
Phó Thủ tướng Lê Thành Long và các đại biểu dự Hội nghị - Ảnh: VGP
Sáng nay (10/5), tại tỉnh Quảng Nam, đã diễn ra Hội nghị triển khai Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án "Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực".
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư dự Hội nghị.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong chiến lược phát triển ngành dược liệu Việt Nam, góp phần quan trọng khơi thông, huy động các nguồn lực, thúc đẩy hình thành và phát triển nhanh, bền vững Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới.
Các cam kết phát triển trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp dược liệu. Tuy nhiên, nhiều năm qua ngành dược liệu của nước ta chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, chủ yếu khai thác thô, giá trị gia tăng thấp, chưa tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, dược liệu là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con người - Ảnh: VGP
"Việc phát triển trung tâm công nghiệp dược theo hướng hiện đại, chế biến sâu và xây dựng thương hiệu là hướng đi cấp thiết, đặc biệt là ở khu vực miền Trung Tây Nguyên, nơi có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp và diện tích dược liệu lớn", ông Đỗ Xuân Tuyên nói.
Vậy làm cách nào để triển khai Quyết định của Thủ tướng về phát triển trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam? Ý kiến của ông Tuyên cũng như nhiều đại biểu cho rằng, phải thu hút đầu tư vào nuôi trồng, chế biến các sản phẩm từ dược liệu. "Cần hỗ trợ thành lập hợp tác xã, các hiệp hội sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ sâm Ngọc Linh và dược liệu", đại diện Viện Dược liệu, Bộ Y tế nói.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Hải (THACO) - Tập đoàn đa ngành có tiềm lực lớn trong đầu tư nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ cam kết THACO sẽ đồng hành, tài trợ tích cực cho việc thực hiện Đề án đã được Thủ tướng phê duyệt. "Chúng tôi xem đây là sứ mệnh doanh nhân đối với đất nước", ông Trần Bá Dương nêu rõ.
Tổng Giám đốc Công ty Dược OPC Phạm Thị Xuân Hương cho rằng phát triển một trung tâm công nghiệp dược liệu là hoàn toàn đúng đắn, bởi mỗi doanh nghiệp đầu tư riêng lẻ thì không tạo thành chuỗi. OPC cam kết sẽ triển khai vùng trồng ứng dụng công nghệ cao, đồng thời thu mua đầu ra cho người dân cũng như sẽ đầu tư nhà máy chiết xuất hoạt chất tại Quảng Nam.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, Đề án chứa nhiều kỳ vọng, với nhiều mục tiêu phấn đấu, góp phần phát triển ngành dược liệu, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh Quảng Nam nói riêng, của Việt Nam nói chung - Ảnh: VGP
Các ý kiến cho rằng, cần gắn phát triển dược liệu với sinh kế người dân, bảo vệ rừng. Đề xuất giải pháp phát triển lâu dài, ông Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng Giám đốc Traphaco, một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng thành công chuỗi dược liệu chuẩn hóa, có năng lực cao trong xuất khẩu và hợp tác quốc tế cho rằng, cần thành lập Trung tâm bảo tồn và phát triển văn hóa thảo dược các dân tộc Quảng Nam. Trong trung tâm này, sẽ có vườn cây thuốc mẫu các dân tộc. Cần xây dựng chính sách cụ thể phát triển thị trường dược liệu giải quyết đầu ra một cách ổn định, đại diện Traphaco nói, tránh tình trạng như năm 2018 khi dịch sốt xuất huyết bùng phát thì lại 'cháy hàng' với cây cỏ mực, mã đề…
Mới chỉ là bước khởi đầu
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, dược liệu là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con người.
Với nguồn tài nguyên và hệ động thực vật phong phú đa dạng trải dài khắp cả nước, Việt Nam là một trong 15 nước trên thế giới có tên trong bản đồ dược liệu với hơn 5.000 loài thực vật có công dụng chữa bệnh.

Bày tỏ vui mừng chứng kiến ký kết các thỏa thuận hợp tác, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị các doanh nghiệp cùng tỉnh vì mục tiêu chung, "đã ký rồi thì phải thực hiện sớm" - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, xác định dược liệu là lĩnh vực có tiềm năng lớn, không chỉ góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, mà còn mở ra hướng đi bền vững cho kinh tế nông nghiệp. Theo Phó Thủ tướng, sự quan tâm như vậy là có cơ sở.
