Mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn mới được nâng lên, một số cơ chế, chính sách hỗ trợ không còn phù hợp với thực tế. Do đó, đòi hỏi tỉnh cần sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách mới, phù hợp với thực tế và xu thế phát triển.
Để tạo động lực thực hiện các mục tiêu đề ra trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, giai đoạn 2016-2020, bám sát các nghị quyết về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và XDNTM, gồm: Cơ chế, chính sách khuyến khích XDNTM tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020; cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng huyện NTM trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; chính sách khen thưởng và hỗ trợ công trình phúc lợi trong thực hiện phong trào thi đua chung sức XDNTM trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020; cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020; cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020; chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025.
Thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển nông nghiệp và XDNTM, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ. Quá trình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đã và đang góp phần không nhỏ vào việc thay đổi toàn diện cả về lượng và chất trong lộ trình phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh giai đoạn qua.
Chính sách hỗ trợ đầu tư các công trình trong XDNTM được xem là chất “xúc tác” làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần làm nên những kết quả đáng ghi nhận trong XDNTM của tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thực hiện giải ngân hơn 669 tỷ đồng để hỗ trợ 189 xã xây dựng 189 công trình; trong đó có 58 trụ sở xã, 118 trung tâm văn hóa, thể thao xã và 13 trạm y tế. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá: Với việc hỗ trợ xây dựng công trình trụ sở xã, trạm y tế xã, trung tâm văn hóa thể thao xã đã giúp các xã XDNTM có thêm động lực xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện các tiêu chí NTM theo tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, là cơ sở để các địa phương trong tỉnh huy động được thêm gần 377 tỷ đồng, chiếm 36% tổng vốn đầu tư để đối ứng thực hiện đầu tư xây dựng các công trình.
Với chính sách hỗ trợ xây dựng huyện NTM trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 theo Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐND, ngày 2-7-2016 và Nghị quyết số 237/2019/NQ-HĐND, ngày 12-12-2019 của HĐND tỉnh, thực hiện hỗ trợ huyện đạt chuẩn NTM mức 20 tỷ đồng/huyện, giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã hỗ trợ 7 huyện, gồm: Yên Định, Quảng Xương, Đông Sơn, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, với tổng kinh phí 140 tỷ đồng. Chính sách đã có tác động tích cực, động viên, khuyến khích các huyện trên địa bàn tỉnh nỗ lực cao trong XDNTM.
Cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ XDNTM, các chính sách phát triển nông nghiệp cũng được các sở, ngành có liên quan của tỉnh cùng chính quyền các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần phát triển nông nghiệp theo định hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Điển hình như nhóm chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020. Với hơn 530 tỷ đồng được giao, trong đó, tổng kinh phí triển khai thực hiện được hơn 431,3 tỷ đồng, đạt 78,45% kế hoạch, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã triển khai thực hiện 8 chính sách hỗ trợ, gồm: Xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các xã miền núi; phát triển sản xuất rau an toàn tập trung; mua máy thu hoạch mía và hệ thống tưới mía mặt ruộng; phát triển vùng luồng thâm canh; hỗ trợ kinh phí thuê đất, thuê mặt nước của gia đình, cá nhân; hỗ trợ xây dựng hạ tầng khu trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn; hỗ trợ liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt; hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp.
Thực hiện có hiệu quả các chính sách nói trên, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng được 8.563 ha vùng thâm canh lúa tại các xã miền núi, hỗ trợ kiên cố hóa 103,58km kênh mương nội đồng và 105,36km đường giao thông nội đồng, mua 34 máy cấy và 39 máy thu hoạch lúa. Hỗ trợ sản xuất 244,5 ha rau an toàn tập trung chuyên canh; hỗ trợ xây dựng 661.653m2 nhà lưới phục vụ sản xuất rau an toàn; hỗ trợ kinh phí cho 72 cửa hàng kinh doanh, tiêu thụ rau an toàn; duy trì kiểm soát chất lượng và dán tem hàng năm cho 383,5 ha sản xuất rau an toàn. Hỗ trờ đầu tư xây dựng hạ tầng cho 34 khu trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Hỗ trợ liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt cho 17.135,8 ha cây trồng, hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng cho 5 dự án phát triển nông nghiệp...
