Còn nhỏ lẻ, tự phát
Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới cả nước đã có 5.706 xã đạt chuẩn, chiếm gần 70% tổng số xã. Diện mạo nông thôn đã có những đổi thay rõ nét. Đây là cơ sở để hình thành những điểm du lịch bên cạnh việc khai thác cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa và tập quán canh tác lâu đời các dân tộc. Tuy nhiên để trở thành điểm du lịch nông thôn cần phát triển dịch theo tiêu chuẩn cần sự tham gia của các hộ dân và cộng đồng.
Ông Chu Xuân Ba, thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang thu hoạch vải.
Về thôn Muối, xã Giáp Sơn đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2017 và nông thôn mới nâng cao từ năm 2020, có thể dễ nhận thấy đời sống người dân nâng cao trồng vải nhưng dịch vụ để phát triển du lịch còn khá sơ khai. Gia đình ông Chu Xuân Ba ở xóm Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn có hơn 2ha trồng vải, và khoảng 0,5ha trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Với những lợi thế và tiềm năng sẵn có, gia đình ông Chu Xuân Ba mới bắt đầu triển khai mô hình phát triển du lịch gắn với các loại cây ăn quả sẵn có của gia đình. Tuy nhiên, các dịch vụ phục đoàn khách gần như tự phát và chưa có dịch vụ du lịch.
“Tôi cũng muốn phát triển du lịch chủ yếu là để quảng bá hình ảnh vườn vải và qua đó tiêu thụ được giá hơn. Hiện khi có khách du lịch tới thì chúng tôi cũng để khách tham quan và bán vải theo yêu cầu”, ông Chu Xuân Ba chia sẻ.
Ông Vi Văn Tư, Bí thư Đảng ủy xã Giáp Sơn cho biết: Thôn Muối có khoảng 400 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người Sán Dìu chiếm 98%. Bình quân mỗi hộ có hơn 1 ha vải thiều. Do 100% hộ dân trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, một số hộ trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP nên bán được giá. Để thúc đẩy tiêu thụ tại chỗ, chúng tôi cũng định hướng phát triển du lịch gắn với giá trị văn hóa. Tuy nhiên để xây dựng chuẩn dịch vụ du lịch còn rất nhiều việc phải làm.
Bà Khúc Thị Nga, Phó Giám đốc HTX thương mại và dịch vụ An Phú cho biết: Chúng tôi đang xây dựng các chương trình tham quan du lịch gắn giữa vườn vải và du lịch tại hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn). Tuy nhiên, dịch vụ vẫn ở mức sơ khai. Với các vườn vải, người dân tập trung chủ yếu trồng, thu hoạch nông nghiệp thuần túy, chưa có các dịch vụ hỗ trợ và khả năng giới thiệu về quy trình, chăm sóc, thu hoạch, phân biệt các loại vải. Còn trên hồ Cấm Sơn mới chỉ có 1 đảo xây dựng chỗ ăn ở, cắm trại và đưa khách đi vào bản trải nghiệm du lịch cộng đồng. Ngay cả thuyền chở khách chủ yếu là tận dụng lại thuyền chở dân đi lại trên lòng hồ nên chưa theo đúng tiêu chuẩn du lịch. Hiện nay, các thành viên hợp tác xã cũng căn cứ trên nhu cầu và lượng khách để đầu tư thuyền có chất lượng dịch vụ tốt hơn, giảm tiền ồn, đảm bảo môi trường.
Ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam sau khi khảo sát thực địa về điểm đón khách tại thôn Muối nhận xét: Hạ tầng, đường xa đi lại trong thôn khá hoàn thiện nhưng chất lượng tiêu chuẩn dịch vụ du lịch gần như sơ khai từ vệ sinh, thông tin giới thiệu. Xã và huyện nên quy hoạch và hướng dẫn cụ thể. Tại vườn vải cũng hướng dẫn, bảng thông tin cây nào khai thác phục vụ du lịch, cây nào để bán buôn…. Nhiều gia đình thu nhập từ trồng vải khá lớn nên ý thức để bỏ công sức để đầu tư dịch vụ du lịch chưa được quan tâm.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc công ty du lịch AZA, với lợi thế về hạ tầng đã được đầu tư khi xây dựng nông thôn mới, huyện Lục Ngạn có thể thành điểm du lịch khi xây dựng được sản phẩm du lịch từ điểm nghỉ dưỡng, tham quan di tích… Với vùng vải, cần phải có sự kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp địa phương để phối hợp với bà con thống nhất quy trình đón khách. Khách đến vườn vải, được trải nghiệm.