Những năm qua, nhiều chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách về phát triển dược liệu đã được ban hành, Phó Thủ tướng nêu rõ. Và việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực" mới là điểm khởi đầu, chứ chưa phải đích đến cuối cùng. "Còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới và chúng ta phải tổ chức thực hiện tốt", Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh các thế mạnh chung của Việt Nam, Quảng Nam còn có thế mạnh riêng, với đa dạng loài, họ thực vật làm thuốc, trong đó có 36 loài cây thuốc hiện nằm trong "Sách đỏ Việt Nam". Quảng Nam được mệnh danh là "Thủ phủ sâm Ngọc Linh" với trên 15.000 ha được quy hoạch để trồng sâm Ngọc Linh; có đặc điểm, điều kiện thuận lợi để phát triển dược liệu quý, trong đó có sâm Ngọc Linh.
Do đó, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, Đề án này chứa nhiều kỳ vọng, với nhiều mục tiêu phấn đấu, góp phần phát triển ngành dược liệu, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh Quảng Nam nói riêng, của Việt Nam nói chung.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long nghe giới thiệu về sâm Ngọc Linh - Ảnh: VGP

Sâm Ngọc Linh được trưng bày tại Hội nghị - Ảnh: VGP
Đề án xác định rõ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về: Thể chế chính sách; quy hoạch phát triển; xây dựng và phát triển vùng trồng; thu hút đầu tư; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; (vi) thông tin, tuyên truyền, quảng bá. Đồng thời, Đề án đưa ra những nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, cơ quan và địa phương.
Để tổ chức triển khai hiệu quả Đề án, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết, về cơ chế, chính sách, xuất phát đầu tiên phải từ Quảng Nam và các địa phương lân cận có điểm mạnh về trồng, chế biến, thương mại hóa sâm Ngọc Linh. Phải chủ động rà soát, xem còn cần chính sách nào khi mà ngành dược liệu, chuỗi sản phẩm sâm Ngọc Linh ngày càng phát triển.
"Chính phủ sẵn sàng lắng nghe, cùng các đồng chí xem còn cơ chế, chính sách nào đặc thù hơn nữa", Phó Thủ tướng nêu rõ và cho rằng, cần sự chủ động phối hợp giữa các tỉnh. "Đây là câu chuyện nhìn xa, làm lớn chứ không phải câu chuyện của một địa phương.
UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với các địa phương liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp liên kết, phát triển chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh dược liệu, các sản phẩm dược liệu.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long nghe giới thiệu về các sản phẩm làm từ sâm Ngọc Linh - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Trong thẩm quyền của mình, Quảng Nam cùng các địa phương trong vùng sớm hoàn thiện, công bố các quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch liên quan, xác định mặt bằng.
Quan tâm đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực trung tâm dược liệu. Trung tâm dược liệu cần được hiểu là một khu vực, một vùng, chứ không phải là một thiết chế.
Cần đa dạng hóa các hình thức hợp tác, các nguồn lực tài chính, con người… để xúc tiến, thu hút đầu tư. Ứng dụng rộng rãi công nghệ tiên tiến, trí tuệ nhân tạo vào quá trình sản xuất dược liệu. Chú trọng phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong quá trình trồng, khai thác, chế biến dược liệu.
Đề cập đến sự phối hợp của '4 nhà' (gồm Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, người nông dân), Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò hết sức quan trọng của tỉnh Quảng Nam. "Các đồng chí làm sao có cơ chế để định kỳ các nhà ngồi lại với nhau", như tổ chức hội nghị định kỳ bởi "nhiều cơ chế chính sách được đề xuất từ đây".
Bày tỏ vui mừng chứng kiến ký kết các thỏa thuận hợp tác, Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp cùng tỉnh vì mục tiêu chung, "đã ký rồi thì phải thực hiện sớm".
Hội nghị hôm nay là bước khởi đầu và đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu phát triển công nghiệp dược liệu Việt Nam, với tỉnh Quảng Nam là trung tâm và sâm Ngọc Linh là cây chủ lực. Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng, "với khí thế quyết tâm và nỗ lực của tất cả chúng ta, với các thỏa thuận đã ký kết, đồng hành của Chính phủ, biến Đề án thành hiện thực, đóng góp quan trọng đưa tỉnh Quảng Nam trở thành trung tâm của ngành công nghiệp dược liệu của cả nước; đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của cả nước".
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã chứng kiến ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác và thoả thuận nghiên cứu khảo sát đầu tư giữa lãnh đạo tỉnh với các cơ quan, đơn vị, nhà đầu tư đang nghiên cứu đầu tư tại Quảng Nam.