Hầu hết các cơ chế, chính sách đưa vào triển khai đều phát huy hiệu quả thiết thực đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhận được sự hưởng ứng và hài lòng của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn một số chính sách chưa phù hợp với thực tế sản xuất của các địa phương, gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong việc tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ. Đơn cử như chính sách hỗ trợ xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các xã miền núi. Không thể phủ nhận chính sách đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả vùng sản xuất lúa thâm canh tại các xã miền núi, hạ tầng cơ sở được đầu tư, máy móc thiết bị được hỗ trợ, tạo điều kiện ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Tuy nhiên, do diện tích lúa của các xã miền núi manh mún, nhỏ lẻ, nên nhiều xã không bảo đảm điều kiện và tiêu chí tối thiểu để thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Hay đối với chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân liên kết sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm, phát huy vai trò của các doanh nghiệp, HTX trong việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, góp phần tăng giá trị sản phẩm so với bình quân toàn tỉnh từ 50 đến 150%. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện phát sinh nhiều vấn đề về sự liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp chưa đưa đến lợi ích lâu dài, bền vững cho nông dân, khi thị trường biến động về giá, các bên dễ phá vỡ hợp đồng, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách.
Qua đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho thấy: Có nhiều chính sách vẫn còn phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của ngành nông nghiệp trong tỉnh, như: Hỗ trợ sản xuất rau an toàn tập trung; hỗ trợ mua máy thu hoạch mía và hệ thống mía tưới mặt ruộng; hỗ trợ vùng luồng thâm canh; hỗ trợ hạ tầng khu trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn; hỗ trợ nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng mới... Tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích XDNTM, như: Hỗ trợ đầu tư các công trình; hỗ trợ thưởng cho xã, thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; hỗ trợ xây dựng huyện NTM. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị được dừng thực hiện một số chính sách, như: Hỗ trợ xây dựng cùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả tại các xã miền núi. Lý do là bởi hiện nay, vùng thâm canh lúa toàn tỉnh đã vượt mục tiêu đề ra, với diện tích đạt 158.158 ha, vượt 8.158 ha, sản lượng lương thực được xác định ổn định mục tiêu 1,5 triệu tấn/năm giai đoạn 2021-2025. Việc cung cấp lương thực cho các xã, huyện miền núi cơ bản thuận lợi, do vậy chỉ cần duy trì diện tích thâm canh lúa như hiện nay sẽ bảo đảm được an ninh lương thực. Bên cạnh đó, vùng thâm canh lúa của các xã miền núi được giao theo Quyết định 799/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh, ngày 10-3-2016 là 13.317,7 ha, đến nay đã thực hiện được 5.490 ha. Diện tích còn lại sau khi đã rà soát về cơ bản rất khó đầu tư xây dựng vùng thâm canh do quy mô diện tích cánh đồng nhỏ, địa hình không bằng phẳng, nguồn nước tưới thiếu chủ động, khối lượng và mức độ đầu tư giao thông nội đồng, thủy lợi nội đồng lớn, trong khi điều kiện kinh tế của Nhân dân còn khó khăn, nên ngoài phần hỗ trợ của tỉnh thì việc đóng góp kinh phí đối ứng trong Nhân dân rất hạn chế. Tiếp đó, sở đề xuất dừng thực hiện một số chính sách, như: Hỗ trợ kinh phí thuê đất, thuê mặt nước của hộ gia đình, cá nhân; hỗ trợ liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt; hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp... Lý do là hiệu quả thực hiện chính sách không cao, không còn phù hợp với thực tế.
Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện dự thảo đề án sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, dự thảo xây dựng 5 nhóm, với 19 cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh cho giai đoạn tới. Việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn được kỳ vọng sẽ là động lực để thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn của các thành phần kinh tế, nhằm thực hiện thắng lợi Chương trình phát triển nông nghiệp và XDNTM, giai đoạn 2021-2025.