Tạo điểm nhấn về chất lượng dịch vụ
Nhìn rộng ra toàn quốc, loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đã có từ khi Việt Nam hội nhập, phát triển du lịch gắn với các loại hình du lịch cộng đồng, du lịc sinh thái… Một số địa phương phát triển loại hình gắn với nông thôn như trồng rau ở Quang Nam, du lịch miệt vườn tại đồng bằng sông Cửu Long.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Không chỉ Bắc Giang mà tại một số vùng trồng cây ăn quả, để các chủ vườn tham gia phát triển du lịch là điều khó khăn. Đơn cử như trước đây, tại khu vực trồng cam Hàm Yên (Tuyên Quang), giá trị từ trồng cam lớn nên khi vận động người dân tham gia điểm du lịch thì ít hộ mặn mà bởi chi phí đầu tư, duy trì dịch vụ khá tốn kém, lợi nhuận không là bao so với bán cam. Do đó, khi vận động, chỉ có 1-2 hộ tham gia dự án phát triển du lịch với mục đích chính là quảng bá sản phẩm, tuyên truyền nét văn hóa.
Du khách tham quan và thưởng thức vải Lục Ngạn tại vườn.
“Để phát triển du lịch nông nghiệp theo đúng chuẩn gắn liền với sản xuất, tìm hiểu về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch… Điều này gắn với trải nghiệm và quan trọng nhất là trải nghiệm và bán được hàng hóa. Có như vậy mới mang lại giá trị kinh tế và khuyến khích người dân tham gia chương trình du lịch nông nghiệp. Còn với du lịch nông thôn, quan trọng không kém bên cạnh hạ tầng là gìn giữ được nét văn hóa. Do vậy, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới là chọn một số làng, thôn điển hình để làm điểm, từ đó mới tạo được sức hút để có khách”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch Việt Nam) cho biết, từ năm 2018, Tổng cục đã có bàn thảo về du lịch nông nghiệp, nông thôn nhân hội chợ du lịch VITM 2018. Lúc đó, Tổng cục cũng nhận định ở Việt Nam, phần lớn hoạt động nông nghiệp có quy mô nhỏ, diện tích đất sản xuất nông nghiệp hạn chế, nông sản có giá trị thấp, công nghệ chế biến lạc hậu… ảnh hưởng đến thu hút khách. Do đó, để thành điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn cần các yếu tố: Không gian tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp, chủ thể tổ chức cung ứng hoạt động du lịch nông nghiệp, các hoạt động của du lịch nông nghiệp cung ứng cho du khách, vai trò của các công ty lữ hành, chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp, hoạt động xúc tiến quảng bá, truyền thông điểm đến.
Từ góc độ doanh nghiệp du lịch, bà Phạm Thị Hồng Thu, Phó Chủ tịch Chi hội Du lịch cộng đồng cho biết: Mới đây, chúng tôi có tham gia khảo sát du lịch nông nghiệp tại Lục Ngạn (Bắc Giang). Cùng với Mộc Châu (Sơn La), Lục Ngạn hướng đến hình thành điểm du lịch nông nghiệp gắn với vùng trồng cây ăn quả và kết nối với điểm tham quan sinh thái tại hồ Cấm Sơn nhưng cơ sở vật chất của Lục Ngạn còn quá nghèo nàn khi ít khách sạn mà chủ yếu là những nhà nghỉ. Còn một nơi đẹp như hồ Cấm Sơn nhưng khi khách đến không có chỗ nghỉ ngơi, chỉ thưởng thức 1 bữa ăn trên đảo rồi trở về. Như vậy, việc đón khách mới chỉ dừng lại khách nội địa tham quan trong ngày và ít mạng lại hiệu quả kinh tế.
Để khai thác tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 Tổng nguồn lực thực hiện Chương trình dự kiến khoảng 2.500 tỷ đồng.
Mục tiêu đến năm 2025 mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương. Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch, đặc biệt là sẽ có cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc.
Check - in tại vườn vải tại thôn Muối.
Thực tế cho thấy, chương trình xây dựng nông thôn giai đoạn vừa qua có vai trò nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống… Đây là cơ sở tốt để khai thác phục vụ du lịch khi có sự liên kết với các doanh nghiệp du lịch để góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững hơn thông qua việc nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho người dân, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa...
“Du lịch nông nghiệp nông thôn sẽ chỉ được đánh thức, phát huy khi người dân tại điểm thấy yêu và tự hào với vẻ đẹp không gian nơi họ sống, sản phẩm họ làm ra và những giá trị văn hóa được bảo tồn lan tỏa tới cộng đồng. Bên cạnh đó, làm du lịch phải có đầu tư chuyên sâu để khách lưu trú, ăn uống, dùng nông sản địa phương, mua sắm, sử dụng dịch vụ du lịch.... qua đó tạo công ăn việc làm, tăng giá trị kinh tế mới phát triển bền vững, đồng thời quảng bá, lan tỏa nét đẹp địa phương”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương nhận xét.