bảo tồn văn hóa và sống được nhờ di sản của nhiều nơi khác, mà cứ đau đáu cho làng mình.
Thế là A Ngưi thuyết phục gia đình, gom góp tiền dựng lên những ngôi nhà sàn theo đúng lối sống người Ba Na, dựng thêm nhiều lều trại bằng tranh tre dân dã, thiết kế những tour khám phá văn hóa bản địa, các tour trải nghiệm thiên nhiên. Một mình A Ngưi lần mò khảo sát các tuyến đường đi thác Hang Dơi, thác Hang Én hay suối Đăk Lôp, thác Kon Lok… Khảo sát xong rồi, A Ngưi lên lịch trình tour tuyến và chính anh cũng là hoa tiêu, hướng dẫn viên dẫn đường cho những đoàn du khách khám phá những điều kì bí và vẻ đẹp tự nhiên nơi đây.
Cái xem đã có rồi, còn cái ăn, cái chơi, cái mang về... phải làm sao cho du khách ai cũng hào hứng và thích thú, ai cũng muốn đến và lúc về phải vấn vương lưu luyến. A Ngưi nghĩ mãi, lũ làng vẫn còn nhiều người biết đến những bài ching chiêng cổ, những bài dân ca Hơ Amon, Hơ Achoi, thổ cẩm vẫn còn nhiều người dệt, đan lát vẫn còn nhiều người quen tay... A Ngưi biết di sản không phải chỉ là cái vô hình, mà còn có cả những vật chất dù nhỏ, nhưng gom góp lại sẽ tạo thành một tổng thể cho di sản và có thể khai thác được. Thế là A Ngưi đứng ra vận động lũ làng cùng xây dựng lên làng du lịch cộng đồng.
Trả nghĩa với buôn làng
Từ năm 2019, khi bắt đầu làm du lịch, đôi chân của người đàn ông Ba Na Đinh A Ngưi dường như không biết mỏi, in hằn khắp núi rừng Kbang. Rồi anh tập hợp người làng bàn cách làm những món ăn dân dã từ heo, gà nhà, cá suối, rau vườn. Điều quan trọng nhất là anh kéo được cả cộng đồng cùng làm để ai cũng có thu nhập, ai cũng có niềm tin vào công việc.
Trên diện tích 1ha, homestay của A Ngưi bây giờ có 6 khu ngủ nghỉ và 1 nhà sinh hoạt cộng đồng. Tại nhà sinh hoạt chung, A Ngưi bày trí những món đồ gần gũi, đặc trưng của đồng bào Ba Na: cồng chiêng, đàn T’rưng, nhiều trang phục, vật dụng được làm từ thổ cẩm đẹp và tinh xảo do chính tay mẹ anh trồng bông, se sợi, nhuộm màu và dệt… Du khách được trải nghiệm nấu các món ăn truyền thống như cơm lam, gà nướng, cà đắng, cùng các nghệ nhân đan gùi, dệt váy, áo; xem biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, nghe hát kể sử thi… hay được trải nghiệm thực tế vào rừng khai thác mật ong, hái rau, bắt cá suối…
Du khách khắp nơi nghe tiếng dần tìm đến ngày một đông và vô cùng thích thú. Trung bình mỗi tuần, homestay đón từ 30 - 100 khách. Nhiều khi, lượng khách đi theo đoàn tăng đột biến, lên đến 4 - 5 đoàn trong dịp cuối tuần. Tính đến cuối năm 2019, lượng khách đến đây đã lên đến gần 2.000 lượt khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hai năm dịch bệnh vừa qua cũng khiến điểm du lịch của A Ngưi chật vật vì phải tạm đóng cửa. Trong thời gian ấy, anh đã hoàn thành Đề án xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kgiang. Đề án được UBND tỉnh phê duyệt mở ra bức tranh chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên quê hương Anh hùng Núp. Bây giờ, làng của A Ngưi đã có thể đón 200 khách cùng lúc.
Từ ngày có A Ngưi làm du lịch, cả làng được nhờ. Người làng ngoài việc lo chuyện đồng áng, về nhà lại biết trồng thêm vườn rau, nuôi thêm con gà, con heo. Những người phụ nữ Ba Na thì dệt thổ cẩm, dệt ra những chiếc túi lớn nhỏ, dải băng quấn đầu, những bộ trang phục để khách đến thích thì mặc chụp hình hay mua về làm quà, cũng có khi gom góp mấy đồ mây tre đan của người già mang đến trưng bày để giới thiệu với du khách. Khi rảnh rỗi, họ lại tụ về nhà rông để tập luyện cồng chiêng phục vụ du khách ghé thăm nhà A Ngưi. Già làng Đinh Plich phấn khởi: “Mới đầu, người làng không tin A Ngưi làm được, nhưng sau này thấy khách đến đông nên ai cũng hào hứng, chỉ cần A Ngưi gọi là có mặt. Nhờ A Ngưi mà dân làng có thể phục dựng nhiều nét văn hóa quảng bá đến khách du lịch, lại có thêm thu nhập lo cho gia đình”.
“Người Ba Na mình có âm thanh ching chiêng, đàn T’rưng… hay thế, giàu có thế. Đẹp cả từ căn nhà rông đến bộ váy áo nữ. Ngon và sạch không chỉ món gà nướng, con cá suối, cơm ống nứa, mà còn thơm cả mùi vị những trái bí, trái bầu, nắm rau rừng…, làm sao để gìn giữ? Tôi muốn đưa văn hóa của người Ba Na đến gần hơn với bạn bè bốn phương. Vì muốn giữ văn hóa nguyên bản, sự mộc mạc của con người Tây Nguyên, tôi chọn du lịch cộng đồng để vừa quảng bá, vừa bảo tồn theo kiểu “lấy di sản nuôi di sản”. Phát triển du lịch cộng đồng là tạo ra câu chuyện để bán, là cách bảo tồn lâu dài và bền vững để người dân trong làng cùng làm giàu trên chính quê hương, biến giấc mơ làng Kgiang ấm no, giàu bản sắc văn hóa trở thành sự thật” - A Ngưi bộc bạch.