Tới nay đã có nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách. Nhiều làng quê đã hồi sinh ngành nghề truyền thống của địa phương và tăng thêm giá trị nhờ phát triển du lịch.
“Mỏ vàng” ngành du lịch
Là một trong những địa phương đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, Hà Nội đã xây dựng và quy hoạch phát triển 17 làng nghề gắn với du lịch. Các điểm đến du lịch nông nghiệp ở Hà Nội đã có sự quan tâm, đầu tư, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Điển hình như mô hình du lịch nông nghiệp tại phường Giang Biên, quận Long Biên. Trải nghiệm tour du lịch Giang Biên có 3 sản phẩm du lịch tại Khu nông trại - vườn rau sạch Giang Biên. Đó là chương trình tour “Một ngày làm nông dân”, tour “Học kỳ nông nghiệp”, tour “Sống xanh - sống lành”.
Ngoài ra, các huyện ngoại thành của Hà Nội còn có nhiều mô hình khai thác thế mạnh của nông nghiệp, nông thôn. Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, diện tích rộng, nhiều sản vật địa phương và vẫn tồn tại các làng nông nghiệp lâu đời, tạo nên những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như hoa hồng, các loại rau màu của Mê Linh, các loại rau, ổi Đông Dư (huyện Gia Lâm), cây ăn trái như ổi, nho, táo, bưởi, cam ở huyện Hoài Đức…
Không chỉ Hà Nội, nhiều địa phương trên cả nước cũng đang tích cực triển khai thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Hiện nay, một số tour du lịch cộng đồng gắn với vùng trung du, vùng núi phía Bắc đã trở thành thương hiệu của vùng như tour trải nghiệm, thăm quan nông trường Mộc Châu; tour du lịch ngắm ruộng bậc thang, thăm quan bản làng tại Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu…
Tại miền Trung, du khách trong nước và quốc tế cũng rất thích những sản phẩm du lịch trải nghiệm các hoạt động nghề nông ở Hội An (Quảng Nam): làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, làng rau An Mỹ, làng chài Cù Lao Chàm, làng bắp Cẩm Nam…
Tỉnh Ninh Thuận được đánh giá là một trong số các tỉnh phát triển về du lịch nông thôn gắn với 2 loại hình du lịch cộng đồng và sinh thái với các làng du lịch sinh thái như dân tộc Bố Lang, Làng sinh thái dân tộc Raglai. Huyện Ninh Phước có Làng nghề gốm cổ Bàu Trúc và Làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, huyện Ninh Hải có Làng du lịch thôn Vĩnh Hy…
GS.TS Phạm Thị Mỹ Dung (Viện Khoa học phát triển nông thôn - Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội) khẳng định, mô hình du lịch nông thôn không chỉ đem lại sinh kế cho nông dân mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường sinh thái. Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, bền vững của điểm đến du lịch.
Tạo sự liên kết với các ngành
Mặc dù có tiềm năng lớn, nhiều địa phương đã triển khai, nhưng nhiều ý kiến cho rằng du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa đi đúng hướng và thiếu bền vững. Nhiều sản phẩm sao chép giống nhau giữa một số vùng miền gây ra sự cạnh tranh giữa các địa phương. Cùng với đó, chưa đưa sinh kế và môi trường vào phát triển du lịch cộng đồng như ở một số điểm du lịch.
Bên cạnh đó, vấn đề đảm bảo quyền lợi cho du khách chưa được chú trọng đúng mức. Các địa phương cần tăng cường tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh du lịch, nhất là tại những khu, điểm du lịch tự phát. Từ đó tránh rủi ro, đảm bảo an toàn dành cho du khách, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.
Ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á nhận định, tình trạng phát triển du lịch chụp giật, không chuyên nghiệp và không đưa cộng đồng vào tham gia là một vấn đề đáng quan ngại đang gặp phải. Để xây dựng, quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm du lịch nông nghiệp Việt Nam, cần sự hợp tác giữa các ngành liên quan với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Giúp người dân kiến thức làm du lịch nông nghiệp. Cùng với đó, xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch nông nghiệp chất lượng tốt, đảm bảo an toàn. Nâng cao chất lượng các điểm lưu trú để du khách có nhiều trải nghiệm, tương tác với đời sống của người dân địa phương. Đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị thu nhập và chất lượng sản phẩm.
“Trước hết cần ưu tiên thành lập hợp tác xã, trong đó có các tổ dịch vụ. Xây dựng các dòng sản phẩm dựa trên các sản phẩm bản địa đặc sắc, sau dùng sức mạnh cộng đồng để hỗ trợ các homestay hoàn thiện quy chuẩn phát triển sinh kế. Cùng với đó là thiết lập mạng lưới kết nối giữa nông dân, nhà sản xuất và người tiêu dùng nhằm tạo sự tin tưởng trong quan hệ thương mại. Đào tạo cho những người nông dân biết cách truyền thông” - ông Quỳnh nói.
Theo TS Phạm Văn Hội - Giám đốc Trung tâm Sinh thái nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nông nghiệp sinh thái là giải pháp để không chỉ phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, còn thúc đẩy các hoạt động liên quan đến phát triển du lịch cũng như các hoạt động văn hóa xã hội khác. Tuy có lợi thế phát triển về du lịch nông thôn song đây là lĩnh vực còn khá mới mẻ ở nước ta, do đó nhà quản lý cần xây dựng tầm nhìn, chiến lược để có lộ trình thực hiện. Từ đó sẽ tạo ra động lực để phát triển mạnh mẽ các mô hình du lịch.
Thạc sĩ Trần Minh Phương - Trường Đại học Thương mại cho rằng, cần đưa quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn trong tổng thể quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia. Đẩy mạnh đa dạng hóa, phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao. Tạo không gian đổi mới, sáng tạo, hình thành sản phẩm mới, xanh và bền, gắn với xu hướng tìm về thiên nhiên, tăng tính trải nghiệm, trách nhiệm cho du khách. Xây dựng, triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương; xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu điểm đến du lịch nông thôn. Tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách, để du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển, đặc biệt là chính sách đất đai, thu hút đầu tư vào du lịch.