Ông Lê Ngọc Linh (ảnh trên) - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên nêu rõ: Nhằm thúc đẩy chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Thái Nguyên và tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ; quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn, nét văn hóa, ẩm thực độc đáo của đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đến đại biểu, doanh nghiệp du lịch, lữ hành tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Hôm nay, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Thái Nguyên nhằm giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người, các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn; qua đó tăng cường các hoạt động xúc tiến, liên kết phát triển du lịch, các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh giao lưu, tạo cầu nối để các gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội đối tác đầu tư, ký kết hợp tác khai thác phát triển tối đa tài nguyên du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch đặc trưng góp phần tăng lượng khách du lịch đến với Thái Nguyên.
Thái Nguyên là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá lâu đời với tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú. Trên địa bàn tỉnh có trên 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 01 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích, 57 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 237 di tích xếp hạng cấp tỉnh; gần 300 làng nghề, trên 200 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao, đây là nguồn tài nguyên giá trị để tỉnh Thái Nguyên phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Thái Nguyên còn là cái nôi cách mạng với những “địa chỉ đỏ” như: Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa; Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái. Thái Nguyên hấp dẫn du khách không chỉ bởi du lịch về nguồn tìm hiểu về các di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ mà còn bởi sự phát triển mạnh của du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, bởi đây là vùng đất non xanh nước biếc, khí hậu trong lành, được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan đẹp, có núi, rừng, sông, hồ, hang động, suối thác... với những danh thắng nổi tiếng như Hồ Núi Cốc, hồ Ghềnh Chè, hang Phượng Hoàng - Suối Mỏ Gà, những dòng suối, thác nước, bãi đá hoang sơ nơi sườn đông Tam Đảo, những đồi chè xanh ngát thơ mộng.
Đây là địa phương có diện tích và sản lượng chè lớn nhất cả nước (22,2 nghìn ha và 267,5 nghìn tấn búp tươi), và tổng thu từ cây chè năm 2023 ước tính lên đến gần 13 nghìn tỷ đồng. Cây chè và sản phẩm trà gắn bó với đất và người Thái Nguyên từ lâu đời, được vinh danh là “Đệ nhất danh trà”, nghệ thuật thưởng trà đã trở thành nét văn hóa rất riêng của người Thái Nguyên.
Tại các vùng chè nổi tiếng, nhiều hợp tác xã, cơ sở sản xuất chè đã đầu tư phát triển dịch vụ lưu trú, ăn uống, chăm sóc những nương chè đẹp, xây dựng khu vực chế biến, trưng bày giới thiệu và bán các sản phẩm trà cũng như không gian thưởng trà rộng rãi phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm. Thái Nguyên hiện có 11 điểm du lịch đã được UBND tỉnh ban hành Quyết định công nhận, tiêu biểu như: Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải được tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) trao giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022”, điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương, điểm du lịch cộng đồng xóm Tân Sơn, điểm du lịch sinh thái Phượng Hoàng, Trung tâm thương mại du lịch Dũng Tân…
Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung xây dựng phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa Trà; Du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm. Với nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn, độc đáo cùng với các giá trị văn hoá đặc sắc hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách một hành trình trải nghiệm trọn vẹn với đầy đủ sắc màu về vùng đất và con người Thái Nguyên.