Phát triển làng nghề gắn với công nghiệp văn hóa của Hà Nội

Nongthonvaphattrien - Sáng nay, 10/2, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã đến thăm, động viên sản xuất, kinh doanh của Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội nhân dịp đầu Xuân mới Nhâm Dần 2022 tại trụ sở Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm).

Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh Hà Thị Vinh cho biết, từ một tổ hợp tác chỉ với 6 thành viên ban đầu đến nay công ty đã có 2 nhà máy sản xuất với hàng trăm lao động. Trong đó, công ty vừa đưa vào hoạt động Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt trên diện tích 3.300m2 tại xã Bát Tràng để giới thiệu sản phẩm các làng nghề truyền thống của TP và qua đó giới thiệu văn hóa, quảng bá du lịch của Thủ đô.

thanh1-1644733296.jpg
Phát triển làng nghề gắn với công nghiệp văn hóa của Hà Nội

“Trong 2 năm qua, dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng các thành viên Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội không ngừng đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động” - bà Hà Thị Vinh cho biết.

Trực tiếp đi thăm các gian hàng trưng bày các sản phẩm làng nghề của Hà Nội tại Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong ân cần thăm hỏi, động viên, chúc Tết các nghệ nhân, người lao động đang làm việc tại đây cũng như các thành viên Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội. Đồng thời bày tỏ phấn khởi, chúc mừng những kết quả mà Hiệp hội cũng như Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh đạt được trong hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2021 dù chịu nhiều tác động của dịch Covid-19.

thanh4-1644733403.jpg
thanh2-1644733275.jpg
thanh3-1644733352.jpg
Doanh nhân Nguyễn Trung Thành hướng dẫn đoàn thăm quan khu trưng bày

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Thành ủy Hà Nội sẽ sớm ban hành Nghị quyết chuyên đề về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Điều đó cho thấy TP có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển ngành Công nghiệp văn hóa trong thời gian tới. Bởi Hà Nội hiện có hơn 1.350 làng nghề, chiếm 1/3 số làng có nghề và làng nghề được công nhận của cả nước. Trong đó, có những làng nghề có hơn 1.000 năm phát triển gắn với quá trình hình thành Thăng Long - Hà Nội, với nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo.

“Việc phát triển các làng nghề gắn với công nghiệp văn hóa không chỉ góp phần giữ nghề, làm giàu từ nghề mà còn thúc đẩy phát triển văn hóa mà còn góp phần tạo nên bản sắc, thương hiệu của Thủ đô. Qua đó sẽ góp phần định vị vị trí của Hà Nội, Thủ đô nghìn năm văn hiến, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo trên trường quốc tế. Vì thế, việc khơi thông nguồn lực văn hóa để phát triển bền vững là hết sức quan trọng” - Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng nêu bật tầm quan trọng của việc quảng bá văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế thông qua các sản phẩm độc đáo, đặc sắc của các làng nghề truyền thống của Hà Nội. Thành phố luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cũng như các doanh nghiệp phát triển để qua đó góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề gắn với công nghiệp văn hóa. Trong đó, Hiệp hội và mỗi doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa để tìm ra hướng đi phù hợp trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 cũng như những tác động của quá trình toàn cầu hóa.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh kiến nghị TP quan tâm đầu tư hơn nữa để làng nghề gốm sứ Bát Tràng để sớm trở thành làng nghề di sản của Việt Nam cũng như thế giới. Đồng thời, tại Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt có khu trưng bày gia phả nghề của 19 dòng họ gốc của làng Bát Tràng. Vì thế, rất mong TP cũng như các sở, ngành liên quan tạo điều kiện cấp phép để trung tâm này sớm trở thành bảo tàng không chỉ giới thiệu về gốm sứ Bát Tràng mà qua đó còn góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa Việt Nam.

Nhân dịp này, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu các sở, ngành của TP cũng như huyện Gia Lâm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, làng nghề ngày càng phát triển. Đồng thời tạo ra những sản phẩm ngày càng có chất lượng, không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống mà còn đóng góp ngày càng nhiều vào phát triển kinh tế địa phương và TP Hà Nội.